Những lớp học trong chùa Khmer ở miền Tây Nam Bộ
Ngày đăng: 09/06/2021
Một lớp học trong chùa Khmer tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh
Những năm qua, nhiều chùa Khmer ở các tỉnh miền Tây Nam bộ đã mở lớp dạy chữ Khmer cho học sinh nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ tiếng mẹ đẻ và những giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của dân tộc mình.

Đa dạng hóa các hoạt động dạy chữ

Xã Châu Lăng, huyện miền núi Tri Tôn, tỉnh An Giang có 2.372 hộ đồng bào Khmer sinh sống với số nhân khẩu chiếm trên 65% dân số của xã. Nhu cầu học tiếng, học chữ Khmer của bà con rất lớn. Để đáp ứng nguyện vọng đó, từ nhiều năm nay, Chùa Chi Ka Êng Krom, ấp Tà On trong xã tổ chức các lớp dạy chữ Khmer cho các em học sinh người Khmer trong dịp hè. 

 Tại Chùa, các em học sinh không chỉ học tiếng, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hóa của dân tộc Khmer, mà còn được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, lại được chăm lo khá chu đáo về dinh dưỡng. Vì thế, ngày càng có nhiều học sinh là con em dân tộc Khmer tham gia các lớp học. Các phật tử trong các phum, sóc ủng hộ nhà chùa sách, vở, dụng cụ học tập. Đứng lớp giảng dạy là các sư, sãi tu tập nhiều năm trong chùa và từng được tập huấn về nghiệp vụ sư phạm. Sư thầy Chau Đô Rone, một người trực tiếp tham gia giảng dạy, cho biết: Năm nay có khoảng 50 em theo học các lớp khác nhau. Các lớp được phân theo trình độ, từ lớp 1, 2, 3. Để các em học sinh dân tộc dễ tiếp thu, một số bài giảng được soạn thành các bản nhạc có vần điệu”. 

Để các em thi đua và có động lực học tập, cuối khóa học, chùa xếp loại, có phần thưởng nhằm động viên những em đạt kết quả tốt, như: Tặng xe đạp, sách vở, đồ chơi cho các em. 

Học chữ để sống tốt đời, đẹp đạo

Huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh có dân số 112.363 người với 29.027 hộ, trong đó hộ đồng bào Khmer chiếm 30,24%. Thượng tọa Kim Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Tiểu Cần cho biết: Toàn huyện có 15 chùa Phật giáo Nam Tông Khmer, với 303 vị sư. Các chùa đều mở lớp dạy chữ Khmer cho các Acha và con em phật tử tu học. Số học sinh theo học 5 năm qua lên tới 10.161 em. 

Ngoài sử dụng giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sư còn sử dụng những quyển kinh phật bằng tiếng Khmer để thuyết giảng, như một phương pháp học đạo nhằm giúp học viên thấm nhuần tinh thần “sống tốt theo đạo và đời”. “Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Ban Quản trị các chùa thường xuyên vận động phật tử hỗ trợ đồ dùng dạy học, xe đạp để tặng cho học sinh có thành tích tốt, giúp các em hứng khởi, yên tâm đi học”, Thượng tọa Kim Mạnh cho biết. 

Hoạt động dạy chữ Khmer trong các chùa ở miền Tây Nam bộ luôn được sự ủng hộ, khuyến khích từ chính quyền địa phương và đồng bào phật tử, cả về tinh thần cũng như các hình thức hỗ trợ vật chất, kinh phí. Nhờ vậy, tinh thần học tập và ý thức của đồng bào Khmer trong việc tham gia giữ gìn chữ viết, bản sắc truyền thống dân tộc trên địa bàn Tây Nam bộ ngày càng nâng cao. 

Truyền chữ trong mùa hè Covid-19

Cứ vào dịp hè về là con em đồng bào dân tộc Khmer ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng lại nô nức đến các chùa Khmer học tiếng mẹ đẻ, do chính các vị sư tại chùa trên địa bàn giảng dạy. Mùa hè 2021, dịch bệnh Covid - 19 bùng phát và diễn biến phức tạp, các nhà sư đã tìm ra nhiều cách giúp phật tử và trẻ em học tiếng mẹ đẻ, hạn chế đến chùa tập trung đông người.

Lớp dạy tiếng Khmer năm 2020 tại tỉnh Sóc Trăng

Đồng bào dân tộc Khmer tại thị xã Vĩnh Châu có hơn 88.100 người, chiếm gần 53% dân số; toàn thị xã có 21 chùa Khmer. Để bảo tồn tiếng mẹ đẻ, hàng năm cứ vào dịp hè, các chùa mở nhiều lớp dạy tiếng Khmer cho con em phật tử trên địa bàn.

