Các giáo sỹ Công giáo và quá trình hình thành chữ Quốc ngữ
Ngày đăng: 28/09/2022Quá trình ra đời và hoàn thiện chữ Quốc ngữ được các nhà nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ cho rằng kéo dài khoảng 300 năm, từ đầu thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, công lao sơ khởi có sự đóng góp to lớn của nhiều giáo sỹ Công giáo phương Tây với các quốc tịch khác nhau. Giai đoạn hoàn thiện và phổ biến chữ Quốc ngữ phải nói đến các nhà trí thức, giới cầm quyền như các nhà thông dịch, báo chí, giáo dục, ngôn ngữ, in ấn… người Việt và người Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi giới thiệu về quá trình ra đời chữ Quốc ngữ buổi sơ khai.
Quá trình truyền giáo của Công giáo tại Việt Nam trong yêu cầu khách quan của việc ra đời chữ Quốc ngữ
Theo chính sử, Công giáo được truyền đến Việt Nam vào năm 1533 bởi các giáo sỹ phương Tây, tuy nhiên trên thực tế và các tài liệu của phía giáo hội cũng ghi nhận công việc này chỉ thực sự đạt hiệu quả vào đầu thế kỷ 17 gắn với việc truyền giáo bằng tiếng Việt được La tinh hóa của các giáo sỹ. Nửa cuối thế kỷ 16, các giáo sĩ thừa sai Dòng Tên (Jésu) đã bắt đầu đến châu Á truyền đạo. Một trong những nơi họ đến sớm nhất là Trung Quốc, nơi mà trước đó vài thế kỷ, Maco Polo, nhà buôn, nhà thám hiểm người Ý, đã đến và mang về nhiều thông tin, sản vật của phương Đông làm cho người châu Âu hết sức bất ngờ.
Dòng Tên là một dòng tu trí thức của đạo Công giáo, tất cả những giáo sĩ của dòng này đều có trình độ khá cao về nhiều lĩnh qua việc đào tạo chuyên sâu về nhiều lĩnh vực, được cấp bằng sắc và sát hạch trình độ, nếu ai không đạt được buộc phải rời dòng. Những giáo sĩ này xuất thân từ những nước sử dụng chữ viết La tinh nên khi đến những nước sử dụng chữ tượng hình đã gặp khó khăn trong việc truyền đạo. Do là những người trí thức có trình độ cao, họ nhanh chóng học nói tiếng của người bản địa ở các nơi họ đến truyền đạo.
Việc truyền đạo không chỉ cần tiếng nói là đủ, mà cần phải có chữ viết, kinh sách để các con chiên (tín đồ) có thể đọc kinh sách bởi không có giáo sĩ, thầy giảng nào có thể thay thế kinh sách. Thực tiễn người Việt hầu như không biết chữ (trước thế kỷ 20) bởi nhiều lý do trong đó có lý do bởi dùng chữ tượng hình (Hán, Nôm) rất khó học, mất rất nhiều thời gian mới có thể đọc sách được, chưa nói đến việc dịch lại kinh sách nước ngoài. Mặt khác, việc truyền đạo Công giáo vào các nước phương Đông ở thời điểm ấy không phải lúc nào cũng dễ dàng do tùy thuộc vào quan điểm của quan lại địa phương, tình hình chính sự của quốc gia mà các giáo sĩ phương Tây đặt chân đến. Để có thể truyền lại kinh sách một cách tốt hơn, các giáo sĩ đã nghĩ ra phương pháp "La tinh hóa chữ tượng hình", họ đã làm việc này ở Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Trong các thế kỷ từ 15 đến 17, các thương buôn người Bồ Đào Nha có mặt hầu như khắp thế giới. Theo chân họ là những nhà truyền giáo, phần lớn là người Bồ và người Ý, tháp tùng truyền đạo ở những vùng đất mới. Theo thống kê có đến 145 giáo sĩ thuộc 17 quốc tịch đến Đàng Trong truyền giáo từ năm 1615-1788, trong đó có đến 74 người Bồ Đào Nha, 30 người Ý. Dòng Tên (Jesu) của đạo Công giáo là dòng tu đẩy mạnh việc đi truyền đạo thời kỳ này. Theo luật của dòng, mỗi khi đến vùng đất mới phải học tiếng địa phương, với tài năng riêng từng người, họ đã La tinh hóa tiếng nói và chữ viết địa phương để những người theo đạo có thể đọc được những kinh sách của đạo. Thứ chữ La tinh này được truyền lại cho các giáo sĩ đến sau để tiếp tục công cuộc truyền giáo. Đây là phương thức mà họ đã thực hiện ở nhiều nơi như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản... trước khi đến Việt Nam. Riêng ở Viễn Đông, dòng tu này thiết lập một trụ sở lớn và lâu dài ở Ma Cao (Trung Quốc) để làm nơi đi và đến cho các giáo sĩ.
