Tìm hiểu ý nghĩa biểu tượng trên kiến trúc chùa Nam tông Khmer
Ngày đăng: 01/11/2022
Ngôi chùa Khmer Nam bộ là công trình kiến trúc có nhiều giá trị về mặt thẩm mỹ, nơi hội tụ nhiều dòng văn hóa, tôn giáo; đồng thời là không gian thiêng liêng nhất tập hợp khả năng kinh tế, chính trị, văn hoá - nghệ thuật của đồng bào Khmer. Ngôi chùa là một tập hợp toàn vẹn nhất của các yếu tố tạo hình, các yếu tố này kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong một chỉnh thể thống nhất.

Chùa Nam tông Khmer ảnh hưởng của ba dòng văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng (Bà la môn, Phật giáo và văn hoá Khmer), cụ thể là chịu ảnh hưởng kiến trúc của Ấn Độ và các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Camphuchia… cùng văn hóa của người Khmer. Bởi vậy, kiến trúc nghệ thuật chùa Khmer là những công trình kiến trúc độc đáo, ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật thẩm mỹ, ngôi chùa là kết tinh các thể thức nghệ thuật tạo hình, hài hoà giữa kiến trúc và điêu khắc từ hình thức trang trí bên trong đến bài trí bên ngoài.

Về không gian ngôi chùa tọa lạc

Chùa Nam tông Khmer thường được bố trí trên một khoảng không gian đất và cây cối rộng lớn, phong quang nhưng không kém phần u tịch. Đa số mặt tiền chùa hướng về phía Đông, vì họ cho rằng con đường tu hành của Phật đi từ Tây sang Đông và quan niệm Phật ở phương Tây hướng về phương Đông giác ngộ và ban phúc cho muôn dân. Tại nơi người Khmer cư trú, ta dễ nhận thấy sự tương phản giữa những ngôi nhà gỗ, tre đơn sơ của người dân với sự nguy nga đồ sộ, trang hoàng lộng lẫy của ngôi chùa, đó không phải là sự phân biệt, đó không phải là sự ngăn cách mà chính là sự hun đúc, nó như một tác phẩm nghệ thuật quy tụ bởi các nét văn hóa, ý tưởng nghệ thuật và những bàn tay khéo léo.

Không gian chùa Ômôn (Cần Thơ)

Về kiến trúc

Để khảo cứu nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer Nam Bộ, các nhà nghiên cứu tập trung vào những ngôi chùa cổ còn lại cho đến hiện nay ở các địa phương có người Khmer cư trú. Những ngôi cổ tự tiêu biểu xuất hiện từ rất sớm và tồn tại cho đến ngày nay như: chùa Âng (Angkorajborey), chùa Ông Mẹk (Bodhiàlaràja, Kompong),  chùa Samrong Ek, chùa Phướng ở Trà Vinh,  chùa Xiêm - Cán ở Bạc Liêu, chùa Kl’eang, chùa Dơi (Mã Tộc, Wathsêrâytecho Mahatup) ở Sóc Trăng. Theo cứ liệu khoa học còn lại đến hiện nay có thể khảo cứu, những ngôi chùa trên có niên đại trên dưới 500 năm; như trên Tam quan chùa Samrong ek (Trà Vinh) có ghi niên đại: PL 1168- DL 642(Phật lịch năm 1168 – dương lịch năm 642), theo tương truyền và căn cứ vào pho tượng cổ Nôria 4 tay bằng đá trong chùa được cho rằng khoảng từ thế kỉ VI, VII; song một số tài liệu và quan điểm lại cho rằng chùa xây dựng cuối thế kỉ XIV.

