Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh - Một bộ tư liệu quý
Ngày đăng: 07/06/2021
Di chỉ bài thơ của vua Lê Thánh Tông khắc năm 1468 trên vách núi Bài Thơ (TP Hạ Long)
Bộ sách "Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh" do NXB Hà Nội vừa phát hành là công trình đồ sộ hàm chứa nhiều thông tin rất hữu ích về địa lý, lịch sử, văn hóa của Quảng Ninh.

Di sản Hán Nôm là kho tư liệu quý giá, bao gồm địa chí cổ, thần tích, thần sắc, địa bạ, tục lệ, hương ước, sắc phong, hoành phi, câu đối, văn bia, văn chuông, thơ phú là di sản văn hóa tinh thần thể hiện hồn cốt của người Quảng Ninh. 

Nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của di sản này, ngay từ năm 2003, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh, thuộc Sở Văn hoá - Thể thao (ban này nay đã giải thể) kết hợp với các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiến hành sưu tầm và khai thác tư liệu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh. Theo Tiến sĩ Hoàng Giáp, nguyên Trưởng Phòng Sưu tầm (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), chủ biên bộ sách, thì di sản Hán Nôm ở Quảng Ninh vô cùng đồ sộ, phong phú.

Nhóm thực hiện đề tài đã in dập được trên 200 văn khắc gồm hơn 150 tấm bia, 10 chiếc chuông, khánh ở một số di tích đình, chùa, đền, miếu đã được tìm thấy, dịch nghĩa, sưu tầm được hơn 1.000 hoành phi câu đối, gần 500 hoành phi đại tự, 12 bản thần tích, biên dịch 365 sắc phong, 4 cuốn địa bạ, 3 cuốn khoán lệ hương ước, sưu tầm, hiệu đính, dịch nghĩa và dịch thơ gần 100 tác phẩm thơ phú chữ Hán, chữ Nôm viết về Quảng Ninh. Kết quả công trình này được tập hợp thành 7 tập bản thảo.

Trên cơ sở kết quả của công trình, năm 2020, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa - Thể thao tổ chức biên soạn bộ sách "Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh". Sau một thời gian tích cực triển khai với sự cộng tác chặt chẽ của nhóm biên soạn do ông Hoàng Giáp chủ biên, các chuyên gia nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, bộ sách đã chính thức ra mắt bạn đọc. Đây là công trình đồ sộ bề thế biên soạn công phu nghiêm túc có chất lượng tốt, một bộ sách có quy mô lớn bao quát nhiều vấn đề trong đời sống xã hội thời trung cận đại của vùng đất Quảng Ninh xưa rất cần được công bố đến đông đảo bạn đọc.

Bộ sách "Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh" được chia thành 3 tập: Tập 1 gồm địa chí cổ, thần tích và thần sắc. Tập 2 gồm địa bạ, hương ước, tục lệ. Tập 3 gồm địa chí cổ và thơ văn. Mỗi tập dày khoảng 1.000 trang, khổ 16x24cm.

Tập 1 bao gồm địa chí cổ thần tích và thần sắc với phần địa chí cổ được phiên dịch từ sách "Đồng Khánh địa dư chí". Phần thần tích, thần sắc thì dựa vào các bản chép tay được lưu giữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội và Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Thần tích, thần sắc được sắp xếp theo châu huyện cũ trật tự chữ cái A, B, C. Phần này viết khá đầy đủ về địa lý tự nhiên, địa lý hành chính, núi non, sông ngòi, sản vật, thành trì, cửa ải, cửa biển, đồn lũy các di tích lịch sử văn hóa và cả tính cách của người Quảng Ninh.

Tập hai gồm có địa bạ là sổ sách ghi chép về ruộng đất của các làng xã xưa, làng có bao nhiêu mẫu ruộng, giao cho ai canh tác, nộp tiền thuế bao nhiêu một năm, số ruộng bỏ hoang là bao nhiêu, vì sao lại bỏ hoang, quy định nếu khai hoang thì chỉ nộp thuế thấp nhất v.v.. Phần tục lệ, hương ước ở Quảng Ninh đặc biệt là huyện Yên Hưng xưa gọi là khoán lệ, khoán ước và hương ước. Khoán lệ của Quảng Ninh thực chất bao gồm tục lệ và hương ước. Khoán lệ không đơn thuần là tiền phạt phải đóng cho làng xã mà còn là tục lệ, khế ước mọi người trong làng phải tuân theo, nếu không tuân theo sẽ bị lên án, phạt vạ bằng nhiều hình thức khác nhau. 

Bộ sách Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh

Tập 3 của bộ sách gồm địa chí cổ, dịch chú từ các sách "Ức Trai dư địa chí", "Đại Nam nhất thống chí" đặc biệt là các sách "Đông Triều huyện chí", "Đông Triều phong thổ ký", "Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ". Phần thơ văn bao gồm văn bia, văn chuông và những áng thơ văn của các đế vương danh nhân viết về Quảng Ninh. Văn bia, văn chuông được khắc trên bia đá chuông đồng tại các di tích.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ninh, đánh giá: Trong bộ sách này, ông Hoàng Giáp và nhóm biên soạn đã có công rất lớn trong việc sưu tầm, dịch nghĩa một số văn bia quan trọng đã làm sáng tỏ nhiều nội dung còn đang có những ý kiến tranh luận khác nhau.

Có thể nói, bộ sách "Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh" hàm chứa nhiều thông tin tư liệu có giá trị hữu ích với những độc giả quan tâm yêu mến muốn tìm hiểu về địa lý, kinh tế, xã hội, văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng tỉnh Quảng Ninh nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung. Những tư liệu ấy cũng giúp nhân dân Quảng Ninh thêm yêu, thêm tự hào hơn về mảnh đất giàu đẹp mà mình đang sống.

 

Theo baoquangninh.com.vn