Phỏng vấn ông Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo
Ngày đăng: 24/01/2018
Ngày 18/11/2016, Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua với 09 chương, 8 mục, 68 điều. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Phóng viên Trang Thông tin điện tử Ban Tôn giáo Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Bùi Thanh Hà về một số nội dung liên quan đến Luật tín ngưỡng, tôn giáo và việc triển khai thực hiện Luật này thời gian qua.

Phóng viên: Thưa ông, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về tôn giáo, thời gian qua, khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua, xin ông cho biết Ban Tôn giáo Chính phủ đã thực hiện tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ triển khai thực hiện Luật như thế nào?

Phó Trưởng ban:Thực hiện quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngay sau khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành, để tổ chức triển khai thực hiện Luật có hiệu quả, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiến hành các công việc sau:

Thứ nhất, tham mưu xây dựng 02 Nghị định quy định các nội dung Luật giao Chính phủ quy định chi tiết, gồm: Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ hai, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 306/QĐ-TTg ngày 08/3/2017 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ ba, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Quyết định số 1090/QĐ-BNV ngày 29/3/2017 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Sau khi các quyết định trên được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành, Ban Tôn giáo Chính phủ đã chủ động, tích cực tham mưu thực hiện các nội dung công việc:

- Tổ chức tập huấn chuyên sâu về các nội dung của Luật cho cán bộ, công chức làm công tác tham mưu quản lý nhà nước về tôn giáo tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cho đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và đội ngũ báo cáo viên pháp luật Trung ương hiện đang công tác tại Bộ Nội vụ.

-  Phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu nội dung của Luật cho đại diện chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tổ chức tôn giáo.

- Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các hội thảo về tổ chức bộ máy làm công tác tham mưu quản lý nhà nước về tôn giáo để chuẩn bị điều kiện đảm bảo thi hành Luật.

-Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

- Tổ chức rà soát, thống kê các thủ tục hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Phóng viên: Thưa ông, năm 2017, Ban Tôn giáo Chính phủ là cơ quan trực tiếp tham mưu cho Bộ Nội vụ trong việc xây dựng và trình Chính phủ hai dự thảo Nghị định quy định chi tiết cho Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện nay Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành đồng thời với Luật, vậy còn Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo thì bao giờ được ban hành và có hiệu lực?

Trong Kế hoạch triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng các văn bản quy định chi tiết cho Luật. Năm 2017, cả hai dự thảo Nghị định nêu trên đã được Ban Tôn giáo Chính phủ tham mưu tích cực cho Bộ Nội vụ trong việc phối hợp với các bộ, ngànhliên quan xây dựng, hoàn thiện. Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã được Chính phủ ký vào ngày 30/12/2017 và có hiệu lực ngày 01/01/2018 cùng với Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Đối với dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay đang tiếp tục được các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét và sẽ ban hành vào một thời điểm thích hợp khi dự thảo Nghị định được hoàn thiện.

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay Luật tín ngưỡng, tôn giáo đang giao cho Chính phủ quy định chi tiết các nội dung trong Luật? nội dung nào sẽ được quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo? Nội dung nào được quy định tại Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo?

Theo quy định của Luật hiện nay có 7 điều Quốc hội giao cho Chính phủ quy định chi tiết, trong đó 06 điều được quy định chi tiết tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, 01 điều được quy định chi tiết tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Các điều được Luật giao và quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo gồm:

- Quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Trình tự, thủ tục cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc.

- Trình tự, thủ tục giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.

- Trình tự, thủ tục giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo.

- Trình tự, thủ tục chấp thuận, đăng ký việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài.

- Quy định chi tiết việc tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài; việc quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.

 Và việc quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt cụ thể và thẩm quyền lập biên bản đối với hành vi vi phạm hành chính; chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo sẽ được quy định tại Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Phóng viên: Thưa ông, trong Kế hoạch triển khai thi hành Luật cũng có một nội dung rất quan trọng đó là rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành bảo đảm phù hợp với quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, vậy mục đích, yêu cầu, phạm vi và kết quả thực hiện nội dung này như thế nào?

Theo Kế hoạch triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành kèm theo Quyết định số 306/QĐ-TTg và Quyết định 1090/QĐ-BNV, nội dungrà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành bảo đảm phù hợp với quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 là nội dung quan trọng cần các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện khẩn trương trong năm 2017. Việc rà soát này đề ra mục đích, yêu cầu và phạm vi rất cụ thể, đó là:

* Về mục đích:

- Rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp với quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.

- Xác định trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc xử lý, kiến nghị xử lý kết quả rà soát (xây dựng, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật) để bảo đảm phù hợp và thi hành hiệu quả Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.

* Yêu cầu:

Để đạt được những mục đích cụ thể như trên, việc tổ chức rà soát đã đặt ra các yêu cầu: Bám sát Kế hoạch triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo do Thủ tướng Chính phủ ban hành; Bảo đảm việc rà soát được tiến hành kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả theo đúng trình tự, thủ tục; Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành; cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan trong quá trình rà soát, xử lý hoặc kiến nghị xử lý kết quả rà soát theo quy định.

* Về phạm vi và phương pháp rà soát:

- Phạm vi rà soát văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành theo Kế hoạch triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm rà soát của Bộ, cơ quan ngang Bộ liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người còn hiệu lực tính đến thời điểm rà soát.

- Phương pháp chủ yếu để thực hiện việc rà soát là đối chiếu, so sánh trực tiếp, toàn diện nội dung quy định của văn bản quy phạm pháp luật được rà soát với quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 để xác định quy định trái, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc cần ban hành mới phục vụ việc lập danh mục đề xuất văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật.

* Về kết quả rà soát:

Tính đến ngày 15/10/2017, Bộ Nội vụ đã tổng hợp thông tin, báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật của 17/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ,trong đó có 16/21 Bộ, cơ quan ngang Bộ không có kiến nghị xử lý văn bản quy phạm pháp luật; 01/21 Bộ, cơ quan ngang Bộ đề nghị sửa đổi 01 thông tư; hết hiệu lực 05 văn bản (Bộ Nội vụ).

Tổng số văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành có quy định liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người được rà soát (do các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện) là 989 văn bản. Số văn bản quy phạm pháp luật qua rà soát sẽ hết hiệu lực khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực là 06 văn bản (01 pháp lệnh; 01 nghị định; 01 chỉ thị; 03 thông tư, thông tư liên tịch). Các văn bản này điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.

Ban Tôn giáo Chính phủ đã tham mưu cho Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát nêu trên theo đúng Kế hoạch.

Phóng viên: Ngày 01/01/2018 Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã có hiệu lực, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Bộ Nội vụ trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, thời gian qua, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tích cực tham mưu triển khai thi hành Luật, bên cạnh đó để việc thực hiện Luật đúng quy định, có hiệu quả, xin ông cho biết Ban đã có những bước chuẩn bị gì?

Bên cạnh việc phối hợp với các bộ, ngành; các tỉnh thành triển khai các nội dung theo Kế hoạch ban hành kèm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ đã chủ động hướng dẫn các địa phương; các tổ chức tôn giáo tìm hiểu các nội dung của Luật để áp dụng phù hợp với thực tiễn khi Luật đã có hiệu lực vào ngày 01/01/2018.

Xin trân trọng cảm ơn ông!