Những ngôi chùa Khmer ở Nam bộ gần như đã được trùng tu lại; hình dáng, hoa văn kiến trúc, các cấu kiện đã ít nhiều biến đổi, cũng không còn nhiều cứ liệu để khảo cứu nên khó có thể xác định niên đại cụ thể, song căn cứ vào kiến trúc còn lại, những ngôi chùa cổ này khi trùng tu vẫn ít nhiều vẫn còn lưu giữ lại, truyền tải được nguyên tắc kiến trúc chính cũng như đặc trưng của văn hóa truyền thống dân tộc, tín ngưỡng vùng miền của cư dân Khmer. Tất cả đều được kiến tạo bởi những nguyên tắc nhất định nhưng tùy vào điều kiện kinh tế của từng Phum mà có quy mô lớn nhỏ khác nhau.

Trước hết, việc xây dựng những ngôi chùa bao giờ cũng phải đúng quy cách, kích thước nhất định như: chiều dài bằng hai lần chiều rộng, chiều cao bằng chiều dài, mái và thân là hai phần bằng nhau. Các diện tích khung cửa, nhà ở và điện thờ cũng tuân theo quy định đó, chóp nóc chùa thường là một tam giác cân, cao vút nhọn hướng thiên.

Sở dĩ, tòa chính điện của chùa được quy vào một tam giác cân vì tam giác gồm ba góc tương ứng nghĩa biểu trưng của con số 3. Bởi người Khmer quan niệm hình tam giác mang tính chất kiên cố “vững như kiềng ba chân”, là sự viên mãn, ở đó chứa đựng cái đẹp hoàn mỹ và tuyệt đối. Trong đạo Hinđu thần linh tối thượng cũng hiện hình thành 3: Brama - Visnu - Siva, thế giới có 3 thành phần: Bhu - Bhuvas - Swar; đạo Phật có Tam thế (quá khứ - hiện tai - vị lai), và hoàn kết trong Tam bảo: Phật - Pháp -Tăng.

Chùa nào cũng có hành lang bao quanh điện, chính điện có bốn cửa chính ở hai hướng Đông - Tây, cùng bảy hoặc chín của sổ ở hai hướng Nam và Bắc, đó là những quy tắc cơ bản nhất của chùa Khmer. Các tòa Chính điện không những mở nhiều cửa sổ mà quanh bốn hướng bao giờ cũng có nhiều hành lang cao và thoáng mát.

Các diềm mái, góc giữa hai mái, đầu cột, chân cột, cánh cứa, mí cửa, xà ngang, dọc và trần nhà v.v... đều được khai thác năng động bằng những hình ảnh điêu khắc nhưng đều lấy cảm hứng chủ yếu từ cuộc đời đức Phật và hoa lá mây nước trong đời sống cộng đồng người Kh’mer, tình cảm chân chất, tay nghề điêu luyện... Bởi vậy tất cả đều hài hoà và không làm mất đi công năng của chùa.

Cổng chùa được xây dựng theo hình thức ngọn tháp, tuỳ theo giai đoạn, nhu cầu và không gian mà chùa xây một, ba hoặc năm ngọn tháp. Đối với cổng chùa có một ngôi tháp, hoặc lợp mái chùa nhiều lớp chồng lên nhau, hai bên cổng thường có hai vị thần bảo hộ, tượng sư tử, hoặc đầu thần rắn Naga uốn lượn trên tường rào, đầu ngẩng lên trời trước cổng chính, với ý nghĩa bảo vệ chốn già lam và những báu vật bên trong.

Cổng chùa có ba ngôi tháp, phần dưới trang trí tương tự nhau, còn ý nghĩa ba ngôi tháp tượng trưng cho Phật, Pháp, Tăng (Tam Bảo), tháp giữa thường cách điệu rất chi tiết, màu sắc trang hoàng lộng lẫy, tượng trưng cho đức Phật tỏa hào quang.

Cổng chùa Vàm ray (Trà Vinh)

Đa số cổng chùa Nam tông Khmer không bố trí theo kiểu cổng tam quan(ba cửa) của người Việt. Cổng thường to lớn, hoa văn rất nhiều, dưới mái cổng có chằn và garuda, tượng mình người đầu chim Krud và vũ nữ Ken naar với hai tay chống đỡ mái, nhìn rất uy nghiêm nhưng lại đầy uyển chuyển và đậm chất mỹ thuật.

