Lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bác sĩ Công giáo Vũ Đình Tụng
Ngày đăng: 09/11/2022
Bác sỹ Vũ Đình Tụng (trái) và lá thư Bác Hồ gửi bác sỹ ngày 27/7/1949 (khi ông là Bộ trưởng Bộ Thương binh Cựu binh)
Việc học tập tư tưởng, phong cách, đạo đức, tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã được toàn Đảng và toàn dân tích cực thực hiện, đã đem lại kết quả rất tích cực, làm chuyển biến mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần nâng cao bản lĩnh, đạo đức, lối sống của nhiều người, nhất là cán bộ, công chức. Nội dung việc học tập tấm gương của Bác có trong nhiều tác phẩm và ngay chính qua các việc đời thường của Bác, từ những câu chuyện nhỏ thật giản dị nhưng đem lại những bài học lớn về giá trị phẩm chất cao đẹp mà mỗi người chúng ta cần tu dưỡng, định hướng, học tập và làm theo để vươn tới chân, thiện, mỹ. Những bài học về cách ứng xử của Bác đối với tôn giáo đã để lại những bài học sâu sắc cho chúng ta hôm nay. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta tìm hiểu câu chuyện Bác Hồ viết thư chia buồn với gia đình trí thức người Công giáo có con em hy sinh vì Tổ quốc.

Câu chuyện dưới đây là hồi ức của bác sĩ Vũ Đình Tụng, một người Công giáo yêu nước, quê gốc ở làng Trình Xuyên, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Đinh, là Giám đốc Nha y tế Bắc Bộ, viết về cảm xúc của mình khi đọc nội dung bức thư Bác Hồ gửi cho ông, sau khi Bác nghe tin con trai của ông đã hy sinh anh dũng để bảo vệ Thủ đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến cuối năm 1946. 

Lá thư “huyết lệ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

8 giờ đêm, một đêm tháng Chạp năm 1946, sau khi lệnh toàn quốc kháng chiến được phát động, tại một trạm điều trị ở ngọai thành Hà Nội là cơ sở sơ tán của bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Vũ Đình Tụng phải mổ một trường hợp bị thương quá đặc biệt, một chiến sĩ “sao vuông” rất trẻ. Tuy vết thương rất nặng, đạn xé tung cả một khúc ruột mà miệng người chiến sỹ ấy vẫn mỉm cười, nụ cười quen thuộc và thân thương đối với bác sĩ, bởi vì anh tự vệ Thủ đô ấy, người chiến sĩ gan góc ấy lại chính là Vũ Đình Thành, con trai út của bác sĩ.

Suốt ngày hôm ấy, ông đã phải chữa trị, mổ, cưa, gắp đạn và khâu vết thương cho hàng chục chiến sĩ, nhưng đến trường hợp này, thần kinh ông căng lên một cách kinh khủng, không mổ thì chắc chắn không qua khỏi, mà mổ thì không có điện, không có máu để tiếp, thuốc cũng không đủ và người thầy thuốc đứng ra mổ ca nguy kịch này chỉ có thể là ông, người thân sinh của thương binh, bởi lẽ lúc đó chỉ có ông là bác sĩ duy nhất có mặt trong căn hầm này.

Những người giúp việc khuyên ông nên nghỉ tay, nhưng ông vẫn cố kìm mình để giữ bình tĩnh gắp những mảnh đạn cuối cùng trong thân thể người con. Kết cục đau đớn xảy ra, ông không thể giành lại mạng sống cho con mình vì vết thương do quân thù gây ra quá nặng, đã cướp đi mất con trai yêu quý của ông. Nghề nghiệp đã buộc ông phải chứng kiến bao nhiêu cảnh đau thương tang tóc của người khác, nhưng thú thực, vết thương này quá lớn đối với ông. Đây là người con thứ hai của ông hy sinh vì Tổ quốc, trước đó không lâu, người con Vũ Đình Tín là tự vệ chiến đấu cũng vừa ngã xuống sau ngày tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.     

Trong một buổi chiều, bác sĩ Trần Duy Hưng, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Nội vụ đến thăm ông và trân trọng trao cho ông một bức thư đầy tình cảm lớn lao của Bác, chia sẻ đau thương, mất mát với gia đình ông, trong thư, Bác gọi ông là “Ngài”.

     “Thưa Ngài!

     Tôi được báo cáo rằng con giai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.

     Nhưng cháu và các thanh niên khác, dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, vật chất họ mất nhưng tinh thần họ luôn luôn sống với non sông Việt Nam. Họ là con thảo của Đức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.

     Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc. Từ đây, chắc Ngài sẽ thêm sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng”.

Tháng 1-1947

HỒ CHÍ MINH

Đọc xong bức thư, vị bác sĩ bàng hoàng, cảm động. Trong lúc chiến tranh ác liệt như thế, Bác bận trăm công nghìn việc, ngay cả những người thân thuộc, họ hàng của bác sĩ cũng không có thì giờ thăm hỏi ông, thế mà Bác vẫn nghĩ đến ông, một gia đình bé nhỏ đang có cái tang đau lòng. Tự nhiên ông thấy nỗi đau thương và sự hy sinh của gia đình mình trở thành nhỏ bé trong cái tình thương mênh mông và sự hy sinh cao cả của Bác, của cả dân tộc. Ông nhủ mình sẽ phải làm tốt công việc để xứng đáng với sự hy sinh của các con ông và khỏi phụ lòng Bác.

