Một hướng suy nghĩ về giáo dục Phật giáo Việt Nam – cuốn cẩm nang về giáo dục Phật giáo
Ngày đăng: 15/07/2021Trải qua thời gian 15 năm tu học tại các Phật học viện uy tín ở trong và ngoài nước, sau đó trở về nước tham gia công tác quản lý, giảng dạy tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cũng với thời gian như vậy, Ni sư Thích Nữ Diệu Bản, Nguyên Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội luôn quan tâm và đau đáu sự nghiệp giáo dục Phật giáo.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm thân chứng công tác, cùng sự nghiên cứu sâu sắc, tham hiểu công tác giáo dục của nhiều truyền thống Phật giáo trên thế giới và ở Việt Nam, Ni sư đã viết nên cuốn sách “Một hướng suy nghĩ về giáo dục Phật giáo Việt Nam”. Đây là một công trình nghiên cứu công phu, chuyên sâu về giáo dục Phật giáo. Theo tác giả, giáo dục Phật giáo khởi nguồn từ Đức Phật Thích Ca với vai trò là một nhà sư phạm, nhà giáo giục, là người chủ trương việc tu - học Phật giáo không thể tách rời, đó cũng chính là nền tảng cơ bản để làm cho Phật giáo được xiển dương và hoằng truyền suốt hơn hai nghìn năm nay. Tác giả cũng chỉ ra nguồn tư liệu phong phú của giáo dục Phật giáo vốn có sẵn trong Tam tạng kinh điển. Và bản chất của Phật giáo là một nền giáo dục, nền giáo dục với mục đích làm cho chúng sinh được hạnh phúc, an lạc, giải thoát.
Mặc dù tiêu đề sách tập trung vào giáo dục Phật giáo Việt Nam, nhưng nội dung sách vượt ra ngoài phạm vi Việt Nam. Tác giả không chỉ đề cập đến giáo dục Phật giáo Việt Nam với các cấp học từ cơ sở đến trình độ sau đại học, từ phạm vi giáo dục gia giáo, tiểu trường, sơn môn, hệ phái đến quy mô Giáo hội phạm vi toàn quốc, mà cuốn sách còn đề cập đến nền giáo dục Phật giáo ở một số nước trên thế giới từ khởi nguyên đến hiện đại. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số giải pháp, định hướng phát triển và gợi ý một số mô hình giáo dục Phật giáo để vừa thể hiện được đặc trưng Phật giáo Việt Nam, vừa kế thừa và tiếp cận với thành tựu giáo dục Phật giáo trên thế giới lại phát huy được các nguồn lực của Phật giáo Việt Nam cho sự nghiệp giáo dục Phật giáo nói chung và sự nghiệp đào tạo tăng tài nói riêng.
Ni sư Thích Nữ Diệu Bản, tác giả sách
Sách được kết cấu thành 4 chương (Chương 1: Một số nội dung cơ bản của giáo dục Phật giáo và tổng quan tình hình giáo dục Phật giáo Việt Nam; Chương 2: Đặc điểm, phương thức giáo dục Phật giáo và giáo dục Phật giáo ở Việt Nam; Chương 3: Giáo dục Phật giáo ở một số quốc gia trên thế giới; Chương 4: Một số suy nghĩ về phát triển nền giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay), cùng phần phụ lục phong phú (gồm phụ lục 1: Hệ thống trường Trung cấp Phật học; phụ lục 2: Khung chương trình giáo dục Phật giáo tại các học viện; phụ lục 3: Nội dung chương trình đào tạo của Học viện Phật giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh) cuốn sách đã tạo nên một bức tranh tổng thể về giáo dục Phật giáo ở Việt Nam và trên thế giới. Những khuyến nghị của tác giả về giáo dục Phật giáo thật đáng để các nhà quản lý giáo dục Phật giáo và nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan tâm nếu muốn phát huy hơn nữa vai trò tích cực của Phật giáo trong lòng xã hội.
Với tư cách là một khảo luận chuyên sâu, cuốn sách “Một hướng suy nghĩ về giáo dục Phật giáo Việt Nam” của tác giả - Ni sư Thích Nữ Diệu Bản xứng đáng là công trình tham khảo có giá trị cho các học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý về tôn giáo, văn hóa, giáo dục và đặc biệt với chức sắc Phật giáo trực tiếp làm công tác giáo dục trong hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Sách do NXB Khoa học xã hội ra quyết định xuất bản, tháng 6/2021.
Lê Trung Kiên