Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa: thực hành hiếu nghĩa để báo tứ trọng ân
Ngày đăng: 26/10/2022
Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do ông Ngô Lợi (thường được tín đồ gọi là Bổn sư Ngô Lợi) sáng lập năm 1867 tại Cù lao Ba, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Sự ra đời và phát triển Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa vào cuối thế kỷ XIX gắn liền với việc hình thành một số làng, xã ở vùng Thất Sơn có ý nghĩa xã hội đặc biệt, không những tạo ra khả năng tập hợp và quy tụ những người nông dân mất ruộng, nghĩa quân thất trận trong phong trào chống Pháp giai đoạn cuối thế kỷ XIX, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hoá, tinh thần, tâm linh của một bộ phận nông dân, mà còn tạo ra một đặc điểm phát triển riêng biệt, tiền đề thúc đẩy sự phát triển của tôn giáo ở một vài địa phương khác, theo hình thức gắn liền việc khai hoang, mở đất lập làng với truyền đạo.

 

Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ chúc mừng Lễ khánh thành Di tích chùa Tam Bửu (Thị trấn Ba Chúc, An Giang) - Trung tâm của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Bên cạnh hoằng khai đạo pháp, Bổn sư Ngô Lợi chủ trương khẩn hoang, lập làng và lập nhiều chùa chiền, để Nhân dân có điểm tựa tinh thần, an tâm lập nghiệp và tôi rèn ý chí, tinh thần chống giặc cứu nước. Có thể nói, quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa gắn liền với phong trào chống Pháp và quá trình di dân, khai hoang lập làng ở vùng đồng bằng Tây Nam của Tổ quốc.

Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa lấy đạo hiếu làm đầu, không đặt ra giới luật khắt khe và không có sự phân biệt, kiêng kị khác nhau giữa chức sắc và tín đồ, giữa dân tộc và tôn giáo. Tín đồ Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có chung niềm tin sâu sắc, đó là thực hiện “Tứ đại trọng ân” - lấy tứ ân làm kim chỉ nam hành xử, bao gồm:

* Ân Tổ tiên, cha mẹ: cha mẹ là người có công sinh thành, dưỡng dục, vì vậy, đền đáp công lao trời biển ấy mới xứng đáng là đạo làm người. Đồng thời phải biết ơn ông bà, Tổ tiên là thế hệ đã sinh thành ra cha mẹ. Để đền đáp công ơn tổ tiên, cha mẹ thì phải làm những điều tốt đẹp, tránh những điều xấu. Bên cạnh đó, phải biết chăm lo cúng giỗ tổ đường.

* Ân đất nước: Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho rằng Tổ tiên, cha mẹ và mỗi tín đồ đều có quê hương, đất nước - nơi chôn nhau cắt rốn và nuôi dưỡng mỗi người. Vì vậy, phải có bổn phận bảo vệ quê hương, đất nước mỗi khi có giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương giàu mạnh.

* Ân Tam bảo: phải đền ơn Tam bảo gồm Phật, pháp, tăng, bằng cách noi theo những lời Phật dạy, truyền bá đến mọi người để loại trừ lòng ham muốn hẹp hòi, cùng hướng tới chân, thiện, mỹ.

* Ân đồng bào, nhân loại: phải biết sống với đồng bào bằng tình huynh đệ vì có cùng mạng sống như nhau, đồng chung cảnh ngộ, cùng chia sẻ buồn, vui. Ngoài ra, mỗi người còn chung sống với nhân loại trên trái đất, vì vậy, không được phân biệt màu da, chủng tộc, phải sống trong hoà bình.

Ngày 16/6/2010, Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa được Nhà nước công nhận là tổ chức tôn giáo. Ngày 27/10/2020, Ban Tôn giáo Chính phủ ban hành Công văn số 890/TGCP-TNTGK chấp thuận việc thay đổi tên tổ chức tôn giáo “Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa”, thành “Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa” và sử dụng kể từ ngày 20/11/2020.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trác, Trưởng Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, hiện nay toàn đạo có trên 78.000 tín đồ, sinh sống tập trung tại 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chỉ tính riêng tỉnh An Giang, hiện có khoảng 40 cơ sở thờ tự, trên 36.000 tín đồ.

Đời sống kinh tế của đồng bào Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có đạt mức trung bình so với mặt bằng chung của xã hội. Cá biệt ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, chất lượng đời sống của tín đồ còn thấp.

Với đặc thù địa bàn giáp biên giới, chức sắc, chức việc, tín đồ Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tu hành chân chính, thực hiện các hoạt động tôn giáo tuân thủ Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Hiến chương của Phật hội. Nhiều gia đình tín đồ đạt chuẩn gia đình văn hoá, xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, gia đình hiếu học... được Nhà nước khen thưởng các năm.

Đời sống văn hoá vùng đông đồng bào tín đồ Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ngày càng phát triển, với việc thành lập đội nhạc lễ, đờn ca tài tử, đội bóng đá, bóng chuyền phục vụ sinh hoạt của tín đồ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, các trưởng gánh Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa còn duy trì, quan tâm hướng dẫn giảng dạy chữ Nôm cho các thông tín, cư sĩ, thủ lễ, tín đồ.

Qua các năm, việc tổ chức các ngày lễ cúng, lễ hội tôn giáo của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa từng bước được nâng cấp, thu hút ngày càng nhiều số lượng khách thập phương về dự, góp phần làm phong phú thêm đời sống sinh hoạt tôn giáo.

