Lễ hội Halloween từ góc nhìn văn hóa
Ngày đăng: 31/10/2022
31/10 hằng năm, lễ hội hóa trang Halloween được người dân nhiều quốc gia trên thế giới tổ chức. Tại Việt Nam, đây là lễ hội du nhập và phát triển từ đầu thế XXI đến nay, được giới trẻ tại không ít các đô thị nhiệt tình hưởng ứng,tham gia. Sẽ không có gì đáng nói nếu giá trị nguyên gốc của Halloween là tôn vinh các Thánh và xua đuổi ma quỷ của Kitô giáo lại biến thành việc “gần gũi” với ma quỷ của không ít người trẻ tuổi.

Ý nghĩa của Halloween và sự tiếp biến trong giới trẻ

Tên gọi Halloween có nguồn gốc từ All Hallows’ Eve, nghĩa là buổi chiều sát ngày Lễ các Thánh. Đây là ngày các Kitô hữu chuẩn mình dọn mình cho ngày lễ được cử hành vào ngày 1/11 hằng năm, để tôn vinh toàn thể các Thánh. Vào 31/10, các tín hữu châu Âu thời cổ đại tin rằng trái đất rung chuyển, ma quỷ chui lên nhằm lôi kéo các linh hồn xuống địa ngục. Thế nên vào buổi chiều sát ngày Lễ các Thánh, mọi người ra đường, mặc những trang phục kinh dị, miệng hô vang Chúa Giêsu và tạo ra những tiếng động từ chiêng, trống để xua đuổi ma quỷ.

Còn tại Ireland, có truyền thuyết liên quan đến Halloween. Theo đó, một người tên là Jack, một hôm, mời quỷ uống rượu nhưng lại không muốn trả tiền nên dụ dỗ quỷ biến thành tiền để mua rượu cùng uống. Quỷ biến thành tiền thì Jack lại bỏ vào túi áo trong đó có sẵn một thánh giá bằng bạc khiến qủy không thể trở lại nguyên hình. Sau đó, Jack giải phóng cho quỷ với điều kiện là không được quấy nhiễu Jack trong 1 năm, khi Jack chết, quỷ cũng không được thu linh hồn của Jack. 

Năm sau, Jack lại lừa được quỷ leo lên cây cao hái quả. Ở dưới, Jack khắc một thánh giá vào thân cây. Quỷ sợ không dám xuống cho đến khi quỷ hứa không được quấy nhiễu Jack thêm 10 năm nữa. Khi qua đời, hồn ma của Jack đến gõ cửa thiên đường, nhưng thượng đế không nhận một kẻ tinh ranh láu cá. Xuống địa ngục thì gặp quỷ nên Jack cũng không muốn. Tuy nhiên, quỷ giữ lời hứa không bắt hồn Jack, quỷ đuổi đi và cho một cục than hồng để dò dường trong đêm. Jack bỏ cục than cháy đỏ vào một củ cải khoét ruột làm đèn và từ đó cứ luẩn quẩn khắp dương gian. Người Ireland gọi là Jack of the Lantern, tức là Jack lồng đèn, và sau biến thành Jack-O'Lantern.  

Ý nghĩa của câu chuyện trên được hiểu là sống không nên tham lam, bủn xỉn, keo kiệt. Phải có lòng bác ái, từ bi, giúp đỡ tha nhân. Không nên chơi đùa với ma quỷ. Nghĩa bóng của câu chuyện được hiểu là những trò lừa lọc hoặc đe dọa, làm cho người khác sợ hãi; chơi đùa, giao du với ma quỷ sẽ dễ bị cám dỗ đi vào đường tối tăm, tội lỗi.

Ngày nay, ý nghĩa tôn giáo của Halloween ở nhiều nơi không còn nguyên bản, mà chỉ còn là lễ hội hóa trang mang tính giải trí thuần túy, thậm chí còn liên quan đến những tệ nạn như bia rượu, ma túy… Điều đó đồng nghĩa với việc thay vì xua đuổi ma quỷ, đi thì lại rước cái ác vào tâm hồn mình.

