Hoạt động đối ngoại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Ngày đăng: 08/07/2022Trải qua 40 năm hình thành và phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã chú trọng các hoạt động Phật giáo quốc tế và đã đạt được những kết quả nổi bật, được Đảng và Nhà nước cũng như cộng đồng Phật tử trong và ngoài nước ghi nhận và đánh giá cao.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Nguyên thủ quốc gia chụp hình lưu niệm cùng Lãnh đạo GHPGVN và các Tông phái Phật giáo thế giới, tại Lễ khai mạc Đại lễ Phật đản LHQ năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam
Trong xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra, các tổ chức Phật giáo trên thế giới đều đang nhanh chóng nắm bắt các cơ hội để tăng cường kết nối và hợp tác trong việc hoằng pháp và đưa tuệ giác và các giá trị hòa bình của Phật giáo vào việc hóa giải xung đột, kiến tọa hòa bình và thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh tăng cường mở cửa và hội nhập quốc tế của đất nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động đẩy mạnh các hoạt động quốc tế, thiết thực góp phần nâng cao vị thế của Phật giáo Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.
Hoạt động đối ngoại của GHPGVN trong thời gian qua
Trong quá trình phát triển từ khi thành lập năm 1981 đến nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trở thành một thành viên tích cực, năng động trong cộng đồng Phật giáo thế giới. Hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều tổ chức Phật giáo quốc tế lớn, như Hội Liên hữu Phật giáo thế giới (World Fellowship of Buddhists - WFB) được thành lập từ năm 1950, Tổ chức Phật giáo Châu Á vì Hòa Bình (Asian Buddhist Conference for Peace - ABCP) được thành lập năm 1969, Tổ chức Thượng đỉnh Phật giáo (Buddhist Summit) được thành lập năm 1998,... Đặc biệt GHPGVN trở thành Thành viên sáng lập Liên minh Phật giáo Thế giới (International Buddhist Confederation - IBC), IBC chính thức thành lập vào ngày 27/11/2011, tại Delhi, Ấn Độ.
GHPGVN đã tích cực tham gia các hội thảo, hội nghị quốc tế và khu vực về tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng. Từ khi thành lập đến nay GHPGVN đã cử hơn 70 đoàn tham dự các hội nghị, diễn đàn và hội thảo quốc tế về Phật giáo và liên quan đến Phật giáo được tổ chức ở nước ngoài. Đặc biệt GHPGVN đã nhiều lần cử đoàn tham dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc tại Thái Lan và Đại lễ Vesak Liên hợp quốc tại New York (Hoa Kỳ).
GHPGVN cũng đã đăng cai tổ chức nhiều sự kiện Phật giáo quốc tế lớn ở Việt Nam, nổi bật nhất là 3 kỳ Đại lễ Vesak LHQ tại Việt Nam (2008, 2014, 2019) và Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới lần thứ XI (Sakyadhita International Association of Buddhist Women).
Đại lễ Vesak LHQ 2008 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), do Nhà nước cùng GHPGVN đồng tổ chức từ 14-16/5/2008 với chủ đề “Đóng góp của Phật giáo về một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” với sự tham gia của đại diện từ 74 Quốc gia và lãnh thổ, 1500 khách Quốc tế. Đại lễ đã thông qua Tuyên bố Hà Nội gồm 16 Điều.
Đại lễ Vesak LHQ 2014 do GHPGVN tổ chức từ 8-11/5 tại Chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc" với sự tham gia của đại diện từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 2000 đại biểu quốc tế, và Tuyên bố Ninh Bình gồm 17 Điều.
Đại lễ Vesak LHQ 2019 do GHPGPG VN tổ chức từ 12- 14/5 ra tại Chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” với sự tham gia của 1650 đại biểu Phật giáo quốc tế từ 112 Quốc gia và vùng lãnh thổ. Đại lễ đã thông qua Tuyên bố Hà Nam gồm 9 Điều.
Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới lần thứ 11 (Sakyadhita International Association of Buddhist Women) diễn ra từ 28/12/2009 đến 3/1/2010 trong khuôn viên Chùa Phổ Quang - Tân Bình (TP HCM) với chủ đề “Nữ giới Phật giáo lỗi lạc” (Eminent Buddhist Women) và sự tham dự của 380 đại biểu quốc tế đến từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung gồm 15 điểm.
