Xây dựng nhà nước pháp quyền, hành động thiết thực của tôn giáo
Ngày đăng: 08/11/2022Pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng khi vừa là công cụ quản lý nhà nước, vừa tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động của người dân. Cùng với việc không ngừng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết, được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức. Với tinh thần đó, Luật Phổ biến giáo dục Pháp luật năm 2012 quy định ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Kể từ bản hiến pháp đầu tiên ra đời vào này 9/11/1946, đến nay mọi tầng lớp nhân dân và toàn hệ thống chính trị luôn tích cực xây dựng, triển khai, áp dụng…luật pháp trong đời sống xã hội, không ngừng xây dựng nhà nước pháp quyền. Với trên 26 triệu đồng bào là người có đạo, cùng với các chức sắc, chức việc, nhà tu hành…đóng góp của tôn giáo đối với pháp luật là rất thiết thực.
Ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam
Ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên được ban hành. Sau đó, Việt Nam có Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013, nhưng tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của Việt Nam. Chính vì vậy, ngày 9/11, ngày ban hành Hiến pháp 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngày Pháp luật) đã được chính thức luật hóa trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Luật này được Quốc hội thông qua năm 2012 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2013.
Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác giám sát, chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, sự chung tay của hệ thống chính trị các cấp và của ngành tư pháp, việc triển khai Ngày Pháp luật đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tinh thần Ngày Pháp luật được lan tỏa, thẩm thấu sâu hơn trong đời sống xã hội, góp phần trực tiếp vào công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và qua đó góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2022, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã và đang thực hiện kế hoạch tổ chức sự kiện quan trọng này bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo. Đặc biệt, tối ngày 6/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp long trọng tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Buổi lễ có sự tham gia và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về định hướng triển khai hiệu quả Ngày Pháp luật Việt Nam trong những năm tiếp theo. Một trong những nội dung quan trọng của buổi lễ là phần trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc qua 10 năm hưởng ứng Ngày Pháp luật trên cả nước. Đây chính là sự ghi nhận, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu đã có thành tích xuất sắc trong công tác này.
Bên cạnh đó, Ngày Pháp luật còn có ý nghĩa giáo dục, xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với pháp luật, tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, tạo lập kỷ cương, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng pháp luật. Ngày Pháp luật cũng là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới và xây dựng, một đất nước thượng tôn pháp luật.
Theo Nghị định 28/2013/NĐ-CP thì các ngành, các cấp từ trung ương xuống địa phương có một số nhiệm vụ quan trọng như: Tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo trách nhiệm quản lý trên địa bàn và hướng dẫn của Bộ Tư pháp; đôn đốc, kiểm tra các cơ quan chuyên môn trực thuộc, UBND cấp dưới trong việc tổ chức Ngày Pháp luật nước trên địa bàn. Thực hiện việc thống kê, báo cáo về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Sơ kết, tổng kết, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức, thực hiện Ngày Pháp luật và thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương… Vì thế Ngày Pháp luật là dịp để đánh giá lại những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; định hướng triển khai trong thời gian tiếp theo; tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.
Đóng góp của tôn giáo đối với pháp luật
Đồng bào các tôn giáo luôn là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến hết năm 2021, Việt Nam đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm hơn 27% dân số cả nước); trong đó, có hơn 54.000 chức sắc, 135.500 chức việc, hơn 29.600 cơ sở thờ tự tôn giáo và khoảng hơn 50.000 cơ sở tín ngưỡng. Đây là nguồn lực to lớn trong phát triển kinh tế xã hội và những đóng góp của tôn giáo đối với xây dựng, áp dụng, tuyền truyền pháp luật không nằm ngoài tinh thần chung của khối đại đoàn kết toàn dân cũng như xây dựng nhà nước pháp quyền…
Kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 15 nhiệm kỳ xây dựng, phát triển, từ khóa I đến khóa XV đều có chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo tham gia. Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026), có 5 chức sắc trúng cử đại biểu Quốc hội; 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện; 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và hơn 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp xã. Các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ của các tôn giáo được giáo hội giới thiệu, nhân dân lựa chọn bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp là những người ưu tú, có nhiều đóng góp trong công tác lập pháp và sự nghiệp xây dựng đất nước, luôn thể hiện trách nhiệm của người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân nói chung, của đồng bào tôn giáo nói riêng.
