Trách nhiệm xã hội của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam trong phòng chống dịch Covid 19
Ngày đăng: 28/07/2021Bước sang năm thứ 3, dịch bệnh Covid 19 tiếp tục bùng phát và lây lan với mức độ nhanh chóng, rất nghiêm trọng, số người tử vong do nhiễm bệnh tăng nhanh trên toàn thế giới.
Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu và khó có thể thống kê những thiệt hại về kinh tế, chính trị, xã hội mà dịch bệnh mang lại. Việt Nam là một trong hàng trăm quốc gia trên thế giới có người nhiễm và tử vong, đặc biệt ảnh hưởng xấu đến mọi người dân và các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tính đến nay Việt Nam đã ghi nhận số ca nhiễm là hơn 100 nghìn ca, số ca nhiễm hằng ngày lên 4 con số với những ổ dịch lớn như: Đà Nẵng, Hưng Yên, Bắc Giang, Hồ Chí Minh; số người tử vong lên 3 con số, mức độ lây nhiễm trên 30 tỉnh, thành phố; số người được điều trị và điều trị khỏi ngày một tăng. Qua 3 năm phòng chống dịch, Việt Nam hoàn toàn chủ động và có khả năng phát hiện, khoanh vùng, điều trị thành công nhiều ca nhiễm bệnh (hiện đã có trên 22 nghìn ca), trong đó có người già, trẻ nhỏ và cả những người có bệnh lý nền nặng. Việt Nam tiếp tục phát triển và không ngừng hoàn thiện phác đồ điều trị phù hợp, tiếp cận được với nhiều nguồn vaccine, cập nhật các phương án, kịch bản đối phó với dịch Covid 19 trong từng tình huống, địa bàn cụ thể trước những biến thể ngày càng phức tạp.
Bên cạnh sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành thì việc phát huy tốt nguồn lực của mọi thành phần xã hội trong đó có các tổ chức tôn giáo là rất quan trọng, không chỉ phục vụ tốt nhất công tác chống dịch mà còn có ý nghĩa sâu sắc trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
1. Tôn giáo trước dịch Covid 19
Trong những năm qua, thế giới đã chứng kiến rất nhiều cảnh đau thương, mất mát bởi dịch bệnh, hàng nghìn chức sắc, tu sĩ, tín đồ các tôn giáo trên thế giới đã chết do nhiễm virus Covid 19. Mất mát về con người không chỉ của xã hội, mà tôn giáo mất đi những nhà hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp, những tín đồ đã làm nên sự tồn tại và phát triển của các giáo hội. Dịch bệnh Covid 19 lại vô cùng thuận lợi và phát triển không ngừng ở những nơi tập trung đông người và hoạt động tôn giáo tập trung là môi trường thuận lợi để dịch bệnh lây lan.
Trường hợp bệnh nhân số 31 của giáo phái Tân Thiên Địa ở Hàn Quốc năm 2020 bị nhiễm bệnh nhưng vẫn tham gia sinh hoạt tôn giáo đã làm lây nhiễm cho hầu hết tín đồ của giáo phái này và cộng đồng xã hội. Gần 60% số ca nhiễm ở Hàn Quốc năm 2020 có liên quan đến bệnh nhân là tín đồ của giáo phái Tân Thiên Địa. Đầu năm 2021 Lễ hội tôn giáo tại Kumbh Mela một thành phố phía bắc Ấn Độ bên bờ sông Hằng thu hút hàng triệu người theo đạo Hindu hành hương với nhận thức “sẽ không ai bị ngăn cản vì Covid 19, vì chúng tôi tin rằng niềm tin vào thần linh sẽ chiến thắng nỗi sợ virus” đã đưa Ấn Độ đến khủng hoảng trầm trọng do Covid. Sự kiện nay đã đẩy số ca nhiễm bệnh tăng 1.800% trong 25 ngày tại bang Kumbh. Mỗi ngày Ấn Độ có 360.000 ca nhiễm và số ca tử vong là 3.200 người. Cựu Thư ký Bộ y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ đã phát biểu “Đó là một sai lầm rất tồi tệ và chúng tôi đã phải trả giá, một cái giá cực kỳ đắt cho sự buông lỏng đó”; K Srinath Reddy Chủ tịch Quỹ y tế Công cộng tại Ấn Độ đã nói “Ấn Độ bước vào chế độ ăn mừng toàn diện. Và virus đã cùng con người đến ăn mừng với các đám đông”(1). Vài sự kiện thôi nhưng cho thấy bài học đắt giá từ việc tu tập đông người, trong đó có sự tập trung ở các cơ sở tôn giáo trong mùa dịch.
Ở Việt Nam, đại dịch đã làm thay đổi căn bản các hoạt động tôn giáo. Trước đại dịch tín đồ thực hiện nhu cầu tôn giáo một cách thường xuyên ở phạm vi gia đình, cơ sở tôn giáo. Tín đồ được bày tỏ đức tin, được chức sắc, chức việc, nhà tu hành hướng dẫn thực hiện các nghi lễ tôn giáo, được thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Tín đồ đến cơ sở tôn giáo còn để giao lưu văn hóa, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, là nơi mà mọi thông tin về cộng đồng làng, xã, đất nước được chia sẻ và tiếp nhận. Tuy nhiên, trong đại dịch với tốc độ lây lan từ người sang người, từ tiếp xúc gần một cách nhanh chóng, thì sự tập trung hàng trăm, hàng nghìn người tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là một hiểm họa khôn lường nếu có tín đồ nhiễm bệnh. Trường hợp sinh hoạt tôn giáo tập trung của Hội thánh truyền giáo Phục hưng tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 đã làm lây nhiễm cho nhiều người dân thành phố và các địa phương khác là bài học cho việc chủ quan của người đứng đầu và tín đồ hội thánh trước đại dịch.
