Hội nhập văn hóa Công giáo với việc giữ gìn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam
Ngày đăng: 16/11/2022Rút kinh nghiệm qua những sóng gió gập ghềnh trong lịch sử truyền giáo, va chạm, mâu thuẫn, xung đột về văn hoá Đông - Tây, về nghi lễ trong cử hành phụng vụ ở các nước, trong đó có Việt Nam ở thời kỳ đầu truyền giáo, thời gian qua, nhiều thế hệ người Công giáo đã nỗ lực để hội nhập, đưa văn hóa Công giáo gần hơn với văn hóa dân tộc, nhất là văn hóa các DTTS không chỉ trong các sinh hoạt tôn giáo mà còn trong cử hành phụng vụ. Giáo hội ý thức rất rõ chỉ có hội nhập văn hóa mới là con đường để mở rộng địa bàn truyền giáo, tiếp cận với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, tránh được khuynh hướng áp đặt, bớt đi tính bảo thủ về lễ nghi, bớt đi sự va chạm văn hoá, tạo nên sự đan xen trong đời sống tôn giáo. Hội nhập văn hóa cũng chính là cách thức để Công giáo phát huy nguồn lực, trách nhiệm trong bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam. Để có những bước đi chắc chắn hơn trong con đường đồng hành cùng dân tộc, Công giáo đã và đang thực hiện những dự án lớn trong việc đẩy mạnh hội nhập văn hóa dân tộc từ phong tục, nghi lễ, lối sống đến kiến trúc, nghệ thuật.
1. Chủ trương của Giáo hội trong hội nhập văn hóa dân tộc
Việt Nam có 54 dân tộc, mỗi dân tộc có một nền văn hoá, phong tục, ngôn ngữ, truyền thống tín ngưỡng độc đáo riêng, đang và sẽ là mảnh đất rộng mở để Công giáo thực hiện đường hướng hội nhập. Chủ trương hội nhập văn hóa dân tộc được giáo hội đặt ra và thực hiện từ rất sớm, tuy nhiên đến Thư Chung năm 1992 Giáo hội tiếp tục xác định“Giáo hội Công giáo Việt Nam nỗ lực khám phá những giá trị cao đẹp trong nền văn hóa dân tộc, đồng thời cố gắng làm cho những giá trị đó được diễn tả “trong lời kinh tiếng hát, trong cử hành phụng vụ, trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong suy tư và ngôn ngữ Thần học”; Thư chung 2007 đặt vấn đề phát huy truyền thống văn hoá Việt Nam: "Dân tộc chúng ta luôn tự hào về tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo. Truyền thống đấy nếu trong quá khứ đã góp phần làm phong phú nền văn hoá Việt Nam và sản sinh những danh nhân làm vẻ vang đất nước, thì nay phải trở thành một trong những tiêu chí của nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam" (M 37). Đến Thư chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010, giáo hội tiếp tục nhấn mạnh việc hội nhập văn hóa và tính bản địa là đòi hỏi của Mầu nhiệm Kitô: "Một khi đã đón nhận Tin mừng, giáo hội địa phương có trách nhiệm làm cho tinh thần Tin Mừng thấm nhuần các giá trị văn hóa trong dân tộc mình" (số 15). Sứ mệnh của người Việt Nam Công giáo là “sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Trong xu thế phát triển và hội nhập của đất nước vấn đề canh tân trong lĩnh vực văn hoá để tiếp thu và hội nhập làm mới văn hoá Công giáo, gần gũi hơn với văn hóa dân tộc tiếp tục được giáo hội quan tâm và được triển khai bằng các kế hoạch mang tính lâu dài, cụ thể. Tại Đại hội lần thứ 14 năm 2019 Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chấp thuận để Giáo hội thử nghiệm 3 năm văn kiện “Hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên” của Ủy ban Văn hóa; Phê chuẩn bản dịch tiếng K’ho trong các bài đọc Thánh lễ Chúa nhật mặc dù từ năm 1966 các giáo phận khu vực tỉnh Tây Nguyên đã dùng ngôn ngữ K'ho trong thánh lễ thay vì dùng ngôn ngữ La tinh. Cuối năm 2020 Học viện Công giáo Việt Nam đã liên kết với Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành cuốn từ điển Kơ Ho - Việt do linh mục Đa Minh Nguyễn Huy Trọng thực hiện. Cuốn từ điển là sự tiếp nối truyền thống của các thừa sai truyền giáo trước đó, là công cụ quan trọng cho việc truyền giáo trong vùng đồng báo dân tộc thiếu số. Với xu hướng này thời gian tới sẽ có nhiều giáo xứ, họ đạo ở vùng dân tộc thiểu số sử dụng ngôn ngữ dân tộc để thực hiện các thánh lễ cho người dân.