GHPGVN cũng đồng thời chú trọng việc thành lập và hướng dẫn các sinh hoạt Phật giáo và tổ chức hoạt động của các Hội Phật tử Việt Nam tại các nước, cũng như việc và xây chùa và các trung tâm Phật giáo tại các nước sở tại. Đến nay GHPGVN đã thành lập Hội Phật tử Việt Nam tại Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, CH. Séc, Nga, Ba Lan, Đức, Ucraina, Hungary, Mozambique, Bulgaria, ... Đến nay cũng đã có nhiều chùa Việt được xây dựng tại các nước như Lào, Camphuchia, Thái Lan, Ba Lan, Ukraina,… Một số chùa – Trung tâm Phật giáo Việt Nam mới được khởi công xây dựng gần đây bao gồm Chùa Vĩnh Nghiêm - Trung tâm văn hóa Phật giáo lớn nhất của người Việt ở CH Séc được khởi công xây dựng ngày 24/8/2019 tại thành phố Karlovy Vary của Cộng hòa Séc; Trung tâm Thiền Quốc tế Việt Nam tại Digana, Sri Lanka, khởi công ngày 4/7/2020, Dự án Chùa Việt Nam ở Seoul, Hàn Quốc…
Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo đã thường xuyên cử các chức sắc lãnh đạo tham gia các đoàn hỗn hợp (cùng đại diện Bộ Ngoại giao, Ban Tôn giáo Chính phủ và các tôn giáo khác) tại các diễn đàn Đối thoại tín ngưỡng Á- Âu (ASEM) và ASEAN; tham gia các lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm Campuchia năm 2014, Hoa Kỳ năm 2015,... Đại diện Phật giáo Việt Nam cũng đã tích cực tham dự các hội nghị, hội thảo tôn giáo và liên quan tôn giáo do Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Viện Liên kết Toàn cầu (IGE) và Đại học Brigham Young- BYU (Hoa Kỳ) tổ chức ở Việt Nam trong thời gian qua.
Các hoạt động đối ngoại khác của GHPGVN bao gồm trao đổi và hợp tác về đào tạo tăng ni và các hoạt động nhân đạo, cứu trợ thiên tai,… Hiện có khoảng 250 tăng, ni đã và đang học chương trình Thạc sỹ và Tiến sỹ tại Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Úc, Mỹ,.. trong số này đã có nhiều tăng, ni đã kết thúc khóa học đã về Việt Nam phục vụ cho công việc của Giáo hội hoặc về các chùa thực hiện công việc Phật sự. Về lĩnh vực từ thiện, nhân đạo, Giáo hội đã quyên góp ủng nạn nhân sóng thần tại các nước Đông Nam Á và Nhật Bản; hỗ trợ nạn nhân động đất ở Kathmandu, Nepal 480.000 đô la Mỹ.
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, GHPGVN đã trao tặng cho ĐSQ Ấn Độ tại Hà Nội 100 máy thở và 50 máy tạo ô xy với tổng giá trị gần 14 tỷ đồng; trao tặng lô thiết bị y tế trị giá 1,8 tỷ đồng cho Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ do Phân ban Ni giới Trung ương ủng hộ nhân dân Ấn Độ phòng, chống dịch Covid-19. BTS Phật giáo TP.HCM tặng 33 máy thở Meiko trị giá 3,4 tỷ đồng tới nhân dân Ấn Độ, trong đó có sự đóng góp của chùa Giác Ngộ (1,8 tỷ đồng), Ban Văn hóa Phật giáo TP. HCM (1,2 tỷ đồng). Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh trao tặng số tiền trị giá 250 triệu đồng tới Đại tăng thống Tép Vông và chư tăng Phật giáo Campuchia; Thiền viện Trúc Lâm của người Việt Nam tại Srilanka đã ủng hộ người dân Srilanka các hiện vật để phòng chống Covid-19 giá trị 210 triệu đồng.
Gần đây nhất, ngày 17/6/2022, thông qua Đại sứ quán Sri Lanka tại Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trao tặng 500 triệu đồng và Chùa Bái Đính trao tặng 20 nghìn USD để hỗ trợ nhân dân vượt qua đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế.
Đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam – Sri Lanka trao tặng số tiền cho đại diện Đại sứ quán Sri Lanka tại Việt Nam
Đánh giá chung:
GHPGVN đã chủ động trong việc hội nhập quốc tế, tích cực tham gia các hoạt động Phật giáo quốc tế để xiển dương Phật pháp, đặc biệt là tư tưởng về hạnh phúc, hòa hợp và phát triển bền vững nhằm hóa giải các xung đột và giải quyết các thách thức về môi trường hiện nay. Đặc biệt, ba kỳ Đại lễ LHQ Vesak tổ chức tại Việt Nam đã đề cập đến những vấn đề quốc tế sâu rộng nhất của đời sống Phật giáo, quan hệ quốc tế Phật giáo
Các hoạt động đối ngoại của GHPGVN đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước Việt Nam, cũng như sự hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành liên quan.