Hiện tại, nhiều tín đồ tôn giáo đang bị nhiễm bệnh, các hoạt động tôn giáo tập trung ngưng hoạt động và chuyển sang hình thức trực tuyến. Điều này cũng chính là lời nhắc nhở tới các tổ chức và cá nhân tôn giáo về dịch bệnh không phân biệt thành phần, tôn giáo nào trong xã hội. Chỉ niềm tin tôn giáo là không đủ để phòng chống sự lây lan của bệnh dịch, mà chỉ có sự quyết tâm hành động của toàn xã hội, chỉ khi ý thức trách nhiệm của mọi người được nâng cao trong việc tuân thủ quy định phòng chống dịch của các cơ quan chức năng thì dịch bệnh mới được đẩy lùi, các tổ chức tôn giáo mới giữ được chức sắc, tín đồ và đời sống tôn giáo mới thực sự hồi sinh.
2. Các tổ chức tôn giáo đồng thuận và thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ và cơ quan chức năng trong phòng chống dịch
2.1. Sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và cơ quan chức năng trong phòng chống dịch
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường phòng, chống lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corana gây ra. Liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, ngày 01/02/2020, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ban hành văn bản số 48/TGCP cụ thể hóa các nội dung trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ gửi Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo thực hiện, nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh. Ngày 31/01/2020 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn số 391/BVHTTDL-VHCS về phòng, chống dịch trong hoạt động lễ hội, di tích. Tạm dừng tổ chức lễ hội, các khóa tu tập, hạn chế các hoạt động, các cuộc lễ tập trung đông người. Đối với các lễ hội đã tổ chức khai mạc, cần thông báo rút ngắn thời gian, giảm phạm vi, quy mô tổ chức và các hoạt động trong lễ hội, đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ban Tổ chức lễ hội tuyên truyền tới tín đồ và du khách để giãn và giảm bớt lượng người tập trung; đồng thời tiến hành các biện pháp theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho tín đồ và du khách.
Khi dịch bệnh có diễn biến ngày càng phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ, ngày 20/3/2020 Ban Tôn giáo Chính phủ có văn bản gửi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid 19 trong tình hình mới, trong đó đánh giá cao trách nhiệm của Lãnh đạo các giáo hội, sự đoàn kết, đồng lòng, chung tay góp sức của các tổ chức tôn giáo cùng nhân dân trong công tác phòng chống dịch đạt kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, biến chủng virus mới có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm và khó lường nên công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó ngày 4/6/2021 Ban Tôn giáo Chính phủ có văn bản số 674/TGCP-VP gửi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo đề nghị tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở tôn giáo trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh: (1) tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chức sắc, chức việc, tín đồ và các cơ sở tôn giáo thực hiện nghiêm túc nội dung văn bản số 1988/BNV-TGCP ngày 07/5/2021 của Bộ Nội vụ và hướng dẫn của chính quyền địa phương về phòng, chống dịch Covid-19 (cần triển khai thực hiện tới tất cả các cơ sở thờ tự tôn giáo, các điểm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung). Đề nghị tạm dừng mọi sinh hoạt tôn giáo tại các cơ sở thờ tự, các điểm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung và treo biển cảnh báo tại các cơ sở, điểm nhóm nhằm thực hiện triệt để công tác phòng dịch. Đối với các cơ sở, điểm nhóm có người nghi nhiễm, cần phối hợp với các cấp chính quyền để truy vết dịch tễ, khai báo lịch trình di chuyển, thực hiện cách ly theo quy định. (2) hướng dẫn các trang thông tin, truyền thông của các tổ chức tôn giáo cập nhật thông tin, tình hình phòng, chống dịch Covid-19 từ các nguồn tin chính thống và phổ biến công tác phòng, chống dịch đến các cơ sở thờ tự, điểm nhóm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm về dịch; vận động chức sắc, tín đồ nghiêm túc thực hiện việc khai báo y tế online trên tokhaiyte.vn. (3) người đứng đầu, đại diện tổ chức tôn giáo, cơ sở tôn giáo, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, làm phát sinh dịch bệnh tại cơ sở tôn giáo, lây nhiễm trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo và trong cộng đồng. (4) lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo tiếp tục kêu gọi và biểu dương các tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ phát huy tinh thần nhân văn, bác ái của các tôn giáo, đồng hành với chính quyền trong công tác phòng, chống dịch và vận động đóng góp, ủng hộ “Quỹ vaccine phòng Covid 19” do Thủ tướng Chính phủ thành lập.
Ban Tôn giáo Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo các tổ chức tôn giáo về việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19, giao nhiệm vụ cho các vụ chuyên môn thuộc Ban phối hợp với các tổ chức tôn giáo để nắm tình hình phòng chống dịch trong các tôn giáo, ban hành văn bản yếu cầu Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố trong cả nước nắm tình hình, hướng dẫn các cơ sở tôn giáo trên địa bàn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế.
