Lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp đoàn Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ
Ngày đăng: 19/09/2019
Ngày 19/9, tại Trụ sở Ban Tôn giáo Chính phủ (BTGCP), Phó Trưởng ban Bùi Thanh Hà chủ trì tiếp đoàn Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ (USCIRF) do bà Anurima Bhargava, Ủy viên USCIRF làm trưởng đoàn.

Tham gia tiếp Đoàn có ông Nguyễn Văn Long, Chánh Văn phòng BTGCP, bà Ngô Thị Xuân Lan, Phó Vụ trưởng vụ Quan hệ Quốc tế, bà Thiều Thị Hương, Vụ trưởng Vụ Tin Lành BTGCP.

Tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các vấn đề liên quan đến đời sống tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Bà Anurima Bhargava cảm ơn sự đón tiếp của BTGCP và mong muốn tìm hiểu về tình hình tôn giáo tại Việt Nam hiện nay; quá trình triển khai Luật tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam, đặc biệt ở cấp địa phương; các cơ chế nhằm hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức tôn giáo trong quá trình hoạt động tôn giáo theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo; vấn đề đất đai liên quan đến một số cơ sở tôn giáo; vấn đề đảm bảo quyền sinh hoạt tôn giáo tại tư gia hoặc của một nhóm người.

Tiếp lời bà Anurima Bhargava, Phó Trưởng ban Bùi Thanh Hà cho biết, có rất nhiều báo cáo của các tổ chức, quốc gia trên thế giới, trong đó có USCIRF về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Mỗi báo cáo được xây dựng theo cách tiếp cận và nguồn tài liệu khác nhau, dẫn tới kết quả có sự khác biệt. Nhưng thời gian gần đây, nhìn chung, các báo cáo đều theo hướng đánh giá tích cực tình hình tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam. Điều đó khẳng định nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân theo quy định của Hiến pháp 2013 và Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Phó Trưởng ban Bùi Thanh Hà thông tin tới Đoàn về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phong phú tại Việt Nam thời gian qua; hoạt động đào tạo, bổ nhiệm chức sắc của các tổ chức tôn giáo; đóng góp về nguồn lực vật chất và tinh thần của các tôn giáo cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; các sự kiện, lễ hội tôn giáo diễn ra không chỉ dừng ở quy mô trong nước mà còn vươn tới tầm quốc tế như Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của đạo Cao Đài, tổ chức tại Tây Ninh, thu hút gần 250.000 tín đồ và du khách tham gia, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 của Phật giáo, tổ chức tại Hà Nam, với đại biểu từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, Tổng hội Dòng Đa Minh quốc tế của Công giáo, tổ chức tại Đồng Nai, với đại biểu từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ… Thành công của những sự kiện này thể hiện sự phối hợp hiệu quả của tổ chức tôn giáo và các cấp chính quyền, bởi lẽ hoạt động của bất kỳ tôn giáo nào không giới hạn trong phạm vi của bản thân tôn giáo ấy mà còn là hoạt động thu hút đông đảo tín đồ và nhân dân, có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội, thể hiện uy tín của quốc gia.

Phó Trưởng ban Bùi Thanh Hà chia sẻ về quá trình triển khai Luật tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam với sự tham gia của các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương, nhằm giúp các tổ chức tôn giáo và hệ thống cán bộ, công chức làm công tác liên quan đến tôn giáo hiểu rõ và thực hiện thống nhất theo đúng các quy định của Luật. Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đặc biệt quan tâm đến sự hài lòng của người dân đối với các chính sách liên quan đến tôn giáo, do đó BTGCP và Ban Tôn giáo các địa phương luôn chủ động, quan tâm, lắng nghe ý kiến của người dân và các tổ chức tôn giáo nhằm kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật suốt thời gian qua.

Với các vấn đề liên quan đến đất đai, sinh hoạt tôn giáo của cá nhân, nhóm người, Phó Trưởng ban BTGCP khẳng định: Nhà nước Việt Nam nhất quán thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; tạo điều kiện tối đa để các tôn giáo hoạt động theo hiến chương của giáo hội và quy định của pháp luật. Hoạt động tôn giáo cần gắn bó trong sự hài hòa với các điều kiện thực tiễn về văn hóa, xã hội, môi trường… của từng địa phương, đảm bảo các tiêu chí an ninh, an toàn, lợi ích cho cộng đồng.

Ông Bùi Thanh Hà khẳng định, các vấn đề tôn giáo luôn là vấn đề liên quan đến lợi ích chung của cộng đồng, xã hội. Chính phủ giải quyết các vấn đề tôn giáo dựa trên nguyện vọng, nhu cầu chính đáng và lợi ích của đại chúng, không theo ý kiến riêng lẻ của bất kỳ cá nhân nào./.

Toàn cảnh buổi tiếp

NL