Nhiều năm qua, tại các đô thị lớn ở Việt Nam, Halloween là một lễ hội mang lại doanh thu lớn của các loại hình kinh doanh, dịch vụ, giải trí. Có nơi doanh thu của ngày này chỉ đứng sau dịp Giáng sinh. Điều này giải thích tại sao các cơ sở kinh doanh từ bánh kẹo, đồ uống, trang phục với phù thủy, yêu ma, đèn lồng, ma cà rồng… cho đến nhà hàng, quán bar, vũ trường đều quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội. Những điều này vô hình trở thành một trong những tác nhân cổ xúy cho phong trào Halloween với những hình ảnh phản cảm như máu me, chết chóc, say xỉn…

Cận kề Halloween, thị trường đồ hóa trang ở nhiều đô thị nhộn nhịp. Nhiều vật dụng hóa trang ghê rợn, biến tướng được săn lùng. Những món đồ chơi phục vụ cho mùa lễ hội này đã khiến không ít người hãi hùng. Đêm Halloween ở các vũ trường, quán bar trở thành chốn ăn chơi với những hình thù khiếp đảm nhảy nhót…

Việc bị thương mại hoá và mang nhiều tính giải trí, nên Halloween ngày nay đã mất đi ý nghĩa tôn giáo vốn có và bị khoác vào mình không ít tiêu cực, nếu không muốn nói đi ngược lại giáo lý Kitô giáo. Không ít người trẻ tuổi ở các thành phố lớn hoá trang thành các phù thủy, ma quỷ, các nhân vật sát nhân trong các bộ phim kinh dị với cảm giác kinh hãi và chết chóc để hù dọa hay làm kinh hãi người chung quanh, nhất là với trẻ em. Không ít trẻ nhỏ bị sốc khi nhìn thấy những con người kinh dị quanh mình trong lễ Halloween, tạo những sang chấn tâm lý lâu dài.

Nhiều cửa hàng trên phố Hàng Mã, Hà Nội giăng kín các loại trang phục hóa trang kinh dị dành cho lễ hội Halloween

Thực tế tại nhiều quốc gia, cũng như ở Việt Nam, nhiều Kitô hữu vẫn thực hành Halloween theo giá trị nguyên thủy. Việc hưởng ứng, tham gia của nhiều thanh niên Việt Nam như thực trạng nêu trên mang tính tiếp biến có yếu tố xa rời nguyên thủy cơ bản và nằm trong những người không có niềm tin Kitô giáo.

Ở phương diện quốc tế, người tham dự Halloween để lại sự việc đau thương. Như sự cố chen lấn, giẫm đạp trong lễ hội Halloween tại Itaewon, Seoul, Hàn Quốc đêm 29/10/2022, khiến trên 150 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương (tính đến ngày 30/10). Lễ hội hóa trang này có sự tham gia của hàng vạn người và theo giới chức Hàn Quốc, phần lớn số người tham gia trong độ tuổi 20. Được biết, nhiều nạn nhân thiệt mạng và bị thương là nữ giới, do thể hình nhỏ bé và thể chất không bằng nam giới. Ngoài ra, trang phục rườm rà cũng là tác nhân ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động trong lúc xảy ra sự việc. Đây được coi là thảm kịch trong lễ hội văn hóa. Ngày 30/10, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố quốc tang cho nạn nhân thiệt mạng. Nhiều nguyên thủ quốc gia, giới chức ngoại giao quốc tế…đã gửi điện chia buồn tới Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc.

Tiếp nhận văn hóa từ góc độ cá thể

Con người là chủ thể sáng tạo và tiếp nhận văn hóa. Văn hóa tồn tại dưới hai dạng là vật thể và phi vật thể và phi vật thể. Cá nhân và cộng đồng thông qua hoạt động lao động, sản xuất hình thành nên văn hóa, kết tinh thành các giá trị. Bản sắc của một dân tộc, một quốc gia được phản ánh qua bản sắc văn hóa, cốt cách con người nơi đó. Văn hóa của mỗi quốc gia có những nét riêng, song giá trị chung của văn hóa toàn nhân loại là chân - thiện - mỹ.

Trong Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII và Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về công tác văn hóa, Chiến lược văn hóa đến năm 2030 có một điểm quan trọng là: Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo…

Con người (cụ thể là mỗi cá nhân) là chủ thể tiếp nhận các giá trị văn hóa. Chủ thể văn hóa đó phải có một bản lĩnh, một trình độ nhận thức nhất định. Đó là năng lực tự thân và quan trọng hơn là nó được vun trồng, nuôi dưỡng từ gia đình, nhà trường, xã hội. Muốn bảo tồn được các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời vẫn tiếp thu được các giá trị văn hóa nhân loại thì điều cốt yếu là phải tích cực tuyên truyền, giáo dục cho chủ thể văn hóa Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, giúp họ hiểu được những giá trị của văn hóa truyền thống, nhận thức được các mặt tốt xấu, qua đó có “sức đề kháng” khi tiếp nhận văn hóa ngoại lai.

