Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức Hội thảo “Đạo Tin Lành và quá trình hội nhập văn hóa dân tộc, xây dựng cộng đồng”
Ngày đăng: 24/10/2018
Ngày 19/10/2018, tại Trung tâm Tập huấn và bồi dưỡng cán bộ BIDV, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đạo Tin Lành và quá trình hội nhập văn hóa dân tộc, xây dựng cộng đồng”.

Hội thảo do ông Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ và ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng chủ trì. Bên cạnh đại diện các tổ chức Tin Lành đã được Nhà nước công nhận như Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam, Giáo hội Báp-tít Việt Nam, Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện một số tổ chức “Tin lành tư gia” và các nhà nghiên cứu về đạo Tin Lành như: Giáo sư Công Nghĩa Tụ, nguyên Hiệu trưởng trường Cao Đẳng Bách Khoa Hà Nội, tín hữu Chi hội Tin lành Hà Nội; Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng, Viện nghiên cứu Tôn giáo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ một số cách tiếp cận khác nhau về quá trình hội nhập văn hóa, dân tộc, xây dựng cộng đồng của đạo Tin Lành. Hơn 100 năm tồn tại và phát triển tại Việt Nam, đến nay, đạo Tin Lành có trên 1 triệu tín hữu trong cả nước, tập trung trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Bên cạnh những biến đổi cơ học về số lượng, đạo Tin Lành tại Việt Nam còn có những thay đổi nhất định về quan điểm thần học, giải nghĩa Kinh thánh và thực hành giáo lý. Các mối quan hệ quốc tế của đạo Tin Lành cũng rộng mở, đa dạng hơn trở thành cầu nối giao lưu văn hóa góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng phát biểu tham luận tại Hội thảo

Trên bình diện hội nhập văn hóa dân tộc, các đại biểu tôn giáo khẳng định đạo Tin Lành không loại bỏ văn hóa bản địa, mà chủ trương hướng đến mỹ tục, loại bỏ hủ tục “hướng đến sự sáng, tránh sự tối”. Người Tin Lành cũng coi trọng chữ “Hiếu”, giữ đạo con cháu nhưng chú trọng thực hành khi người thân còn sống.

Mục sư, Tiến sĩ Mã Phúc Thanh Tươi phát biểu tham luận tại Hội thảo

Khi bàn về nguồn lực và khả năng đóng góp cho cộng đồng, các đại biểu chia sẻ với quan niệm “yêu người lân cận như bản thân mình” đạo Tin Lành đã và đang chung tay: xây dựng cầu, đường, khoan giếng nước sạch, bảo vệ môi trường, cứu trợ thiên tai, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo, hiến máu nhân đạo, xây nhà tình thương, giúp người nghiện phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng, … Trong tương lai, đạo Tin Lành cũng có thể thành lập trường trung học liên cấp, trung tâm/viện dưỡng lão, trung tâm hỗ trợ cai nghiện, bệnh viện, … nếu chính sách, pháp luật của Nhà nước cho phép.

Cũng tại buổi Hội thảo, nhiều đại biểu đã thẳng thắn đánh giá chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, song mong muốn Nhà nước tiếp tục có những chính sách thuận lợi hơn cho tôn giáo phát huy nguồn lực của mình, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, xã hội trên các lĩnh vực: y tế, giáo dục, dạy nghề, bảo trợ xã hội,…

Giáo sư Công Nghĩa Tụ  trao đổi về một nền thần học Tin Lành mang bản sắc của người Việt Nam

Kết thúc Hội thảo, các đại biểu mong muốn có thêm nhiều diễn đàn tương tự  để các tổ chức Tin Lành và chính quyền các cấp có điều kiện trao đổi, hiểu nhau, cùng nhau hướng đến mục tiêu chung là xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh và có bản sắc riêng./.

Thắm Em