Thủ tướng Chính phủ gặp mặt chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày đăng: 12/08/2019
Sáng ngày 09/8, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc gặp mặt chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng chủ trì cuộc gặp mặt có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Ban Dân vận Trương Thị Mai, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa và Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng.

Tham dự cuộc gặp mặt có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Đà Nẵng cùng 125 chức sắc, chức việc thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận về tổ chức, cấp đăng ký hoạt động.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã nghe Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng trình bày báo cáo “Phát huy vai trò của các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Báo cáo đã nêu bật những đóng góp của các tôn giáo trong việc tham gia phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; cùng Nhà nước đảm bảo an sinh xã hội thông qua các hoạt động từ thiện xã hội, y tế, giáo dục; tham gia công tác đấu tranh nhân quyền và đối ngoại tôn giáo.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương những đóng góp to lớn, thiết thực của các tôn giáo đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn nhất quán chính sách về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, tạo điều kiện để các tôn giáo cùng chung sống hòa bình, hoạt động tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu

Thủ tướng đánh giá cao đại đa số chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đều có tinh thần yêu nước, đoàn kết, gắn bó với dân tộc, thực hiện tốt vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Những điểm tương đồng giữa tôn giáo với xã hội, giữa giáo lý, giáo luật với các quy định của pháp luật Nhà nước ngày càng được phát huy, với mục tiêu chung “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đã gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung của đất nước.

Thực tế cho thấy, những năm qua, hoạt động của các tôn giáo diễn ra ổn định, tuân thủ pháp luật. Các tổ chức tôn giáo tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, chức sắc tôn giáo vận động tín đồ chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bài trừ hoạt động mê tín dị đoan. Nhiều tổ chức giáo hội có sáng kiến, chương trình, kế hoạch cụ thể gắn với đặc điểm sinh hoạt của tôn giáo như Phật giáo xây dựng “Chùa cảnh văn hóa”, Công giáo xây dựng “Xứ họ đạo tiên tiến”…, đồng thời thực hiện tốt các hoạt động thiện nguyện về y tế, giáo dục dạy nghề, bảo trợ xã hội, ủng hộ đồng bào lũ lụt, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đóng góp thiết thực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều khu dân cư ở vùng có đông đồng bào theo tôn giáo đã trở thành điểm sáng về phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy…góp phần đảm bảo an ninh trật tự, củng cố quốc phòng toàn dân.

Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn thách thức, với quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ nhiệm kỳ mới là xây dựng “Chính phủ liêm chính, phục vụ và kiến tạo”, hiện có nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường… không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Vì vậy, Thủ tướng mong muốn các tổ chức tôn giáo tiếp tục đồng hành cùng Nhà nước; vận động, giải thích để mọi người dân nói chung, đồng bào tôn giáo nói riêng hiểu và chia sẻ khó khăn chung; cùng nhau khắc phục, vượt qua trở ngại để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh. Các chức sắc tôn giáo tiếp tục nêu gương và vận động tín đồ tin tưởng và ủng hộ Đảng, Nhà nước trong các hoạt động đối nội, đối ngoại, góp phần ổn định chính trị, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Tại cuộc gặp mặt, đại diện các tổ chức tôn giáo đã trình bày một số tham luận, tập trung vào những thành tựu, hạn chế của từng tôn giáo trong quá trình tham gia các hoạt động xã hội. Chức sắc đại diện các tôn giáo cũng đề xuất một số kiến nghị với Chính phủ nhằm tạo điều kiện để các tôn giáo được tham gia đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận những ý kiến phát biểu của đại biểu các tổ chức tôn giáo, đồng thời khẳng định Chính phủ luôn sẵn sàng lắng nghe, nỗ lực tạo ra những điều kiện phù hợp để huy động sức mạnh đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành chức năng rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, đảm bảo tương đồng với Luật tín ngưỡng, tôn giáo nhằm tạo cơ sở vững chắc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các tổ chức tôn giáo phát huy những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi chức sắc, chức việc và đồng bào các tôn giáo ở trong và ngoài nước nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, không phân biệt quá khứ, vượt qua những khác biệt, cùng nhau xây dựng và vun đắp, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh.

Kết thúc buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ đã tặng quà chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chiều cùng ngày, các đại biểu chức sắc, chức việc sẽ tham quan một số địa điểm tại thành phố Đà Nẵng như Nhà trưng bày Hoàng Sa, Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm, danh thắng Ngũ Hành Sơn./.

Thủ tướng Chính phủ chụp ảnh cùng chức sắc các tôn giáo

NL