Giới thiệu sách mới: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay
Ngày đăng: 17/08/2022
Mỗi con người phải biết quá khứ của mình, mỗi dân tộc phải biết lịch sử của mình. Một dân tộc mà đánh mất quá khứ thì cũng là đánh mất chính bản thân mình. Các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc là tài sản vô giá. Nó là dòng chảy liên tục, nảy sinh, tồn tại, phát triển trong suốt quá trình dựng nước, giữ nước, phát triển đất nước của cha ông. Trong đó, đạo hiếu là một giá trị đạo đức cốt lõi, trường tồn cùng với sự phát triển của dân tộc.

Trong xã hội Việt Nam, từ gia đình truyền thống đến gia đình hiện đại, hiếu luôn được coi là “nết đầu trong trăm nết”, là nét đẹp nhân bản, là giá trị hàng đầu của đạo làm người. Hiếu được người Việt Nam đặc biệt coi trọng, nâng lên thành một đạo - đạo hiếu, đạo làm con. Đạo hiếu không chỉ là một chuẩn mực đạo đức, một truyền thống quý báu được mọi người trân trọng và gìn giữ mà trở thành nguyên tắc hành động, ứng xử của con cái đối với cha mẹ. Người Việt Nam khi nói đến đạo hiếu, liền nghĩ ngay đến việc “thờ mẹ, kính cha”, chăm sóc phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống, tang ma, thờ cúng, chăm sóc mộ phần chu đáo khi cha mẹ qua đời. Thực hiện đạo hiếu trở thành “khuôn vàng, thước ngọc” để mỗi người căn cứ vào đó tự hoàn thiện đạo đức cá nhân, xây dựng đạo đức gia đình và củng cố đạo đức xã hội.

Là một giá trị đạo đức cốt lõi, đạo hiếu trường tồn cùng với sự phát triển của dân tộc. Tuy nhiên, là một bộ phận của ý thức xã hội, đạo hiếu cũng chịu sự chi phối và quyết định của tồn tại xã hội và biến đổi cùng sự biến đổi của đời sống xã hội. Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã tác động, làm biến đổi mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực đạo đức gia đình. Thực tế cho thấy, biến đổi là quy luật tồn tại và phát triển của mọi sự vật hiện tượng. Song, không phải sự biến đổi nào cũng đồng nhất với văn minh, tiến bộ. Từ khi đất nước tiến hành đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế thị trường từng bước được xây dựng và phát triển, một mặt, con cái có những nhận thức và điều kiện kinh tế tốt hơn trong việc báo hiếu cha mẹ; mặt khác, trong nền kinh tế thị trường, khi mà giá trị thặng dư và tiền bạc vật chất được xem như giá trị cao nhất để đánh giá con người thì nhiều khi đạo hiếu bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Hiện tượng con cái lơ là, bỏ bê không làm tròn nghĩa vụ đối với cha mẹ,  thậm chí con cái bạc đãi, tị nạnh lẫn nhau, đẩy cha mẹ vào hoàn cảnh “không ăn thì ốm thì gầy/ ăn thì nước mắt chan đầy bát cơm” đang tạo nên những khoảng tối trong bức tranh về đạo hiếu. Bên cạnh đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, sự ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai đang làm cho một bộ phận giới trẻ có sự thay đổi quan niệm về đạo hiếu và việc thực hiện đạo hiếu rất đáng để suy ngẫm.

          Cuốn sách “Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay” của tác giả TS. Nguyễn Thị Lên chia làm ba nội dung chính:

          Phần 1: Một số vấn đề lý luận về đạo hiếu và sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam, tác giả làm rõ đạo hiếu và cơ sở hình thành đạo hiếu ở Việt Nam như ảnh hưởng của Nho giáo, Phật giáo và Thiên chúa giáo đến sự hình thành đạo hiếu ở Việt Nam, các nội dung cơ bản và vai trò của đạo hiếu trong đời sống xã hội, khái niệm và đặc trưng của sự biến đổi đạo hiếu ở Việt Nam.

            Phần 2: Sự biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay, tác giả trình bày thực trạng biến đổi của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay, nguyên nhân của sự biến đổi đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay.

            Phần 3: Tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy biến đổi tích cực của đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay.

            Sách do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành.

 

QT