Đầu thế kỷ 17, năm 1615, các giáo sĩ Dòng Tên đã đến Đàng Trong của Việt Nam (từ Quảng Bình trở vào) và bắt đầu học tiếng Việt, bắt tay vào việc La tinh hóa chữ Việt. Tài liệu viết tay của giáo sĩ João Roiz (người Bồ) viết năm 1621 đã có các chữ quốc ngữ ban đầu như An Nam (Việt Nam tức Đàng Trong), Sinoa (xứ Hóa tức Thuận Hóa), unsai (ông sãi), Cacham (Kẻ Chàm, sau này là Thanh Chiêm), ungue (ông nghè)...
Như vậy, tới năm 1621, việc La tinh hóa tiếng Việt vẫn chưa có dấu thanh. Tài liệu viết tay của giáo sĩ Antonio de Fontes, một học trò của Francesco de Pina, viết năm 1626 đã thấy xuất hiện dấu thanh. Dĩgcham (Dinh Chàm), Núocman (Nước Mặn), Sinúa (xứ Hóa), ondedóc (ông đề đốc), nhít la khấu, khấu la nhít (nhứt là không, không là nhứt). Gần đây khi tìm thấy di cảo của Pina ở Thư viện Hoàng gia Bồ Đào Nha giữa năm 2018 thì chữ quốc ngữ đã có dấu như ngày nay. Tài liệu này trưng bày trong Hội thảo về chữ Quốc ngữ diễn ra tại Lisbon Bồ Đào Nha vào tháng 7-2018.
Sau 400 năm chữ Quốc ngữ hình thành và phát triển nhưng lịch sử của nó không phải ai cũng biết rõ công lao của những người sáng tạo, ai là tác giả, xuất phát từ địa danh nào, lưu giữ truyền bá thế nào, lúc nào được sử dụng phổ thông… Hiện nay giới chuyên môn đã ghi nhận nhóm "tác giả" của chữ quốc ngữ gồm các giáo sĩ Francesco de Pina, Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa (người Bồ Đào Nha), Cristoforo Borri (người Ý), Alexandre de Rhodes (người Pháp). Giáo sĩ Borri chỉ ở nước ta ba năm từ 1615 đến 1618. Còn ba giáo sĩ còn lại đều đến Đàng Trong năm 1624 và đều là học trò tiếng Việt của giáo sĩ Francesco de Pina. Tuy nhiên, trong số này, chỉ có giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) cho in cuốn sách tiếng Việt đầu tiên là cuốn Từ điển Việt - Bồ - La , tiếp đến là các công trình như: “Phép giảng Tám ngày”, “Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài”, “Hành trình truyền giáo”… nên được nhiều người và giới truyền thông thường nhắc tới là "ông tổ" của chữ Quốc ngữ từ hàng thế kỷ qua.
Như vậy, có thể khẳng định rằng chữ Quốc ngữ ra đời có một quá trình dài từ năm 1618 cho đến 1625 với sự hợp tác của nhiều người chứ không chỉ một người. Đa số "tác giả" của chữ Quốc ngữ đều là người Bồ Đào Nha, người Ý cùng với một số người Việt theo Công giáo góp sức. Người được xác định "giỏi tiếng Việt nhất" và có công lớn nhất trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ sớm nhất chính là giáo sĩ Francesco de Pina người Bồ Đào Nha.
Khái lược cuộc đời người có công với chữ Quốc ngữ
1. Francesco De Pina sanh tại thành Guarda, Bồ Đào Nha khoảng năm 1585, gia nhập Dòng Tên vào năm 19 tuổi, sau đó đến xứ Goa (Ấn Độ) sống ít lâu trước khi sang Trung Quốc truyền đạo. Năm 1611, ông theo học tại Học viện Ma Cao (Collège de Macau) về khoa học xã hội, thần học và tiếng Nhật. Năm 1617, ông thụ phong linh mục và được cử đến Đàng Trong làm việc và cư tại trú ở Hội An. Qua năm 1618, Pina đến cư trú tại Nước Mặn (Bình Định) với Buzomi và Borri, người Ý. Năm 1619, ông đến Thanh Chiêm (Quảng Nam) mua đất dựng nhà thờ và năm 1623 thành lập cơ sở ở Thanh Chiêm. Pina chết đuối trên bờ biển Quảng Nam ngày 15-12-1625. Lý do tàu Bồ Đào Nha từ Campuchia về Ma Cao, bỏ neo ở hải phận Quảng Nam, gần Cù Lao Chàm, Pina cùng một người Việt Nam chèo thuyền ra tàu để lấy các đồ phụng sự nhưng khi trở vào bờ, bất ngờ gió bão nổi lên, thuyền lật, Pina vì vướng áo chùng không bơi được nên chết đuối. Hiện nay ngôi mộ ông được được cho rằng ở sau nhà thờ Phước Kiều (nay là nhà thờ Thánh Andre), thuộc thôn Thanh Chiêm 1, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đây là nhà thờ do chính ông thành lập khi đến cư trú tại Thanh Chiêm và là nơi trú ngụ của nhiều giáo sĩ khác, trong đó có Alexandre de Rhodes.
