Đóng góp của các tôn giáo cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày đăng: 14/08/2019
Tính đến tháng 8/2019, Nhà nước ta đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với hơn 26 triệu tín đồ, gần 55.710 chức sắc, 145.721 chức việc, 29.396 cơ sở thờ tự tôn giáo, khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó hơn 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đồng bào các tôn giáo đã sát cánh cùng toàn dân kiên cường vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, cùng quân dân cả nước lập nên những chiến công vĩ đại. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, các tổ chức tôn giáo luôn khẳng định rõ tinh thần yêu nước, vận động tín đồ tin theo sự lãnh đạo của Đảng, ủng hộ và cùng thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không để các thế lực xấu bên ngoài móc nối, lợi dụng kích động gây rối, ảnh hưởng an ninh trật tự, góp phần ổn định chính trị xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phục vụ yêu cầu hội nhập, phát triển kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động tôn giáo, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã tranh thủ vận động các tôn giáo đồng đạo trên thế giới ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, điều đó tiếp tục khẳng định truyền thống đoàn kết yêu nước của đồng bào tôn giáo luôn được vun bồi, phát huy và tỏa sáng trong lòng dân tộc Việt Nam.

Với tỷ lệ đồng bào tôn giáo chiếm 27% dân số cả nước, tín đồ các tôn giáo là lực lượng sản xuất đông đảo, đã và đang tạo ra của cải vật chất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước.

Trong xây dựng và phát triển kinh tế, các tổ chức tôn giáo là kênh truyền thông quan trọng góp phần đưa chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống. Thông qua các sinh hoạt tôn giáo, chức sắc, chức việc các tôn giáo đã góp phần tuyên truyền, nâng cao trình độ nhận thức cho đồng bào có đạo để biết cách làm giàu, vươn lên thoát nghèo, đời sống vật chất từng bước được cải thiện. Trong các phong trào thi đua yêu nước, đồng bào các tôn giáo luôn hưởng ứng nhiệt tình, tích cực đóng góp sức người, sức của xây dựng quê hương, đất nước và đã xuất hiện những tấm gương chức sắc, chức việc, tín đồ tiêu biểu có những sáng kiến hay thúc đẩy sản xuất kinh doanh, làm giàu; nhiều tín đồ tôn giáo là nhà khoa học, doanh nhân tiên phong trên mặt trận kinh tế, góp phần tạo ra của cải vật chất cho xã hội và công ăn việc làm cho hàng triệu lao động; đồng thời tự nguyện hiến đất đai, công sức để xây dựng các công trình dân sinh (cầu, đường, trường học…) phục vụ Nhân dân, trong đó có con em đồng bào có đạo.

Trong xây dựng chính quyền, đoàn thể, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia vào đời sống chính trị xã hội, nhiều chức sắc, chức việc tôn giáo có uy tín, có đạo hạnh được quần chúng Nhân dân tin yêu, bầu chọn vào cơ quan quyền lực của Nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội ở Trung ương và địa phương. Chức sắc các tôn giáo còn tích cực tham gia các Hội, đoàn thể khác như Hội người cao tuổi Việt Nam, Hội người bảo trợ tàn tật Việt Nam, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam…

Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các tổ chức tôn giáo đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động tín đồ tích cực hưởng ứng và đạt nhiều danh hiệu “Cơ sở tôn giáo văn hóa”, “Chùa tinh tiến”, “Gia đình văn hóa”, sống “Tốt đời – đẹp đạo”; chấp hành pháp luật và làm tròn nghĩa vụ công dân, giữ gìn vệ sinh môi trường sống, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo hoạt động trái pháp luật, mê tín dị đoan. Từ đó, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã xây dựng được những làng văn hóa, khu phố văn hóa với nét sinh hoạt đạo – đời hòa hợp.

Trong công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, theo thống kê, hiện nay trên địa bàn cả nước có trên 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh từ thiện do các tổ chức tôn giáo thành lập dưới nhiều hình thức như Tuệ Tĩnh đường, trạm xá, phòng khám đa khoa, phòng chẩn trị Đông y, phòng thuốc nam… Mỗi năm, các cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh của các tôn giáo đã khám và bốc thuốc cho hàng vạn lượt bệnh nhân, trong đó ưu tiên khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là bệnh nhân nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh các hoạt động thường xuyên, hàng năm, các tổ chức tôn giáo còn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Hội Y học cổ truyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc hỗ trợ các chuyến xe chuyển bệnh, bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, cấp thuốc miễn phí, xây dựng nhà Đại đoàn kết…

Trong công tác giáo dục mầm non và dạy nghề, hiện nay có gần 300 trường mầm non, 2.000 lớp học tình thường, 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo bao gồm 02 trường trung cấp nghề và 10 trung tâm dạy nghề. Hàng năm, các cơ sở dạy nghề này tuyển sinh, đào tạo nghề và hướng nghiệp cho hàng nghìn người là con em các gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số. Nhiều tổ chức tôn giáo có quỹ học bổng hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, vận động học sinh đến trường nên tình trạng bỏ học ở nhiều nơi đã chấm dứt.

Trong công tác bảo trợ xã hội, cả nước có gần 800 cơ sở bảo trợ xã hội của các tổ chức tôn giáo, đang nuôi dưỡng trên 12.000.000 trẻ mồ côi, trẻ tàn tật, người già cô đơn, bệnh nhân tâm thần, HIV/AIDS, tiếp nhận nhiều nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, góp phần chia sẻ với Nhà nước trong việc chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội.

Bên cạnh các hoạt động diễn ra trong nước, các tôn giáo ở Việt Nam đã tích cực tham gia giao lưu với các tổ chức tôn giáo đồng đạo trên thế giới như trao đổi đoàn ra nước ngoài, tham dự hội nghị, hội thảo, các diễn đàn tôn giáo thế giới và khu vực, đăng cai, phối hợp tổ chức các Hội nghị, diễn đàn tôn giáo trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN,… Các hoạt động này góp phần tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thúc đẩy ngoại giao Nhân dân. Tại các diễn đàn song phương, đa phương, các tôn giáo đã thể hiện rõ tinh thần yêu chuộng hòa bình và lòng tự hào dân tộc, tích cực ủng hộ và đóng góp sáng kiến vào các tuyên bố chung, góp phần xây dựng thế giới hòa bình, giảm xung đột, bạo lực và chiến tranh vì lý do tôn giáo, sắc tộc.

Các tôn giáo ở Việt Nam đã và đang có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các giá trị đạo đức, tư tưởng nhân văn tôn giáo đã được ghi nhận trong các lĩnh vực của đời sống văn hóa, đóng góp vào việc xây dựng xã hội an toàn, văn minh. Các tôn giáo có khả năng thu hút được những nguồn lực lớn từ xã hội như nguồn nhân lực, nguồn vốn,… từ đây, các tôn giáo ngày càng tham gia mạnh mẽ và đóng góp thiết thực trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Đồng bào có đạo là lực lượng lao động xã hội to lớn, tham gia sản xuất ra nhiều của cải, vật chất và đóng góp tích cực đối với quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, có thể khẳng định, những đóng góp của các tổ chức tôn giáo đã và đang góp phần làm đẹp thêm “bức tranh màu sắc rực rỡ” về mọi mặt của đất nước, nâng cao ảnh hưởng và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.

NL