Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được tôn trọng, bảo đảm trên thực tế
Ngày đăng: 10/10/2022Là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, với trên 26,5 triệu đồng bào là tín đồ các tôn giáo, chiếm hơn ¼ dân số, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của người dân và phát huy nguồn lực của các tôn giáo trong xây dựng, phát triển đất nước; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, trong đó có đồng bào có đạo. Những nỗ lực về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đã được các tổ chức và bạn bè quốc tế công nhận, đánh giá cao.
Phóng viên Trung tâm Thông tin, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc, về những thành tựu trong công tác tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.
PV: Xin Ông cho biết, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước Việt Nam về tôn giáo và công tác tôn giáo là gì?
Trưởng ban Vũ Hoài Bắc: Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo với khoảng 95% dân số có có đời sống tâm linh gắn bó với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có trên 26,5 triệu người là tín đồ các tôn giáo chiểm khoảng 27% dân số. Qua các giai đoạn cách mạng, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thống nhất:
Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của Nhân dân. Đảng và Nhà nước nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Nghiêm cấm phân biệt đối xử và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động vi phạm pháp luật.
Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng, Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo.
Về công tác tôn giáo, Đảng, Nhà nước khẳng định, chăm lo đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động bình thường theo đúng chính sách, pháp luật và Hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được chấp thuận. Phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào có đạo, tự nêu cao cảnh giác với việc lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc phá hoại đoàn kết dân tộc. Khơi dậy và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa và nguồn lực tôn giáo đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
PV: Theo Ông, Việt Nam đã đạt được những thành tựu gì trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân?
Trưởng ban Vũ Hoài Bắc: Kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới năm 1986, Nhà nước Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong bảo đảm, thúc đẩy quyền con người nói chung, trong đó quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có những bước tiến nổi bật, thể hiện ở các khía cạnh như sau:
Thứ nhất, việc công nhận tổ chức tôn giáo, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung được tạo điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật. Sau hơn bốn năm thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã công nhận 01 tổ chức tôn giáo; cấp 03 Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 1.112 điểm nhóm công dân Việt Nam và 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam;
Thứ hai, hoạt động phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển chức sắc, chức việc cơ bản thuận lợi, thực hiện theo quy định của pháp luật; với 5.572 người được phong phẩm, suy cử làm chức sắc; 12.421 người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc trong ba năm, từ 2018 đến 2021.
Thứ ba, vấn đề quy hoạch, giao đất tôn giáo, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo được quan tâm giải quyết và có nhiều tiến bộ rõ nét. Theo đó 75,06% số cơ sở tôn giáo được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 1.430 công trình tín ngưỡng, tôn giáo được xây dựng mới; 576 công trình tín ngưỡng, tôn giáo được cải tạo, nâng cấp.
Thứ tư, Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Hiện nsy, trên phạm vi cả nước có 62 cơ sở đào tạo tôn giáo với trình độ đào tạo từ sơ cấp đến tiến sĩ.
Lễ đón nhận chủ trương thành lập Học viện Cao Đài Tiên Thiên (huyện Châu Thành,
tỉnh Bến Tre), ngày 30/3/2022
Thứ năm, Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo được in ấn phát hành kinh sách và đồ dung việc đạo. Chỉ tính riêng giai đoạn 2018 đến 2021, đã có 2.027 ấn phẩm về tôn giáo với 7.006240 bản in được xuất bản với nhiều thứ tiếng. Ở Việt Nam hiện có 15 tờ báo và tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động, đồng thời, phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có Website riêng.
Thứ sáu, Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện hướng dẫn cách quản lý kinh sách, sử dụng kinh sách khi nào, ở đâu và văn tự tín ngưỡng, tôn giáo cho những phạm nhân thuộc diện quản lý tại cơ sở quản lý, giam giữ được tiếp cận và xử dụng kinh sách tôn giáo theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, thực hiện chủ trương xã hội hóa của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã thành lập trên 500 cơ sở y tế; hơn 2.300 trường, lớp mầm non, 12 cơ sở dạy nghề; 800 cơ sở bảo trợ xã hội; chung tay chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, khắc phục thiên tai, ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh; tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội, đóng góp nguồn lực vào sự phát triển của đất nước.
PV: Như Trưởng ban đã đề cập, một trong những thành tựu nổi bật trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam là việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Xin Ông chia sẻ cụ thể hơn về điều này?
Trưởng ban Vũ Hoài Bắc: Thể chế các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo; đảm bảo sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam với Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là quốc gia thành viên, Nhà nước ta đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ đã xây dựng và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.
