Thành tựu trong công tác tôn giáo ở Việt Nam từ thời kỳ đổi mới đến nay
Ngày đăng: 22/11/2022Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với tôn giáo được hình thành, phát triển và ngày càng hoàn thiện hơn trong quá trình phát triển đất nước. Nhận thức về vấn đề tôn giáo, quan điểm chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta trước và sau thời kỳ đổi mới cũng có nhiều đổi mới. Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng, Nhà nước đã đổi mới công tác tôn giáo và đã giành được những thành tựu to lớn. Kể từ khi Nghị quyết số 25-NQ/TW ra đời hàng loạt các chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo được soạn thảo, ban hành và từng bước được hoàn thiện. Hệ thống chính sách mới đã làm chuyển đổi nhận thức của xã hội về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, nhiều vướng mắc trong quan hệ giữa Nhà nước và tôn giáo được tháo gỡ và ngày càng đạt đến sự đồng thuận; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được đảm bảo, tiếp tục mở rộng; đời sống tín ngưỡng, tôn giáo trở nên sinh động hơn trong con mắt bạn bè quốc tế. Những thành tựu đó đã làm thất bại âm mưu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá cách mạng và điều quan trọng hơn là mục tiêu của chính sách đã động viên được ý chí, sức mạnh của tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo tham gia công cuộc xây dựng, phát triển đất nước thời đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể khái quát một số thành tựu đạt được trong công tác tôn giáo ở Việt Nam từ thời kỳ đổi mới đến nay như sau:
Thứ nhất, đã làm chuyển biến căn bản nhận thức của xã hội, nhất là nhận thức của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở các cấp về tôn giáo và công tác tôn giáo.
Nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; coi trọng những giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo tốt đẹp; thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Tâm lý mặc cảm, định kiến với tôn giáo giảm dần; coi đồng bào có tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cũng là sinh hoạt văn hóa bình thường của nhân dân, quần chúng có đạo.
Thứ hai, diện mạo tôn giáo khởi sắc, tăng thêm tiềm lực cho tôn giáo và cho đất nước.
Nhờ hệ thống chính sách, pháp luật và những hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, có thể nói, chưa bao giờ sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân được thuận lợi như hiện nay. Năm 2003, cả nước có khoảng 17,4 triệu tín đồ chiếm 21,8% dân số, 15 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận thuộc 6 tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa hảo, Hồi giáo). Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW (khóa IX) và Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã có thêm 25 tổ chức đủ điều kiện được cơ quan Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, nâng tổng số các tổ chức tôn giáo được công nhận lên 41 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo, có 29.801 cơ sở thờ tự với 26.548.509 tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước[1]. Các tôn giáo ở Việt Nam đều có sự phát triển về tín đồ, chức sắc, nhà tu hành, cơ sở thờ tự được xây dựng mới, tu bổ khang trang, các lớp đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, in ấn kinh sách, các lễ hội tôn giáo ngày càng phong phú.
Thứ ba, ý thức chính trị của tổ chức, chức sắc/chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo ngày càng được nâng cao, đồng bào các tôn giáo thực hiện tốt trách nhiệm của tín đồ và nghĩa vụ công dân đối với đất nước.
Các hoạt động tôn giáo từng bước đi vào nề nếp, ổn định theo đúng Hiến chương, Điều lệ đã được phê duyệt, hoạt động thuần túy tôn giáo đảm bảo tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước; các giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được phát huy, các yếu tố tiêu cực từng bước bị đẩy lùi. Vì vậy, hoạt động của các tổ chức tôn giáo trong mối quan hệ với Nhà nước cũng theo chiều hướng tích cực thể hiện ở phương châm hành đạo, gắn bó đồng hành với dân tộc. Nhiều thư chung, thông bạch, văn bản của các chức sắc cao cấp, các tôn giáo gửi chức sắc, tín đồ khuyến khích tính thần đoàn kết và tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế… để họ có dịp thể hiện lòng yêu nước. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo đều có ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân của mình, hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật diễn ra không những góp phần tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi để đồng bào các tôn giáo phát huy được tính tích cực trong cộng đồng các dân tộc, đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn giúp các tôn giáo chủ động đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo chia rẽ đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo.
Thứ tư, chức sắc/chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa.
