“Bàn thờ tôn giáo có nhiều, bàn thờ Tổ quốc chỉ có một” – Lời hiệu triệu của đồng bào tôn giáo chung sức cùng đất nước chống “giặc” Covid-19
Ngày đăng: 03/04/2020
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay, đất nước cần sự đoàn kết một lòng, chung tay, cộng sức của mọi tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ và hành động để chiến thắng đại dịch. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, toàn thể các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào tôn giáo ở Việt Nam đã nêu cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân với Tổ quốc, tích cực tham gia, chung sức hành động để góp phần ngăn chặn, chiến thắng dịch Covid-19.

1. Tinh thần yêu nước, gắn bó với dân tộc của đồng bào tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Trong bảng hệ giá trị cao đẹp của dân tộc ta, tinh thần yêu nước là một giá trị cốt lõi hàng đầu; là “sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại”[1]. Tinh thần yêu nước của người Việt Nam được thể hiện bằng tình yêu quê hương đất nước, lòng trung thành đối với Tổ quốc, đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết; là sẵn sàng hy sinh để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Vì có lòng yêu nước nồng nàn, mà nhân dân ta đã vượt qua mọi khó khăn trong lao động sản xuất, chiến thắng sự khắc nghiệt của tự nhiên, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Đồng thời, cũng do trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, qua quá trình lao động sản xuất, chống chọi với tự nhiên khắc nghiệt mà lòng yêu nước của dân tộc ta được hình thành, hun đúc thành truyền thống. Có thể khẳng định, tinh thần yêu nước không chỉ là động lực nội sinh to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa Việt Nam mà còn là cơ sở, nền tảng định hướng việc hình thành, phát triển lối sống truyền thống giàu bản sắc dân tộc. Tinh thần yêu nước chính là nhân tố cơ bản của bản lĩnh dân tộc, bảo đảm sự phát triển bền vững, gìn giữ bản sắc dân tộc trong quá trình giao lưu, hợp tác và  toàn cầu hóa hiện nay.

Tinh thần yêu nước được hun đúc trong từng người dân Việt Nam trong đó có một bộ phận đồng bào tôn giáo đã góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Lịch sử dân tộc từ khi dựng nước đến nay đã chứng kiến nhiều sự kiện, nhân vật tiêu biểu trong đồng bào tôn giáo có tinh thần yêu nước nồng nàn, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt trong thời đại Hồ Chí Minh, đồng bào tôn giáo đã thể hiện tinh thần yêu nước qua các hoạt động thiết thực, thành lập các tổ chức tiến bộ, yêu nước như: “Các phật tử đã có Hội Phật giáo cứu quốc, các giáo dân đã có Hội Công giáo kháng chiến. Người đạo Cao Đài thành lập Hội Cao Đài cứu quốc”[2].

Ghi nhận tinh thần yêu nước của đồng bào tôn giáo trong công cuộc kháng chiến cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng một số giáo dân là những người mà lòng yêu nước và kính Chúa hòa quyện với nhau tạo thành sức mạnh tinh thần, giúp họ dấn thân vào con đường kháng chiến kiến quốc gian nan mà vẫn làm trọn bổn phận của một giáo dân. Ngày 14/10/1945, Tòa Giám mục và đồng bào Công giáo địa phận Vinh đã gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn viết: “Dù phải hy sinh xương máu để kiến thiết một Nhà nước tự do hạnh phúc hoàn toàn, thì chúng tôi sẵn sàng không ngần ngại”[3]. Trong thư cảm ơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rằng: “Câu nói nhiệt thành đó tỏ rõ rằng các vị là những người chân chính yêu nước, đồng thời cũng là những chân chính tín đồ của Đức Giêsu. Đức Giêsu hy sinh vì muốn loài người được tự do hạnh phúc, đồng bào ta cả lương và giáo cũng vì tự do hạnh phúc cho toàn dân mà hy sinh phấn đấu”[4]. Năm 1956, Hộ pháp Phạm Công Tắc, giáo chủ đạo Cao Đài Tây Ninh từ Campuchia có gửi điện cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bức điện trả lời Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôi trân trọng cảm ơn bức điện Cụ gửi cho tôi ngày 26/4/1956 và thành thật hoan nghênh Cụ đã tỏ ý mong muốn nước Việt Nam ta được hòa bình thống nhất”[5]. Ngày 28/9/1964, hội nghị đại biểu Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam họp tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư thăm hỏi động viên các đại biểu và phật tử: “Các tăng ni và tín đồ Phật giáo trước đây đã có công với kháng chiến, nay thì đang góp sức cùng toàn dân xây dựng miền Bắc giàu mạnh và thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà,… Đồng bào Phật giáo cả nước, từ Bắc đến Nam, đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là: “Lạc lợi quần sinh, vô ngã vị tha” (đem lại lợi ích và vui sướng cho mọi người, quên mình vì người khác”[6]. Theo quan niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, người có tôn giáo không phải là thoát tục, rời bỏ lao động sản xuất, xa lánh công việc xã hội mà cần sự hài hòa giữa tình yêu Tổ quốc với đức tin tôn giáo. Người có tôn giáo giữ niềm tin tôn giáo trong cõi tâm linh tinh thần và hoạt động tôn giáo, còn trong đời sống xã hội thì phải làm tròn nghĩa vụ công dân.