2.2. Các tổ chức tôn giáo đồng thuận và thực hiện tốt chủ trương phòng chống dịch
Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, sự hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế, Ban Tôn giáo Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố các tổ chức tôn giáo đã nghiêm túc triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid 19:
* Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Ngày 31/01/2020 Hội đồng Trị sự trung ương GHPGVN có văn bản số 27/CV-HĐTS gửi Ban Trị sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phòng chống dịch bệnh Covid 19 với yêu cầu: tăng cường tuyên truyền đến các chùa, tăng, ni, Phật tử và nhân dân nhận thức về sự nguy hiểm và lây lan của dịch bệnh. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang khi đến chùa, khuyến khích các chùa phát khẩu trang cho mọi người đến chùa, tạm dừng tổ chức các lễ hội, khóa tu tập trung đông người. Ngày 17/3/2020, Hội đồng Trị sự trung ương GHPGVN ra Thông bạch số 66/ TB-HĐTS gửi Ban Trị sự các tỉnh, thành phố và các tăng, ni, Phật tử ủng hộ kinh phí để mua trang thiết bị và nhu yếu phẩm giúp đỡ đồng bào trong khu cách ly tập trung. Ngày 27/3/2020, Hội đồng Trị sự trung ương GHPGVN ban hành văn bản số 71/CV-HĐTS về việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chung tay cùng toàn xã hội trong những ngày cao điểm chống đại dịch Covid-19 cụ thể: Tăng, Ni, các chùa, cơ sở tự viện tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các bài giảng, hướng dẫn nghi lễ, sinh hoạt Phật pháp bằng hình thức trực tuyến, online, tránh tập trung đông người.
Văn bản số 27/CV-HĐTS của Hội đồng Trị sự trung ương GHPGVN
Cùng với việc ra văn bản hướng dẫn tăng, ni, tín đồ Phật tử thực hiện nghiêm túc việc phòng chống dịch thì GHPGVN đã hủy chương trình đón đoàn Phật giáo Nepan, Trung Quốc vào Việt Nam. Đối với Lễ Phật đản của Phật giáo, Tết Chol Chnam Thmay trong đồng bào Khmer chỉ thực hiện ở phạm vi gia đình và tăng, ni phật tử ở chùa.
Trong đợt dịch lần thứ 4, GHPGVN tiếp tục nêu cao tinh thần phòng chống dịch trước diễn biến phức tạp của biến thể mới. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN ra lời kêu gọi toàn thể tăng ni, Phật tử chung tay cùng các ngành, các cấp và chính quyền địa phương trong cuộc chiến chống đại dịch Covid 19 bằng hành động cụ thể là hãy ở yên tại nhà, không đi ra ngoài khi không thực sự cần thiết. Tăng ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện tiếp tục nâng cao các biện pháp và thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid 19 theo yêu cầu của Bộ Y tế, thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, thực hiện 5K + vaccine; không đi lại nơi công cộng khi không có việc thực sự cần thiết; thực hiện cấm túc tại chùa, cơ sở tự viện tụng kinh cầu nguyện quốc thái dân an, bệnh dịch sớm tiêu trừ, an toàn sức khỏe cho nhân dân. Tại các nơi tổ chức an cư kiết hạ phải thực hiện nghiêm nội quy cấm túc, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.
Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, tăng ni các chùa, cơ sở tự viện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc các cấp và chính quyền địa phương đảm bảo an toàn trong công tác cứu trợ, từ thiện xã hội chăm lo cho những hoàn cảnh yếu thế, khó khăn trong xã hội bị ảnh hưởng do dịch Covid 19. Giáo hội đã có văn bản yêu cầu các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN các cấp, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước không tổ chức nghi lễ pháp hội tập trung đông người, tăng cường sử dụng hình thức giảng pháp, hướng dẫn Phật tử qua hình thức trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội. Các hội nghị chỉ được tổ chức bằng hình thức trực tuyến; không di chuyển đi và đến giữa các điểm cầu trực tuyến và phải đảm bảo giãn cách theo quy định an toàn trong phòng, chống dịch bệnh tại mỗi điểm cầu.
* Giáo hội Công giáo Việt Nam
Ngày 2/2/2020 HĐGMVN ra Thông báo kêu gọi tín đồ dành một tuần cầu nguyện để thế giới qua cơn đại dịch, cầu xin các nhà khoa học sớm tìm ra thuốc chữa trị căn bệnh và bệnh nhân bị nhiễm sớm khỏi bệnh. Theo đó Giám mục các giáo phận đã ban hành Thư chung, Thư mục vụ, Thư Luân lưu hướng dẫn các linh mục, tu sĩ và tín đồ phòng chống dịch và thực hiện các lễ nghi tôn giáo trong tình hình mới.
Tổng Giám mục TP Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều văn thư trong mùa dịch như: Ngày 6/3/2020 ra Thông báo về dịch bệnh Covid 19; ngày 14/3 ra Thông báo tạm ngừng các lớp giáo lý trên địa bàn tổng giáo phận; Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến; Ngày 19/3 Hướng dẫn mục vụ mùa dịch Covid; Ngày 26/3 Thông báo tạm ngừng các sinh hoạt cộng đoàn kể từ 16h ngày 26/3; Thông báo hướng dẫn cử hành phục vụ Tuần Thánh 2020.