Quán triệt Nghị quyết 25-NQ/TW, nhận thức về trách nhiệm của hệ thống chính trị về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời đẹp đạo” trong quần chúng chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ có bước chuyển biến rõ rệt nhằm phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong khi đề ra các chủ trương và hoạt động của mình đã có ý thức, quan tâm hơn đến công tác tôn giáo, vấn đề phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từng bước đổi mới, phát huy dân chủ, mở rộng, đa dạng hoá các hình thức tập hợp quần chúng có đạo.
Trong những năm qua các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương, đóng góp sức người, sức của chung tay cùng nhân dân cả nước làm cho đời sống của người dân, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi: hệ thống ngõ xóm, kênh mương từng bước được bê tông hóa, nhiều cây cầu bê tông được xây dựng, an ninh trật tự trên địa bàn được bảo đảm. Nhiều mô hình vận động quần chúng có hiệu quả thiết thực được sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức, chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Tiêu biểu như các cuộc vận động “vì người nghèo”, phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “xây dựng nhà tình thương”, các cuộc vận động từ thiện, nhân đạo… Nhiều địa phương có những mô hình vận động hiệu quả như “hiến đất làm đường mở hẻm”, “tình nguyện vì cộng đồng”, mô hình “vận động giải quyết việc khiếu kiện đông người”; vận động “phát huy giá trị đạo đức tôn giáo vào thực tiễn xây dựng khu dân cư”, “xây dựng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo văn minh”; mô hình xây dựng “chùa cảnh tinh tiến”, “Chùa Khơ - me văn hoá”, các mô hình làng, xã văn hóa “sống tốt đời đẹp đạo”, “xứ họ đạo bình yên, gia đình công giáo gương mẫu”vận động “đóng góp xây dựng đường liên thôn, liên sóc, xoá cầu khỉ”;... Thông qua đó, đã lựa chọn được những nhân tố điển hình, tiêu biểu để xây dựng lực lượng nòng cốt, với 11.585 người tham gia Ban Chấp hành và cán bộ, công chức các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cụ thể (cấp tỉnh: 253; cấp huyện: 1.092; cấp xã: 10.240), coi đó là những nhân tố cốt cán của tổ chức[2].
Trong tham gia thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhiều tổ chức, chức sắc/chức việc, nhà tu hành tôn giáo tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo tham gia hiến đất, hoa màu, tài sản trên đất, đóng góp tiền ngày công lao động cho các công trình xây dựng cơ bản, phúc lợi xã hội ở cộng đồng... tham gia các hoạt động công ích làm đường, xây cầu, sân bóng, các công trình dân sinh, nhân rộng tuyến đường “Sáng – xanh – sạch – đẹp – văn minh”, “con đường hoa”, mô hình “ Đoạn đường tự quản”,... thông qua phong trào, nhiều vị chức sắc/chức việc, tu hành và tín đồ tôn giáo trở thành tấm gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua.
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã làm tốt vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận trong nhân dân, tuyên truyền động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở vùng đồng bào các tôn giáo. Đông đảo đồng bào có đạo đã có nhiều việc làm thiết thực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp tại các khu dân cư trên địa bàn; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Nhiều mô hình phù hợp với điều kiện của từng địa phương được triển khai như phong trào “Xây dựng chùa tinh tiến” và phong trào “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”.v.v... phù hợp với giáo lý, giáo luật của các tôn giáo. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ký kết chương trình phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với Hội đồng Giám mục Giáo hội Công giáo Việt Nam về an toàn giao thông nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ tham gia bảo đảm, trật tự an toàn giao thông.
Các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc đã tích cực hợp tác, vận động gia đình tín đồ chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy ước, hương ước của địa phương, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, rèn luyện thể dục, thể thao, đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong lao động sản xuất, trong khó khăn hoạn nạn, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đặc biệt là các quy định của Nhà nước về hoạt động tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực tham gia phòng, chống ma tuý, tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, kiên quyết đấu tranh làm thất bại các âm mưu lợi dụng tôn giáo để phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy các giá trị đạo đức tôn giáo truyền thống sống đạo tương thân, tương ái, đồng bào tôn giáo đã tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo và an sinh xã hội.
Đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Ở khu dân cư, Ban công tác Mặt trận, tổ an ninh, tổ hòa giải đã phối hợp tốt với chức sắc, tổ chức tôn giáo vận động bà con giáo dân tham gia đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, ma túy, mại dâm, trộm cắp; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có con em lầm lỡ, giúp các cháu vượt qua thử thách, không mặc cảm với xã hội, vươn lên hoà nhập với cộng đồng... Trong nội dung sinh hoạt tôn giáo, nhiều chức sắc tôn giáo đã nhắc nhở, khuyên răn tín đồ từ bỏ các tệ nạn xã hội để xây dựng cuộc sống lành mạnh, nhiều vị đã trực tiếp đi kiểm tra nhắc nhở và có cách giải quyết cụ thể đối với các tụ điểm thanh niên uống rượu, đánh bạc, chơi quá giờ quy định,... từ đó đã giáo dục được nhiều thanh niên chấp hành tốt, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.