Ông Nguyễn Ngọc Trác, Trưởng Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa (giữa) cùng đại biểu các tôn giáo tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tháng 8/2022

Ông Trác cho biết thêm, cùng với việc duy trì đời sống đạo, bà con tín đồ tích cực tham gia các hoạt động xã hội, như xây nhà cho người nghèo; làm đường giao thông nông thôn, đường lên núi để thuận tiện đi lại, sinh hoạt và vận chuyển hàng hóa; khám, chữa bệnh miễn phí, tặng quà Tết cho người nghèo...

“Tuy kinh phí hàng năm mới chỉ đạt con số khiêm tốn vài tỷ đồng, nhưng với điều kiện còn nhiều khó khăn của bà con tín đồ trong Phật hội, đó là tình cảm, tấm lòng, tinh thần nhường cơm sẻ áo với bà con nghèo đáng trân trọng”, Trưởng Ban Trị sự Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho hay.

Song song với đó, chức sắc, chức việc, tín đồ Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tích cực, chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, nâng cao dân trí, đóng góp phát triển quê hương, hưởng ứng và tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”.

Đối với hoạt động của Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, ông Trác cho biết, Thường trực Ban Trị sự luôn đề cao việc gìn giữ sự trong sáng của đạo, cảnh giác với các hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo, nhất là trên không gian mạng, để kích động, chia rẽ đoàn kết nội bộ, đoàn kết các tôn giáo, dân tộc.

Thường trực Ban Trị sự Trung ương Phật hội cùng các ban chuyên môn, giúp việc và chức sắc, chức việc luôn cố gắng phát huy vai trò là những người nắm viền mối của đạo, làm gương việc tuyên truyền và vận động chấp hành tốt quy định của Giáo luật, Hiến chương Phật hội và pháp luật của Nhà nước; nhắc nhở nhau ý thức cảnh giác, đấu tranh và ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực trong quá trình sinh hoạt, tu học chính pháp.

Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa cũng chủ trương gắn bó với chính quyền sở tại, tổ chức các cuộc thăm, làm việc với chính quyền các tỉnh, nơi có đông tín đồ Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cư trú, để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các hoạt động đạo sự đúng quy định; ra sức thi đua lao động, sản xuất; tham gia hội viên của các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ, thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; chăm lo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc.

Tính đến tháng 6 năm 2022, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã phối hợp Ủy ban MTTQ Thị trấn Ba Chúc, An Giang bàn giao 10 căn nhà đại đoàn kết cho 10 hộ nghèo, mỗi căn trị giá từ 30 triệu đến 50 triệu đồng; đang xây dựng 12 căn nhà đại đoàn kết; tặng 12.011 phần quà cho các gia đình khó khăn, trị giá 3.795.500.000 đồng; vận động hỗ trợ 387 chiếc quan tài, trị giá 387 triệu đồng; đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, quỹ người nghèo, quỹ cây mùa xuân, quỹ khuyến học, với số tiền khoảng 1 tỷ đồng.

Trong năm 2021, chung tay với chính quyền và Nhân dân trong công tác phòng, chống Covid-19, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa cùng các Gánh đạo đã tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, thân bằng ủng hộ đóng góp, tổ chức nấu cơm từ thiện cho khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh An Giang mỗi ngày 800 phần (15.000đ/phần với 90 ngày), tổng số tiền trên 01 tỷ đồng; ủng hộ 50 tấn gạo với số tiền trên 650 triệu đồng; ủng hộ 500 bộ đồ bảo hộ với số tiền 25 triệu đồng; đóng góp ủng hộ tiền và hiện vật gần 300 triệu đồng thông qua Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh.

Bên cạnh đó, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa tổ chức hỗ trợ ốm đau, tang chế trong thân bằng, đồng đạo trị giá gần 40 triệu đồng; phối hợp Hội Đông y cấp phát 2.379 thang thuốc, gồm Đông y thành phẩm 1.680 kg, Tây y 6.870 phần; chữa trị rắn cắn cho 335 người trong và ngoài tỉnh An Giang.

Để tạo thuận lợi trong việc đi lại, giao thương, mua bán của người dân, chung tay với chính quyền địa phương thực hiện chỉnh trang đô thị, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa phối hợp UBND Thị trấn Ba Chúc, vận động các mạnh thường quân nâng cấp, mở rộng, tráng bê tông đường lộ thuộc khóm Núi Nước, thị trấn Ba Chúc, với chiều ngang 3,5m, chiều dài 405m, tổng kinh phí trên 296 triệu đồng, cùng với 350 ngày công lao động; nâng cấp 01 con hẻm khóm Núi Nước dài 108m, ngang 2,5m, tổng kinh phí trên 27 triệu đồng cùng 50 ngày công lao động; nâng cấp, bê tông hóa đoạn đường sau chùa Bửu Quang thuộc khóm An Hòa B, Thị trấn Ba Chúc, với chiều dài 200m, ngang 3m, tổng kinh phí 230 triệu cùng 40 ngày công lao động. Tổng trị giá các hoạt động từ thiện, xã hội trên 6,7 tỷ đồng.

Trải qua 155 năm hình thành và phát triển, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã có những bước phát triển mạnh mẽ, giữ vai trò đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, tâm linh cũng như đời sống xã hội của một bộ phận nông dân Nam Bộ, đặc biệt ở vùng Thất Sơn - Bảy Núi anh hùng. Bên cạnh đó, đồng bào Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã và đang góp phần tích cực vào công cuộc phát triển của đất nước nói chung, các tỉnh Nam Bộ và tỉnh An Giang, nói riêng.

Kế thừa truyền thống tốt đẹp đó, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, cùng nhau đoàn kết, phát huy tôn chỉ hành đạo “Hành tứ ân, sống hiếu nghĩa, vì đại đoàn kết dân tộc”, Trưởng Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Nguyễn Ngọc Trác khẳng định./.

 

Ngọc Khiết