Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, góp phần xây dựng đất nước
Ngày đăng: 17/10/2022Mặc dù trong nhiệm kỳ (2017-2022), hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam diễn ra trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, có giai đoạn phải tạm đóng cửa chùa để phòng chống dịch. Nhưng với sự linh hoạt sáng tạo và truyền thống gắn bó cùng dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng phát triển, góp phần tích cực chăm lo đời sống an sinh và phát triển đất nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng GHPGVN tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội
Kế thừa thành tựu, đối diện thách thức
Công tác Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ VIII (2017-2022) diễn ra trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thuận lợi, đồng thời đối diện với khó khăn thách thức chưa từng có.
Về thuận lợi, Nghị quyết và Chương trình mục tiêu hoạt động Phật sự mà Đại hội VIII Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra được triển khai trong giai đoạn Nhân dân Việt Nam và Giáo hội Phật giáo được thừa hưởng thành tựu phát triển kinh tế xã hội nhiệm kỳ 2016-2021 và thành tựu 35 năm công cuộc đổi mới của đất nước. Thành công Đại hội XIII của Đảng, thành công của kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX (2019-2024), mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên tích cực cũng đã tạo ra cơ hội thuận lợi cho các thành tựu Phật sự của tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ 2017-2022.
Nhiệm kỳ 2017-2022 cũng là giai đoạn mà Giáo hội đối diện với thách thức chưa từng có, đó là tác động nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. Trong đó có hai năm bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, Giáo hội chủ yếu tập trung chống dịch, có thời gian đã phải thực hiện giãn cách xã hội, đóng cửa các cơ sở tự viện, thực hiện “ai ở đâu ở yên đó” nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng tổn thất to lớn khi Đức Đệ tam Pháp chủ Cố Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã viên tịch năm 2021. Song, tăng ni toàn Giáo hội đã noi theo những di huấn và cuộc đời phạm hạnh qua 105 năm trụ thế, gần 100 năm tu hành của Ngài để tiếp tục phát huy nội lực của tâm từ bi và trí tuệ, trong trách nhiệm chung trang nghiêm Giáo hội tạo thành sức mạnh đoàn kết vượt qua khó khăn, đồng hành, gắn bó cùng dân tộc trên bước đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Công tác tăng sự và giáo dục tiếp tục phát triển
Để tiếp tục phát huy những thành tựu Phật giáo trong bối cảnh trên, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam đoàn kết, thống nhất và sáng tạo, linh hoạt trong điều hành hoạt động Phật sự và đạt được những kết quả quan trọng:
Năm 2019, Giáo hội đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 3 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam có sự tham dự của hơn 5000 đại biểu đến từ 112 quốc gia, vùng lãnh thổ, với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.
Tổ chức trang nghiêm, trọng thể Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN (07/11/1981 - 07/11/2021) theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “40 năm GHPGVN: Hội nhập và phát triển cùng đất nước”. Chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Phật giáo cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 và Đại hội Phật giáo cấp tỉnh nhiệm kỳ 2022-2027.
Công tác tăng sự, quản lý tăng ni, tự viện luôn được Ban Tăng sự Trung ương và Ban Tăng sự các địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình thực tiễn để điều hành. Tính đến thời điểm cuối nhiệm kỳ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý 54.973 tăng ni; 18.544 tự viện; khoảng hơn 50 triệu tín đồ Phật tử và những người yêu mến đạo Phật ở trong và ngoài nước.
Giáo hội đã hướng dẫn và tổ chức thành công các kỳ An cư kết hạ. Hàng năm có khoảng 45.000 tăng, ni an cư tập trung và an cư tại chỗ, trong tinh thần hòa hợp đoàn kết, không phân biệt sơn môn, hệ phái. Ban Tăng sự Trung ương đã cho phép 48/63 Ban Trị sự cấp tỉnh, thành phố tổ chức thành công 70 Đại Giới đàn với 23.524 giới tử được thụ giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu Ni, Thức xoa, Sa di, Sa di Ni và hàng ngàn giới tử phát nguyện thụ giới Thập thiện và Bồ Tát giới.
Lễ an cư kết hạ của Phật giáo
Nhìn chung tình hình sinh hoạt của tăng ni, tự viện tại các địa phương trong cả nước ổn định, đoàn kết hòa hợp. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp tăng, ni do đời sống sinh hoạt và mối quan hệ cá nhân đã vi phạm giới luật, pháp luật Nhà nước. Ban Tăng sự đã phối hợp với Ban Pháp chế, và Ban Trị sự địa phương sớm giải quyết, chấn chỉnh kịp thời nhằm ổn định tình hình chung.