Nhìn chung, các phong trào thi đua yêu nước đã thu hút đông đảo tín đồ tôn giáo tích cực tham gia và đã mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sâu sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào tôn giáo không ngừng được cải thiện, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước.
Thứ năm, các tổ chức, cá nhân chức sắc/chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, đặt nhiệm vụ phát triển dân sinh trong mối tương quan hài hòa và gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội. Quan tâm đầu tư cho vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo. Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, từng bước mở rộng diện bao phủ, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội, trong đó có các tổ chức tôn giáo và người dân.
Đối với tôn giáo, tham gia vào công tác an sinh xã hội vừa là đạo lý, vừa là chức năng xã hội quan trọng gắn với quá trình truyền giáo, phát triển đạo. Công tác an sinh xã hội được thực hiện đa dạng ở nhiều lĩnh vực với nhiều tổ chức và cá nhân tham gia. Hoạt động an sinh xã hội của các tôn giáo, không chỉ mang lại hiệu quả trong hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất, mà cao hơn là về mặt tinh thần. Sự chăm sóc tận tình, thái độ tôn trọng và cảm thông không ranh giới với người bệnh, người nghèo của các tu sĩ chính là nguồn động viên, khích lệ người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, góp phần làm giảm tải gánh nặng ngân sách nhà nước, đóng góp vào phát triển bền vững đất nước.
* Về giáo dục: Trong những năm qua các tôn giáo đã tích tham gia phát triển giáo dục mầm non và đạt được kết quả tốt. Theo báo cáo của các tỉnh/ thành phố, đến nay cả nước có khoảng 300 trường mầm non và hơn 1.000 nhóm, lớp mầm non độc lập do các tôn giáo thành lập, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số trường mầm non công lập và ngoài công lập, chiếm 15% so với trường mầm non do cá nhân ngoài công lập trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, một số tỉnh có tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập do tôn giáo thành lập khá cao như Bà Rịa – Vũng tàu 23,2% (33/142 trường), Lâm Đồng 11,8% (26/219 trường), Đồng Nai (25/272 trường), TP. Hồ Chí Minh 9,4 (86/912 trường và 40 nhóm lớp),.. Các cơ sở giáo dục mầm non do các tôn giáo thành lập đã huy động khoảng 130.000 trẻ đến trường/lớp , chiếm tỷ lệ hơn 3,06% so với tổng số trẻ đến trường mầm non trên toàn quốc (Công lập và ngoài công lập), chiếm 20% so với trẻ đến trường mầm non ngoài công lập[3].
Các cơ sở giáo dục mầm non do các tổ chức và cá nhân tôn giáo thành lập đều thực hiện nghiêm túc Chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT, không tuyên truyền các nội dung tôn giáo trong các cơ sở trường/lớp. Hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non đã quan tâm xây dựng được môi trường giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi; cơ sở trường lớp được xây dựng kiên cố, trang thiết bị đồ dùng học tập được đảm bảo yêu cầu, bếp ăn, y tế, công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn.
Về dạy nghề: Cả nước có 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, bao gồm: 1 cơ sở trường cao đẳng, 02 trường trung cấp nghề và 09 trung tâm dạy nghề. Hàng năm tuyển sinh đào tạo cho trên 2.000 người, với những ngành nghề mà xã hội đang cần nên đều đảm bảo đầu ra có công việc cho học viên. Nhìn chung, các cơ sở dạy nghề của tôn giáo đều có mục đích hoạt động phi lợi nhuận, hướng đến mục tiêu dạy nghề gắn với giáo dục đạo đức, trách nhiệm và kỹ năng lao động cho người học. Hàng ngàn lao động được đào tạo có việc việc làm, thu nhập ổn định, góp phần giải quyết khó khăn cho người dân và chia sẻ với Nhà nước.