Thực tế cho thấy, chức sắc, chức việc các tôn giáo tham gia ứng cử và trở thành đại biểu Quốc hội góp phần thể hiện tính dân chủ, bình đẳng của các cuộc bầu cử, biểu hiện uy tín của người ứng cử và sự tin tưởng của các tầng lớp nhân dân và tín đồ các tôn giáo. Các đại biểu Quốc hội là chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo là những cánh tay nối dài, giúp đem tiếng nói của đông đảo nhân dân và tín đồ các tôn giáo góp ý vào các nghị quyết và văn bản luật pháp quan trọng của Quốc hội.
Chức sắc tôn giáo vùng đồng bào Chăm phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động tín đồ, Nhân dân chấp hành pháp luật của Nhà nước
Tại Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội là chức sắc, chức việc tích cực tham gia góp ý vào nội dung của Luật tín ngưỡng, tôn giáo để văn bản pháp quy này phù hợp với thực tiễn, được thông qua với tỷ lệ cao tại Quốc hội và đáp ứng kịp thời nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của người dân. Luật được các cá nhân, tổ chức tôn giáo đón nhận, góp phần động viên chức sắc, chức việc tín đồ chấp hành pháp luật khi thực hiện các hoạt động tôn giáo, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, từ thiện nhân đạo, góp phần xây dựng, củng cố mối đoàn kết giữa các tổ chức tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc ra đời của Luật tín ngưỡng, tôn giáo được xem như sự kiện nổi bật nhất trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đối với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đây là cũng là văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo có giá trị pháp lý cao nhất từ trước đến nay.
Tìm hiểu cho thấy, trong các cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các địa phương, nhiều cử tri là chức sắc, chức việc có những kiến nghị thiết thực, ví như chính sách xây dựng không gian sinh hoạt văn hóa cho các cộng đồng khác nhau cần được xem xét cho phù hợp để việc trùng tu, xây mới các công trình tôn giáo được thuận lợi. Đối với người Khmer thay vì xây dựng nhà văn hóa thì nên xây chùa. Vì người Khmer theo Đạo Phật hơn 90% và chùa là trung tâm văn hóa của cộng đồng người này, không có chùa thì không có nơi tập trung để sinh hoạt văn hóa, học tập…
Trên đây là một số thực tiễn trong công tác lập pháp có sự đóng góp thiết thực của các tôn giáo. Ở phạm vi áp dụng, tuyên truyền, thực hiện…, đóng góp của các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo cũng rất cụ thể, tạo hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội. Theo đó, ngay sau khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo được thông qua đã có hàng trăm buổi phổ biến, tuyên truyền văn bản pháp quy này đến với tín đồ các tôn giáo trên phạm vi cả nước. Nhiều chức sắc, chức việc, nhà tu hành cùng với với Mặt trận tổ quốc các cấp, các đoàn, hội…đã tuyên truyền sâu rộng để đồng đạo và người dân thực hiện tốt Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Không chỉ tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chức sắc, chức việc các tôn giáo còn có những đóng góp thiết thực trên nhiều mặt của hoạt động luật pháp, ví như cung cấp các thông tin có giá trị liên quan đến an ninh trật tự (ANTT). Theo thông tin từ Bộ Công an trong buổi gặp giữa cơ quan này với các đại biểu Quốc hội là chức sắc tôn giáo, người dân tộc thiểu số vào cuối tháng 10/2022 thì trong kết quả công tác bảo đảm an ninh trên lĩnh vực tôn giáo, dân tộc có sự đóng góp rất lớn của các vị đại biểu Quốc hội là chức sắc, tín đồ các tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những người này giúp đỡ, cung cấp cho cơ quan chức năng hàng nghìn tin có giá trị liên quan đến ANTT. Tham gia phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng tôn giáo, vùng dân tộc thiểu số, nhất là tại các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Song hành với các hoạt động nêu trên, nhiều tôn giáo tích cực xây dựng, nhân rộng các mô hình ANTT, ví như tại Quảng Trị. Theo đó, tỉnh Quảng Trị hiện có 3 tôn giáo chính gồm: Phật giáo, Công giáo và Tin lành với hơn 82.000 tín đồ, trên 2.000 chức sắc, chức việc, 249 cơ sở tôn giáo. Công tác xây dựng mô hình ANTT được các chức sắc, chức việc đồng tình hưởng ứng, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình phát động xây dựng và duy trì hoạt động của mô hình. Đến nay, có 39 mô hình đảm bảo ANTT tại các cơ sở Phật giáo và Công giáo trên địa bàn đang duy trì hoạt động. Trong đó, Phật giáo có 30 mô hình, Công giáo có 8 mô hình và 1 mô hình kết hợp giữa Phật giáo và Công giáo.
