Nét văn hóa trong lễ hội Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer
Ngày đăng: 10/05/2024
Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer. Lễ hội diễn ra vào khoảng giữa tháng Tư Dương lịch hằng năm, bao gồm nhiều nghi lễ truyền thống và trò chơi dân gian. Nguồn gốc của lễ hội Chôl Chnăm Thmây được lý giải bằng truyền thuyết xoay quanh cuộc đấu trí giữa vị thần tối cao Phạm Thiên - một trong tam vị nhất thể của Bà-la-môn giáo và cậu bé thông minh Thom Ma Bal - một tiền kiếp của Đức Phật. Giá trị nhân văn, vị nhân sinh được thể hiện đậm nét trong sinh hoạt lễ hội Chôl Chnăm Thmây.

Truyền thuyết Chôl Chăm Thmây có nguồn gốc từ câu chuyện: ngày xưa, có một cậu bé tên là Thom Ma Bal rất thông minh, 7 tuổi đã biết đem sự hiểu biết của mình truyền bá cho mọi người. Dân chúng thán phục và thích nghe cậu thuyết giảng. Tiếng đồn về tài trí của Thom Ma Bal chẳng mấy chốc vang đến thượng giới. Các vị thần cũng xuống trần gian xin nghe Thom Ma Bal thuyết giảng. Do vậy, những buổi thuyết giảng của thần Phạm Thiên trên thượng giới ngày càng vắng vẻ.

Thần vốn rất được tôn sùng, nay nghe ở trần gian có kẻ hơn mình nên tỏ ý tức giận. Thần liền xuống hạ giới để thử tài cậu bé với câu hỏi: buổi sáng, buổi trưa, buổi tối, duyên con người ở đâu? Thần giao hẹn, nếu sau bảy ngày mà không trả lời được thì cậu bé phải tự kết liễu đời mình; ngược lại, nếu cậu trả lời đúng thì thần sẽ tự cắt đầu mình. Sắp tới thời hạn cuối, nhưng Thom Ma Bal vẫn chưa nghĩ ra được câu trả lời, buồn bã, cậu đi vào rừng định kết liễu đời mình. Bỗng Thom Ma Bal nghe thấy hai chim thần In Thri nói chuyện và biết được câu trả lời, cậu bé mừng rỡ quay về. Thua cuộc, thần cắt đầu mình, tự sát. Từ đó về sau, hằng năm, cứ đến ngày thần tự sát, bảy cô con gái của thần thay phiên nhau xuống trần gian, mang theo một mâm đầu của cha xuống núi Prassume, rồi đi vòng quanh chân núi ba lần theo hướng Mặt Trời mọc. Đó chính là ngày năm mới (Chôl Chnăm Thmây) của người Khmer.

Truyền thuyết Chôl Chnăm Thmây vừa giải thích nguồn gốc lễ hội quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ, đồng thời, phản ánh quan niệm về vũ trụ luận của người Khmer xưa. Nòng cốt của câu chuyện là mô típ ra câu đố và giải câu đố nhằm đề cao trí thông minh của con người trước sức mạnh của thế giới tự nhiên. Cậu bé Thom Ma Bal bằng trí tuệ của mình đã chiến thắng vị thần bốn mặt tối cao, trên cả hai phương diện: thuyết pháp và giải đố. Thần thánh là “thế lực” luôn được con người sùng bái, tôn thờ. Câu đố của thần tượng trưng cho sự thử thách của thần thánh dành cho con người. Trong khi đó, cậu bé 7 tuổi tượng trưng cho sự nhỏ bé của con người trước quyền năng tối thượng của thần linh. Thế nhưng, cuối cùng, con người đã chiến thắng, đó chính là giá trị nhân văn, vị nhân sinh của Bà-la-môn giáo. Việc các thiên thần, người trần gian đều thích nghe Thom Ma Bal giảng thuyết hành động thần tự chặt đầu thể hiện sự bình đẳng trong chúng sinh, không phân biệt đẳng cấp.

Câu đố của thần Phạm Thiên là sự suy tư về thời gian của đời người trong dòng miên viễn của vũ trụ. Tính tượng trưng trong câu hỏi của thần đề cập đến ba giai đoạn của đời người, buổi sáng tượng trưng cho việc con người mới sinh ra, buổi trưa là giai đoạn trưởng thành, buổi tối chính là lúc con người về già. Đó là câu hỏi giàu tính triết lý, phản ánh những trăn trở của con người trên hành trình tìm đến giá trị sống cũng như ý nghĩa sống của mình trên cõi đời này - cũng là những vấn đề mà mỗi tôn giáo có sự biện luận, lý giải riêng của mình.