2. Alexandre de Rhodes sinh tại Avignon thuộc lãnh địa Giáo hoàng (nay ở miền nam nước Pháp), trong một gia đình khá giả. Ông sinh năm 1591 (có nguồn khác sinh năm 1593), tổ tiên ông tới từ vùng Aragón, Tây Ban Nha sang tị nạn dưới bóng Giáo hoàng vì thời ấy Avignon là đất của Giáo hoàng. Sau khi hoàn thành trung học tại quê nhà, ông vào Nhà tập Dòng Tên tại Roma ngày 24 tháng 4 năm 1612, học thiên văn và toán học. Thời kỳ này, công cuộc truyền giáo cho các dân tộc đang trên đà phát triển nhưng cũng gặp sự kháng cự của các chính quyền sở tại. Trong bối cảnh đó, Alexandre de Rhodes đã xin và được giáo sĩ cấp trên chỉ định đi truyền giáo tại Nhật Bản rồi Trung Quốc.
Tháng 12 năm 1624, Alexandre cùng với bốn linh mục Dòng Tên khác và một tín hữu Nhật Bản cập bến Hội An (Quảng Nam). Ông bắt đầu học tiếng Việt từ giáo sĩ Francisco de Pina, người đã đến Đàng Trong trước ông 7 năm và là nhà truyền giáo thông thạo tiếng Việt nhất, khi đó Pina cũng đang phát triển cách ghi âm tiếng Việt bằng ký tự La tinh. Từ đó Việt Nam trở thành nơi truyền giáo của Alexandre de Rhodes, nhưng có nhiều lý do, trong vòng 20 năm ông bị trục xuất đến năm lần. Năm 1645 là lần cuối cùng ông rời Việt Nam và tháng 6 năm 1649 ông trở về đến châu Âu, tại đây ông xuất bản hai cuốn sách do mình biên soạn năm 1651. Alexandre de Rhodes vận dụng mọi khả năng hiểu biết về công cuộc truyền giáo tại châu Á, đã xin Tòa Thánh gửi các Giám mục truyền giáo đến Viễn Đông, để các ngài có thể truyền chức linh mục cho các thầy giảng bản xứ. Năm 1655, ông được bề trên cử tới Ba Tư truyền giáo (Iran). Ông mất ngày 5 tháng 11 năm 1660 ở Isfahan (Iran), sau khi ông chết, thi thể của ông được chôn cất tại chính nơi đây.
Quá trình in ấn các công trình ký tự hóa tiếng Việt
Sau khi Pina mất, một học trò tiếng Việt của ông là giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong năm 1624, đã mang tất cả những di cảo của thầy đưa về Ma Cao vào năm 1626. Tại Ma Cao Alexandre de Rhodes và cộng sự đã nghiên cứu chữ Quốc ngữ và đã soạn thảo hai cuốn tự điển Việt-Bồ-La và Bồ-Việt. Cộng sự của Alexandre de Rhodes là hai giáo sĩ Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa cư trú ở Ma Cao gần 10 năm. Đáng tiếc là công trình của họ chưa kịp công bố thì tháng 2-1646 Gaspar mất trên đường biển đi đến nước ta và sau đó một năm thì Barbosa cũng mất vì bệnh.