Thông báo tạm ngừng các sinh hoạt cộng đoàn kể từ 16h ngày 26/3 TGM thành phố Hồ Chí Minh
Thời điểm xẩy ra dịch bệnh đúng vào Mùa Phục sinh của Công giáo và Tin Lành với nhiều các nghi lễ quan trọng cần thực hiện, do vậy Giám mục các giáo phận đã có văn thư hướng dẫn tín đồ cử hành phục vụ trong Tuần thánh, để mọi tín đồ được thực hiện các lễ nghi theo nghi thức của giáo hội. Ra thông báo đến toàn thể chức sắc, tu sĩ, tín đồ trong giáo phận thực hiện thay đổi nghi thức trong thực hành lễ để hạn chế tiếp xúc như: đề nghị các linh mục tạm ngưng đặt tay chúc lành cho các em thiếu nhi, đến nhà thờ phải đeo khẩu trang, trong các cơ sở tôn giáo bố trí dung dịch sát khuẩn; vận động tín đồ vệ sinh khuôn viên cơ sở thờ tự, gia đình, ăn ở hợp vệ sinh, thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của ngành Y tế, quy định của pháp luật về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ngày 28/3/2020, Tòa Giám mục Bùi Chu ban hành Thông báo, trong đó nêu cao trách nhiệm xã hội: “Ngay tại Rôma và biết bao giáo phận trên toàn thế giới, các vị chủ chăn đã phải quyết định ngưng mọi Thánh lễ và các sinh hoạt mục vụ có tập trung đông người. Trong sự hiệp thông với Giáo hoàng, với Giáo hội hoàn vũ, cùng với cộng đồng xã hội tại Việt Nam, chúng ta ý thức trách nhiệm bảo vệ sức khỏe và sự sống của chúng ta và của mọi người”.
Ngày 30/3/2020, Tòa Giám mục giáo phận Xuân Lộc đã ra Thư Luân lưu về tình hình dịch bệnh và tuân Tam Nhật, trong đó có nội dung “Tôi thực sự lo ngại khi nghe nói có những nơi, cá nhân hoặc cộng đoàn, coi thường không áp dụng những hướng dẫn phòng chống dịch Covid 19. Xin anh em hãy nghiêm túc tuân theo của giáo phận và của các cơ quan hữu trách dân sự để bảo đảm an toàn sức khỏe cho mình, cho gia đình và cho mọi người. Đồng thời đề nghị toàn thể giáo phận: cầu nguyện, hiệp thông, tham gia các thánh lễ trực tuyền; cải thiện đời sống: quyết tâm thay đổi những thói quen không tốt và chừa bỏ những “tình cảm không lành mạnh”, thực thi bác ái: quan tâm đến việc hòa giải trong gia đình và trợ giúp những gia đình gặp khó khăn, thất nghiệp.
Trước diễn biến đại dịch lần thứ 4 năm 2021, Giáo hội Công giáo tiếp tục hưởng ứng, đồng thuận với Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các cấp quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Các Tòa Giám mục đồng loạt ra văn bản yêu cầu linh mục, tu sĩ và tín đồ chấp hành nghiêm chủ trương của Chính phủ và hợp tác với chính quyền trong việc chống dịch. Giáo phận Phan Thiết ra thông báo Tạm ngừng việc hành hương về Trung tâm Thánh mẫu Tà Pao bắt đầu từ 30/5/2021.
Tòa Tổng Giám mục thành phố Hồ Chí Minh ra văn thư gửi các linh mục trên địa bàn về việc dãn cách xã hội theo Thông báo ngày 31/5/2021 của UBND thành phố, văn thư nêu rõ “cần cử hành thánh lễ mỗi ngày, nhưng chỉ dâng lễ âm thầm một mình không có giáo dân tham dự”. Đồng thời cũng giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho các linh mục về phòng chống dịch, coi việc phòng chống dịch không chỉ là chấp hành chủ trương của nhà nước mà còn là đòi hỏi của tính vâng phục trong giáo hội “Trong thời gian qua mặc dù đã có thông báo từ các vị hữu trách trong xã hội và Giáo hội, một vài nơi vẫn tập trung đông người. Giả sử tình trạng lây nhiễm virus đã phát sinh từ các cộng đoàn này… thì trách nhiệm của quý cha, của giáo xứ, dòng tu và của Tổng giáo phận sẽ lớn lao như thế nào. Đó là chưa nói đến sự hiệp thông và vâng phục trong giáo hội và cả uy tín của tập thể giáo hội Công giáo nữa. Việc ngưng thánh lễ cộng đồng trong thời gian đại dịch xuất phát từ lương tâm và ý thức trách nhiệm đối với sự sống của cộng đồng và từ đòi hỏi của đức bác ái Kitô giáo”(2).
Ngày 01/6/2010 Tòa Giám mục Đà Lạt ra Thông báo gửi chức sắc, tu sĩ, tín đồ trên địa bàn đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm các pháp phòng chống dịch Covid 19 và tích cực tham gia ủng hộ “Quỹ vắc – xin phòng, chống dịch Covid 19”. Ngày 3/6/2021, Tòa Giám mục Hà Tĩnh ra Thông báo tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid 19.