Tường rào xung quanh chùa rất đặc sắc, một số cổng, tường chùa được sơn son, thếp vàng lộng lẫy, mỗi một trụ tường, vách tường rào được khắc tượng Phật, thần, chằn, sư tử, búp sen; trên mỗi trụ tường thường được sử dụng đầu người bốn mặt hay hình búp sen.

Với kiến trúc độc đáo, hình tượng, chủ đề trang trí bên trong nội điện hay Sala ở các chùa Khmer vô cùng tinh xảo, mang đậm ảnh hưởng triết lý Phật giáo, Bà la môn giáo, tín ngưỡng dân gian. Chủ đề chạm, khắc, tiểu tiết hoa văn thường là những nội dung kể về cuộc đời tu đạo của Đức Phật, theo trình tự: Cảnh đản sinh của Đức Phật ở thành Katỳlavệ, cảnh Đức Phật trong rừng Lâmtỳni dưới cây Sala, cảnh Đức Phật phát đạo dưới cội Bồ đề, cảnh Phật nhập Niết Bàn; có hoạ tiết hoa, lá, mây, nước…ca ngợi đời sống lao động sản xuất của cộng đồng người Khmer thời cổ xưa. Tuy nhiên, bên cạnh những đặc trưng phổ quát của các công trình kiến trúc Phật giáo, chùa Khmer còn có những đặc trưng riêng với các hình tượng như: Chim Krud và vũ nữ Kenar, Chằn Yaksha, Rắn Naga... đã làm cho ngôi chùa Khmer trở thành một công trình nghệ thuật mang tính văn hóa, tôn giáo tiểu biểu.

Chim Krud và vũ nữ Kenar

Kết cấu kiến trúc chính điện là hỗn hợp gỗ và gạch ngói. Hai hàng cột cái bằng gỗ quý cao vượt lên ở giữa chịu lực, tất cả các lực đều được dồn lên nó và được áp vào các đầu cột trốn đặt trên xà ngang nỗi giữa hai đầu cột cái, bộ mái ở giữa chính điện cao vút. Từ đầu các cột cái, đầu bẩy hiên, xà nách, cột quân nối ra tường vây xung quanh tạo lớp mái thứ 2 và lớp mái thứ 3 ra đầu cột hiên che kín hành lang. Chính điện chùa Khmer với bộ mái 3 lớp, các góc đầu đao đuôi rồng cao vút uốn lượn cho ta cảm giác uyển chuyển, tạo không gian thông thoáng. Ở các đầu cột ngoài hành lang chùa đều có tượng mình người đầu chim Krud và vũ nữ Kenar dang tay chống đỡ mái.

Tượng người đầu chim Krud và vũ nữ Kenar tại chùa Bodhialaraja (Trà Vinh)

Sự xuất hiện của các mô típ trang trí Kenar, Krud, trong tư thế một đường cong với tư thế hai tay đỡ mái chùa ngoài mục đích gia cố cho các cấu kiện liên hoàn chuyển động phong phú hơn và cũng tạo cảm giác uyển chuyện, lại vừa tinh tế hòa quyện kết nối tam giới với nhau. Cột, xà, kèo, xiên, đầu bẩy... ở ngôi chính điện đều bằng gỗ quý sơn son thếp vàng và chạm khắc hoa văn hết sức công phu, tinh diệu với nhiều đề tài phong phú.

