Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương gặp mặt các đại biểu Quốc hội là chức sắc tôn giáo
Ngày đăng: 20/11/2019
Chiều 19/11, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai gặp mặt các đại biểu Quốc hội là chức sắc tôn giáo đang tham dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Bày tỏ sự vui mừng khi được gặp mặt đông đủ các đại biểu Quốc hội là chức sắc các tôn giáo, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn thực hiện nhất quán chính sách đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân.

Gần hai năm thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo cho thấy các quy định của Luật cơ bản bảo đảm sự đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật ở các lĩnh vực khác đã được ban hành, tạo sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp về vị trí, vai trò của công tác tôn giáo. Đồng thời, Luật cũng xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền, thời hiệu giải quyết các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của các cấp chính quyền.

Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá, thời gian qua, Ban Tôn giáo Chính phủ đã làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn, trao đổi về Luật đối với chức sắc, chức việc các tôn giáo. Tuy còn nhiều khó khăn trong thực hiện Luật, song bà Trương Thị Mai cho rằng, sự đồng thuận trong các chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo sẽ đóng góp rất lớn trong việc hoàn thành những mục tiêu chung.

Với vai trò và uy tín của các đại biểu Quốc hội là chức sắc, chức việc các tôn giáo, bà Trương Thị Mai mong muốn các vị chức sắc, chức việc tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa trong cộng đồng để tín đồ các tôn giáo đồng lòng thực thi pháp luật, thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu Quốc hội là chức sắc các tôn giáo thống nhất đánh giá, sau gần 2 năm có hiệu lực thi hành, hai văn bản gồm: Luật tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016 và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo nên những chuyển biến tích cực, qua đó tạo hành lang pháp lý để thực hiện thống nhất công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã có nhiều quy định mới, thông thoáng, cởi mở, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; phù hợp thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Từ đó, Luật đã được các tổ chức, cá nhân tôn giáo đón nhận, tạo sự yên tâm, phấn khởi trong việc sống đạo và giữ đạo; tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, từ thiện nhân đạo, góp phần xây dựng, củng cố mối quan hệ đoàn kết giữa các tổ chức tôn giáo, động viên tín đồ chấp hành pháp luật khi thực hiện các hoạt động tôn giáo./.

 

Theo TTXVN