Kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11): Hòa thượng Thích Thế Long, một đời hộ quốc an dân
Ngày đăng: 17/11/2022
Hòa thượng Thích Thế Long
92 năm ra đời, xây dựng và phát triển với những tên gọi khác nhau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong thành một lực lượng hùng mạnh để đánh đổ thực dân-phong kiến giành lại độc lập cho Tổ quốc, đồng thời mang đến tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Trong giai đoạn cao trào của cách mạng Việt Nam những năm 1941-1945, Việt Nam độc lập đồng minh (tên gọi thời điểm đó của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) nêu cao mục đích "liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Trong khối liên hiệp, khối đại đoàn kết toàn dân ấy có Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc và Phật giáo cứu quốc… Hội Phật giáo cứu quốc ra đời và tham gia vào Việt Nam độc lập đồng minh khẳng định sự ủng hộ của Phật giáo đối với Mặt trận Việt Minh. Từ đây, dưới ngọn cờ của Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), thông qua Hội Phật giáo cứu quốc, tăng ni, phật tử có thêm cơ quyên đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bài viết này đề cập đến một chức sắc Phật giáo mà xuyên suốt nhiều chục năm từ thập niên 40 đến 80 của thế kỷ trước có nhiều đóng góp lớn lao cho khối đại đoàn kết toàn dân. Đó là Hòa thượng Thích Thế Long, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII nước CHXHCN Việt Nam.

 

Đôi nét về Phật sự của Hòa thượng Thích Thế Long

Hòa thượng họ Phạm, pháp danh Thế Long, sinh năm 1909 tại xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 1915, ông xuất gia tu hành với Hòa thượng Thích Quang Tuyên tại chùa Cổ Lễ (Nam Định). Sau đó, ông đến tham học tại chùa Liên Phái (Hà Nội). Năm 1934, Tổ Quang Tuyên viên tịch, ông trở về Cổ Lễ chịu tang và tiếp tục công việc kiến tạo tự viện này. Ông là một trong những bậc giáo phẩm cao cấp của Phật giáo Việt Nam và của Phật giáo tỉnh Nam Định. Trong suốt thời kỳ 1958 - 1981, Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam (miền Bắc) hoạt động, ông được cử làm Phó Hội trưởng, Hội trưởng Phật giáo tỉnh Nam Hà. Tháng 10 năm 1964, Ðại hội kỳ III Trung ương Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam, ông được suy cử vào Ban Trị sự Trung ương. Năm 1971, tại Ðại hội kỳ IV Trung ương Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam, ông được suy cử chức Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Ban Trị sự Trung ương.

Năm 1973, ông cùng Ban Trị sự Trung ương thành lập trường “Tu học Phật pháp Trung ương” tại chùa Quán Sứ. Trải qua hai khóa đào tạo, đến năm 1981 trường trực thuộc hệ thống Giáo dục của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đổi tên “Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở I”. Sau năm 1975, ông cùng quý Hòa thượng miền Trung, miền Nam thành lập Ban vận động Thống nhất Phật giáo.

Tháng 11 năm 1981, Ðại hội đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam lập nên “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, ông được thỉnh vào “Hội đồng Chứng minh” và là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Thế sự “hộ quốc an dân” của Hòa thượng Thích Thế Long

Thực hành giáo lý nhà Phật về sự hài hòa và bình đẳng giữa người với người và giữa người với đời sống xung quanh…, Phật giáo nói chung và Giáo hội nói riêng luôn khơi dậy, phát huy tinh thần khoan dung, dân chủ, yêu nước, thương nòi, cùng chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng thuận xã hội qua phương châm "sống đời đẹp đạo”. Từ buổi đầu Phật giáo du nhập vào nước ta bằng con đường hòa bình nên đã có sự gắn bó và hòa nhập với dân tộc. Cùng với những thăng trầm của lịch sử dân tộc, hộ quốc an dân là tinh thần cốt lõi Phật giáo Việt Nam. Tinh thần này được người dân theo đạo Phật diễn giải rất giản dị: Yêu nước là yêu đạo. Yêu đạo chính là yêu nước.

Giá trị của tinh thần hộ quốc an dân được biểu hiện đầu tiên là Phật giáo Việt Nam bao giờ cũng đặt sự tồn vong, sự phát triển của mình trong sự tồn vong và phát triển chung của dân tộc. Vì thế, đời sống sinh hoạt Phật giáo người Việt luôn song hành với đời sống xã hội của đất nước.

