Lễ dâng y Kathina của đồng bào Khmer Nam Bộ
Ngày đăng: 16/06/2021Trong đời sống tinh thần của người Khmer Nam bộ, chùa không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các hoạt động lễ hội của người Khmer hầu hết đều gắn chặt với những ngôi chùa Phật giáo Nam tông.
Hàng năm, trong khoảng thời gian từ ngày 15/9 đến 15/10 âm lịch (tương đương khoảng giữa tháng 11 đến ngày 15/12 theo lịch Khmer), bà con Khmer Nam Bộ rộn ràng tổ chức Lễ dâng y Kathina, hay còn gọi là Lễ dâng bông hoặc Lễ dâng y cà sa tại các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer tại địa phương.
"Kathina" theo ngôn ngữ kinh điển của Phật giáo Nam Tông, dùng trong việc chép kinh cùng tụng niệm thì có nghĩa là sự vững bền, chặt chẽ. Lễ dâng y Kathina là việc Phật tử dâng áo cà sa và vật phẩm lên các nhà sư, nhằm thể hiện tín ngưỡng của mình.
Theo quy định, lễ dâng y Kathina được tổ chức sau 03 tháng an cư kiết hạ và trước ngày tổ chức lễ Ooc – Om – Bóc, và chỉ có các vị sư hoàn thành trọn vẹn 3 tháng an cư nhập hạ theo đúng giới luật tại một nơi mới được nhận phước báu của đại lễ này.
Lễ dâng y Kathina được tổ chức trong hai ngày, bắt đầu từ một hộ chủ lễ có điều kiện kinh tế trong phum sóc. Ngày đầu tiên, chủ lễ thực hiện các nghi thức tại gia, mời người thân và Phật tử đến dự, mời sư tăng đến đọc kinh cầu an.
Ngày thứ hai, trong làn điệu vui tươi, nhộn nhịp của nhạc ngũ âm truyền thống, chủ lễ và Phật tử với các lễ vật trên tay cùng đội trống Chhay-dăm và các nhóm múa khỉ, múa chằn… diễu hành quanh chính điện, trước khi dâng y lên sư tăng. Tại đây, Lễ quy y tam bảo; Thuyết pháp ý nghĩa Đại lễ dâng y cà sa; Lễ thọ y cà sa; Lễ tụng kinh cầu an, chúc phúc, hồi hướng, hoàn mãn được trụ trì chùa cùng các vị sư trực tiếp thực hiện.
Hình ảnh đoàn dâng y diễu hành quanh chính điện chùa Xiêm Cán tại Bạc Liêu
Áo cà sa là lễ vật quan trọng nhất trong lễ dâng y Kathina. Theo truyền thống Phật giáo, áo cà sa là biểu tượng của đạo pháp, của nhà tu hành. Áo cà sa còn tượng trưng cho những điều trân quý, cao cả, đức độ và thiêng liêng nhất nên được tứ chúng Phật tử tôn xưng và kính ngưỡng. Khi Phật tử đến dâng y, một tấm áo cùng nhiều lễ vật được đội trên đầu với tất cả thành kính, với tâm nguyện cho đi không phải là bố thí hay chỉ là thiện tâm, mà còn là tấm lòng hướng thiện, đồng lòng cùng các sư tăng.
Thực hiện nghi thức dâng y và tụng kinh chúc phúc các gia đình Phật tử
Bên cạnh áo cà sa và một số lễ vật truyền thống để dâng lễ như bình bát để sư sãi khất thực và những vật dụng với ý nghĩa đề cao sự tương trợ trong việc tu tập, còn có các vật dụng sinh hoạt, đồ dùng hằng ngày cần thiết khác trong chùa như: thuốc uống, thực phẩm, đồ gia dụng…
Trong dịp lễ này, nhiều gia đình còn cúng dường cho nhà chùa một số vật dụng khác như giường, bàn ghế, tủ, chăn, gối... để thể hiện lòng thành kính, cũng như góp phần trang bị vật dụng cho nhà chùa.
Ngoài những lễ vật thiết yếu dâng lên ngôi Tam bảo, các Phật tử, mạnh thường quân còn đóng góp kinh phí với mục đích trùng tu, sửa chữa chùa chiền và cung cấp lương thực, thực phẩm đến các sư tăng.
Vật phẩm dâng lên sư tăng trong Lễ dâng y Kathina
Lễ dâng y Kathina là nghi lễ mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, bên cạnh ý nghĩa thể hiện thiện tâm của Phật tử đối với việc hộ trì tăng đoàn, còn có ý nghĩa cầu cho phum, sóc yên ấm, gia đình bình an, cầu mưa thuận gió hòa, tạo không khí vui tươi cho Phật tử, bà con trong phum, sóc.
Tham gia vào các hoạt động của Lễ dâng y giúp con người sống gần gũi và thân thiện, đoàn kết, sống có trách nhiệm và luôn thương yêu đùm bọc lẫn nhau; góp phần bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; tăng cường sự đoàn kết giữa sư tăng, Phật tử trong phum, sóc./.
Thúy Hằng