Trải qua các giai đoạn lịch sử của cách mạng, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn có những nhận thức, đổi mới cho phù hợp với đời sống thực tiễn, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào tôn giáo. Thời kỳ xây dựng đất nước hiện nay, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đã thu hút được đông đảo chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo ủng hộ, tích cực tham gia công cuộc kiến quốc, phát triển đất nước. Để biểu dương tinh thần yêu nước của đồng bào tôn giáo trong thời gian gần đây, ngày 09/8/2019 tại thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt biểu dương chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại buổi gặp mặt, đại diện 43 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam với hơn 100 đại biểu là chức sắc, chức việc của các tổ chức tôn giáo tham dự. Đại diện các tổ chức tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Tin lành, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam đã phát biểu về những đóng góp trong việc tham gia phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; cùng Nhà nước đảm bảo an sinh xã hội thông qua các hoạt động từ thiện xã hội, y tế, giáo dục; tham gia hoạt động nhân quyền và đối ngoại tôn giáo. Trong lời phát biểu của đại biểu đạo Cao Đài đã trích dẫn câu nói của Chưởng pháp Cao Triều Phát trước đây kêu gọi các tôn giáo đoàn kết cùng Chính phủ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là: “Bàn thờ tôn giáo có nhiều nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một” để gửi đến Thủ tướng Chính phủ thông điệp các tôn giáo ở Việt Nam dù có nhiều tổ chức khác nhau nhưng đồng bào tôn giáo vẫn thống nhất một lòng vì quê hương, vì đất nước, vì Tổ quốc. Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương những đóng góp to lớn, thiết thực của các tổ chức tôn giáo đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay và khẳng định Đảng, Nhà nước luôn nhất quán chính sách về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo cùng chung sống hòa bình, hoạt động tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh[7].

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức tôn giáo đã tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết đồng hành cùng dân tộc tích cực tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương góp phần cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng hiện đại, văn minh.

2. Đồng bào tôn giáo chung sức cùng nhân dân cả nước phòng, chống dịch Covid-19

Năm tháng sau buổi gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với đại biểu các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam, ngày 27/01/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra rằng: “Chống dịch như chống giặc. Các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc”. Bắt đầu từ ngày này, cả nước đứng trước một thách thức lịch sử “chống dịch như chống giặc”. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong thời kỳ hòa bình, độc lập, dân tộc Việt Nam được thử thách tinh thần yêu nước trước kẻ thù đáng sợ, không chiến tranh giữa các quốc gia, không vũ khí quân sự, không lợi ích kinh tế, chính trị mà kẻ thù là virus corona gây bệnh viêm đường hô hấp cho con người.

Sau hơn 2 tháng chiến đấu với đại dịch Covid-19, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, Đảng, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo toàn dân đoàn kết, quyết tâm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn dân chung sức để chiến thắng đại dịch: “…hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”. Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và yêu cầu: “toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch,…”.

Thời điểm này, Đảng, Nhà nước kêu gọi mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận chống dịch. Tinh thần yêu nước không phải là cầm súng chiến đấu với kẻ thù mà là tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, với nhân dân. Mỗi chiến sỹ, mỗi người dân chấp hành các biện pháp, hướng dẫn của ngành y tế như: hạn chế ra đường, ở nhà, khi cần thiết đến nơi công cộng dùng khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng nước sát khuẩn hoặc xà phòng, không tụ tập đông người, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với người khác. Đối với chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo thực hiện triệt để không tổ chức sinh hoạt tôn giáo, không hoạt động tôn giáo, vận động tín đồ tu hành tại gia, hạn chế đến cơ sở tôn giáo, khi hành lễ tại cơ sở tôn giáo đảm bảo theo hướng dẫn của ngành y tế, ngừng tất cả các hoạt động tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, đại hội, cầu nguyện, cầu siêu tại cơ sở tôn giáo,... Đó là yêu cầu của Chính phủ, của các cấp, các ngành đã được các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam nghiêm túc thực hiện.