Các hoạt động thế sự của Hòa thượng Thích Thế Long cho thấy tất cả những giá trị và tinh thần nêu trên luôn thấm nhuần, hiện hữu trong con người và hoạt động của ông. Tìm hiểu cho thấy, năm 1945, ông là Phó Chủ tịch Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Nam Ðịnh, một trong những người lãnh đạo chủ chốt của phong trào cánh mạng tỉnh này giành chính quyền về tay nhân dân, qua đó góp phần cùng với các địa phương khác trên khắp cả nước lật đổ phong kiến thực dân, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Dưới sự lãnh đạo của tỉnh bộ Việt Nam tỉnh Nam Định, chỉ trong 5 ngày (từ ngày 17 đến ngày 22/8/1945), nhân dân tất cả xã, huyện của tỉnh Nam Định đồng loạt nổi dậy. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền bắt đầu từ huyện Trực Ninh bởi địa phương này là nơi có cơ sở chính trị và lực lượng cách mạng mạnh hơn cả, lại xa thành phố có thể tránh được sự chú ý hoặc phản ứng nhanh của giai cấp cầm quyền. Những yếu tố đó khiến Hòa thượng Thích Thế Long cùng các đồng sự chọn Trực Ninh làm điểm mở đầu phát động quần chúng vũ trang khởi nghĩa. Chiều ngày 17-8, đội vũ trang tuyên truyền của huyện Trực Ninh cùng với lực lượng Thanh niên Cứu quốc từ thôn Nam Lạng tiến về bao vây huyện đường kêu gọi binh lính đầu hàng. Lực lượng bảo vệ và cầm quyền trong huyện không dám chống cự, phải giao nộp vũ khí, sổ sách.

Tại huyện Nam Trực, sáng ngày 18-8, nhân dân và đội tự vệ vũ trang tấn công vào huyện lỵ. Mất tinh thần trước khí thế cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi ở Trực Ninh, quan chức và binh lính sở tại ở đây đã vội vã đầu hàng. Tại huyện Ý Yên, khí thế khởi nghĩa ở một số nơi (An Hoà, Lỗ Xá, Thượng Đồng…) sôi động từ ngày 19-8, nhưng địa phương chưa nhận được chỉ thị của Tỉnh bộ Việt Minh Nam Định. Ngày 20-8, lực lượng Việt Minh và nhân dân Ý Yên phối hợp với lực lượng khởi nghĩa huyện Thanh Liêm kéo về huyện lỵ, binh lính hoảng sợ không dám chống cự. Lực lượng khởi nghĩa nhanh chóng chiếm huyện lị.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh bộ Việt Nam Nam Định, những đợt sóng khởi nghĩa tiếp tục cuộn trào và giành thắng lợi tại các địa phương khác. Đến ngày 22/8, cách mạng tháng 8 giành chính quyền của toàn tỉnh Nam Định giành thắng lợi.

Ngày 21-8, Tỉnh bộ Việt Nam Nam Định kêu gọi nhân dân mít tinh. Trong chiều hôm đó, cả thành phố Nam Định là một rừng cờ đỏ sao vàng. Hàng vạn người dân hân hoan hưởng những giờ phút độc lập. Cũng tại đây, Tỉnh bộ Việt Minh Nam Định tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng. UBND cách mạng lâm thời tỉnh Nam Định chính thức được thành lập.

Cách mạng tháng Tám ở Nam Định diễn ra nhanh gọn. Chỉ trong vòng sáu ngày (từ ngày 17-8 đến 22-8), toàn bộ chính quyền thực dân phong kiến từ tỉnh đến huyện, đã sụp đổ hoàn toàn. Cách mạng Tháng tám năm 1945 thành công đã mở ra cho toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân Nam Định nói riêng một bước ngoặt vĩ đại nhất trong lịch sử. Thắng lợi này cho thấy vai trò lãnh đạo của Việt Minh, cho thấy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân mà những người như Hòa thượng Thích Thế Long là những hạt nhân ưu tú.

Theo tìm hiểu, trong những ngày tháng 8 lịch sử, hưởng ứng tinh thần "liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" của Việt Nam, ngày 28/8, Hội Phật giáo cứu quốc ra đời. Trước khi diễn ra sự kiện này, lãnh đạo Việt Minh như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng…đánh giá cao và hoan nghênh các nhà sư yêu nước đã giúp đỡ nhiều cho các cán bộ cách mạng hoạt động trong thời kì bí mật, cũng như trực tiếp tham gia các hoạt động, tham gia khởi nghĩa và lãnh đạo khởi nghĩa.

