Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam
Ngày đăng: 04/11/2022
Đời sống tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam có sự thay đổi nhiều từ sau giai đoạn đổi mới (1986), nhất là sau khi có Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW (1990). Việc nghiên cứu tín ngưỡng tôn giáo đã được đặt ra bởi nó là sản phẩm, tồn tại của xã hội, phản ánh nhận thức xã hội. Nghiên cứu tín ngưỡng dưới khía cạch văn hóa đã cho chúng ta thấy rõ hơn những đóng góp của tín ngưỡng với văn hóa dân tộc.

Cuốn sách là tập hợp các bài viết của nhiều tác giả công tác trong lĩnh vực văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo và được tập hợp và in ấn xuất bản lần đầu năm 2001, đến nay cuốn sách được bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện và tái bản nhiều lần. Hiện tại nội dung cuốn sách được chia nhỏ ra 19 chương với các phần như: Khái quát tín ngưỡng các tộc người Việt Nam; Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; tín ngưỡng thờ thành hoàng; Tín ngưỡng thờ Mẫu; Tín ngưỡng thờ đức Thánh Trần; Tứ bất tử; Tín ngưỡng nghề nghiệp… khái quát tất cả các loại hình tín ngưỡng ở các vùng miền và một số vấn đề liên quan đến tín ngưỡng như lễ hội, tranh thờ, múa nghi lễ, giáng bút…

Bằng nguồn tư liệu phong phú, GS.TS. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), cố Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã khái quát hóa hệ thống tín ngưỡng để người đọc rõ nhất về bức tranh tín ngưỡng hiện nay. Cuốn sách do Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản năm 2022. Đây là tài liệu tham khảo bổ ích, thiết thực đối với bạn đọc, nhất là các nhà nghiên cứu, nhà quản lý về văn hóa, tôn giáo.

 

Đăng Bản