Chùa Vĩnh Nghiêm danh lam cổ tự của Bắc Giang
Ngày đăng: 19/08/2021Chùa Vĩnh Nghiêm hay chùa Đức La (tên chữ là Vĩnh Nghiêm tự) là một ngôi chùa cổ tại thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương (gọi là ngã ba Phượng Nhãn). Chùa nhìn ra ngã ba sông, phía Lục Đầu Giang-Kiếp Bạc, vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào núi Yên Tử. Bao quanh chùa là núi non trong đó có núi Cô Tiên. Bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo, đền Kiếp Bạc.
Chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ XI dưới thời Vua Lý Thái Tổ (1010-1028) có tên là chùa Chúc Thánh (Chúc Thánh thiền tự). Theo bia tháp ghi lại, năm Thuận Thiên Nguyên Niên (1010), Vua Lý Thái Tổ cử hai quan trong triều là Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạt thiết kế đồ án, lo việc kiến thiết 8 ngôi chùa, trong đó có chùa Vĩnh Nghiêm ngày nay.
Chùa được hoàn thành vào năm 1016, vị trụ trì đầu tiên là Thiền sư Vạn Hạnh, kế tiếp là các vị: Đạo An, Minh Tâm, Bảo Tánh và Huệ Quang. Đến thế kỷ XIII, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cho sửa sang, trùng tu, tôn tạo lại, đổi tên là chùa Vĩnh Nghiêm (Vĩnh Nghiêm tự) với mong muốn ngôi chùa mãi mãi trường tồn, mãi mãi tôn nghiêm.
Chùa Vĩnh Nghiêm có quy mô lớn nằm trong khuôn viên khoảng 1 ha, bao quanh khuôn viên là lũy tre dày đặc. Chùa được kiến trúc trên một trục, hướng đông nam gồm 4 khối: toà Thiên đường, toà Thượng điện, nhà Tổ đệ nhất, gác chuông, nhà tổ đệ nhị và một số công trình khác. Mở đầu là cổng tam quan xây gạch, sau đó đi vào hơn 100 m là Bái đường (chùa Hộ). Từ ngày dựng chùa, hai bên đường được trồng thông để thành chốn tùng lâm, có cây đường kính gần 1m. Trên sân chùa có một tấm bia to, 6 mặt, dựng năm Hoằng Định thứ 7 (1606) với nội dung ghi lại việc trùng tu chùa năm đó.
Ngoài những giá trị độc đáo về kiến trúc, chùa Vĩnh Nghiêm còn được coi là một bảo tàng văn hóa Phật giáo với hệ thống hiện vật cổ quý giá. Đó là hơn 100 pho tượng thờ bằng gỗ và đất được chạm khắc tinh xảo, hệ thống văn bia với 8 tấm ghi lại toàn bộ tiến trình lịch sử và phát triển của Trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm cùng các hoành phi, câu đối... Trong chùa còn có chiếc mõ dài gần nửa mét, được sơn đen bóng, lỗ thoát âm có đề hai dòng chữ Phạn.
Một giá trị đặc biệt khác của chùa Vĩnh Nghiêm là bộ ván khắc kinh vẫn được gọi là mộc thư rộng tới 10 gian nhà. Đó là những bộ ván kinh có từ lâu đời, là kho sách cổ vô cùng quý giá cũng có niên đại tới 700 năm. Những bản ván in kinh tinh xảo là hiện vật chứng minh chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lĩnh 72 chốn tùng lâm.
Mộc bản lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm
Hiện nay, kho mộc thư vẫn lưu giữ được 09 tác phẩm kinh sách, luật giới của Phật giáo với 3.050 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2.000 chữ Nôm, chữ Hán. Những bản khắc có niên đại sớm nhất, nhiều sách nhất, chữ chuẩn đẹp nhất vẫn được lưu truyền với từng nét chữ sắc xảo, tinh tế. Các mộc bản kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm chứa đựng nhiều ý nghĩa to lớn về triết lý nhân sinh, tôn giáo tín ngưỡng, văn học, nghệ thuật, giáo dục con người. Không những thế, những mộc bản này còn là “pho sử” sống động về nghề khắc in mộc bản, tư tưởng và văn hóa, giúp người đời sau hiểu một cách đầy đủ, chính xác về lịch sử Phật giáo Việt Nam, về Thiền phái Trúc Lâm cũng như thân thế, sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông và một số danh nhân của dân tộc. Ngày nay, những giá trị đó vẫn còn giữ nguyên bản, không bị hao mòn giá trị. Năm 2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương thuộc chương trình Ký ức thế giới.
Không chỉ là một “bảo tàng” lưu giữ các di sản văn hóa, chùa Vĩnh Nghiêm còn được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên ở nước ta, là chốn tổ quan trọng bậc nhất của Phật giáo Việt Nam nói chung. Đây là nơi ba vị "Trúc Lâm tam tổ": Trần Nhân Tông (1258 - 1308), Pháp Loa (1284 - 1330), Huyền Quang (1254 - 1334) từng trụ trì, lập nên phái Thiền tông của Phật giáo Việt Nam và mở trường thuyết pháp. Suốt chiều dài lịch sử của mình, chùa Vĩnh Nghiêm đã đào tạo rất nhiều tăng đồ, góp phần lan tỏa tư tưởng tốt đẹp của Thiền phái Trúc Lâm và hòa cùng dòng chảy của lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Chùa Vĩnh Nghiêm vào mùa lễ hội
Lễ hội Vĩnh Nghiêm được tổ chức hàng năm tại chùa Vĩnh Nghiêm vào ngày 14/2 âm lịch. Ngày nay, các nhà sư gọi là ngày giỗ Tổ chùa. Do là ngày giỗ Tổ chùa nên tính chất lễ hội ít mà tính chất lễ giỗ nhiều hơn.
Với những giá trị về kiến trúc, lịch sử, tôn giáo năm 1964, chùa Vĩnh Nghiêm được Bộ VHTTDL xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Năm 2013, Bộ VHTTDL đã công nhận Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận chùa Vĩnh Nghiêm là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.
NN tổng hợp