Trùng tu, tôn tạo di tích đình Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai
Ngày đăng: 07/06/2021
Di tích đình Phước Thiền (H.Nhơn Trạch)
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai đã ra văn bản gửi Bảo tàng tỉnh, Ban Quý tế đình Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch) về việc trùng tu, tôn tạo di tích đình Phước Thiền, hạng mục chánh điện.

Hạng mục chánh điện của đình Phước Thiền có điện tích 233,8m2, được xây dựng bằng 2 loại vật liệu chính là gỗ và gốm. Trải qua thời gian, dưới sự tác động của thời tiết, chánh điện đã bị xuống cấp (hệ bao che: phần tường xây bằng đá ong bề mặt tô trát bị ẩm mốc, mủn mục. Phần tường xây gạch có trang trí hoa gió nhiều vị trí bị hư hỏng; hệ chịu lực của chánh điện: cột, kèo, đòn tay… bị mối mọt nghiêm trọng; phần mái lợp hiện đã cong vênh, xê lệch, ngói nứt vỡ, thấm dột nhiều vị trí).

Để việc trùng tu, tôn tạo di tích đình Phước Thiền được thực hiện theo đúng các quy định, Sở VH-TTDL đề nghị chủ đầu tư (Ban Quý tế đình Phước Thiền) tổ chức lựa chọn đơn vị có điều kiện hành nghề thi công dự án tu bổ di tích theo quy định; phối hợp các ngành liên quan tổ chức triển khai việc trùng tu, tôn tạo di tích đình Phước Thiền đúng theo nội dung hồ sơ thiết kế được phê duyệt; chấp hành các quy định về chất lượng công trình, bảo vệ môi trường, an toàn phòng, chống cháy, nổ và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, chủ đầu tư thành lập hội đồng đánh giá di tích và ban hành quy chế làm việc của hội đồng theo Thông tư 15/19/TT-BVHTTDL về việc quy định một số chi tiết quy định về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Sở VH-TTDL giao Bảo tàng tỉnh hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện công trình; ủy quyền giám đốc bảo tàng tham gia hội đồng đánh giá di tích theo quy định.

Được biết, Đình Phước Thiền hay còn gọi là đình Ông Cọp, tọa lạc tại ấp Trầu, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch. Đình được khởi dựng cùng với thời gian thành lập làng Phước Thiền vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu XIX. Ban đầu, đình có quy mô nhỏ, kiến trúc đơn giản, vật liệu cột tre, vách đất, mái lá. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, trong đó lần trùng tu lớn nhất vào khoảng giữa thế kỷ XIX đã mang lại cho ngôi đình diện mạo như ngày nay.

Theo người dân địa phương, đình Phước Thiền là nơi thờ tự Thần thành hoàng Bổn Cảnh, vị thần bảo hộ cho cộng đồng dân cư ở thôn làng. “Ngài là đấng tối cao, ngự trị tại đình làng, chứng kiến đời sống sinh hoạt của toàn dân trong làng, bảo vệ mọi người, phù hộ cho dân làng được an khang, thịnh vượng.

Đình Phước Thiền không chỉ là một thiết chế văn hóa của cư dân địa phương mà còn gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đặc biệt, gắn liền với phong trào đấu tranh của lực lượng Thanh niên Tiền phong huyện trong những ngày khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.

 

Văn Cường t/h