Về bảo trợ xã hội: Hiện nay, cả nước có 113 cơ sở trợ giúp xã hội đã được cấp có thẩm quyền đăng ký hoạt động (thành lập theo Nghị định 68/2008/NĐ-CP), chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số 2.600 nhân viên, bình quân 1 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo chăm sóc, nuôi dưỡng 104 đối tượng bảo trợ xã hội. Các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp nhiều nhóm dịch vụ khác nhau như chăm sóc, nôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hóa, dạy nghề, hướng nghiệp; cung cấp các dịch vụ công tác xã hội; hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, một số cơ sở của Phật giáo, đạo Tin lành tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh đang tổ chức các mô hình tư vấn, hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS và tổ chức cai nghiện ma túy.
Hoạt động y tế, khám chữa bệnh, từ thiện nhân đạo: Những năm qua, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xã hội hóa về y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo theo hai hình thức chủ yếu: hoạt động thường xuyên và hoạt động không thường xuyên. Hầu hết các tôn giáo đều có phòng khám, tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí chăm sóc sức khỏe cho Nhân đan, nhất là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, vơi nhiều mô hình, cách làm thiết thực, ý nghĩa. Theo số liệu tổng hợp từ Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Tổng số chức sắc/chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo tham gia khám chữa bệnh: 13.027 người. Tổng số cơ sở khám chữa bệnh, chăm sóc y tế là 283 cơ sở. Số lượt người được khám, cấp thuốc hàng năm tại các cơ sở chuyên khoa: 1.512.727 lượt người. Số lượt người được khám, cấp thuốc hàng năm tại các cơ sở phòng chuẩn trị Y học cổ truyền của tôn giáo khoảng: 14.233.253 lượt người. Số lượt người được người được khám, cấp thuốc hàng năm tại các cơ sở bệnh xã của tôn giáo: 179.025 lượt người. Số người được khám, cấp thuốc hàng năm tại các tại các cơ sở khác: 7.577.602 lượt người. Tổng giá trị các hoạt động hỗ trợ, ủng hộ trong lĩnh vực y tế trong 5 năm (2015 – 2020) qua của tôn giáo trong lĩnh vực y tế: 6.890.837 tỷ đồng, tham gia ủng hộ các chương trình y tế của địa phương y tế của địa phương: 3.075.077 tỷ đồng, ủng hộ khám chữa, bệnh, phòng thuốc lưu động: 2.480.560 tỷ đồng[4]
Những hoạt động y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo trên của các cá nhân, tổ chức tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua đã góp phần giảm gánh nặng cho Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19, dịch viêm đường hô hấp cấp xảy ra vào tháng 3/2020, với tinh thần, trách nhiệm cao với đất nước, phát huy truyền thống tốt đẹp gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sống “tốt đời đẹp đạo” 41 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh với nhiều hoạt động thiết thực và cụ thể, hủy hoặc tạm dừng các hoạt động lễ hội, các buổi họp, thuyết giảng, khóa tu tập trung đông người và nhiều sinh hoạt , hoạt động tôn giáo ở cộng đồng và cơ sở tôn giáo, góp phần cùng cả nước chống dịch. Thực hiện lời kêu gọi của tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch Covid – 19, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, vận động các tổ chức tôn giáo tham gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp với tinh thần chủ động, sáng tạo, có nhiều hoạt động phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện của mỗi tôn giáo. Đến nay, qua tập hợp kết quả cho thấy 41 tổ chức tôn giáo đều có văn bản hướng dẫn chức sức/chức việc, nhà tu hành, tín đồ tham gia phòng chống dịch rất tích cực, đồng thời với nhiều hình thức ủng hộ bằng thiết bị y tế, hàng hóa trị giá hơn 300 tỷ đồng góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước[5].
Có thể nói, những hoạt động từ thiện, tham gia các hoạt động y tế hiện nay của các tổ chức tôn giáo đã làm nổi bật tính “thiện” của các tôn giáo, mang lại sự gần gũi về một sự giải thoát ngay trong đời sống hiện thực của các tôn giáo. Điều này giúp cho các tín đồ - những người được cứu giúp, được thụ hưởng từ những hoạt động từ thiện của các tôn giáo thấy gần gũi, có thiện cảm hơn với các tôn giáo. Ngược lại, những tín đồ tôn giáo – là những người đóng vai trò chủ nhân của những hoạt động này cũng được thỏa mãn, bởi đã được thực hành những giá trị tốt đẹp của tôn giáo mình, họ đã được “cứu vớt” về mặt linh hồn trong những hành động thực tế này, từ đó kích thích họ hơn trong những việc “hành thiện” tiếp theo của mình trong đời sống giác ngộ đức tin tôn giáo.
