Mộc bản chùa Dâu được công nhận bảo vật quốc gia
Ngày đăng: 13/05/2024
Mộc bản chùa Dâu
Ngày 13/5/2024, tại chùa Dâu, phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh diễn ra Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận Bảo vật quốc gia đối với Mộc bản chùa Dâu.

Chùa Dâu được xây dựng ở cổ thành Luy Lâu từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, là ngôi chùa cổ nhất và là nơi khởi nguồn của đạo Phật Việt Nam. Chùa còn có những tên gọi khác nhau là chùa Cả, Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Cổ Châu tự, Thiền Định tự; là nơi tu hành đắc đạo của nhiều cao tăng nổi tiếng. Nơi đây đã đào tạo 500 tăng ni, dịch 15 bộ kinh Phật và xây dựng hàng chục bảo tháp uy nghiêm. Nhiều cao tăng nổi tiếng đã đến đây trụ trì như: Mâu Bát, Tì Ni Da Lưu Chi, Khang Tăng Hội, Pháp Hiền. Chùa Dâu là một trung tâm Phật giáo cổ xưa với sự giao thoa, dung hội giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng bản địa tạo nên hệ thống Phật Tứ pháp đặc trưng riêng của Việt Nam.

Chùa Dâu được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013; bộ tượng Phật Tứ pháp vùng Dâu được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 2090/QĐ-TTg ngày 25/12/2017. Chùa Dâu hiện còn lưu giữ nhiều tài liệu, cổ vật quý giá, tiêu biểu như bia đá, khánh đá, chuông đồng...

https://baobacninh.com.vn/documents/20182/1765421/mot-trang.jpg/b7a297fa-2219-47a3-b952-f4e7157e745e?t=1708098813786

Một trang in rập từ mộc bản chùa Dâu

Mộc bản chùa Dâu được san khắc vào thời Lê Trung Hưng và Tây Sơn kéo dài đến thời Nguyễn. Chữ trên mộc bản đều là chữ Hán cổ và chữ Nôm được khắc âm bản, đường nét mềm mại, có tính thẩm mỹ cao nên khi in ra giấy dó sắc nét. Chất liệu ván in đều được làm bằng gỗ cây thị, trải qua thời gian gần 300 năm, nhưng ván khắc ở chùa Dâu còn khá nguyên vẹn, đủ số chữ, sắc nét, rõ ràng.

Bộ mộc bản gồm 107 ván khắc là hiện vật gốc duy nhất, độc bản, toàn vẹn và có tính xác thực với nhiều loại hình văn bản về truyền thuyết về Phật Tứ pháp, kể hạnh về Phật Tứ pháp, kinh Phật, các nghi lễ cầu mưa, cầu tạnh, cúng tế các vị tổ chùa... Giới nghiên cứu tạm phân loại thành 13 bộ khác nhau gồm: Cổ Châu hạnh, Cổ Châu lục, Cổ Châu nghi, Âm chất giải âm, Nhân quả quốc ngữ, Kỳ vũ kinh, Kỳ vũ hồng ân công văn, Thỉnh Long Vương nghi, Công đức, Mục Liên, Tam giáo, Phù chú và Tồn nghi là những ván chưa xác định được tên gọi. Mỗi ván khắc có tiết diện hình chữ nhật, hầu hết đều có kích thước trung bình dài từ 40-47cm, rộng từ 19-24cm, độ dày ván từ 1,5-2,5cm; có 92/107 ván được khắc hai mặt và 15/107 ván khắc một mặt. Một số ván khắc đan xen những đồ hình minh họa được bố cục chặt chẽ, hài hòa với phần văn tự.

Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận Bảo vật quốc gia đối với Mộc bản chùa Dâu

Ngày 18/01/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 73/QĐ-TTg về việc công nhận 29 bảo vật quốc gia, trong đó có Mộc bản chùa Dâu, niên đại từ năm 1752-1859, hiện lưu giữ tại chùa; là cơ sở pháp lý để bảo tồn, phát huy giá trị bảo vật quốc gia mộc bản chùa Dâu lâu dài, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ người dân, làm sáng tỏ lịch sử, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương.

Vũ Minh Trang