Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên các Thánh đường không tổ chức lễ
An Giang là tỉnh có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống đông nhất khu vực Tây Nam bộ, với hơn 11 nghìn người. Năm nay, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nên các tín đồ Hồi giáo Islam tỉnh An Giang đón một mùa Tết Roya Haji đặc biệt nhưng vẫn chan chứa yêu thương và sự sẻ chia.
Tết Roya Haji còn được gọi là Tết của sự yêu thương và tha thứ, cộng đồng dân tộc thiểu số Chăm ở hầu hết các Thánh đường và tiểu Thánh đường đều tổ chức nghi lễ đón mừng. Trưởng ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh (gọi tắt là Ban đại diện) Haji Jacky cho biết, Tết Roya Haji được xem là ngày đại lễ của cộng đồng Islam, kết thúc năm cũ 1442HL và bước vào năm mới 1443HL.
Theo truyền thống, trong những ngày đại lễ này, tín đồ Islam có đủ điều kiện từ các nước trên thế giới sẽ đến hành hương Haji tại Thánh đường Mecca (Saudi Arabia) để thực hiện điều luật cuối cùng trong 5 điều giáo luật Islam quy định phải thực hiện ở mỗi tín đồ Islam.
Tuy nhiên, theo thông báo từ nước Saudi Arabia, năm nay, việc hành hương Haji bị hủy bỏ nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19. Theo nghi thức, vào sáng 20-7 (ngày lễ chính thức), tín đồ Islam lựa chọn trang phục đẹp nhất của mình, sau đó tập trung đến hành lễ Roya Haji tại 12 Thánh đường và 16 tiểu Thánh đường trong các khu có cộng đồng Islam cư ngụ. Sau khi hành lễ trong Thánh đường xong (đàn ông hành lễ trong Thánh đường, phụ nữ hành lễ tại nhà), mọi người sẽ đi thăm hỏi cha mẹ, anh, chị, em, làng xóm của mình và xin Maaf.
Ở đây, Maaf có nghĩa xin tha thứ, xóa bỏ hết những hiểu lầm, nói xấu… và xin nhau bỏ qua mọi chuyện để bắt đầu lại mọi thứ tốt đẹp hơn. Sau đó, họ sẽ làm Qur’ban hoặc Aqikah (hiến sinh bò, dê, cừu) và lấy thịt phân phối cho các tín đồ Islam nơi họ cư trú.
Năm nay, Tết Roya Haji của đồng bào Chăm diễn ra trong các ngày từ 20 đến 22/7 vào thời điểm tỉnh An Giang cũng như cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, nên việc hành hương Haji bị hủy bỏ.
Ban đại diện phát thông báo, đề nghị Ban quản trị các thánh đường, tiểu thánh đường, chức sắc, chức việc Hồi giáo Islam trong tỉnh chấp hành nghiêm theo các chỉ thị được áp dụng tại địa phương. Đặc biệt, tạm thời dừng các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người tại các thánh đường, tiểu thánh đường và kể cả lễ ngày thứ 6; hướng dẫn các tín đồ làm lễ tại nhà…
“Các thánh đường không tổ chức lễ, chỉ làm hiến sinh Qur’ban. Ban đại diện đã thực hiện Qur’ban hoặc Aqikah tại cơ sở giết mổ trâu, bò ở xã Châu Phong (thị xã Tân Châu). Mỗi thánh đường chỉ cử đại diện đến lấy và chia thịt đến tận nhà cho các tín đồ của mình, tránh tập trung đông người, nghiêm chỉnh chấp hành thông điệp “5K” của Bộ Y tế”, ông Haji Jacky,Trưởng ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang cho biết.
Theo đó, Ban đại diện hiến sinh Qur’ban 146 con bò, trị giá khoảng 2,5 tỷ đồng từ nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Phần thịt bò được chia cho tất cả các tín đồ. Việc chia thịt bò, cừu, lạc đà, dê trong lễ Roya Haji vừa là truyền thống, vừa là giáo luật của Hồi giáo Islam. Các hoạt động trong lễ Roya Haji năm nay được coi là sự chia sẻ, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, càng phát huy được ý nghĩa của ngày Tết yêu thương, động viên, chia sẻ niềm vui với nhau, cùng vượt qua đại dịch.
Theo ông Haji Jacky, Trưởng ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách dành cho đồng bào dân tộc Chăm như: Chương trình 135, chương trình cho vay, hỗ trợ giáo dục và đầu tư điện, đường, trường, trạm...; nhờ đó đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang 100% ấp, xã vùng dân tộc Chăm có điện lưới quốc gia, trên 98% hộ dân được sử dụng điện lưới và nước sạch sinh hoạt. Đường giao thông nông thôn được nhựa hóa hoàn toàn, các xã vùng đồng bào Chăm có nhà văn hóa, trạm phát thanh phục vụ sinh hoạt cộng đồng.
Đặc biệt, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện đưa tiếng nói và chữ viết Chăm vào chương trình dạy song ngữ của trường tiểu học, giúp con em đồng bào Chăm được học tiếng và chữ viết của dân tộc mình. Nhiều em đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trở về phục vụ địa phương.Từ đó, đã tạo nên diện mạo mới cho vùng đồng bào DTTS.
Đời sống của bà con được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 33 triệu đồng/năm, số hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn gần 4%. Ngoài chăm lo, ổn định đời sống vật chất cho đồng bào, chính quyền địa phương cũng nỗ lực chăm lo cho đời sống văn hóa, tinh thần, nhất là trong những dịp lễ tết trọng đại của đồng bào.
Trong dịp này Ban đại diện kêu gọi các tín đồ Islam trong tỉnh, đặc biệt là các chức sắc, chức việc, gương mẫu chấp hành và thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương. Mọi người cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, sớm phục hồi nền kinh tế, đón những ngày Tết Roya Haji thật an toàn và ý nghĩa.