Krud là tên mà người Khmer gọi là để chỉ một con vật linh thiêng, được bắt nguồn từ thần thoại Ấn Độ cổ đại, gọi là Garuda, Garuda là con vật được thần Visnu - một trong những vị thần tối thượng của Bà-La-Môn giáo dùng để cưỡi. Vì vậy, chim thần Krud (hay Garuda) xuất hiện khá phong phú trong các mẫu truyện thần thoại và nhất là hình tượng của chim thần đã đi sâu vào đời sống tâm linh, thẩm mỹ của người Khmer bằng sự thể hiện tài hoa qua những công trình kiến trúc tôn giáo của người Khmer.  Theo truyền thuyết, Kasyapa - một nhà hiền triết quyền uy có hai người vợ được Kasyapa yêu quý nhất là hai chị em nữ thần Vin-ta và nữ thần Kro-dhus, cả hai đều là con của thần Russey-ka-la-pas. Nữ thần Vin-ta sinh ra chim thần Krud (Garuda) và nữ thần Kro-dhus sinh ra rắn Naga.  Ngay từ khi mới ra đời, Krud đã sở hữu một hình thể khổng lồ, dữ tợn được biểu hiện một loài chim săn mồi, có hình đầu người, ba mắt và chiếc mỏ nhọn và cong quắp, cùng móng chân sắc nhọn của Đại Bàng và có một sức mạnh hủy diệt khủng khiếp. Vì quá mạnh nên theo lời thỉnh cầu từ các vị thần, chim thần Krud đã giảm bớt kích thước và sinh lực của mình. Ngoài ra, Krud còn bị đọa đày trong thân phận của một kẻ tôi tớ, chỉ vì thua sau một lần cá cược của mẹ Krud với nữ thần Kro-dhus. Riêng về chim thần Krud và rắn Naga luôn có xung đột mỗi khi họ gặp nhau và chim thần luôn là người chiến thắng.  Hình tượng Krud đã có mặt trong nền văn hóa Khmer Nam bộ từ khá sớm và được tôn vinh như lực lượng siêu nhiên, là vị thần tối cao được người Khmer tôn kính, là hiện thân của cái thiện giúp đỡ những người gặp phải hoạn nạn, khó khăn chống lại cái ác, trừng trị kẻ ác. Với ý nghĩa đó, nghệ nhân người Khmer thường dùng hình tượng chim thần trang trí trong những ngôi chùa và được thể hiện hình tượng Krud trong tư thế dang đôi cánh rộng, trông như những cánh tay săn chắc, lực lưỡng nắm chặt thân rắn Naga.

Nhìn vào các công trình kiến trúc của chùa Khmer, ở các đơn nguyên kiến trúc khác như nhà sala, cổng, tăng xá, hay cột cờ đều gặp hình tượng Krud đắp bằng xi măng và sơn vẽ màu và luôn được thể hiện trong tư thế dang đôi cánh hoặc đôi tay đỡ lấy tầng mái, thân đứng tựa vào các đầu cột. Việc đặt Krud ở vị trí như vậy, vừa tạo nên sự thanh thoát, chắc chắn, khỏe khoắn cho các bộ cột chống đỡ những mái chùa đồ sộ, nặng nề, vừa góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp, sự uy nghi cho công trình. So với hình tượng Krud trước đây, cụ thể là các loại tượng nhỏ đúc đồng, tạc gỗ thì hình tượng Krud ngày nay đã được các nghệ nhân Khmer sáng tạo cải biên cho phù hợp: nét mặt trông hiền hòa hơn, hình dáng gần giống với con người hơn, ở một số nơi không có con mắt thứ ba và đôi cánh thì được thu nhỏ lại hoặ bỏ hẳn, thay vào đó là cánh tay người săn chắc; hoặc tồn tại song song cánh và tay. 