Sau khi cùng với các lãnh đạo khác của Tỉnh bộ Việt Nam Nam Định lãnh đạo nhân dân giành chính quyền, Hòa thượng Thích Thế Long không ngừng hướng tâm cho thế sự. Theo đó, trong giai đoạn 1945-1954, ông tiếp tục để lại dấu ấn với những hành động thiết thực phụng sự Tổ quốc. Đơn cử, ngày 27/2/1947 diễn ra sự kiện mà lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử quân đội sẽ còn nhắc lại nhiều. Tại chùa Cổ Lễ,  Hòa thượng trụ trì Thích Thế Long làm lễ phát nguyện "Cởi áo cà sa khoác chiến bào" cho 27 tăng, ni theo chỉ giáo của đức phật Thích Câ Mâu Ni: "Vô ngã, vị tha, cứu khổ cứu nạn" và lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo các nhà nghiên cứu và các tài liệu mà chùa Cổ Lễ cũng như nhiều nguồn tài liệu khác, Tỉnh hội Phật giáo cứu quốc Nam Định mà Hòa thượng Thích Thế Long đang là Phó Chủ tịch cùng chính quyền và nhân dân trong vùng đã làm lễ tạm biệt cửa Thiền cho 27 vị sư "cởi áo cà sa ra trận" tham gia bộ đội chủ lực, diệt giặc cứu nước với bài phát nguyện: "Cởi áo cà sa khoác chiến bào/ Tuốt gươm, bồng súng diệt binh đao/ Ra đi quyết rửa thù cứu nước/ Vì nghĩa quyên thân hiến máu đào". Được biết trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Cổ Lễ đã có 35 ni, sư cởi áo cà sa ra tiền tuyến trong đó có 12 người đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong đội quân ấy, Đại đức Thích Pháp Lữ sau này trở thành đại tá QĐND Việt Nam.

Được biết 27 nhà sư này không chỉ là người Nam Định mà còn đến từ các nơi như Nghệ An, Hải Phòng, Ninh Bình. Kết thúc kháng chiến, có người tiếp tục ở lại quân ngũ như Đại đức Thích Pháp Lữ, có người lại trở về cửa thiền tu hành, giữ nhiều trọng trách quan trọng khác trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Câu chuyện về các nhà sư chùa Cổ Lễ cởi áo cà sa, khoác chiến bào, được đánh giá là dấu ấn rất đặc biệt của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo tỉnh Nam Định, chùa Cổ Lễ nói riêng, đồng thời là niềm tự hào trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Năm 1999, để tưởng nhớ công ơn của những nhà sư đã anh dũng hy sinh bảo vệ đất nước, chùa Cổ Lễ đã xây dựng một vườn tượng trong khuôn viên.

Chùa Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định)

Qua tìm hiểu cũng cho thấy, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, tự viện này chùa vừa là nơi hội họp chỉ đạo phong trào cách mạng của tỉnh Nam Định, vừa cơ sở nuôi giấu cán bộ, du kích và bộ đội chủ lực Sư đoàn 320, Đại đội 91 của tỉnh, Đại đội 75 huyện Trực Ninh.

Hoạt động thế sự tại chùa Cổ Lễ như đã đề cập cho thấy vai trò, tầm ảnh hưởng của Hòa thượng Thích Thế Long trong hộ quốc an dân đối với tăng ni, phật tử. Làm nổi bật sức mạnh và giá trị của khối đại đoàn kết toàn dân.

Với uy tín của mình, sau các sự kiện như trên, Hòa thượng Thích Thế Long tiếp tục giữ các vai trò trọng yếu khác. Cụ thể như Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Nam Định, Ủy viên Mặt trận Liên Việt toàn quốc năm 1951. Trong giai đoạn 1976-1980, ông giữ chức vụ Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam Ninh, được bầu là đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1976, ông được phật tử và nhân dân tín nhiệm bầu đại biểu Quốc hội khóa VI. Năm 1981, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VII, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội.   

Từ những hoạt động hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc (tên gọi khác nhau theo từng thời điểm) khối đại đoàn kết toàn dân thực sự trở thành hậu thuẫn vững chắc chống thù trong giặc ngoài, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh nguy hiểm, bảo vệ được chính quyền, phát triển đất nước. Lịch sử ghi nhận những công lao to lớn của Mặt trận tổ quốc, ví như Tuyên ngôn của Đại hội toàn quốc Thống nhất Việt Minh - Liên Việt tháng 3/1951 nêu rõ: “Việt Minh có công lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chống quân cướp nước. Công đức ấy tất cả mọi người Việt Nam phải ghi nhớ. Lịch sử của Việt Minh 10 năm đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc cũng là những trang lịch sử vẻ vang vào bậc nhất của dân tộc Việt Nam ta”.

Trong bảng vàng lịch sử của Mặt trận Tổ quốc có những đóng góp thiết thực, lớn lao của những người người như Hòa thượng Thích Thế Long./.

 

Bùi Quý