Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam với phương châm “Tu học - Hành thiện - Ích nước - Lợi dân”
Ngày đăng: 03/11/2022
Trụ sở Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam tại Tổ đình Hưng Minh Tự, số 45 Lý Chiêu Hoàng, Phường 10, Quận 6, TP. HCM
Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam hoạt động từ năm 1934, do Tông sư Minh Trí sáng lập. Trải qua 88 năm phát triển, Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam luôn đoàn kết cùng các tôn giáo trong cả nước, có nhiều hoạt động lợi đạo, ích đời, hoạt động theo phương châm hành đạo “Tu học - Hành thiện - Ích nước - Lợi dân”.

Kể từ khi được Nhà nước công nhận tổ chức từ Trung ương Giáo hội đến các chi hội, chức sắc, chức việc, tín đồ Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam luôn đoàn kết, đồng tâm hiệp lực chung lo xây dựng Giáo hội. Đến nay, Giáo hội có gần 1,5 triệu tín đồ, hội viên, chủ yếu là nông dân lao động; hơn 3.000 chức sắc, chức việc; đã thành lập được 212 chi hội và 214 phòng thuốc nam phước thiện, từ Khánh Hòa đến Cà Mau.

Để các phòng thuốc nam hoạt động hiệu quả và đạt chất lượng tốt, chủ trương của Giáo hội Tịnh độ Cư Sĩ Phật hội Việt Nam là luôn quan tâm tới việc đào tạo các y bác sĩ có trình độ. Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chánh Hội trưởng Thường trực Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam cho biết, Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam hiện có ba trung tâm đào tạo nhân lực cho các phòng thuốc nam đặt tại TP. Hồ Chí Minh, Long An và Cà Mau. “Phòng thuốc nam” tượng trưng cho tôn chỉ của Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, đồng thời là nơi để toàn thể chức sắc, chức việc, tín đồ, hội viên cùng nhau tu phước.

Để nâng cao trình độ của các y sỹ, y sinh, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam đã xây dựng bộ tài liệu giảng dạy y sỹ (cấp I, II và III), huấn viên y khoa và bộ giáo trình môn châm cứu; thường xuyên mở các khóa đào tạo, rèn luyện về chuyên môn lẫn đạo đức, tổ chức các khoá học dành cho y sỹ, y sinh từ trung ương đến các tỉnh, thành hội. Ngoài việc đào tạo theo chương trình của Giáo hội, mỗi khi có kỳ tuyển sinh quốc gia, Giáo hội đều khuyến khích các tín đồ trong độ tuổi đi học (18-30 tuổi) thi vào các trường Đại học và Trung cấp để học và chuẩn hóa bằng cấp theo quy định của Bộ Y tế.

Nhiều y sĩ đã được Cục Quản lý Y dược Cổ truyền, Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề y dược cổ truyền, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ khám, chữa bệnh của Giáo hội.

Với tinh thần đoàn kết, nhất trí trong hoạt động tôn giáo và y tế phước thiện, các Ban Trị sự tỉnh thành, Ban Y tế Phước thiện cùng Ban Trị sự Trung ương đã hoàn thành các mục tiêu, chương trình đề ra. Cụ thể là, nhiệm kỳ II (2014-2019), Giáo hội đã thực hiện việc khám, chữa bệnh miễn phí cho gần 22 triệu lượt người, số thuốc phát ra là gần 75 triệu thang; thuốc viên, thuốc tán hơn 75 tấn; ngoài ra, Giáo hội còn tham gia hoạt động cứu trợ xã hội khác, đạt hơn 50 tỷ đồng. Với số thuốc kể trên, tạm quy thành tiền trong nhiệm kỳ, toàn Giáo hội đã đóng góp cho công tác an sinh, xã hội tương đương số tiền hơn 867 tỷ đồng.

Từ năm 2019 đến tháng 6/2022, ngành Y tế phước thiện của Giáo hội đã thực hiện việc xem mạch, chẩn trị và châm cứu cho gần 11 triệu lượt người, phát ra hơn 44 triệu thang thuốc nam, gần 10 ngàn tấn thuốc phiến và gần 55 tấn thuốc viên, thuốc tán, tương đương trị giá gần 720 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn Giáo hội cũng đã trồng hơn 100 vườn cây thuốc nam và vận động các hộ gia đình tín đồ, hội viên trồng xen kẽ cây thuốc trong vườn nhà; có một hệ thống vận chuyển, điều độ thu hoạch cây thuốc giữa các tỉnh, thành phố. Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam ở nhiều tỉnh, thành phố cũng đầu tư, đổi mới hệ thống trữ, phơi, sấy, sao thuốc. Giáo hội phát động từ Trung ương đến tỉnh, thành, và chi hội thành lập vườn thuốc nam, vận động tín đồ, hội viên nhà nhà trồng cây thuốc vừa tạo cảnh quang đẹp cho môi trường, lợi ích trong việc làm sạch bầu không khí và cung cấp dược liệu cho các Phòng thuốc Nam của giáo hội để điều trị bệnh cho nhân dân, nâng cao sức khỏe toàn dân, đóng góp vào việc an sinh xã hội, góp phần cân bằng hệ sinh thái và phát triển kinh tế xã hội.