2. Một số chiều kích hội nhập văn hóa các DTTS
Những năm gần đây giáo hội đẩy mạnh hội nhập văn hoá ở những vùng, miền có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là khu vực ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ. Một số giáo xứ, giáo họ có nhiều tín đồ người dân tộc thiểu số giáo hội đã tổ chức thánh lễ riêng và tổ chức các lớp giáo lý bằng tiếng dân tộc.
Quá trình hội nhập văn hóa Công giáo tiếp tục chú trọng đến tính kế thừa, phát huy có chọn lọc văn hóa truyền thống của các vùng, miền để hội nhập vào văn hóa Công giáo trong cử hành thánh lễ và sinh hoạt tôn giáo. Ở đó, tín đồ vừa thực hành lễ nghi Công giáo vừa thực hiện các phong tục tập quán của địa phương nơi họ sinh ra và lớn lên. Sử dụng cồng chiêng, múa hát theo làn điệu dân ca quan họ, dân ca các vùng, miền và các dân tộc thiểu số. Diễn tả các điển tích của Công giáo thông qua văn hóa các địa phương. Nếu như trong đám rước của tín đồ Công giáo người kinh có trống, kèn, hội bát âm, cỡ ngũ sắc, đi kheo, múa trống, các cụ ông thì khăn xếp áo the, các bà cũng áo dài tứ thân, nón lá, hội kèn tây thì trong đám rước của tín đồ người DTTS cũng cơ, hoa nhưng trang phục là của riêng đồng bào, đội kèn tây được thay bằng đội Cồng Chiêng vùng Tây Nguyên hoặc các nhạc cụ dân tộc của các dân tộc khác. Trong tang ma, tín đồ ngoài việc thực hành các nghi lễ Công giáo vẫn lập bàn thờ, bày di ảnh, thắp hương, đặt hoa quả tưởng nhớ, tôn kính người quá cố và thực hiện thêm các nghi lễ riêng của đồng bào. Tại các lễ hỏi, cưới cũng không chỉ dừng ở việc làm lễ tại nhà thờ mà kèm theo đó là phong tục ăn hỏi, ăn cưới với những nghi lễ theo phong tục truyền thống của từng địa phương.
Về âm nhạc, thể hiện xu hướng hội nhập rất rõ. Trước đây, ngôn ngữ trong các bài hát thánh ca dùng trong phụng vụ là tiếng La Tinh, thì hiện nay các nhạc sĩ đã dịch các bài Thánh ca ra tiếng Việt, dùng các làn điệu dân ca như Lưu thuỷ hành vân, Nam ai, hát đò để biên soạn lại giúp giáo dân dễ nhớ, dễ thuộc. Một nhạc đoàn chuyên sáng tác thánh nhạc Việt Nam ra đời mang tên Nhạc đoàn Bảo Tịnh với nhiều nhạc sĩ tên tuổi như: Hùng Lân, Tâm Bảo, Nguyễn Khắc Xuyên... đã sáng tác nhiều ca khúc mang đậm tinh thần tôn giáo, dân tộc với phương châm hoạt động: Về nội dung phụng sự Thiên Chúa và Tổ quốc, về nghệ thuật lấy dân ca cổ truyền làm cấu trúc âm thanh. Các bài hát thánh ca sẽ tiếp tục được các nghệ sĩ Việt hóa không chỉ trong diễn tả bằng lời văn mà cả trong việc đưa các làn điệu dân ca của mỗi vùng miền đất nước để thể hiện, làm cho câu kinh, bài kệ dễ hấp dẫn người dân và người dân dễ bày tỏ niềm tin của mình với Chúa.
