Hoàn thành hồ sơ di sản tư liệu thế giới cho bảo vật quốc gia Cửu đỉnh
Ngày đăng: 09/06/2021
Cửu đỉnh được đặt ở sân Thế Tổ Miếu, nơi thờ các vua nhà Nguyễn
Bảo vật quốc gia Cửu đỉnh được đặt tại sân Thế Tổ Miếu (Đại Nội Huế) từ gần 200 năm qua vẫn vẹn nguyên. Ngoài tính biểu trưng thể hiện quyền lực của vương triều nhà Nguyễn, Cửu đỉnh còn được xem như là bộ “Địa dư chí lược” được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình đầu thế kỷ XIX.

Ai đã từng tham quan Đại nội Huế, đến trước sân Hiển Lâm Các đối diện với Thế Miếu (nơi thờ các vua triều Nguyễn) đều không khỏi ngỡ ngàng, thán phục trước 9 chiếc đỉnh đồng đồ sộ, uy nghi như chứng nhân của lịch sử của một vương triều tồn tại 143 năm.

Theo sách “Đại Nam thực lục chính biên”, bộ Cửu đỉnh được vua Minh Mạng cho khởi đúc vào tháng 12/1835 và hoàn thành tháng 6/1837, do những nghệ nhân Phường đúc Huế thực hiện. Tất cả 9 đỉnh đều có hình dáng chung giống nhau, thân bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có hai quai, dưới có ba chân. Nhưng kích thước và khối lượng (khối lượng các đỉnh được ghi rõ bên trái cổ đỉnh) lại không giống nhau, đỉnh cao nhất (Cao đỉnh) 2,5m, nặng 2.061 kg, đỉnh thấp nhất (Huyền đỉnh) 2,3m, nặng 1.935 kg.

Các cặp quai trên miệng đỉnh không hoàn toàn giống nhau, cặp đúc vuông, cặp đúc tròn, cặp xoắn theo kiểu dây thừng. Chân đỉnh cũng khác nhau, có bộ uốn theo kiểu chân quỳ, có bộ đúc thẳng. Trên mỗi đỉnh đều khắc nổi tên hiệu do vua Minh Mạng đặt, ứng với thụy hiệu các vị vua Nguyễn. Mở đầu là Cao đỉnh tượng trưng cho sự vĩ đại; Nhân (Nhơn đỉnh) là lòng tốt, tượng trưng đức; Chương đỉnh là sự gương mẫu, là ánh sáng; Anh đỉnh là tài giỏi vinh hạnh, hiển đạt; Nghị đỉnh là ý chí kiên cường, cương nghị; Thuần đỉnh là sự hoàn thiện, phong phú; Tuyên đỉnh là sự hài hòa, tinh thông; Dụ đỉnh là nền tảng sự thịnh vượng; Huyền đỉnh, ứng với nơi sâu thẳm.

Sau khi hoàn thành, Cửu đỉnh được đặt thẳng hàng trước sân Hiển Lâm Các đối diện với Thế Miếu. Riêng Cao đỉnh được đặt ở giữa và lên trước các đỉnh khác 3m, tượng trưng cho Cao Thế tổ Hoàng đế Nguyễn Ánh - người lập nên vương triều Nguyễn.

Có thể nói Cửu đỉnh là tác phẩm nghệ thuật tổng hợp của nhiều lĩnh vực như: kiến trúc, hội họa, lịch sử, địa lý, văn hóa và sự diệu nghệ của kỹ thuật đúc đồng Việt Nam đầu thề kỷ XIX, từ thiết kế, vẽ mẫu, rồi làm phôi khuôn. Người thợ phải làm ra những chiếc khuôn theo kích cỡ, mẫu mã, ký tự, hoa lá, chim muông, cảnh vật… để khi đúc ra các mẫu tạo ấy sẽ được kết dính với nhau một cách tự nhiên, giống như tự thân nó mọc ra vậy. Quả là kỳ công, tỷ mỉ vô cùng.

Bộ Cửu đỉnh không chỉ thể hiện ước nguyện bền vững trường tồn của vương triều Nguyễn như chỉ dụ của vua Minh Mạng: “Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu… Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa, đúc 9 cái đỉnh để ở nhà Thế miếu... Đó là để tỏ ý mong rằng, muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau. Chuẩn cho quan phần việc theo đúng kiểu mẫu mới định”.

Cửu đỉnh còn là bộ sưu tập đặc sắc của văn hóa Việt Nam, với 153 hình ảnh tiêu biểu đặc trưng nhưng cũng rất gần gũi thân thuộc của đất nước từ Nam ra Bắc được chạm khắc nổi trên Cửu đỉnh. Tất cả 153 mảng hình trên Cửu đỉnh là những bức chạm độc lập, sống động, tinh xảo, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng đạt trình độ tuyệt kỹ của những người thợ đúc đồng Việt Nam.

Quanh hông mỗi đỉnh được bố trí 17 cảnh vật được sắp xếp theo một biểu đồ hợp lý, chia làm ba hàng ngang, mỗi hàng gồm một chủng loại, mỗi hình ảnh đều có ghi tên từng cảnh vật. Đặc biệt Cửu đỉnh là 9 đỉnh, nên các hình ảnh được thể hiện cũng xoay quanh con số 9 đặc trưng như: 9 vì tinh tú và thiên nhiên trong vũ trụ là Mặt trời, Mặt trăng, Gió, Sấm, Mây, Mưa, các sao Ngũ Tinh, Bắc Đẩu, Nam Đẩu; 9 ngọn núi lớn: Thiên Tôn, Ngự Bình, Thương Sơn, Hồng Lĩnh, Tản Viên, Núi Duệ, Đại Lãnh, Hải Vân, Hoành Sơn; 9 sông lớn: sông Hậu, sông Tiền, sông Mã, Bạch Đằng, sông Hồng, sông Hương, sông Gianh, Thạch Hãn, sông Lam

Cửu đỉnh còn chạm khắc hình 9 cửa biển, cửa quan, biển, cầu vồng; 9 con thú lớn bốn chân; 9 con vật linh; 9 loài chim; 9 loài cây lương thực; 9 loại rau củ; 9 loại hoa; 9 loại cây lấy quả; 9 loại dược liệu quý; 9 loại cây thân gỗ; 9 loại vũ khí; 9 loài cá, ốc, côn trùng; 9 loại thuyền, xe, cờ. Tất cả những số 9 ấy hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên sông núi đất trời Việt Nam thống nhất hoành tráng.