* Các tổ chức tôn giáo khác
Hầu hết các Hội thánh Tin Lành đều thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và Ban Tôn giáo Chính phủ trong việc phòng chống dịch bằng việc ra văn bản hướng dẫn tín đồ thực hiện. Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) ra Thông báo khẩn ngày 26/3/2020 về việc tạm ngưng sinh hoạt của Hội thánh và yêu cầu tín đồ nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội: Việc bất đắc dĩ đóng cửa nhà thờ, tạm dừng các sinh hoạt, thờ phượng Chúa hằng tuần của Hội thánh là một quyết định khó khăn, nhưng vì lợi ích chung của Hội thánh và của cộng đồng xã hội, rất mong tôi con Chúa cảm thông và tuân thủ.
Các Hội thánh Cao Đài đều ra Đạo thư thông báo đến Ban Đại diện, Ban Cai quản, Ban Trị sự, Họ đạo về việc phòng chống bệnh dịch, phổ biến rộng rãi cho tín đồ thực hiện nghiêm túc chỉ dẫn của các cơ quan chức năng. Tạm dừng các lễ khánh thành, các khóa học hạnh đường bồi dưỡng, giảm không tập trung đông các lễ tại thánh tịnh. Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo ban hành Đạo thư số 225/ĐT-HT ngày 01/4/2020 đã kêu gọi tín đồ nâng cao trách nhiệm xã hội “Để góp phần cùng Chính phủ và toàn dân trong việc phòng, chống dịch, Hội thánh kêu gọi toàn thể chức sắc, chức việc, đạo tâm lưỡng phái nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức với cộng đồng, với dân tộc trong lúc “chống dịch như chống giặc” tích cực tham gia ủng hộ phòng chống dịch. Tạm dừng các Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan, Hội thánh Cao Đài Chơn Lý, Hội thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo... để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Các tổ chức tôn giáo khác như: Hồi giáo, tôn giáo Baha’i Việt Nam; Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam; Phật giáo Hòa Hảo; Minh Sư đạo, Minh Lý đạo… hoãn các cuộc thi giáo lý, các đại hội nhiệm kỳ, hội nghị, hội thảo tôn giáo. Kêu gọi tín đồ tích cực khai báo y tế, kịp thời thông tin về dịch bệnh trên các trang thông tin, website của giáo hội để khuyến cáo tín đồ và nhân dân phòng dịch và đóng góp nhiều tiền, hiện vật ủng hộ công tác phòng chống dịch.
3. Các tổ chức tôn giáo phát huy nguồn lực trong công tác phòng chống dịch Covid 19
* Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Khi dịch bùng phát ở những đợt đầu, cùng với việc hướng dẫn tăng, ni, phật tử phòng chống dịch, GHPGVN đã quyên góp và trao tặng 5 phòng áp lực âm với tổng giá trị 3,5 tỷ đồng cho Ủy ban Trung ương MTTQVN để phòng chống dịch. Ban Trị sự GHPGVN các địa phương như: Quảng Ninh đã bàn giao 01 phòng áp lực âm cho bệnh viện đa khoa tỉnh và 01 tỷ đồng; Hà Nam ủng hộ 500 triệu đồng; Đà Nẵng ủng hộ 100 triệu đồng; Ninh Thuận ủng hộ 40 triệu, 01 tấn gạo, 1 nghìn khẩu trang, 1 nghìn chai nước tương và nhiều vật phẩm khác. Một số chùa trên địa bàn Đà Nẵng như: chùa Bà Đa giúp đỡ người nghèo và lực lượng tuyến đầu chống dịch 150 triệu đồng; chùa Bát Nhã ủng hộ 50 triệu đồng; chùa Bảo Quang ủng hộ 20 triệu đồng… Thượng tọa Thích Thanh Cường, trụ trì chùa Cương Xá (Hải Dương) đã quyên góp, ủng hộ trên 200 triệu đồng và khẩu trang, dung dịch, giấy sát khuẩn, 200 chiếc mũ chống giọt bắn trao tặng Tỉnh đoàn Hải Dương để trang bị cho các tình nguyện viên tham gia nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch… Giáo hội cũng đã đề nghị Bộ Y tế chấp thuận cho mua khẩu trang gửi hỗ trợ kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản phòng chống dịch. Đồng thời quyên góp ủng hộ tiền, các nhu yếu phẩm tới giáo hội Phật giáo các nước phòng chống dịch.
Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 năm 2021, GHPGVN tiếp tục cùng các tôn giáo bạn và đồng bào cả nước nêu cao tinh thần phòng chống dịch. Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN Hòa thượng Thích Thiện Nhơn kêu gọi tăng ni, Phật tử tiếp tục đóng góp, ủng hộ vật tư, trang thiết bị y tế cho TP. Hồ Chí Minh và các địa phương đang đối diện với khó khăn do số lượng F0 ngày một tăng nhanh. Hòa thượng cũng ghi nhận, biểu dương sự đóng góp của tăng ni, Phật tử cho Quỹ vaccine, các công tác từ thiện trong khu vực cánh ly, phong tỏa và giãn cách xã hội.