Sau đó, ông theo Bác lên Việt Bắc, căn cứ thần thánh của cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Trải qua bao nhiêu khó khăn gian khổ của cuộc kháng chiến, đã bao lần ông đọc lại bức thư của Bác, khi thì đọc cùng gia đình, khi thì đọc cùng anh chị em đồng nghiệp, không lần nào không bồi hồi trước tình cảm mênh mông mà gần gũi của Bác. Từ một người bác sỹ của xã hội cũ, một giáo dân ngoan đạo, ông trở thành một người bác sỹ tốt, một Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh của nước Việt Nam mới, ông đã đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho cách mạng.

Đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ông được Bác Hồ cử làm đặc phái viên của Chính phủ phụ trách việc chăm sóc thương binh ở chiến trường, cùng với bác sĩ Tôn Thất Tùng, ông đã mang hết tình yêu thương ruột thịt đối với con ông giành cho việc chăm sóc cứu chữa anh em thương binh. Ông đã gặp lại bóng dáng của con ông trong bóng dáng của các chiến sĩ sau khi lành vết thương lại trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Chứng kiến điều đó ông đã tìm thấy vinh dự và nguồn vui rất lớn sau những lần như vậy.

Có được vinh dự và niềm vui trên, ông nghĩ trước hết là nhờ Bác, Bác đã dạy cho ông một tình cảm lớn lao, biết đem tình cảm riêng của mình, của gia đình mình đặt trong tình cảm thiêng liêng của Tổ quốc, của Dân tộc, suốt đời  không bao giờ ông quên điều đó. Cảm động trước tấm lòng của Bác, người em ruột của ông là Vũ Cao Đàm đang sống ở Pháp đã tạc tượng bán thân Bác Hồ khi Người sang thăm nước Pháp năm 1946 rồi sau đó theo Bác về nước phục vụ cách mạng, người em ruột thứ 2 là Vũ Công Thuyết cũng tham gia chính quyền cách mạng rồi sau này trở thành Thứ trưởng Bộ Y tế. Vào năm 1953, tại an toàn khu Việt Bắc, Văn Phòng Chính phủ tổ chức mừng thọ Bác Hồ, ba anh em nhà họ Vũ toàn là những người gánh nhiệm vụ lớn với đất nước bàn nhau sáng tác một bài thơ mừng thọ Bác Hồ do ông Vũ Đình Tụng là “chủ biên”.

“Tuổi Bác năm nay sáu lẻ ba

Tinh thần, thể chất chẳng chi già

Ngày tháng ung dung làm việc nước

Sớm chiều thể dục với tăng gia

Quân Pháp cậy trông vào thầy Mỹ

Dân Nam tin tưởng ở Cha già

Kháng chiến trường kỳ và gian khổ

Tự do độc lập ắt về ta

Ba anh em, một bài thơ

Thành tâm chúc Bác Hồ sống lâu”

Sau năm 1954, Bác sĩ Vũ Đình Tụng và gia đình từ Việt Bắc lại trở về sống ở Hà Nội. Năm 1973 ông đột ngột qua đời, không dặn dò gì lại. Thế nhưng, như có linh cảm về sự ra đi đột ngột này, mấy tháng trước ông đã trao lại bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho con trai cả và nói: "Đây là của báu của gia đình, nhưng cũng là vật quý của dân tộc, cha trao lại cho con cất giữ cẩn thận, chu đáo. Lá thư riêng này mang nặng tình cảm của cả núi sông, của lịch sử đấy con ạ". Ngày 10 tháng 3 năm 1985, anh Vũ Đình Tuân là con trai cả của bác sĩ Vũ Đình Tụng đã mang bức thư tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để phục vụ công tác tham quan nghiên cứu và học tập.

Chỉ qua nội dung bức thư Bác Hồ gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng, chúng ta thấy được trái tim nhân hậu và tấm lòng nhân ái bao la của người Cha già dân tộc, đồng thời học hỏi công tác vận động, tập hợp người có tôn giáo ở tầm nghệ thuật của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đau nỗi đau của nhân dân, trân trọng sự hy sinh của những người chiến sĩ vì Tổ quốc, coi con em nhân dân như máu thịt của mình. Trong hoàn cảnh kháng chiến toàn quốc vừa nổ ra trước đó ít ngày, chiến sự còn đang ác liệt, Bác bận trăm công ngàn việc, nhưng Bác vẫn quan tâm đến nỗi đau thương mất mát của người dân. Những lời an ủi động viên của Bác giành cho gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng, cũng là tình cảm của Chính phủ gửi tới những ông bố, bà mẹ có con hy sinh trong cả nước, là những người chịu mất mát lớn nhất, bởi những người con dứt ruột đẻ ra và dày công nuôi dưỡng đã hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc. Ân tình của Bác trong lá thư này đã xoa dịu và giúp họ vơi đi nỗi đau mất mát người thân, cảm thấy tự hào với những gì mà gia đình họ đã đóng góp cho Tổ quốc, khích lệ, động viên họ có thêm ý chí để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống đời thường, tiếp tục đóng góp cho gia đình và xã hội.