Trong nghệ thuật, không ít nhà thờ Công giáo đang và sẽ được xây dựng mang phong cách Việt Nam, như: nhà thờ Cam Ly ở Đà Lạt mang hình dáng ngôi nhà sàn của đồng bào Thượng; nhà thờ Cửa Nam tại Lạng Sơn lại mang hình ảnh ngôi nhà dài tám mái của đồng bào vùng cao xứ Lạng; nhà thờ Bản Lìm xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn được xây dựng bằng mật và đất theo kiểu nhà trình tường của người dân tộc, phần lớn tín đồ nơi đây là dân tộc Nùng, Tày. Nhiều nhà thờ vùng Tây Nguyên được xây dựng theo kiểu Nhà Rông truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khuôn viên các nhà thờ còn có kiến trúc phụ như núi đá nhân tạo, hồ ao, cây xanh như một vũ trụ thu nhỏ theo quan niệm “thiên - địa - nhân nhất thể” của người phương Đông. Các bức chạm khắc trong nhà thờ có đủ đào, cúc, trúc, mai, long, ly, quy, phượng... Nhà thờ - Nhà Rông - Nhà Dài sẽ trở thành nơi sinh hoạt chung và cũng là nơi để tạo nên sự kết nối giữa văn hóa Công giáo và văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, là nơi lưu giữ và phát triển những giá trị văn hóa tốt đẹp.
Giáo hội tiếp tục định hướng và đào tạo chức sắc, tu sĩ là tín đồ người tộc thiểu số để đưa về phục vụ chính đồng bào mình. Hiện nay, chủng sinh người dân tộc, hoặc ở khu vực miền núi đang theo học tại các Đại chủng viện trong 3 tháng hè phải dành 01 tháng để học tiếng dân tộc tại Tòa giám mục.
Các giáo phận tiếp tục đẩy mạnh việc dịch kinh sách ra tiếng một số dân tộc thiểu số để đồng bào dễ tiếp cận với giáo lý Công giáo và đồng thời cũng để lưu truyền ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc trong bối cảnh ngày càng thất truyền, mai một. Việc dịch thuật các sách phụng vụ cho người dân tộc thiểu số luôn được giáo hội chú trọng và không chỉ dừng lại ở tiếng K’ho mà còn dịch ra ngôn ngữ của một số dân tộc khác. Hồng y Nguyễn Văn Nhơn khi còn là Giám mục giáo phận Đà Lạt đã nhận định: Các dân tộc đều có nguồn gốc khác nhau, chúng tôi cố gắng để thích ứng với mỗi sắc tộc. Vì thế trong việc biên soạn các sách kinh, bài hát, từ điển, ca dao tục ngữ và nhất là các văn bản phục vụ giáo hội đã dịch sang tiếng K’ho sau khi hoàn thành chuyển sang tiếng Churu và tiếng Lạch. Việc nghiên cứu lịch sử, phong tục, tập quán, văn chương đòi hỏi nhiều nỗ lực và thời gian, nhưng giáo hội đang làm. Hiện nay, các giáo phận ở khu vực Tây Nguyên đã và đang thực hiện việc dịch Thư chung, thư mục vụ để phổ biến nội dung định hướng hoạt động cho tín đồ người dân tộc thiểu số.