Giáo hội đã vận động và mua được 10 “Máy thở đa năng” với tổng trị giá 6.700.000.000 đồng (sáu tỉ bảy trăm triệu đồng). Sáng ngày 23/07/2021, tại chùa Minh Đạo (12/3 Bis, đường Kỳ Đồng, P. 9, Q. 3) Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã thay mặt Giáo hội trao tặng 06 “Máy thở đa năng” với tổng trị giá 4.020.000.000 đồng (bốn tỉ không trăm hai mươi triệu đồng) cho thành phố Hồ Chí Minh, góp phần phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid 19. Ban Trị sự Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đã vận động 400 tăng, ni, Phật tử tình nguyện đăng ký tham gia ở tuyến đầu phòng chống dịch Covid 19. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký HĐTS, Chánh Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN đã đại diện Giáo hội trao tặng 02 “Máy thở đa năng” trị giá gần 1,4 tỷ đồng cho Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Dương. Tại tỉnh Long An, Hòa thượng Thích Minh Thiện, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Long An đã đại diện Giáo hội trao tặng 02 “Máy thở đa năng” trị giá gần 1,4 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid 19 trên địa bàn tỉnh Long An tại Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, nơi tiếp nhận hỗ trợ phòng chống dịch Covid 19. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bắc Giang (chùa Ích Minh), tỉnh Bình Dương (chùa Hội Khánh) đăng ký làm điểm cách ly tập trung cho những người bị nhiễm bệnh... Những đóng góp trên vừa là tấm lòng hảo tâm của chức sắc, nhà tu hành và tín đồ Phật giáo trong cả nước, nhưng cũng là trách nhiệm xã hội của Phật giáo với đất nước, dân tộc.
* Giáo hội Công giáo Việt Nam
Khi dịch bùng phát những đợt đầu thì ngày 10/4/2020 (vào thứ 6 tuần Thánh) Tổng Giám mục Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGMVN đã ra Thư kêu gọi mọi người chia sẻ trách nhiệm cộng đồng trong việc phòng chống dịch: “Tôi kêu gọi tất cả tín hữu Công giáo Việt Nam, tôi cũng ước mong mọi thành phần xã hội Việt Nam hãy làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ những người đang gặp thử thách gian nan vì trận đại dịch đầy thách đố này. Gần chỗ bạn, bao nhiêu người khốn khổ đang chờ. Hãy bắt chước người hảo tâm ở Sài Gòn dựng “cây ATM” phát 1,5 ký gạo miễn phí 24/24 giờ cho bất kỳ ai”. Hưởng ứng lời kêu gọi Ủy ban Trung ương MTTQVN, của các vị lãnh đạo giáo hội, nhiều giáo phận, giáo xứ, dòng tu đã có các hoạt động bác ái thiết thực, giúp đỡ mọi người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch. Các Tòa Giám mục giáo phận: Xuân Lộc ủng hộ 500 triệu đồng cho Ủy ban Trung ương MTTQVN và 500 triệu cho MTTQ tỉnh Đồng Nai; Phan Thiết ủng hộ 50 triệu đồng, Vinh ủng hộ 32 triệu; Thái Bình 10 triệu… Bên cạnh đó nhiều chức sắc đã ủng hộ tiền, hiện vật cho quỹ phòng chống dịch như: Giám mục Nguyễn Chu Trinh (Đồng Nai) ủng hộ 200 triệu cho Ủy ban Trung ương MTTQVN và 200 triệu cho MTTQ tỉnh; Linh mục Dương Hữu Tình cùng Ban hành giáo xứ Hải Dương ủng hộ 50 triệu đồng cho MTTQ tỉnh và đây cũng là giáo xứ đầu tiên áp dụng mô hình “ATM Gạo” miễn phí tại nhà thờ, thời gian phát gạo từ 8 – 10h30 buổi sáng, 14h30 – 17 giờ với 01 tấn gạo 01 ngày bắt đầu từ ngày 10/4 đến 30/4/2020; Linh mục Nguyễn Đăng Điền (giáo phận Vinh) ủng hộ 15,2 triệu đồng; 02 hộ dân là tín đồ Công giáo ở Hà Tĩnh ủng hộ 2,6 tấn gạo…
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch năm 2021, các tôn giáo không chỉ tiếp tục đóng góp về vật chất mà còn đóng góp nguồn nhân lực vào công tác chống dịch ở những điểm nóng.
Ngày 2/6/2021 HĐGMVN đã ra Thư kêu gọi tinh thần liên đới và tương thân để phòng chống đại dịch. Bức thư chỉ rõ “Nhân danh quý Đức Hồng Y và quý Đức Cha trong HĐGMVN, tôi kêu gọi giáo sỹ, tu sỹ, giáo dân, trong nước cũng như hải ngoại, hãy mau mắn vào cuộc, chung tay góp sức, san sẻ công việc với mọi thành phần xã hội và Giáo hội trong công cuộc phòng chống đại dịch. Trước hết, hãy xem trận đại dịch này như một cơ hội để yêu thương. Theo lời Chúa dạy, Kitô hữu phải nhìn nhận tất cả nạn nhân Covid-19 là “người lân cận” (Lc 10,28-29), sẵn lòng “vui
với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15) dù họ là ai. Tứ hải giai huynh đệ. Tất cả mọi người đều là đồng bào, là thành viên của đại gia đình dân tộc và nhân loại. Người Công giáo không được phép loại trừ, kỳ thị, “điểm mặt” hoặc kết án bất kỳ ai đã hoặc chưa bị lây nhiễm”(3).
