Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ tham dự Đại lễ tưởng niệm 710 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn tại tỉnh Quảng Ninh
Ngày đăng: 08/12/2018
Ngày 7/12, tại Trung tâm Lễ hội Yên Tử, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Ðại lễ tưởng niệm lần thứ 710 Ngày Đức vua - Phật hoàngTrần Nhân Tôngnhập niết bàn (1308 - 2018) và khánh thành giai đoạn I cung Trúc Lâm Yên Tử.

 

Tham dự Đại lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng; Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Ngô Hoàng Ngân cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và tỉnh Quảng Ninh.

Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tham dự và trủ trì Đại lễ có Hòa thượng Thích Thanh Dũng, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự cùng đông đảo tăng, ni, phật tử trong cả nước.

Đại lễ đã ôn lại tiểu sử của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ông sinh ngày 11/11 năm Mậu Ngọ 1258 và nhập niết bàn ngày 1/11 năm Mậu  Thân 1308. Trần Nhân Tông là nhân vật văn hóa lớn, là người anh hùng dân tộc. Vị hoàng đế để lại sự nghiệp chính trị lẫy lừng, là nhà tư tưởng, nhà giáo dục, người nghệ sĩ lớn, nhà nhân văn chủ nghĩa và là một lãnh tụ tôn giáo. Ông để lại nhiều dấu ấn ảnh hưởng tới sự phát triển của quốc gia dân tộc Việt Nam ở hầu khắp các lĩnh vực.

Đối với Phật giáo Trúc Lâm, đây là Phật giáo bản địa đầu tiên của người Việt, đã được Phật hoàng Việt hóa nhằm nêu cao ý chí tự lực tự cường và thống nhất các tổ chức hệ phái của Phật giáo thành một giáo hội độc lập thuần túy của dân Việt, theo nguyện vọng của người Việt, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của đất nước Đại Việt và bản sắc văn hóa Việt, có thể nói đây là nét văn hóa đặc sắc của Phật giáo và dân tộc Việt Nam.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Đại lễ

Phát biểu tại Đại lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh Phật hoàng Trần Nhân Tông không chỉ có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước mà còn có công dựng đạo tạo đời qua tu hành Phật pháp. Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, giá trị nhân văn cao quý của Phật hoàng trong đời sống thực tiễn sẽ góp phần phát triển bền vững các hoạt động Phật sự. Phó Thủ tướng mong rằng toàn thể tăng, ni, phật tử Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Trong giai đoạn đất nước Việt Nam đang phát triển và hội nhập với quốc tế, Phó Thủ tướng yêu cầu Giáo hội tiếp tục khơi dậy truyền thống, văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam, có nhiều hơn nữa những hành động thiết thực thể hiện tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên của Đức Phật.

Sau Đại lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông đã diễn ra lễ cắt băng khánh thành giai đoạn 1 cung Trúc Lâm Yên Tử. Đây là dự án trọng điểm tại Khu di tích danh thắng Yên Tử do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, tổng kinh phí thực hiện hơn 200 tỷ đồng từ nguồn công đức và xã hội hóa. Việc đưa cung Trúc Lâm Yên Tử đi vào hoạt động không những đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân, khách hành hương, mà còn góp phần tôn tạo danh sơn Yên Tử trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Quảng Ninh và cả nước.

Một số hình ảnh Đại lễ:

 

 

Dâng hương tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niếp bàn

 

 

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ôn lại lịch sử Phật hoàng Trần Nhân Tông

 

Lễ cắt băng khánh thành giai đoạn 1 cung Trúc Lâm Yên Tử

 

 

Đông đảo tăng, ni, phật tử tham dự Đại lễ tại Trung tâm Lễ hội Yên Tử, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh

Việt Bách