Đồng bào tôn giáo vừa chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, vừa nêu cao tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, thực hiện tốt một số hoạt động chung sức cùng đất nước trong phòng, chống đại dịch Covid-19:

+ Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã ban hành các văn bản hướng dẫn các tổ chức tôn giáo trực thuộc, đề nghị chức sắc, chức việc, tín đồ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của các cấp, các ngành trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Trong các văn bản của các tổ chức tôn giáo đã nêu bật tinh thần hy sinh, cống hiến, đồng lòng với Chính phủ của đồng bào tôn giáo trước đại dịch. Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), Chi hội Sài Gòn trong Thông báo khẩn ngày 26/3/2020 về việc tạm ngưng sinh hoạt của Hội thánh đã viết: “Việc bất đắc dĩ đóng cửa nhà thờ, tạm dừng các sinh hoạt, thờ phượng Chúa hằng tuần của Hội thánh là một quyết định khó khăn, nhưng vì lợi ích chung của Hội thánh và của cộng đồng xã hội, rất mong tôi con Chúa cảm thông và tuân thủ”. Tòa Giám mục Bùi Chu ban hành Thông báo ngày 28/3/2020 viết: “Ngay tại Rôma và biết bao giáo phận trên toàn thế giới, các vị chủ chăn đã phải quyết định ngưng mọi Thánh lễ và các sinh hoạt mục vụ có tập trung đông người. Trong sự hiệp thông với Giáo hoàng, với Giáo hội hoàn vũ, cùng với cộng đồng xã hội tại Việt Nam, chúng ta ý thức trách nhiệm bảo vệ sức khỏe và sự sống của chúng ta và của mọi người”. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành văn bản số 071/CV-HĐTS ngày 27/3/2020 về việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chung tay cùng toàn xã hội trong những ngày cao điểm chống đại dịch Covid-19 có viết: “Tăng Ni, các chùa, cơ sở tự viện tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các bài giảng, hướng dẫn nghi lễ, sinh hoạt Phật pháp bằng hình thức trực tuyến, online, tránh tập trung đông người”. Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo ban hành Đạo thư số 225/ĐT-HT ngày 01/4/2020 viết: “Để góp phần cùng Chính phủ và toàn dân trong việc phòng, chống dịch, Hội thánh kêu gọi toàn thể chức sắc, chức việc, đạo tâm lưỡng phái nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức với cộng đồng, với dân tộc trong lúc “chống dịch như chống giặc” tích cực tham gia ủng hộ…”,…

+ Chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Ban Tôn giáo Chính phủ, của chính quyền địa phương không tổ chức sinh hoạt tại cơ sở tôn giáo, không tụ tập đông người, chỉ duy trì sinh hoạt tại cơ sở tôn giáo với số lượng hạn chế theo quy định, tạm dừng tổ chức các lễ hội tôn giáo, hội nghị, hội thảo, đại hội nhiệm kỳ, không đón tiếp chức sắc nước ngoài,... Thay đổi hình thức sinh hoạt tôn giáo truyền thống sang sinh hoạt tôn giáo qua hoạt động trực tuyến, qua các trang truyền thông của tổ chức tôn giáo,...

+ Tuyên truyền cho chức sắc, chức việc, tín đồ nhận thức rõ tính chất nguy hiểm, tác hại nghiêm trọng của nạn dịch và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Các cơ sở tôn giáo yêu cầu chức sắc, chức việc, tín đồ đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn, xà phòng, khuyến cáo những người bị sốt, ho tự nguyện tại nhà và khai báo cho cơ sở y tế, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về các tác hại của dịch viêm đường hô hấp cấp để chấp hành, tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe bản thân. Các cơ sở thuốc nam, phòng khám bệnh tại các cơ sở tôn giáo tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh bằng y học cổ truyền, hỗ trợ các cơ sở tôn giáo trong việc khử trùng, sử dùng các dược liệu phòng bệnh.