Các hoạt động Phật giáo quốc tế của GHPGVN trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Giáo hội, đặc biệt là năng lực đăng cai tổ chức các hoạt động Phật giáo quốc tế lớn. Việc tổ chức thành công 3 Đại lễ Vesak tại Việt Nam - là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử hoạt động quốc tế của GHPGVN vì Đại lễ Vesak LHQ đòi hỏi các tiêu chí cao về tổ chức và phối hợp giữa PGVN với Phật giáo năm châu, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước đối với Giáo hội.
Các hoạt động quốc tế của GHPGVN trong thời gian qua cũng đã góp phần thiết thực vào việc khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước trong đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và chính sách tôn giáo ở Việt Nam với bạn bè quốc tế; tập hợp, đoàn kết đồng bào theo Phật giáo ở trong và ngoài nước; góp phần vào thành tựu của công tác đối ngoại nhân dân, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là các nước nơi Phật giáo có ảnh hưởng lớn; đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Một số biện pháp nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại của GHPGVN ngày một hiệu quả hơn
Về nguyên tắc định hướng, Đại hội VIII Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào ngày 13/11/2017 tại Hà Nội với chủ đề "Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển" đã xác định rõ tính “Hội nhập” thể hiện tính chủ động hợp tác quốc tế trong các hoạt động Phật giáo, tích cực và thường xuyên trao đổi đoàn, tham gia hội thảo quốc tế, cũng như đón tiếp các phái đoàn quốc tế, các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới, các hệ phái, truyền thống và Giáo hội Phật giáo của các nước trên thế giới đến thăm Việt Nam theo kênh ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân theo đúng phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế”.
Trong hoạt động Phật giáo quốc tế, nhằm đóng góp tích cực cho hạnh phúc nhân loại và hòa bình thế giới, đồng thời nâng cao hình ảnh, vị thế của mình trên trường quốc tế, GHPGVN cần tiếp tục tuân thủ hướng Hiến chương và đường hướng hành đạo phù hợp với pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và pháp luật của nước liên quan, nhất là Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo tại Chương 6, Mục 2 - Hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài (từ điều 47 tới 53).
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, các hoạt động đối ngoại của GHPGVN cần phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước có liên quan như Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Hội Hữu nghị Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại các nước.
Về giải pháp cụ thể, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tiếp tục chủ động và tích cực tham gia các hoạt động, các diễn đàn và các tổ chức Phật giáo quốc tế để truyền tải tư tưởng của Đức Phật về xây dựng hạnh phúc, kiến tạo hòa bình, thúc đẩy phát triển bền vững,… đồng thời giới thiệu, quảng bá đất nước, con người, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng Việt Nam đến bè bạn năm châu.
Khích lệ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tăng, ni đi học Đại học, Thạc sỹ, Tiến sỹ Phật giáo và các lĩnh vực liên quan tại các nước (ngoài các nước khu vực Châu Á, Đông Nam Á,.. mở rộng khu vực Châu Âu, Mỹ) để hướng tới đào tạo lực lượng/ hàng “Giáo phẩm” có trình độ và khả năng ngoại ngữ tốt để tham gia, phục vụ trong các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của GHPGVN.
Tăng cường hợp tác về đào tạo giữa 4 học viện (Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ) với các trường, viện đào tạo Phật giáo ở nước ngoài để nâng cao chất lượng học thuật Phật giáo và tăng cường giao lưu trao đổi tăng, ni sinh đang học tại các Viện, Trường.
Củng cố và đẩy mạnh các hội Phật tử người Việt nam tại các nước: Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Séc, Hungary, Ba Lan, Nga, Pháp, Mozambic; Phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại các nước có người Việt Nam theo đạo Phật nhưng chưa thành lập được Hội Phật tử người Việt Nam để hỗ trợ sinh hoạt Phật giáo cho kiều bào, tiến tới thành lập hội Phật tử Việt Nam tại nước sở tại; ... tăng cường các hoạt động hoằng pháp tại các nước có hội Phật tử, chùa Việt Nam để đáp ứng tốt các nhu cầu tu học và thực hành Phật giáo của các Phật tử kiều bào.
Chủ động tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin mới trong các hoạt động Phật giáo quốc tế, như việc gặp gỡ, trao đổi và tổ chức các hội nghị, hội thảo Phật giáo quốc tế trực tuyến,... Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông về các hoạt động Phật sự đối ngoại của Giáo hội bằng tiếng Việt và tiếng Anh để có thể thông tin rộng rãi hơn tới các tổ chức Phật giáo Quốc tế và những tín đồ, Phật tử trên thế giới quan tâm đến đạo Phật Việt Nam./.
T.T. Thanh Huân – Quang Nam