Trong lời nói đầu cuốn Từ điển Việt - Bồ - La của mình, Alexandre de Rhodes có nhắc đến việc "tham khảo" tài liệu của hai giáo sĩ trên, điều đó cho thấy Alexandre de Rhodes đã thừa hưởng những di sản được người khác sáng tạo ra để góp phần hoàn thành cuốn từ điển có tiếng Việt đầu tiên trên thế giới. Điều đáng tiếc là hiện nay vẫn chưa tìm thấy hai cuốn tự điển của Gaspar và Barbosa đã viết. Hy vọng số phận của nó giống như cuốn từ điển của Bá Đa Lộc, tưởng đã cháy mất trong một trận hỏa hoạn ở Cà Mau nhưng lại được tìm thấy vào thập niên 1980. Sau khi rời khỏi Việt Nam năm 1645, Alexxander de Rhodes trở lại Ma Cao rồi trở về Roma và cho xuất bản cuốn từ điển Việt - Bồ - La năm 1651 tại xưởng in của Vatican. Ngoài cuốn từ điển nêu trên Alexxander de Rhodes còn có các công trình khác bằng tiếng Việt như: “Phép giảng Tám ngày”, “Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài”, “Hành trình truyền giáo”…
Các nhà truyền giáo phương Tây đã làm một điều thật kỳ diệu là đã chuyển tiếng nói của người Việt Nam ra chữ viết theo hệ La tinh. Theo lịch sử các quá trình hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ như trên thì chính Francisco de Pina mới là cha đẻ của chữ Quốc ngữ. Trong khi Alexander De Rhodes là người học trò của ông, biên soạn, hoàn thiện tiếp theo dựa trên “bộ khung” mà Pina thiết kế và hoàn thiện, phổ biến qua việc in ấn, soạn một số bài giảng, từ điển, sách… bằng chữ Quốc ngữ.
Cũng cần nói thêm là ngoài các giáo sĩ Dòng Tên nêu trên còn có các giáo sĩ Hội Thừa Sai Paris như Lambret la Motte (1659-1679), Luy Laneun (1680-1682), Culielm Mahot (1682-1684), Francisco Perez(1684-1728), Carola Marino Lable (1697-1723), Alexandro de Alexandris (1726-1738), Juan Valere Rist (1735-1737) đều có những đóng góp trong việc truyền bá chữ quốc ngữ thông qua việc truyền giáo.
Từ những thông tin trên cho chúng ta thấy nhà thờ Hội An là nhà thờ công giáo đầu tiên tại Việt Nam (Giáo xứ Hội An được thành lập năm 1615). Dinh Trấn Thanh Chiêm (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) là cái nôi hình thành chữ Quốc ngữ, giáo sĩ Francisco de Pina là người đầu tiên nghiên cứu chuyển tiếng nói người Việt ra mẫu tự La tinh để hình thành chữ Quốc ngữ buổi sơ khai.
Sau hơn 200 năm hình thành, chữ Quốc ngữ đã được các nhà tri thức Việt Nam (nhà văn, nhà báo, nhà cải cách xã hội, quan chức…) đẩy mạnh việc truyền bá đến đông đảo người dân gắn với báo chí, nhà in, trường học… Tiêu biểu ở phía Nam có tờ Gia Định báo ra đời 1865 (tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên), Lục tỉnh Tân văn… gắn với các ông Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của… Tiếp theo là các tờ báo ở phía Bắc như: Đăng Cổ tùng báo, Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn, Nam Phong… gắn với Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh… Thông qua báo chí, việc đẩy mạnh truyền bá chữ Quốc ngữ cùng với trường học, nhà in, văn học… mà số người biết về chữ Quốc ngữ tăng nhanh.
Chữ Quốc ngữ ra đời đã góp phần hình thành chữ viết chính thống của người Việt, thúc đẩy cho nền hành chính quốc gia phát triển, nhất là sau khi chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (1945) đã lấy chữ Quốc ngữ là chữ viết chính thống. Chữ Quốc ngữ khi trở thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia thì được phổ cập đến toàn dân bằng nhiều hình thức, góp phần xóa nạn mù chữ phổ biến trong xã hội cũ (giai đoạn trước 1945) bởi việc dễ học hơn chữ Hán, Nôm. Việc phổ biến chữ Quốc ngữ từ đầu thế kỷ 20, nhất là qua việc mở trường dạy học bằng chữ Quốc ngữ (tiếng Việt) đã tạo ra giới trí thức người Việt đông đảo, dân trí người Việt được nâng cao, nghề báo, in ấn, giáo dục, văn chương… được thuận lợi, phát triển, xã hội ngày càng văn minh hơn../.
Thanh Long
Tài liệu tham khảo
- Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của thực dân Pháp tại Việt Nam, Cao Huy Thuần, Nxb Tôn giáo, HN 2003
- Lịch sử chữ quốc ngữ, Đỗ Quang Chính, Nxb Tôn giáo, HN 2012
- Lịch sử Việt Nam, Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), Nxb Đại học quốc gia, HN, 2000
- Lịch sử vương quốc đàng Ngoài, Alexxander de Rhodes, Nxb KHXH, HN, 2020
- Từ điển Tôn giáo, Mai Thanh Hải, Nxb Từ điển Bách khoa, HN, 2002