Ngay những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vấn đề quan trọng của việc đền ơn đáp nghĩa, đã kịp thời có ứng xử cao đẹp, từ đó tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân để kháng chiến thắng lợi. Cũng từ nghĩa cử cao đẹp đó, sáu tháng sau (27/7/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh, chọn ngày 27/7 hàng năm làm ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, tri ân các thương bình, liệt sỹ, gia đình có công với nước.

Tình thương yêu, trân trọng, sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng và những việc làm đầy tình nghĩa của Bác Hồ đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ dã nêu một tấm gương sáng, cuốn hút toàn dân tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, làm cho phong trào này phát triển ngày càng sâu rộng trong cả nước, từ đường phố, thôn bản, đơn vị, cơ quan, trường học, đến mỗi người dân, gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài. Tiêu biểu như phong trào nhận phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng ngôi nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, tặng vườn cây tình nghĩa và việc giúp đỡ các gia đình chính sách; đó là những việc làm sâu đậm tình nghĩa, thể hiện sự trân trọng và tôn vinh những người đã hy sinh xương máu hoặc một phần cơ thể cho độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân; minh chứng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, cũng như tinh thần nhân nghĩa, bao dung, yêu thương và quý trọng con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bài học về công tác tập hợp, đoàn kết tôn giáo rút ra từ câu chuyện lá thư của Bác Hồ

Qua câu chuyện lá thư của Bác, có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo tầm cao trong kỹ năng ứng xử và tiếp xúc với đồng bào tôn giáo; cũng là bài học, kinh nghiệm trong công tác tập hợp, vận động nhân sỹ trí thức, chức sắc tôn giáo, cá nhân, gia đình người theo tôn giáo có công với cách mạng.

Trước hết, người cán bộ, công chức cần có tình cảm chân thành với người có tôn giáo, bởi sự chân thành giúp con người gần gũi nhau hơn, đáng tin cậy nhau hơn. Người làm công tác tôn giáo không thể dùng các mánh khóe tiểu xảo, dối trá, mệnh lệnh hành chính để khuất phục lòng người,  mà phải bằng lòng trắc ẩn từ trái tim để đồng cảm người cần vận động. Phân biệt vì lý do tôn giáo sẽ làm giảm sức mạnh đoàn kết, sức mạnh toàn dân vì sự nghiệp chung.

Cần chia sẻ, an ủi, động viên những vui buồn của người dân, đồng bào có đạo kịp thời bằng các hình thức khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Sự động viên, chia sẻ kịp thời từ các cấp chính quyền giúp tín đồ, chức sắc tôn giáo giải tỏa những vướng mắc trong cuộc sống, công việc, hoạt động tôn giáo, để họ tin tưởng hơn vào chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Người công chức, nhất là lãnh đạo cần vì mục tiêu, lợi ích chung của quốc gia, địa phương để vận động tín đồ, chức sắc tôn giáo cống hiến hết khả năng, tiềm lực của cá nhân và tổ chức tôn giáo cho Tổ quốc. Tuyệt đối không vì lợi ích, tư thù cá nhân, yếu tố tôn giáo để ảnh hướng đến lợi ích chung khi đưa ra các quyết định, chính sách liên quan đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo.

Trong các văn kiện của Đảng và văn bản pháp luật Nhà nước hiện nay đều ghi nhận giá trị, nguồn lực của tôn giáo (cả vật chất và phi vật chất), khẳng định mục tiêu phát huy các giá trị, nguồn lực tôn giáo nhằm đóng góp cho công cuộc xây dựng Tổ quốc. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã đề cập trực tiếp các nội dung về tôn giáo và công tác tôn giáo một cách toàn diện, có trọng điểm với dung lượng nhiều nhất so với các kỳ đại hội trước đó, khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Chính quyền các cấp cần ghi nhận, biểu dương, khen thưởng kịp thời những đóng góp to lớn của người theo tôn giáo cho sự nghiệp cách mạng trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, nhằm động viên, khích lệ, cổ vũ, thúc đẩy việc tham gia đóng góp của cộng đồng các tôn giáo cho công cuộc phát triển đất nước.

Người làm công tác tôn giáo cần hiểu rõ giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo, để ứng xử phù hợp với từng hoàn cảnh, đối tượng quản lý qua cách dùng ngôn ngữ, văn phong đối thoại gắn với các từ ngữ, khái niệm riêng của các tôn giáo, để người theo tôn giáo cảm thấy muốn lắng nghe; đồng thời nhận được sự tôn trọng, đồng cảm của họ, vận động họ đồng hành cùng chủ trương, chính sách và mục tiêu chung của xã hội./.

Minh Thanh