Theo truyền thuyết của Ấn Độ, Kinnara (Hán Việt phiên âm là Khẩn Na La) là một bộ tộc xinh đẹp, là những sinh linh kì diệu và siêu phàm. Trong thần thoại các nước Đông Nam Á, Kinnari là con mái, tương ứng của Kinnara  là trống, được miêu tả là một sinh vật nửa người (nữ) nửa chim. Những Kinnari này có đầu, thân mình, tay của phụ nữ và cánh, đuôi, chân của thiên nga. Kinnari nổi tiếng vì tài nhảy múa, ca hát, thi ca và là một biểu tượng truyền thống của người phụ nữ xinh đẹp, yêu kiều và tài năng. Trong thần thoại Phật giáo (Khẩn Na La) là một người tình chung thủy, một nhạc thần; Hán dịch: Nghi thần, Nghi nhân, Nhân phi nhân, Ca thần, nhạc thần, Âm nhạc thiên và được cắt nghĩa là sinh linh nửa giống người, nửa giống thần. Người không phải người. Ở núi Thập Bảo. Khẩn Na La là thần hộ pháp Phật giáo, một hạng chúng sinh có tài tấu nhạc, thường tấu nhạc liên quan đến giáo pháp. Khi các thiên thần cử hành pháp hội, Khẩn Na La thường đảm nhiệm công việc diễn tấu âm nhạc. Trong kinh điển thường thấy đạo tràng âm nhạc trang nghiêm là nơi Khẩn Na La diễn tấu. Vốn chỉ cho các vị thần trong thần thoại Ấn Độ, sau được Phật giáo dung nạp và xếp vào bộ thứ bảy trong Thiên long bát bộ thường theo hầu nghe giáo pháp một cách cung kính mỗi khi Phật giảng kinh Đại thừa. Trong Hoa Nghiêm kinh cũng có nhắc đến, đây là nhạc thần chấp pháp của Thiên đế, cũng thường trong số chúng nghe pháp luận kinh.

Chằn Yaksha

Một sự đặc biệt của chùa Nam tông Khmer, hộ pháp của chùa thường lấy biểu tượng tượng chằn Yăk (dịch tiếng Việt gọi là Chằn, tiếng Khmer gọi là Yăk, tiếng Sanskrit là Yaksha, Pali là Yakkha, kinh văn Hán ngữ gọi là Dược xoa hay Dạ xoa) được mô tả phần lớn chú trọng vào đặc điểm khuôn mặt dữ dằn với cặp mắt tròn lồi phồng lên và răng nanh dài lòi ra ngoài, cũng như nước da xanh lục. Trong chùa tháp Khmer, Yăk là những thần canh giữ. Thường được tạo hình từng cặp đôi, bố trí hai bên cửa, cổng và bậc cấp.

Ngoài khuôn mặt chằn dữ dằn với cặp nanh ngoặt ra hai bên mép, hình tướng cơ bản được tạo tác dưới dạng võ tướng: trang phục bó chẽn vào thân, vũ khí là chiếc chày vồ, dựng đứng giữa hai chân, hai tay nâng ngang rốn nắm lấy cán chày trông trang nghiêm dữ  tợn.

Tượng chằn (Yăk) trước chính điện chùa Kompong Chrây(Trà Vinh)

Kinh sách có đề cập nhiều nhưng cơ bản gồm ha loại chính: 1 là loại thần có nhiều năng lực giống như Chư thiên, hai là 1 loài ma quỷ hay phá người tu hành bằng cách gây tiếng động ồn ào trong lúc họ thiền định, rất hung ác nhưng được Phật cải hóa, đã quay đầu hướng thiện, chí nguyện hộ pháp. Trong chùa Nam tông Khmer, chằn Yăk được dụng biểu tượng nghĩa thứ hai.

Rắn Naga

Nhiều chùa, dọc theo sóng trên tường rào chạm khắc hình thần rắn Naga uốn lượn rất uy nghi, tiềm ẩn một triết lý Phật học tinh tuý, đó là sự hài hoà giữa thiên nhiên với con người, nhập thân giữa đời và đạo, kết chặt giữa thế giới này và thế giới khác. Theo triết lý của người Khơ me, đó là những thử thách, khó khăn đối với người tu, với phật tử trên bước đường tu thành chính quả và họ quan niệm rằng tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật đã cảm hóa được loài vật nguy hiểm nhất này.