Nhiệm kỳ VIII (2017-2022), các cơ sở giáo dục, đào tạo của Giáo hội đã đào tạo được 194 tăng, ni tốt nghiệp Thạc sĩ Phật học; đang đào tạo 298 tăng ni theo học chương trình Thạc sĩ và 43 Tiến sĩ Phật học. Đã có 2.156 tăng ni sinh tốt nghiệp Cử nhân Phật học hệ chính quy; 842 Cử nhân Phật học hệ Đào tạo từ xa;...
Hiện nay, Giáo hội có 34 Trường Trung cấp Phật học, phía Bắc có 06 Trường, phía Nam có 28 Trường, trong nhiệm kỳ VIII, tính từ niên khóa 2017 đến 2022, đã có 1.246 tăng ni sinh tốt nghiệp; đang đào tạo 3.446 tăng ni sinh Trung cấp Phật học. Các Học viện Phật giáo Việt Nam đã ký kết hợp tác giáo dục, trao đổi học thuật với 11 trường Đại học Phật giáo các nước. Giáo hội trong nhiệm kỳ vừa qua đã giới thiệu và cử nhiều tăng ni đi du học tại nước ngoài: Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Myanmar, Thái Lan, Srilanka, Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan .v.v…Đến nay đã có hơn 200 Tăng Ni tốt nghiệp Thạc sĩ, Tiến sĩ chuyên ngành Phật học và các chuyên ngành chuyên môn về phục vụ Giáo hội.
Hiện nay có 2.733 đạo tràng sinh hoạt, 319.912 Phật tử sinh hoạt, tu học thường xuyên tai các đạo tràng. Các lớp giáo lý hoạt động thường xuyên là 169 lớp với 17.250 Phật tử tham dự. Về sinh hoạt giảng đường có 53 đơn vị, mỗi đơn vị có hàng nghìn Phật tử tham dự. Giáo hội có Gia đình Phật tử sinh hoạt thường xuyên ở 34 tỉnh, thành phố; trong đó đã được thành lập Phân ban Gia đình Phật tử tại 26 tỉnh, thành phố. Số lượng đơn vị GĐPT: 1.035 đơn vị; 9.241 Huynh trưởng các cấp; 53.717 Đoàn sinh các ngành.
Hàng nghìn tỷ đồng vì cộng đồng
Từ thiện xã hội là một trong những công tác Phật sự trọng tâm của Giáo hội, tập trung vào hoạt động của các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật với hàng trăm cơ sở hoạt động.
Giáo hội hiện có trên 165 Tuệ Tĩnh đường, 700 phòng chẩn trị y học dân tộc, 10 phòng khám đa khoa đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân hàng năm. Giáo hội luôn có mặt đúng lúc và kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực ủng hộ phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng người có công với đất nước, ủng hộ các chiễn sĩ, ngư dân biển đảo bám biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Các hoạt động hiến máu nhân đạo được tổ chức ở nhiều chùa với sự tham gia của hơn 10 ngàn lượt tăng ni, Phật tử tham gia hiến máu.
Tuệ Tĩnh đường Linh Quang tại tỉnh Lâm Đồng
Trong phòng, chống dịch Covid-19, các cấp Giáo hội đã chung tay cùng cả hệ thống chính trị và toàn xã hội góp phần đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh. Tăng, ni, Phật tử các Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, các chùa, cơ sở tự viện, tăng ni, Phật tử thực hiện nghiêm các quy định, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh theo quy định. Các hoạt động trợ giúp đồng bào, ủng hộ Quỹ Vác xin phòng ngừa Covid,… được các tổ chức Phật giáo triển khai rộng khắp với giá hơn 1000 tỷ đồng Nhiều tăng, ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tình nguyện vào tuyến đầu chống dịch phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nhiều chùa được sử dụng làm nơi cách ly tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để chung tay chiến thắng đại dịch đưa cuộc sống trở lại bình an.
Tổng kết đánh giá kết quả công tác từ thiện xã hội nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, tăng ni, Phật tử đóng góp, tham gia công tác từ thiện, an sinh xã hội với trị giá hơn 7.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Giáo hội đã tổ chức thực hiện chương trình cứu trợ nhân đạo quốc tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nepal với trị giá hơn 20 tỷ đồng gồm: lương thực, thực phẩm thiết yếu, trang thiết bị vật tư y tế.
Với những kết quả nổi bật trên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang góp phần quan trọng làm sâu sắc truyền thống đoàn kết, gắn bó cùng Nhân dân vượt qua khó khăn, đồng hành cùng dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, theo phương châm “Đạo pháp- Dân tộc- Chủ nghĩa xã hội”./.
An Luých