Một vấn đề mà Công giáo quan tâm trong quá trình hội nhập văn hóa đấy là bảo tồn di sản văn hoá các DTTS ở khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. Một số giáo phận đã và đang xây dựng nhà truyền thống để làm nơi tập trung và lưu giữ các hiện vật cổ xưa của đồng bào. Ý tưởng này xuất phát từ niềm đam mê của một số linh mục, tu sĩ truyền giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Họ đã dày công sưu tầm, gom góp, gìn giữ những kỷ vật từ các buôn làng, có những cổ vật rất quý hiếm như: răng voi, bộ đàn đá cổ, cây hoá thạch, các mẫu đá quý, các cổ vật cồng chiêng, bát cổ đựng thức ăn, bình rót rượu, bình đựng bùa ngải, nhiều cổ vật là các loại nhạc cụ như khèn 4 lỗ của người K'ho... Tại nhà truyền thống giáo phận Đà Lạt, rất nhiều hiện vật trưng bày liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng như tượng thần Brahma, Shiva, Pô Naga Thiên Y Ava, Ganesha, tượng khất sĩ bằng đồng, các tượng quỷ thần nhiều kích cỡ, bộ tiền cổ... Việc lưu giữ văn hóa chính là lưu giữ những mảng ký ức để kể cho thế hệ sau những câu chuyện lịch sử, văn hóa các dân tộc thiểu số rất đáng được trân trọng và giữ gìn.
Cùng với tiến trình hội nhập văn hóa dân tộc thì việc tận dụng, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động truyền giáo cũng là xu hướng được giáo hội thúc đẩy. Công giáo là một trong những tôn giáo đã khai thác truyền thông Internet vào truyền giáo một cách sâu rộng và hiệu quả. Hầu hết các giáo phận, giáo xứ và dòng tu đều có trang Web. Giáo hội tận dụng những trang Web như một diễn đàn mới để cập nhật thông tin, truyền tải thông tin, truyền giáo. Mọi người trên thế giới có thể qua máy vi tính đọc được những bài diễn văn của Giáo hoàng, tình hình Giáo hội Công giáo thế giới, biết được thông tin của từng giáo phận, từng dòng tu ở Việt Nam và ngược lại. Việc ứng dụng công nghệ này đã và sẽ tiếp tục áp dụng trên phạm vi rộng, trong đó vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và sẽ kéo ngắn lại khoảng cách của tín đồ, người dân trong việc nhận biết về tôn giáo này.
Có thể nói, hội nhập văn hóa Công giáo với văn hóa dân tộc Việt Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động không chỉ của hàng ngũ chức sắc, tu sỹ mà ngay cả với tín đồ. Trước đây hội nhập để tránh mâu thuẫn, xung đột văn hóa, tránh bị tẩy chay, bớt đi tính “tôn giáo ngoại lai” để đạt mục đích truyền giáo, phát triển đạo thì ngày nay hội nhập để phát huy giá trị văn hóa Công giáo trong cộng đồng, gia tăng vai trò, trách nhiệm của giáo hội trước việc giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc, gia tăng ảnh hưởng của Công giáo trong xã hội. Chính vì vậy, trong những năm gần đây việc hội nhập văn hóa không chỉ để truyền giáo, để Công giáo gần hơn với các thành phần trong xã hội mà còn là trách nhiệm của người Công giáo trước việc giữ gìn và phát huy văn hóa cacdân tộc.
