Ban Tôn giáo Chính phủ làm việc với tỉnh Kiên Giang về hoạt động của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước
Ngày đăng: 09/01/2020
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình về việc nắm tình hình hoạt động của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước và tham mưu với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ những nội dung liên quan đến hoạt động của Hội ở 08 tỉnh miền Tây Nam Bộ, sáng 08/01, ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, Trưởng đoàn công tác liên ngành của trung ương chủ trì buổi làm việc về tình hình hoạt động của Hội đoàn kết sư sãi yêu nước khu vực Tây Nam Bộ.

Tham dự buổi làm việc có ông Đỗ Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang; đại diện Uỷ ban Dân tộc, Cục A02 Bộ Công an và lãnh đạo các vụ: Phật giáo, Quan hệ Quốc tế, Công tác Tôn giáo phía Nam và Văn phòng thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ. Về phía tỉnh Kiên Giang có đại diện các sở, ngành, gồm: Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, Công an, Sở Nội vụ và Văn phòng UBND.

Hội đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam Bộ thành lập năm 1964, là một bộ phận nằm trong Uỷ ban Mặt trận Giải phóng khu vực Tây Nam Bộ. Hội có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết sư sãi, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer ủng hộ cách mạng, đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc. Năm 1981, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam Bộ là một trong 09 tổ chức, hệ phái tham gia thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước.

Tại buổi làm việc, ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ đánh giá, kể từ khi được thành lập, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam Bộ đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc; đoàn kết, tập hợp sư sãi, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer tham gia các phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay tại khu vực Tây Nam bộ có 08 tỉnh, thành phố vẫn giữ mô hình hoạt động của Hội, bao gồm: Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Buổi làm việc nhằm nhìn nhận, đánh giá khách quan vai trò của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước trong tình hình hiện nay cũng như thống nhất về tổ chức, hoạt động của Hội; trên cơ sở đó báo cáo đề xuất, tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phương hướng quản lý có hiệu quả trong thời gian tới.

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu thống nhất quan điểm về vị trí, vai trò của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước trong việc tập hợp sư sãi, tín đồ Phật tử Khmer trong khối đại đoàn kết dân tộc, đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời đưa ra các ý kiến đề xuất hướng quản lý để vừa phát huy được vai trò của Hội, đồng hành cùng người dân Khmer trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, vừa thống nhất trong việc điều hành hoạt động của Hội ở các tỉnh, thành phố trong thời gian tới./.

 

Đỗ Hương