“Tượng thờ Hindu giáo: Từ đền tháp Chăm đến chùa miếu Việt”
Ngày đăng: 22/01/2019
Có thể nói đây là một công trình nghiên cứu công phu và đặc sắc trong thời gian gần 10 năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông (chủ biên) cùng nhóm cộng sự thực hiện. Tác phẩm là một chuyên khảo, tư liệu quý nghiên cứu về văn hóa Chăm, tiếp cận hiện tượng tiếp biến văn hóa Việt - Chăm dựa vào góc nhìn về tín ngưỡng ở miền Trung Việt Nam.Tính đặc sắc trong chuyên khảo này đó là đi sâu vào tìm hiểu văn hóa Chăm tại các tỉnh miền Trung qua các giai đoạn lịch sử và sưu tầm được những hình ảnh, tư liệu, hiện vật.. của văn hóa Chăm trong lĩnh vực văn hóa, tôn giáo. Và cho đến hiện nay, những tư liệu, hiện vật đó đã được văn hóa tín ngưỡng của người Việt tiếp nhận và hiện diện trong các chùa miếu Việt cũng như trong cuộc sống của một số người dân.

Nội dung của chuyên khảo này dày 280 trang, tập trung vào các nội dung chính như hiện tượng chuyển hóa và biến dưỡng văn hóa - nhìn từ miền Trung Việt Nam (phần 1); Con đường xuôi Nam của người Việt và nghệ thuật chinh phục vùng đất mới trên góc độ văn hóa tâm linh (phần 2); Sự tiếp nhận tượng thờ Hindu giáo trong không gian tôn giáo Việt (phần 3), Phần 4 là kho tư liệu sinh động thể hiện rõ nét đời sống văn hóa tâm linh Chăm và có sự giao thoa Việt-Chăm qua các giai đoạn lịch sử - dẫn chứng cụ thể, giới thiệu về nghệ thuật tạo hình, giá trị nghệ thuật, tín ngưỡng, sự giao thoa văn hóa Việt – Chăm thông qua việc tiếp nhận các dạng tượng thờ, phù điêu Hindu giáo trong các ngôi chùa, miếu Việt.

Công trình được minh họa bởi 222 ảnh chụp các bức tượng, cơ sở tín ngưỡng đền, miếu, chùa, nhà thờ… qua quá trình điền dã gần 10 năm từ nhiều làng xã từ Quảng Bình đến Quảng Nam, được nhóm nghiên cứu sắp xếp, xâu chuỗi và hệ thống lại theo dòng chảy của tiến trình lịch sử xuôi về phương Nam của người Việt.

QD