Tính nhân văn còn được nói đến ở đây, đó là, mặc dù, thấy mình bị thua cuộc nhưng trước khi tự cắt đầu, thần vẫn quan tâm đến loài người, dặn dò bảy cô con gái: thứ nhất, không được vứt đầu ta xuống đất, vì đất sẽ nứt nẻ, khô cằn; thứ hai, không được vứt đầu ta xuống biển, vì vứt xuống biển thì biển sẽ cạn; thứ ba, không được vứt đầu ta lên trời, vì vứt lên trời thì trời sẽ không có mưa. Thần cũng dặn dò các con gái của mình, hằng năm, xuống hạ giới để bảo vệ người dân, giúp họ được bình an với mùa màng bội thu. Từ đó, hằng năm, một trong bảy người con gái mang theo đầu 4 mặt của thần xuống trần gian để bảo vệ người dân.

Truyền thuyết Chôl Chăm Thmây truyền tải thông điệp là phải đem trí tuệ cho con người. Trí tuệ đó phải được đưa vào cuộc sống để tạo ấm no, hạnh phúc cho mọi người như đã làm hơn 1.000 năm qua. Nghi lễ cầu an cho mưa thuận, gió hòa được tổ chức ở các chùa Phật giáo Nam tông Khmer vào dịp lễ Chôl Chăm Thmây đã biểu hiện quan điểm dung hòa giữa nhân đạo, bác ái của Phật giáo và tôn trọng ý nguyện của đấng tối cao Bà-la-môn giáo.

Tục đắp núi cát cầu bình an trong lễ hội Chôl Chnăm Thmây

Thời khắc Giao thừa trong Tết Chôl Chnăm Thmây, theo quan niệm của người Khmer không phải là 0 giờ 0 phút như Tết Dương lịch hay Tết Nguyên đán, mà căn cứ vào thời khắc tiên nữ (một trong bảy nàng tiên con của thần tối cao Phạm Thiên) giáng trần. Vị tiên nữ này được cử xuống trần gian thay thế cho vị thần năm cũ để chăm lo cho người dân trong năm đó. Để biết thời khắc giao thừa, achar trong các ngôi chùa là người tu hành, có địa vị cao trong xã hội và luôn được người dân Khmer kính trọng sẽ làm lễ và thông báo cho người dân. Đối với người Khmer, tháng Tư là điểm giao thời giữa mùa nắng và mùa mưa. Tại thời điểm này, cỏ cây trở lại tươi tốt và thiên nhiên trỗi dậy sức sống. Sự thay đổi, bừng lên của thiên nhiên đã được người Khmer quan niệm như sự khởi đầu của một năm mới. Việc tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây xuất phát từ mục đích cầu xin mùa khô qua mau để có thể bắt đầu mùa vụ mới, cho nên, lễ hội Chôl Chnăm Thmây không chỉ là nghi lễ giao mùa đơn thuần, mà còn là nhân tố gắn kết, ổn định và phát triển xã hội, thông qua sự chuyển tiếp nền tảng nhân văn của Bà-la-môn giáo sang giáo lý của Phật giáo với thông điệp mang giá trị luân lý đạo đức, chuẩn mực đời thường như “từ bi, hỷ xả”, “cứu khổ, cứu nạn”, sự dung hòa, đoàn kết gắn bó.

Ở khu vực Nam Bộ, quan hệ tộc người được hòa quyện chặt chẽ bởi dân tộc và tôn giáo, điển hình là sự giao thoa của ba sắc tộc Kinh, Hoa và Khmer. Từ thế kỷ XII đến nay, Phật giáo dần trở thành tôn giáo gắn bó chặt chẽ với đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ. Phật tử người Kinh, người Hoa đi lễ, thắp hương ở chùa của người Khmer, tạo thành một cộng đồng các dân tộc gắn bó, thân thiết, cùng chung mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu trong năm mới. Trong không khí vui tươi của lễ hội đón năm mới Chô Chnăm Thmây, bà con người Kinh, Hoa, Khmer ở các khóm, ấp qua lại, thăm hỏi, chúc mừng lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng.

Vỹ Thanh