3. Một số gợi mở thúc đẩy hội nhập văn hóa Công giáo với việc giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc
Một là, đối với Giáo hội Công giáo
Hội nhập văn hóa trong truyền giáo mặc dù đã được Giáo hội triển khai trên nhiều chiều kích, rất sớm và tính hợp lý, hiệu quả đã thể hiện rất rõ, tuy nhiên mới ở dạng nhỏ lẻ và phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của chức sắc, tu sĩ cũng như điều kiện truyền giáo. Để tăng cường vai trò, ảnh hưởng trong từng vùng miền của đất nước một cách bền vững, Công giáo cần có hướng đi mạnh mẽ hơn trong vấn đề này. Đó chính là việc thực hiện các dự án lớn trong phục hồi, giữ gìn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với hoạt động truyền giáo. Trong đó chú trọng việc phối hợp với các ban, ngành chức năng, các nhà khoa học liên quan và người dân trong: dịch kinh sách, dạy tiếng, dạy chữ viết để tìm về đúng cội nguồn của ngôn ngữ; trong hội họa, điêu khắc và kiếm trúc để tìm hiểu đúng bản sắc của dân tộc. Đây sẽ là một cách thức hội nhập văn hoá nổi bật trong hoạt động truyền giáo nhưng cũng là đóng góp tích cực của Công giáo cho bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Hai là, về phía chính quyền các cấp
Giá trị, đạo đức văn hóa tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng khá độc đáo, với những giá trị vật thể và phi vật thể được xã hội công nhận. Bên cạnh đó sự đa dạng của văn hóa các dân tộc đã góp phần làm nên bề dày văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, mặt trái của toàn cầu hoá đã và đang có những tác động, biến đổi sâu sắc theo xu hướng mai một bản sắc, ý thức về việc giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc. Sự du nhập và chạy theo các trào lưu văn hóa mới đã và đang làm cho giá trị đạo đức, văn hóa xã hội ngày một pha tạp, xuống xấp. Do vậy, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của Đảng, Nhà nước mà là mọi thành phần xã hội, trong đó có các tổ chức tôn giáo. Trong nhiệm vụ này việc đưa tôn giáo vào tham gia thực hiện là vấn đề cần tính đến. Để tôn giáo tham gia vào giải quyết vấn đề đạo đức xã hội, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc rất cần tạo cho tôn giáo một cơ chế chính sách rõ ràng, coi tôn giáo là một thành tố văn hóa. Chủ trương của Đảng về phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước thể hiện rất rõ trong Nghị quyết số 25 - NQ/TW ngày 12/3/2003 về công tác tôn giáo, Văn kiện Đại hội 13 của Đảng. Nói cách khác chủ trương đã có cần phải thể chế để tạo hành lang pháp lý cho tôn giáo phát huy giá trị đó trong đời sống xã hội.
Việt Nam đã xác định tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Để phát triển bền vững đất nước rất cần chú trọng tới đóng góp của tôn giáo trong lĩnh vực tinh thần, nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách về văn hóa tinh thần của người dân giữa các vùng miền. Tôn trọng và phát huy những đóng góp của các tôn giáo chính là thúc đẩy tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, thúc đẩy tôn giáo tăng cường mối quan hệ với nhà nước vì mục tiêu chung.
***
Hội nhập và phát triển văn hóa dân tộc là một trong những hoạt động tích cực của Công giáo Việt Nam, tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm và hành động của giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân. Làm cho họ tự hào về những giá trị tốt đẹp của Công giáo trong dòng chảy của văn hóa dân tộc, của quê hương, đất nước, thấy được trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là một điểm tương đồng, là “mẫu số” chung để phát huy đoàn kết dân tộc giữa người Công giáo và người không theo Công giáo. Đồng thời hạn chế những mặt khác biệt, mâu thuẫn, xung đột văn hóa, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.
TS. Lê Thị Liên
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách tôn giáo
Tài liệu tham khảo
(1). Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX (2003), Nghị quyết số 25 - NQ/TW ngày 12/3/2003 về công tác tôn giáo.
(2). Thư chung HĐGM VN năm 1980.
(3). Kỷ yếu toạ đàm khoa học "Từ Công đồng Vatican II đến Thư chung 1980", NXB Tôn giáo, 2006, tr 288.
(4). Thư Mục vụ HĐGM VN năm 1992.
(5). Thư Chung HĐGM VN năm 1995.
(6). Thư Mục vụ HĐGM VN năm 1998.
(7). Thư Chung HĐGM VN năm 2001.
(8). Thư Chung HĐGM VN năm 2004.
(9). Thư Chung HĐGM VN năm 2007.
(10. Thư Chung HĐGM VN năm 2016.