HĐGMVN cũng chỉ dẫn cho linh mục, tu sĩ và tín đồ về những việc làm cần thiết trong mối tương quan với chính quyền để phòng chống dịch: “Hãy vận dụng hết trí sáng tạo để hỗ trợ các trung tâm nghiên cứu y học, cộng tác với các bộ phận chức năng, thông cảm và tiếp sức cho các y bác sỹ và bệnh viện, tạo điều kiện vật chất và tinh thần thuận lợi cho mọi người và khu vực cách ly, giúp đỡ gia đình bệnh nhân đang điều trị, tử vong và những người đang lâm cơn túng quẫn kinh tế”; “Điều sơ đẳng nhất cần phải làm ngay là tuân thủ triệt để châm ngôn 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn,
Khoảng cách, Không tập trung, Khai báo) và quy định phòng chống của các cơ quan chức năng xã hội (Ban Chỉ đạo Quốc Gia phòng chống Covid-19, Bộ Y Tế, chính quyền các cấp). Theo thông báo của Ban Tôn Giáo Chính phủ (công văn 657/TGCP-CG, ký ngày 31/05/2021,
V/v tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19), tất cả các giáo phận Công giáo, dù có ca lây nhiễm cộng đồng hay chưa, đều phải “tạm dừng mọi hoạt động và sinh hoạt tôn giáo”. Tình hình mỗi nơi mỗi khác, cần có sự hướng dẫn cụ thể phù hợp. Xin anh chị em theo dõi để thực hiện chỉ thị của các đấng bản quyền giáo phận”(4).
Có thể thấy nghĩa đồng bào, giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc được cộng hưởng và tinh thần bác ái của Kitô giáo lại tiếp tục lan tỏa trong tâm khảm mỗi con người Việt và lúc khó khăn, nguy nan lại được tỏa sáng và hòa quyền vào nhau trở thành sức mạnh của dân tộc “Một miếng khi đói bằng một gói khi no; Lá lành đùm lá rách; Nhiễu điều phủ lấy giá gương! Hơn bao giờ hết, bao nhiêu người khó khăn đang trông chờ anh chị em thực thi giáo huấn của Chúa: “Ai đón tiếp anh em mình là đón tiếp chính Ta… Ai cho một trong những kẻ bé mọn này
uống, dù chỉ một bát nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Ta, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10, 40-42)”(5).
Chủ trương của Chính phủ đúng được mọi thành phần trong xã hội hưởng ứng và tin tưởng. Chủ trương đó sẽ nhân lên sức mạnh và độ tin tưởng cao hơn khi chức sắc các tôn giáo đồng thuận và thúc đẩy bằng việc hướng dẫn, kêu gọi tín đồ thực hiện “Thủ Tướng Chính Phủ, ngày 26/05/2021, đã quyết định thành lập Quỹ Vaccine và kêu gọi mọi thành phần xã hội tham gia đóng góp (http://https//thutuong.chinhphu.vn/chi-dao/thanh-lapquy-vaccine-phong-Covid19-20165.html). Đây là một chủ trương hợp tình hợp lý và đúng lúc, rất xứng đáng để mọi người hưởng ứng, vận động và ủng hộ với hết khả năng”(6).
Trước diễn biết hết sức phức tạp của dịch bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 9/7/2021 HĐGMVN tiếp tục ra văn thư kêu gọi đồng bào Công giáo Việt Nam hướng về tâm dịch “Thương lắm Sài Gòn ơi” và tặng 3 tỷ đồng vào quỹ vaccin. Tòa Giám mục Phan Thiết ra văn thư kêu gọi toàn thể linh mục, tu sĩ tín đồ trong giáo phận nâng cao trách nhiệm xã hội trong phòng chống Covid 18, đồng thời đóng góp 10.000 lít nước mắm và 15 tấn Thanh Long vào vùng dịch. Ngày 22/7/2021 Tòa Giám mục Xuân Lộc ra văn thư gửi Giám đốc và Bề trên về việc phòng chống dịch, trong đó nêu rõ “Kính xin Cha Giám đốc mời gọi các chủng sinh, Quý Bề trên mời gọi các tu sĩ của Hội dòng mình tham gia nhóm tu sĩ - chủng sinh thiện nguyện đợt 2 để kịp thời hỗ trợ phòng chống dịch bệnh”(7). Văn phòng đặc trách tu sĩ giáo phận thành phố Hồ Chí Minh có văn thư gửi Bề trên các dòng tu kêu gọi Thành lập nhóm tu sĩ thiện nguyện để cùng cộng tác với các nhân viên y tế nhằm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh và trợ giúp những người gặp khó khăn. Đến nay, giáo phận Đồng Nai có 88 tu sĩ, 4 linh mục và 27 chủng sinh tình nguyện tham gia nhóm thiện nguyện giúp đỡ các nhân viên y tế chống dịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tại thành phố Hồ Chí Minh 430 tu sĩ tình nguyện viên sẽ đến các bệnh viện chăm sóc người nhiễm bệnh. Tin Lành đã cử 9 tình nguyên đi hỗ trợ các ca nhiễm F0 tại thành phố.
