Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ dự Hội thảo hoằng pháp hải ngoại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Huế
Ngày đăng: 01/08/2019
Chiều tối 31/7, tại Tổ đình Từ Đàm, thành phố Huế, Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) khai mạc Hội thảo khoa học Hoằng pháp hải ngoại với chủ đề “Sứ mệnh hoằng pháp trong xu hướng toàn cầu hóa”. Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ (BTGCP) Vũ Chiến Thắng đã đến dự và phát biểu tại phiên khai mạc.

Dự khai mạc có Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Ban Hoằng pháp Trung ương, chức sắc lãnh đạo GHPGVN, đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên – Huế, chức sắc Ban Hoằng pháp Trung ương và Phân ban Hoằng pháp Hải ngoại GHPGVN, các tăng ni, học giả, các nhà nghiên cứu, Phật tử trong nước.

Theo thống kê, cộng đồng người Việt Nam trên thế giới hiện có khoảng 4,5 triệu người, trong đó khoảng trên ½ kiều bào có tín ngưỡng Phật giáo. Dù sống xa Tổ quốc, kiều bào luôn phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, hướng về cội nguồn. Nhiều người đã có những đóng góp về tinh thần, vật chất cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Do đó, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy các cơ chế, chính sách chăm lo phát triển vật chất và tinh thần cho kiều bào xa Tổ quốc, trong đó, việc chăm lo về tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa truyền thống dân tộc luôn được quan tâm thực hiện.

Tính đến nay, Phật giáo Việt Nam đã có trên 500 ngôi chùa tại 33 quốc gia và vùng lãnh thổ, do 22 Hội Phật giáo, Hội Phật tử, Ban Điều hành Phật giáo Việt Nam trực thuộc GHPGVN tại các quốc gia sở tại hướng dẫn, quản lý. Tăng ni, chức sắc Phật giáo định cư ở nước ngoài đều có mối quan hệ về sơn môn, pháp phái với các tông phái, tổ đình, hệ phái Phật giáo trong nước. Hầu hết kiều bào Phật tử ở nước ngoài đều hướng về GHPGVN, có nhu cầu tu học, hoạt động tôn giáo trong lòng Giáo hội, mong muốn được phổ biến, triển khai các định hướng hoạt động của Giáo hội một cách thường xuyên, trực tiếp. Đây là sợi dây liên kết bền vững, là pháp mạch cần được GHPGVN duy trì và phát triển.

Trước xu hướng toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, mọi ranh giới quốc gia, lãnh thổ bị xóa nhòa. Các hoạt động kinh tế, văn hóa đều theo xu hướng hợp tác xuyên quốc gia, hoạt động tôn giáo cũng bị chi phối bởi xu hướng này. Trong bối cảnh đó, Hội thảo Hoằng pháp hải ngoại của GHPGVN rất cần thiết cả về tính lý luận và thực tiễn, nhằm giúp hoạt động của GHPGVN ngày một hiệu quả, hình ảnh của Giáo hội ngày càng được củng cố và lớn mạnh trong giới Phật giáo quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban BTGCP Vũ Chiến Thắng khẳng định sự cần thiết của hoạt động hoằng pháp hải ngoại trong việc xây dựng ngôi nhà chung GHPGVN và việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Ông lưu ý GHPGVN cần xác định hoằng pháp hải ngoại là công tác Phật sự quan trọng, đồng thời cho biết Nhà nước Việt Nam ủng hộ và đảm bảo hoạt động này trên cơ sở quy định của pháp luật Việt Nam, quy định của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên.

Để làm tốt công tác Phật sự hải ngoại, vai trò của chức sắc hoằng pháp hải ngoại đặc biệt quan trọng. Một mặt, chức sắc Phật giáo thực hiện hoằng pháp tại hải ngoại phải luôn thể hiện được trọng trách tập hợp tăng ni, tín đồ Phật giáo kiều bào hướng về Giáo hội, đoàn kết xây dựng ngôi nhà chung GHPGVN vững mạnh, khẳng định vị thế và uy tín của Giáo hội ở trong và ngoài nước. Mặt khác, bên cạnh trọng trách Giáo hội, chức sắc Phật giáo thi hành Phật sự hải ngoại cần quan tâm, thực hiện trọng trách được Nhà nước, cơ quan quản lý và Nhân dân trông đợi, đó là trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân, tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về tôn giáo; gương mẫu và vận động tín đồ kiều bào thực hiện hoạt động tôn giáo chấp hành luật pháp nước sở tại, đồng thời vận động tăng ni, Phật tử kiều bào hướng về quê hương, chung tay cùng các tầng lớp Nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Bên cạnh việc biểu dương những thành tựu trong hoạt động hoằng pháp của GHPGVN nói chung, trong đó có hoạt động hoằng pháp tại hải ngoại, Trưởng ban Vũ Chiến Thắng cũng lưu ý Giáo hội về một số hoạt động tu học, hoằng pháp có biểu hiện xa rời phương châm hoạt động của Giáo hội, có dấu hiệu vi phạm Hiến chương và pháp luật của Nhà nước, gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến uy tín và vị thế của GHPGVN ở trong và ngoài nước. GHPGVN cần đánh giá lại nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu, phương pháp và những vấn đề liên quan đến hoạt động hoằng pháp nói chung, trong đó có hoạt động hoằng pháp tại hải ngoại.

Hội thảo khoa học Hoằng pháp hải ngoại diễn ra trong 02 ngày 31/7 – 01/8/2019 với sự tham gia của gần 300 đại biểu.

 Trưởng ban BTGCP Vũ Chiến Thắng tặng hoa chúc mừng hội thảo

 

NL