Hình thượng rắn Naga tại chùa Chantarangsay

Theo Đại đức Son (chùa Cadaransi – Chantarangsay, TP. Hồ Chí Minh): “Những tượng rắn đó được gọi là Naga. Nguồn gốc từ đạo Hindu nhưng ý nghĩa chính thì theo đạo Phật và tín ngưỡng người Khmer: Theo tiếng Phạn, Naga là rắn hổ mang, có cái đầu há lớn, là chúa tể của loài rắn. Chúng là loài rắn lớn nhất, nọc độc khủng khiếp nhất. Trong kinh Phật, vào tuần thứ sáu, sau khi thành đạo, bỗng nhiên có mưa to, gió lớn, trời tối sầm, mây đen kéo đến, mãng xà vương Mucakinda từ ổ chui ra, uốn mình quấn quanh Đức Phật để bảo vệ cho Ngài. Đầu rắn xòe ra che mưa cho Ngài. Vì thế, mưa gió không ảnh hưởng đến quá trình tu luyện của Đức Phật. Như vậy, nó có ý nghĩa hộ trì đạo pháp, che chở cho người tu hành và  bảo vệ chốn Phật môn linh thiêng.

Rắn Naga luôn xuất hiện trên cầu thang, lối đi, cổng vào với ý nghĩa xua đuổi tà ma, ám khí. Về sau, rắn Naga là biểu trưng cho sự thịnh vượng, là vị thần bảo vệ mùa màng, mang nước tưới tắm cho ruộng vườn, mang nước đầy ắp các dòng sông. Rắn Naga còn là biểu tượng cho sự kết nối giữa cõi nhân gian và Niết Bàn. Trong các công trình cổ, có các hình tượng rắn 3 đầu, 5 đầu, 7 đầu và 9 đầu. Rắn 3 đầu tượng trưng cho Tam tài(thiên – địa – nhân); 5 đầu là Ngũ hành (kim – mộc – thủy – hỏa – thổ); 7 đầu tượng trưng cho 7 ngày rắn che chở cho đức Phật và là sự đắc đạo trong tu hành và 9 đầu chính là con đường dẫn lên đến cói niết bàn. Trong những ngôi chùa ở xứ sở chùa tháp, rắn thần Naga xuất hiện khắp nơi, từ cổng chùa, đến nóc chùa, đầu đao với ý nghĩa bảo vệ Phật khỏi tà ma ngoại đạo. Trong dân gian, rắn Naga cũng xuất hiện ở nhiều nơi. Những chiếc xe tang luôn có hình ảnh rắn Naga, để đưa linh hồn người chết về cõi Tây phương cực lạc

Như vậy, biểu tượng Naga trong kiến trúc chùa Nam tông Khmer mang ý nghĩa linh thiêng, là sự bảo vệ che chở chốn tu hành, người tu hành và cư dân khắp chốn.

Nói chung, kiến trúc chùa Khmer là một loại hình kiến trúc không cầu kì nhưng vững chắc, tạo hiệu quả công năng cao, đồng thời hầu như tất cả đều biến thành vật liệu để cho trang trí – kiến trúc uy nghiêm mà lộng lẫy. Về nghệ thuật, ngôi chùa là một tổng thể nghệ thuật kiến trúc đặc trưng nhất của người Khmer. Về tâm linh, ngôi chùa là đỉnh cao của thăng hoa tôn giáo, tín ngưỡng, là nơi để tụ hội học đạo và là nơi để cùng sinh hoạt tâm linh. Ở chùa Nam tông, cái đẹp và cái tôn giáo và tín ngưỡng thiêng liêng hòa quyện vào nhau. Nghệ thuật kiến trúc – trang trí điêu khắc của ngôi chùa phần nào nói lên được tâm tư tình cảm, óc sáng tạo và năng khiếu thẩm mỹ đặc biệt của người Khmer Nam Bộ. Có thể nói ngôi chùa là biểu tượng điển hình, một sự độc đáo của vùng sông nước tạo nên nét đẹp đặc thù mà chỉ có ở người Khmer Nam Bộ./.

 

Nguyễn Đức Bá – Lê Trung Kiên