Năm 2016, tiếp tục tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo; tiếp đó, năm 2017, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 162 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Hiện nay, theo nhiệm vụ được giao, Ban Tôn giáo Chính phủ đang tích cực hoàn thiện để trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 162 và dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Có thể nói, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tạo cơ chế pháp lý tôn trọng, bảo hộ, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; phát huy giá trị đạo đức, văn hóa và nguồn lực tôn giáo cho xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với việc thực hiện thỏa thuận quốc tế, nhất là việc đảm bảo sự tương thích, phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
PV: Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận ra sao?
Trưởng ban Vũ Hoài Bắc: Trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tích cực tham gia cơ chế đối thoại dân chủ, nhân quyền, tôn giáo hằng năm với các đối tác Hoa Kỳ, EU, bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III, Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Cùng với đó, Việt Nam đã chủ động cung cấp thông tin về thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam cho đoàn nghị sĩ, quan chức chính phủ các nước vào Việt Nam làm việc, đại sứ quán các nước tại Hà Nội; thành lập các đoàn công tác tới Hoa Kỳ và một số nước phương Tây để trực tiếp đối thoại, trao đổi về vấn đề tôn giáo.
Việt Nam cũng đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác, đối thoại với các nước ở khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường công tác tuyên truyền, đối ngoại về chủ trương, chính sách, thành tựu về tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời phản bác những thông tin sai sự thật về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Do những thành tựu này, năm 2020, 2021, Bộ Ngoại giao Mỹ không còn lý do để đưa Việt Nam vào CPC và “Danh sách các nước cần theo dõi đặc biệt-SWL”.
Buổi tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, ngày 08/7/2020 tại Trụ sở Ban Tôn giáo Chính phủ
Gần đây nhất, tại Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế năm 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 02/06/2022 tiếp tục ghi nhận các tiến triển tích cực về tự do tôn giáo tại Việt Nam, cụ thể: i) Hiến pháp Việt Nam khẳng định tất cả các cá nhân đều có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và tất cả các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước phải tôn trọng và bảo vệ tự do tín ngưỡng và tôn giáo; (ii) Việt Nam công nhận 16 tôn giáo, 38 tổ chức tôn giáo và có thêm 05 tổ chức được hoạt động (iii) Chính quyền có tiến triển trong việc hỗ trợ thủ tục đăng ký cho các tổ chức tôn giáo hoạt động, các nhóm tôn giáo được cấp phép ít bị sách nhiễu hơn trong quá trình thực hành tín ngưỡng cũng như sự hợp tác tốt hơn giữa các cơ quan địa phương và các nhóm tôn giáo chưa đăng ký; (iv) Ta cấp đăng ký và công nhận cho hàng nghìn điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tại các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên, qua đó cho phép hơn 800 nghìn người được sinh hoạt tôn giáo tại các địa phương này; (v) Người theo các tôn giáo được Nhà nước công nhận không gặp phải khó khăn, trở ngại gì trong việc công tác tại chính quyền các cấp, có 01 linh mục Công giáo và 04 tu sĩ Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam được bầu làm đại Quốc hội; (vi) Khác với những năm trước, các tù nhân như Lê Đình Lượng, Hồ biểu Đức Hòa, Nguyễn Năng Tĩnh, Nguyễn Trung Tôn... được tiếp cận Kinh thánh và các tài liệu tôn giáo khác; (vii) Chính quyền các cấp khuyến khích các tổ chức tôn giáo tham gia vào các hoạt động từ thiện, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19.
Tại những buổi làm việc gần đây với Đại sứ quán Mỹ, đại diện của Đại Sứ quán Mỹ luôn khẳng định: Đại Sứ quán Mỹ coi trọng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển sâu rộng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau xây dựng lòng tin. Hoa Kỳ tôn trọng Việt Nam là quốc gia có độc lập chủ quyền, là bạn, là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong khu vực.
Đánh giá việc trao đổi thẳng thắn giữa Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, nhất là trong các buổi làm việc giữa Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng với Đại sứ Daniel J. Kritenbrink đã mang lại những kết quả tích cực, giúp hai bên ngày càng hiểu nhau, Đại sứ quán Mỹ đã có những nhìn nhận tích cực hơn về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Đại sứ quán Mỹ đã báo cáo với Chính phủ Mỹ về những tiến bộ của Việt Nam trong vấn đề tự do tôn giáo, đánh giá tình hình được cải thiện hàng năm. Kênh trao đổi giữa ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam và Đại Sứ quán Mỹ ngày càng được cải thiện, cởi mở và hiệu quả thể hiện qua thể hiện bằng việc phía Mỹ không đưa Việt Nam vào Danh sách các nước bị theo dõi đặc biệt về tôn giáo (SWL) hay CPC./.
Trân trọng cảm ơn Trưởng ban!
Như Ngọc thực hiện