+ Khuyến cáo chức sắc, chức việc, tín đồ nâng cao ý thức cảnh giác trước các thông tin không chính xác về dịch bệnh gây hoang mang, kích động tín đồ hoặc lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi. Các tổ chức tôn giáo đã chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cơ quan y tế ở địa phương để nắm bắt tình hình diễn biến của dịch bệnh, thực hiện các biện pháp ứng phó kịp thời như cách ly, theo dõi, điều trị, khai báo y tế toàn dân không để dịch bệnh lan rộng.

+ Vận động chức sắc, chức việc, tín đồ nêu cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng, với nhân dân tham gia ủng hộ bằng tinh thần hoặc vật chất đóng góp cùng đất nước vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch. Tính đến ngày 01/4/2020, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã đóng góp trên 4 tỷ đồng ủng hộ quỹ phòng, chống Covid-19; 06 phòng áp lực âm điều trị Covid-19; gần 500.000 khẩu trang; hàng chục tấn gạo; hàng ngàn thùng mỳ và hàng chục ngàn xuất ăn miễn phí,...

Bên cạnh những đóng góp tích cực của đồng bào tôn giáo còn một bộ phận chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo chưa thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của các cấp, các ngành để xảy ra sự việc đáng trách trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của dân tộc. Một số ít chức sắc, chức việc, tín đồ đã không chấp hành hướng dẫn của tổ chức tôn giáo tự ý tham gia hoạt động tôn giáo ở nước ngoài và khi trở về hành lễ tại cơ sở tôn giáo ở Việt Nam đã gây lây nhiễm Covid-19 cho cộng đồng làm ảnh hưởng đến những nỗ lực của đồng bào tôn giáo và sức khỏe, tính mạng của nhân dân trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Còn một số tổ chức tôn giáo trực thuộc vẫn tiến hành sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở tôn giáo chưa đảm bảo theo hướng dẫn của ngành y tế. Một số lễ tang, lễ cầu siêu, lễ cầu nguyện, sinh hoạt đạo tràng,... của các tổ chức tôn giáo trực thuộc còn vi phạm Chỉ thị của Chính phủ, quy định của ngành y tế.

3. Kết luận

Những việc làm thiết thực, hiệu quả của đồng bào tôn giáo đã thể hiện tinh thần yêu nước, gắn bó với dân tộc, chung sức cùng toàn dân chống dịch Covid-19. Hiện nay, tình hình diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, gay go nhưng với tinh thần một lòng chung sức cùng Chính phủ, cùng toàn dân tham gia chống dịch thì chắc chắn sức mạnh của tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Chính phủ sẽ chiến thắng đại dịch. Một tin vui đối với nhân dân Việt Nam trong khi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới thì tổ chức Dalia Research, có trụ sở tại Berlin (CHLB Đức), tiến hành khảo sát tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp châu lục, công bố ngày 30/3/2020 cho biết: “so với các nơi trên thế giới, Việt Nam có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Chính phủ cao nhất thế giới”[8].

Hơn 20 triệu đồng bào tôn giáo của 43 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam cùng toàn thể nhân dân Việt Nam luôn đoàn kết, thống nhất ủng hộ Chính phủ, cùng toàn dân ngăn chặn đại dịch. Đó là kết tinh của tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết trong thời đại hiện nay để khẳng định đồng bào tôn giáo sẵn sàng hành động, tích cực tham gia đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như lời hứa của các chức sắc, chức việc đại diện các tổ chức tôn giáo Việt Nam với Thủ tướng Chính phủ tại Đà Nẵng ngày 09/8/2019. Tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ và sự đồng lòng, quyết tâm của toàn thể nhân dân, của đồng bào tôn giáo sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay để chiến thắng đại dịch Covid-19 đưa cuộc sống của nhân dân, của đồng bào tôn giáo trở lại hoạt động bình thường trong an lành, hạnh phúc như ước mong:

“Cầu xin trăm họ bình an,

Nước giàu, dân mạnh thanh nhàn muôn năm”[9]./.

 

Hoàng Minh Thiện



[1] Trần Văn Giàu (1980), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, trang 100.

[2] Phan Văn Hoàng (2001), Cao Triều Phát nghĩa khí Nam Bộ, Nxb Trẻ TP. HCM, Hồ Chí Minh, tr.140.

[3] [3] Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia (1998), Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo tín ngưỡng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.140.

[4] Báo Cứu quốc ngày 18-10-1945.

[5] Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia (1998), Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo tín ngưỡng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.64.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập VII, tr.554.

[7] btgcp.gov.vn/Thủ tướng Chính phủ gặp mặt biểu dương chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

[9] Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (2012), Kinh cúng tứ thời và quan - hôn - tang - tế, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.46.