Gắn với trường hợp lễ hội Halloween, nếu nhiều người trẻ tuổi ý thức được giá trị nguyên gốc của hoạt động này, cùng với “phông” văn hóa đủ dày thì lễ hội Halloween tại Việt Nam sẽ không biến tướng, lai căng, ma quái đến vậy. Do đó, các nhà nghiên cứu văn hóa có lý khi cho rằng, tiếp nhận văn hóa cần phải được quy chiếu từ nhãn quan của hành vi tự ý thức.

Việc tiếp nhận văn hóa quốc tế là điều không xa lạ trong quá trình hội nhập văn hóa của Việt Nam, song cách tiếp nhận mới là điều đọng lại. Bản thân lễ hội quốc tế du nhập vào Việt Nam không mang tính tiêu cực, mà chính những người tiếp nhận không đủ kiến văn, sở học… nên cách thực hành sự kiện văn hóa sẽ xuất hiện sự lệch lạc.

Trong thực tế, ở những gia đình và cộng đồng triển khai giáo dục thường xuyên về văn hóa truyền thống, những biểu hiện học đòi, chạy theo văn hóa ngoại lai sẽ ít xảy ra, hoặc sẽ xảy ra nhưng sự phản cảm không nhiều. Đặc điểm này được phản ánh qua lịch sử, ví như thời điểm diễn ra cuộc Âu hóa ở đầu thế kỷ XX. Nhiều gia đình, tổ chức, hội nhóm trí thức ngoài việc tiếp nhận văn hóa Âu châu nhưng vẫn cố gắng duy trì, khơi gợi các thành tựu văn hóa của quốc gia.Chính sự đan xen đó đã tạo điều kiện cho tiếp nhận văn hóa quốc tế tăng lên, song cũng hạn chế được khả năng tiếp nhận, biến đổi văn hóa từ mỗi cá nhân cho đến cộng đồng. Qua đó, tạo nên “bản lĩnh” để hòa nhập nhưng không hòa tan. Trên thực tế, không ít người có kiến văn, sở học, cơ tầng văn hóa sâu rộng, thậm chí gần cả cuộc đời sống ở ngoại quốc nhưng không bị phai nhạt cốt cách truyền thống. Nói cách khác, họ biết tiếp nhận cái mới của văn hóa quốc tế khi đã không ngừng hoàn thiện nội lực văn hóa của dân tộc mình.

Để có được giá trị văn hóa sau khi đã tiếp nhận là quá trình mỗi chủ thể phải trải qua nhiều bước như tiếp nhận, phân tích, đánh giá sự phù hợp về giá trị của nó với bản thân. Ví như với lễ hội Halloween, nhu cầu giải trí bằng việc hóa trang của nhiều người trẻ tuổi là bình thường, giống như nhiều nhu cầu giải trí khác. Tuy nhiên, việc hóa trang trở thành ma quỷ để thỏa mãn thú vui nhất thời, gây phản cảm, tạo hiệu ứng xấu với môi trường xã hội, không đem đến giá trị nhân văn cho cộng đồng thì có nghĩa các chủ thể đó chưa xác lập hoặc xác lập chưa đầy đủ các bước nêu trên.

Vượt ra ngoài khuôn khổ lễ hội tôn giáo, Halloween trở thành lễ hội văn hóa khá phổ biến trong nhiều người thuộc giới trẻ Việt Nam. Từ thực trạng tiếp cận và việc thực hành lễ hội này một lần nữa cho thấy nội lực văn hóa nằm trong nội lực nhận thức và hành động của mỗi cá nhân. Những chính sách quản lý, thúc đẩy và phát triển văn hóa nếu kịp thời sẽ làm nội lực này đủ sức đề kháng trong hội nhập quốc tế. Nếu các ngành chức năng có vai trò quan trọng về mặt quản lý, định hướng, giáo dục…thì mỗi con người cũng giữ vai trò quan trọng không kém bởi họ là chủ thể của văn hóa, xây dựng văn hóa phải bắt đầu từ xây dựng con người văn hóa./.

 

Bùi Quý