Hội thảo khoa học “Thuận lợi, thách thức trong thực tiễn triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và công tác quản lý đất đai liên quan đến tôn giáo”
Ngày đăng: 26/10/2018
Ngày 24/10/2018, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thuận lợi, thách thức trong thực tiễn triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và công tác quản lý đất đai liên quan đến tôn giáo”.

Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo Ban, thành viên Hội đồng khoa học, đại diện một số vụ, đơn vị thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ; đại diện Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công an; đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế và hơn 100 đại biểu đại diện Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc và miền Trung về dự. Ông Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ và ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đồng chủ trì Hội thảo.

Ngày 18/11/2016, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo và ngày 30/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Luật và Nghị định đồng thời có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Luật tín ngưỡng, tôn giáo là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất hiện nay điều chỉnh trực tiếp các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời là một trong những văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên được ban hành cụ thể hóa quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 - đó là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Luật tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều điểm mới tiến bộ, thể hiện tính công khai, minh bạch, nhà nước pháp quyền, phù hợp tinh thần Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Để việc triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo thống nhất, đồng bộ và kịp thời, ngày 08/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 306/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản có liên quan; Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 1090/QĐ-BNV ngày 29/3/2017 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, các bộ, ngành và địa phương trên cả nước cũng đã chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch, văn bản, chỉ đạo và triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định hướng dẫn thi hành.

Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, Luật tín ngưỡng, tôn giáo bước đầu đã tạo được một hành lang pháp lý vững chắc, ổn định, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên phạm vi cả nước; nhiều quy định mới của Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã mang đến thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong việc tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó quá trình thực thi cũng gặp những khó khăn nhất định. Việt Nam hiện có 42 tổ chức đã được công nhận hoặc cấp đăng ký hoạt động tôn giáo thuộc 15 tôn giáo, mỗi tôn giáo có một sắc thái riêng, có tôn giáo theo hệ thống quốc tế, có tôn giáo chỉ ở một vùng, miền; có tôn giáo có hệ thống tổ chức chặt chẽ, có tôn giáo chỉ có ban đại diện; có tôn giáo có đội ngũ chức sắc, chức việc hoạt động chuyên nghiệp; nhưng cũng có  tôn giáo không có chức sắc, chỉ có chức việc,… Bên cạnh đó, còn có rất nhiều các “hiện tượng tôn giáo mới” và sự phong phú, đa dạng của các loại hình tín ngưỡng. Trong khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo chỉ có thể bao quát những điểm tương đồng giữa các tôn giáo, tín ngưỡng. Chính vì vậy, trong thực tiễn triển khai ở từng địa phương với những tổ chức tôn giáo cụ thể sẽ có những điểm vướng, bất cập sẽ là những vấn đề đặt ra cần được quan tâm giải quyết để tạo đồng thuận xã hội, như: còn có những cách hiểu khác nhau về một số từ ngữ mới trong Luật; vấn đề đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc, chức việc, nhà tu hành; lý lịch tư pháp;  sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; pháp nhân phi thương mại của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc,…

Các báo cáo tham luận đã được các đại biểu bàn luận đầy tâm huyết trong Hội thảo và nhận được sự tranh luận sôi nổi. Tại Hội thảo, TS. Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ đã lắng nghe và giải đáp những vướng mắc của các đại biểu trong quá trình thảo luận. Các tham luận đã cho thấy sự phong phú, đa dạng với các góc độ tiếp cận khác nhau trong quá trình triển khai thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác quản lý đất đai liên quan đến tôn giáo.

Hội thảo khoa học Thuận lợi, thách thức trong thực tiễn triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và công tác quản lý đất đai liên quan đến tôn giáo” đã thành công tốt đẹp. Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Bùi Thanh Hà nhấn mạnh: Hội thảo là một diễn đàn trao đổi về chuyên môn hữu ích đối với cán bộ làm công tác tôn giáo và các nhà khoa học. Hy vọng rằng những khuyến nghị của các đại biểu tham dự Hội thảo thực sự là những đóng góp quý báu làm cơ sở nghiên cứu tham mưu trả lời và tổ chức triển khai thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thống nhất và hiệu quả trên phạm vi cả nước, góp phần bảo đảm tốt các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo./.

Diệu Minh