Hội đồng Giám mục Việt Nam trao tặng 3 tỷ đồng cho quỹ vaccine phòng chống Covid-19
Trong năm 2020: Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc ủng hộ Ủy ban Trung ương MTTQVN 315 triệu đồng; Hội thánh Tin Lành Lời sự sống Việt Nam ủng hộ 100 triệu đồng; một số tín đồ Tin Lành người Mông, người Dao ở Bắc Sơn (Lạng Sơn) và tín đồ người DTTS thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) của tỉnh Cao Bằng đã quyên góp, ủng hộ cho Ủy ban Trung ương MTTQVN số tiền gần 100 triệu; Ban Đại diện Hội thánh Tin Lành Đà Nẵng ủng hộ 30 triệu; Hội truyền giáo Cơ đốc ủng hộ 13 triệu đồng; Điểm nhóm Tin Lành Ê-Xê-Chi-Ên thuộc Hội thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam ủng hộ 30 triệu đồng; Hội thánh Mennotine Việt Nam ủng hộ 20 nghìn khẩu trang; Hội thánh Tin Lành Liên hữu Cơ đốc ủng hộ 7 nghìn khẩu trang,… Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của chúa Jêsu Kito ủng hộ 50.000 chiếc khẩu trang, giá trị khoảng 300 triệu đồng. Số tiền mà các Hội thánh Cao Đài đã ủng hộ phòng chống dịch đến hết năm 2020 khoảng 80 tỷ đồng (8). Ngay trong lễ phát động toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chiều ngày 13/4/2020 đã có 65 chức sắc, chức việc, tín hữu của 07 tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hiến 56 đơn vị máu để cứu, chữa những bệnh nhân mắc dịch bệnh Covid-19.
Đến nay, qua tập hợp kết quả từ các kênh thông tin cho thấy các tổ chức tôn giáo đã ủng hộ bằng tiền và trang thiết bị y tế, hàng hóa trị giá hơn 500 tỷ đồng để ủng hộ phòng, chống dịch bệnh (9).
Có thể nói, trong suốt quá trình chống dịch, bằng cách này cách khác, bằng thực lực của mỗi tôn giáo mà có sự đóng góp, hỗ trợ khác nhau, nhưng tất cả đều là trách nhiệm xã hội, là nghĩa cử cao đẹp, là tinh thần, là giá trị của đạo đức tôn giáo, là sự minh chứng cho tôn giáo trong lòng dân tộc, vì dân tộc.
* Kết luận
Khi đất nước gặp khó khăn thì tiềm năng, nguồn lực trong mỗi con người, mỗi tổ chức được bọc lộ, được phát huy. Điều đó cho thấy nguồn cội dân tộc, nghĩa đồng bào luôn ẩn sâu trong tâm thức của mỗi tín đồ tôn giáo người Việt. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo đặt niềm tin vào Đảng, Nhà nước và các ngành chức năng trong công tác phòng chống dịch. Nhận thức, ý thức của cá nhân và tổ chức tôn giáo về an toàn tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng là quan trọng nhất, niềm tin tôn giáo, việc thực hành các nghi lễ chỉ có được khi điều kiện sống được đảm bảo. Chính vì vậy, khi họ nhận được những chỉ dẫn đúng từ các ngành chức năng thì tính chấp pháp được nâng cao và thực hiện hiệu quả.
Sự đồng thuận với chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức tôn giáo trong công tác phòng chống dịch chính là sự kết tinh của quá trình đổi mới chủ trương, chính sách đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, thực hiện tốt việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào có đạo. Chủ trương, chính sách đó được thực hiện thường xuyên, lâu dài cùng với sự ổn định và phát triển của các tôn giáo. Chủ trương, chính sách đó đã khơi dạy trực tiếp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm xã hội của khối tôn giáo Việt Nam, mà trong đại dịch này đã thể hiện một cách trọn vẹn nhất./.
TS. Lê Thị Liên
Tài liệu tham khảo:
(1). https://special.vietnamplus.vn. Ảo tưởng miễn dịch cộng đồng đã đưa Ấn Độ vào cuộc khủng hoảng Covid 19
(2). Tòa Tổng Giám mục thành phố Hồ Chí Minh văn thư gửi quý cha trong Tổng giáo phận, ngày 31/5/2021
(3). Tòa Tổng Giám mục Huế (2021) Thư kêu gọi tinh thần liên đới và tương thân để phòng chống đại dịch, ngày 2/6/2021
(4). Tòa Tổng Giám mục Huế (2021) Thư kêu gọi tinh thần liên đới và tương thân để phòng chống đại dịch, ngày 2/6/2021
(5). Tòa Tổng Giám mục Huế (2021) Thư kêu gọi tinh thần liên đới và tương thân để phòng chống đại dịch, ngày 2/6/2021
(6). Tòa Tổng Giám mục Huế (2021) Thư kêu gọi tinh thần liên đới và tương thân để phòng chống đại dịch, ngày 2/6/2021.
(7). Tòa Giám mục Xuân Lộc (2021), Gửi Cha Giám đốc và quý Bề trên, ngày 2/7/2021
(8). mattran.org.vn. Hội thánh Cao Đài Tây Ninh chung tay cùng đất nước vượt qua khó khăn.
(9). TS. Nguyễn Văn Thanh (2021) MTTQVN phát huy nguồn lực của tôn giáo thực hiện chính sách an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo ở Việt Nam hiên nay. Kỷ yếu hội thảo khoa học.