Theo Đại đức Lý Phét, Trụ trì chùa Kandal, phường Vĩnh Phước, các lớp học chữ Khmer tại chùa, từ người dạy, đến người tham gia học đều xuất phát từ lòng nhiệt huyết bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình. Hè năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, ngay từ đầu hè, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh đã có công văn tạm dừng việc dạy tiếng Khmer tại chùa. 

"Quán triệt tinh thần phòng, chống dịch, nhà chùa cũng không mở lớp học như mọi năm, nhưng do nhiều gia đình đến xin học, các sư đã thay đổi cách học, các sư nói vui với nhau là “truyền chữ” chứ không phải là dạy chữ dịp hè. Các sư hướng dẫn các phật tử, gia đình không tụ tập đông người. Đồng thời,  duy trì việc học bằng cách chia người học thành các nhóm nhỏ, khoảng vài ba người để dạy, sau đó những người này sẽ về gia đình dạy lại cho các em nhỏ; các nhà sư sẽ thường xuyên đến tại nhà phật tử để kiểm tra việc "truyền chữ", Đại đức Lý Phét cho biết.

Theo lời giới thiệu của Đại đức Lý Phét, chúng tôi đến thăm gia đình ông Sơn Siêm, năm nay đã hơn 70 tuổi, người tham gia học và “truyền chữ” của nhà sư. Ông Sơn Siêm cho biết: Do dịch bệnh, các cháu của ông được nghỉ hè sớm. Để phòng, chống dịch, nhà chùa không tập trung để dạy chữ như mọi năm, mà đã có cách truyền chữ phù hợp mùa dịch.

Cầm bộ sách và tập, viết mà nhà chùa tặng, ông Siêm chia sẻ: "Hè năm trước, nhà tôi có 5 đứa cháu đến chùa học; năm nay do dịch nên 1 tuần, 2 buổi chiều tôi và một cháu đến chùa để được các sư dạy cho cả hai ông cháu. Sau đó về nhà chúng tôi “truyền chữ” lại cho các cháu ở nhà". 

Chị Thị Kim Lươl, cũng là một trong những người đến chùa xin sách và muốn được “truyền chữ”, chia sẻ: Nhà chị có 2 đứa con và 3 đứa cháu, cha mẹ nó đi làm thuê xa nhà gửi lại chị nuôi. Hoàn cảnh khó khăn nên lên chùa xin học hè, rồi các sư cho bộ tập, sách để cho 5 đứa nhỏ cùng học. 

"Nhà chùa xếp cho một tuần 2 buổi, tôi cho đứa lớn sang chùa để cùng học với các chú tiểu, sau đó về nhà nó dạy lại cho các em. Sau một tuần, Đại đức cử một sư xuống nhà kiểm tra cho 5 đứa, cũng may có có cách này, chứ không biết sao cho tụi nhỏ học tiếng Khmer để biết chữ”, chị Lươl cho hay.

Tương tự, chùa Sala Pôthi ở phường 2, thị xã Vĩnh Châu cũng là một trong những ngôi chùa mở lớp dạy chữ Khmer từ rất sớm; và có nhiều con em đồng bào Khmer đến học chữ Khmer đông nhất ở thị xã Vĩnh Châu.

Đại đức Lưu Hạnh, Phó Trụ trì Chùa Sala Pôthi, cho biết: Bao năm qua, việc dạy và học ngôn ngữ Khmer được các chùa đặc biệt quan tâm, vì vậy mà nhà chùa tạo mọi điều kiện để các em đến lớp, từ hỗ trợ tập viết cho đến thay đổi cách giảng dạy để truyền cảm hứng thu hút các em đến học. 

"Do dịch bệnh, các sư đã chuẩn bị sách giáo khoa theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và nhiều tập vở để hướng dẫn các em tự học tại nhà. Các sư chia nhau để thường xuyên xuống từng nhà để kiểm tra. Cách này không hiệu quả bằng học tập trung tại chùa, nhưng cũng phần nào giúp các em nhớ từ”, Đại đức Lưu Hạnh cho biết.

Từ bao đời nay, các chùa là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, trong đó, việc gìn giữ ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc trong các chùa vào mỗi dịp hè, là một trong những việc làm có ý nghĩa đối với thế hệ con em dân tộc Khmer, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn bản sắc văn hoá của dân tộc. 

 

Nguyễn Ngọc Huấn (tổng hợp)