“Những việc làm nêu trên rất thiết thực, vừa phát triển, cung cấp nguồn dược liệu có chất lượng tốt cho các phòng thuốc, vừa góp phần vào công tác bảo vệ môi trường”, Phó Huấn sư Nguyễn Ngọc Ánh cho hay.

Người dân đến khám bệnh tại Phòng thuốc nam Phước thiện Tổ đình Hưng Minh Tự

Với phương châm “Tu học - Hành thiện - Ích nước - Lợi dân” , trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid - 19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống cộng đồng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam đã tích cực vận động chức sắc, chức việc, tín đồ góp công, góp của cùng các cấp chính quyền, Nhân dân khắc phục khó khăn trong phòng chống dịch bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Cho mượn cơ sở khám chữa bệnh để tiêm vắc-xin, chăm sóc và chữa trị cho bệnh nhân F0, F1; cung cấp hơn 460 ngàn thang thuốc xông hỗ trợ điều trị Covid-19; giúp đỡ cộng đồng gặp khó khăn về kinh tế; các xuất ăn miễn phí tại khu cách ly… với tổng số tiền và hiện vật quy thành tiền là gần 29 tỷ đồng. Trong đó, Ban Trị sự các cấp của Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam đã tham gia đóng góp hơn 752 triệu đồng vào Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ để phục vụ hoạt động mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Covid-19. Kết quả này đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, với Nhân dân, không ngại gian khổ, dấn thân vì cộng đồng, đóng góp mọi nguồn lực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam.

Các hoạt động từ thiện - xã hội của Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Ngoài những hoạt động y tế phước thiện, khám chữa bệnh bằng thuốc Nam của Giáo hội thì công tác từ thiện - xã hội luôn được phát huy rộng khắp tỉnh, thành hội với nhiều hình thức khác nhau, như: ủng hộ khoan lắp giếng nước ngọt, lắp đặt máy lọc nước cho công tác phòng chống dịch COVID-19 và đồng bào gặp hạn mặn xâm nhập tại một số địa phương; vận hành ATM gạo để phát gạo và nhu yếu phẩm khác cho bà con nghèo; trao tặng nhà tình thương ở huyện Bỉnh Sơn, tỉnh Quãng Ngãi; bếp ăn từ thiện mang những phần cơm giúp đỡ bệnh nhân nghèo đang điều trị tại bệnh viện; hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học… Tháng 10/2020, đồng bào miền Trung bị bão lũ gây thiệt hại nặng nề. Giáo hội đã tổ chức 02 đợt cứu trợ tại huyện Tiên Phước, huyện Bắc Trà Mi (tỉnh Quảng Nam) ngày 21/10 và huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình ngày 10-11/11, tổng trị giá chương trình đạt 2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Giáo hội tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo về chính sách, pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo và quốc phòng, an ninh, đồng thời ký kết tham gia các chương trình về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Giáo hội đã ban hành thông điệp với nội dung các chức sắc, chức việc và tín đồ phải là tấm gương “Thiểu dục tri túc, sống hòa hợp giữa con người với thiên nhiên”, nhằm mục tiêu đưa đời sống con người đến chỗ chân-thiện-mỹ.

Đại diện Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam cùng các tổ chức tôn giáo tham gia Hội nghị ký kết, triển khai chương trình phối hợp bảo vệ môi trường giai đoạn 2022-2026

Hiện nay, Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam đã phát triển 02 chi hội ở nước ngoài, 01 chi hội tại Úc và 01 chi hội tại Đan Mạch. Một số sinh viên Đan Mạch đã đến Trung ương hội để tìm hiểu về những cây thuốc nam đang được dùng để điều trị bệnh tại Phòng thuốc Nam phước thiện và các phương pháp điều trị bệnh không dùng thuốc như: châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt,… Bên cạnh đó, Giáo hội khuyến khích tín đồ, hội viên trong và ngoài nước học tập đạo đức thông qua các phương tiện truyền thông trên internet.

Là một trong 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận tổ chức, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc gần 90 năm qua. Trong suốt chặng đường lịch sử đó, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam lấy tư tưởng từ bi bác ái của Phật Giáo và tinh thần đoàn kết dân tộc làm kim chỉ nam cho hoạt động của mình. Những giáo lý và nghi lễ hành đạo được đơn giản hóa để phù hợp với người cư sĩ tu tại gia, thể hiện tinh thần nhập thế “đạo không lìa đời”. Đặc biệt, đề cao giá trị đạo đức và tinh thần đoàn kết dân tộc với tôn chỉ Phước Huệ song tu. Trong đó, tu Phước là chủ trương thành lập các phòng thuốc Nam phước thiện ở khắp các địa phương, từ thành thị đến thôn quê để thực hành y đạo, khám bệnh, bốc thuốc, châm cứu hoàn toàn miễn phí cho đồng bào. Đồng thời, bảo tồn và phát triển nền y học cổ truyền của nước nhà. Còn tu Huệ là bồi dưỡng chức sắc, tín đồ, để duy trì nền tảng đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc, hướng con người tới các giá trị “chân - thiện - mỹ”, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xứng đáng với 8 chữ vàng được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đó là “Tu học - Hành thiện - Ích nước - Lợi dân”./.

 

Anh Vũ