Thứ sáu, các tổ chức, cá nhân tôn giáo hưởng ứng tích cực chủ trương bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới sự phát triển bền vững đất nước
Biến đổi khí hậu, mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Ở Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,7o C, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm. Hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (2007), Việt Nam là một trong năm nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mê Công bị ngập chìm nặng nhất. Nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%. Nếu nước biển dâng 3m sẽ có khoảng 25% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất đối với GDP lên tới 25%. Hậu quả của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là nghiêm trọng và là một nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Vì vậy, nếu không quan tâm đúng mức công tác bảo vệ môi trường, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường. Để làm được việc này cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Trong đó, không thể thiếu vai trò của các tổ chức tôn giáo trong hoạt động truyền thông, tuyên truyền về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đồng thuận, nhất trí của lãnh đạo cấp cao đại diện cho 14 tôn giáo và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 08/3/2016, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký Quyết định số: 763/QĐ-MTTW-BTT thành lập Ban Chỉ đạo chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Thành phần Ban Chỉ đạo gồm Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA Việt Nam), lãnh đạo cấp cao của 14 tôn giáo.
Đến nay, đã có 63/63 tỉnh/thành phố tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo trực thuộc cấp tỉnh tại địa phương. Thông qua các cuộc vận động, các phong trào do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, các tôn giáo tuyên truyền cho tín đồ nâng cao tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng, trồng cây xanh, chôn lấp rác thải đúng nơi quy định, xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp… góp phần cùng chính quyền, nhân dân xây dựng nông thôn mới. Qua đó, tạo sự chuyển biến và vận hành đồng bộ từ trung ương đên địa phương với nhiều cách làm hay, nhiều hoạt động sáng tạo và 1014 mô hình của các tôn giáo về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu ở các địa phương được xây dựng triển khai có hiệu quả. Có thể kể một số mô hình điểm có nhiều hiệu quả trong thực tiễn như: mô hình “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, hạn chế việc sử dụng vàng mã trong các cơ sở thờ tự” của Phật giáo; mô hình “Cộng đồng tôn giáo và cư dân thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” các hộ gia đình trồng rau sạch, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, tổ chức chăn nuôi khu tập trung xa khu dân cư, thu gom rác thải gia đình theo quy định của Giáo xứ Công giáo Cẩm Cơ, xã Hồng Vân, Thường Tín, Hà Nội; mô hình “Giáo xứ an toàn – sáng – xanh – sạch – đẹp” của Giáo xứ Thánh Mẫu, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng; mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” của đồng bào người Chăm theo đạo Bà La môn, tỉnh Bình Thuận;mô hình “Xử lý rác thải, xây dựng lò đốt rác, trồng cây xanh, bình chữa cháy” của Phật giáo Hòa Hảo,...
Hoạt động hiệu quả của các mô hình nói trên góp phần từng bước thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của chức sắc/chức việc, nhà tu hành, tín đồ nói riêng và của xã hội nói chung với vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến sự phát triển bền vững đất nước.
Trong quá trình đổi mới đất nước, chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam ngày càng cởi mở, không chỉ tạo điều kiện cho tôn giáo hoạt động ổn định, phát triển theo quy định của pháp luật và gần đây trong văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định, nhìn nhận giá trị đạo đức, văn hóa và đóng góp của tôn giáo trong phát triển đất nước. Đây là cơ sở định hướng trong nhận thức và thực hiện có hiệu quả công tác tôn giáo, tiếp tục phát huy “các nguồn lực của các tôn giáo” cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đồng thời cũng là cơ sở quan trọng để các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, tạo mối quan hệ gắn bó trong hoạt động tôn giáo và hoạt động xã hội./.
Nghiêm Thị Vi Anh
[1] Báo cáo“Tổng kết tình hình, công tác năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2021 của ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo” của Ban Tôn giáo Chính phủ
[2] Số liệu báo cáo “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo”
[3] Theo báo cáo số 274/BC-MTTW – BTT ngày 31/12/2020 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam “Sơ kết 05 thực hiện kết luận số 02/KL-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN về đổi mới nội dung phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác tôn giáo”
[4] Theo báo cáo số 274/BC-MTTW – BTT ngày 31/12/2020 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam “sơ kết 05 thực hiện kết luận số 02/KL-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN về đổi mới nội dung phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác tôn giáo”
[5] Báo cáo“Tổng kết tình hình, công tác năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2021 của ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo” của Ban Tôn giáo Chính phủ