Hiện, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm) đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ di sản tư liệu cho bảo vật Cửu đỉnh gửi Bộ VHTTDL xem xét cho ý kiến trước khi đệ trình UNESCO công nhận Cửu đỉnh là di sản tư liệu thế giới. Từ đó đến nay, Cửu đỉnh vẫn tồn tại nguyên vẹn ở vị trí này, là bản nguyên gốc và duy nhất, chưa từng được sửa chữa. Và điều đặc biệt, Cửu đỉnh gắn liền với thụy hiệu của các vua nhà Nguyễn, được đặt ở vị trí đối diện với án thờ các vua bên trong Thế Tổ Miếu. Cửu đỉnh Huế là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có giá trị cao về mặt văn hóa và lịch sử của dân tộc, chứa đựng những nội dung tư tưởng của một thời đại, tâm tư và ý niệm của con người về đất nước, về vũ trụ và thiên nhiên. Trên Cửu đỉnh đã khắc họa nhiều hình ảnh về các cảnh vật rất thật và thân quen với người Việt trải dài từ Bắc chí Nam, tạo nên bức tranh thiên nhiên giàu đẹp của đất nước, như: tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, cây cối, hoa cỏ, động vật, binh khí, xe thuyền… Cửu đỉnh cũng được xem như một bộ cẩm nang có minh họa và chú thích đầu tiên của nước ta về sự đa dạng sinh học. Trong số 162 họa tiết chạm nổi trên Cửu đỉnh, có tới 90 hình ảnh là về các loài động, thực vật đặc trưng của Việt Nam. Các họa tiết này đều thể hiện một cách sống động các loài động, thực vật, nhiều chỗ chạm khắc khá chi tiết những đặc điểm nổi bật của các loài. 

Ngoài ra, hình ảnh sông núi, lãnh hải của Việt Nam cũng được chạm khắc nổi trên bộ Cửu đỉnh triều Nguyễn. Nếu ở Tuyên đỉnh có sông Hồng, thì Huyền đỉnh có sông Cửu Long và Nhân đỉnh có sông Hương. Nếu Cao đỉnh có cọp trên rừng, thì Nhân đỉnh có cá voi dưới biển… Bà Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học (Trung tâm) thông tin, hình ảnh biển đảo của nước ta đã được chạm khắc rõ ràng, minh xác trên Cửu đỉnh nhà Nguyễn. Trong 9 đỉnh, có 3 đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất có khắc biển đảo nước Việt, gồm: Biển Đông ở Cao đỉnh, biển Nam ở Nhân đỉnh và biển Tây ở Chương đỉnh. Cùng với hàng loạt tài liệu Hán Nôm cổ, những hình ảnh biển đảo được khắc trên bộ Cửu đỉnh là một nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. `“So sánh với một số nước đồng văn cho thấy, trong Hoàng cung thuộc nhiều triều đại ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc không có đúc Cửu đỉnh nào tương tự như triều Nguyễn ở Huế. Ngay tại Việt Nam, các triều đại trước đó cũng không để lại một dạng tư liệu nào như vậy”, bà Hòa cho biết.

Theo giới chuyên gia và nhà nghiên cứu, Cửu đỉnh đạt đến trình độ tinh xảo nhất của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam ở thế kỷ XIX. Bộ báu vật này được chế tác bởi các nghệ nhân bậc thầy về đúc đồng dưới thời nhà Nguyễn. Kỹ thuật khắc nổi những họa tiết, hoa văn tinh tế với những hình ảnh “sống động” trên bộ Cửu đỉnh đòi hỏi các nghệ nhân phải kiên trì và có sự am hiểu nhất định. Theo một số sử liệu, Cửu đỉnh được đúc theo lối thủ công truyền thống nên việc tạo khuôn đúc cũng thực hiện theo thủ công qua việc chọn lựa loại đất sét phù hợp một cách tỉ mỉ. Khuôn đúc Cửu đỉnh là khuôn “độc bản”, sau khi hoàn thành chế tác, các khuôn đúc đều bị phá bỏ để tránh sự sao chép. Quá trình chế tác khuôn đúc được triều đình giám sát chặt chẽ. Từ cách tạo dáng đến các hình chạm nổi trang trí bên ngoài cho thấy tất cả các đơn vị hoa văn, họa tiết trang trí trên Cửu đỉnh là một thực thể độc lập và duy nhất, không lặp lại ở bất kỳ nơi đâu.

Tuy nhiên, hiện nay bảo vật này cũng đang chịu những tác động của thiên nhiên khắc nghiệt như toàn bộ bề mặt Cửu đỉnh đối diện với hiện tượng ăn mòn điện hóa; xuất hiện các vết bẩn bám dính trên bề mặt đỉnh; mặt trong đỉnh tích chứa nước nên có hiện tượng rêu phát triển; các vết khuyết hỏng trên bề mặt đỉnh đồng như vết đạn làm giảm bề dày của đỉnh… 

AT tổng hợp