Tại huyện Cam Lộ, mô hình “Phật giáo Cam Lộ tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới” được xem là ví dụ điển hình. Với việc triển khai thực hiện các nội dung rất thiết thực như: tuyên truyền, vận động tăng ni, phật tử nói và làm theo Hiến pháp, pháp luật, bài trừ mê tín dị đoan, tai, tệ nạn xã hội; tuyên truyền, hướng dẫn tăng ni, phật tử và toàn dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn xã hội…
Tương tự, tại tỉnh Bình Thuận, hoạt động đảm bảo ANTT cũng được chức sắc, chức việc, tín đồ tích cực tham gia. Tìm hiểu cho thấy, Bình Thuận có 34 DTTS, chiếm tỷ lệ trên 8% dân số của tỉnh; trong đó đồng bào Chăm có số dân đông nhất, chiếm 3,12% dân số toàn tỉnh và chiếm 38,98% so với các DTTS khác. Dân tộc Chăm cư trú đông nhất ở huyện Bắc Bình. Cư dân ở đây theo đạo Bà la môn và Chăm Bàni. Được biết, các ngành chức năng huyện Bắc Bình lập kế hoạch xây dựng mô hình “Chức sắc tôn giáo tham gia giữ gìn ANTT” với thành viên là các vị chức sắc có uy tín, am hiểu tập tục cũng như tâm tư, nguyện vọng của đồng đạo. Đến nay, trên địa bàn 03 xã thuần đồng bào Chăm của huyện Bắc Bình là Phan Thanh, Phan Hiệp và Phan Hòa đã thành lập được 7 Tổ nòng cốt mô hình “chức sắc tham gia giữ gìn ANTT”. Nổi bật như tại xã Phan Hiệp 3/3 thôn đều xây dựng mô hình này. Ngoài ra, các xã kể trên cũng chú trọng xây dựng các mô hình tự phòng, tự quản trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như: Mô hình “Camera an ninh”, “Tổ quần chúng tuần tra đảm bảo an ninh, trật tự”, “Dòng tộc tự phòng, tự quản”.
Từ kết quả đạt được, 7 lượt tập thể, 18 lượt cá nhân được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen, 5 lượt tập thể và 16 lượt cá nhân được UBND huyện Bắc Bình và UBND các xã tặng giấy khen trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Các mô hình như trên tại Quảng Trị, Bình Thuận và nhiều địa phương khác trên cả nước không chỉ là cầu nối giữa chính quyền, pháp luật với đồng bào tôn giáo mà còn xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa các chức sắc, tín đồ với cấp ủy, chính quyền, xây dựng mối đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần giữ vững ANTT địa phương. Có thể khẳng định sự tham gia, đóng góp tích cực của các vị chức sắc và đồng bào tôn giáo, đặc biệt trong công tác tham gia đảm bảo ANTT đã tạo điều kiện ổn định xã hội, đấu tranh phòng ngừa tội phạm…
Cùng với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, những đóng góp thiết thực của tôn giáo đối với các hoạt động của luật pháp sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền./.
Bùi Quý