Hoạt động của một số tôn giáo trong vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Ngày đăng: 14/11/2022
Tín hữu sinh hoạt tại nhà nguyện của Hội thánh Tin Lành Buôn Pu, Đắk Lắk
1. Vài nét về một số tôn giáo vùng DTTS

Việt Nam là quốc gia gồm nhiều dân tộc và cũng là quốc gia đa tôn giáo. Mỗi dân tộc có đặc trưng riêng và tôn giáo cũng vậy, có quá trình hình thành, du nhập, số lượng, vai trò xã hội và đặc điểm khác nhau. Đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước, các tôn giáo tồn tại, phát triển trong lòng dân tộc Việt Nam nói chung và trong nhiều dân tộc thiểu số nói riêng cũng góp phần trong xây dựng và phát triển địa phương, vùng. Trong số tín đồ các tổ chức tôn giáo hiện nay có một bộ phận nhỏ là đồng bào các dân tộc thiểu số, nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Tôn giáo truyền vào vùng dân tộc thiểu số khá sớm, nhiều nơi đã trở thành một phần tất yếu, một bộ phận trong xã hội của vùng.

Nhìn vào bản đồ địa tôn giáo vùng DTTS thì hiện nay Tin Lành chiếm vị trí khá lớn ở cả Tây Bắc, Tây Nguyên có mặt trong nhiều DTTS ở Việt Nam.

Khu vực miền núi phía Bắc: là vùng có sự hiện diện chủ yếu của 3 tôn giáo: Tin Lành, Công giáo, Phật giáo với số lượng tín đồ trên 600 nghìn chiếm khoảng 5% dân số toàn vùng ([1]), cụ thể: Tin Lànhtrên 200 nghìn tín đồ, trong đó người Mông chiếm 90,5% số tín đồ Tin Lành toàn vùng, người Dao chiếm 8,5%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác; Phật giáo có trên 130 nghìn tín đồ; Công giáo trên 300 nghìn tín đồ, nhưng chỉ có khoảng 100 nghìn là người dân tộc thiểu số.

Khu vực Tây Nguyên: là vùng có sự hiện diện chủ yếu của 4 tôn giáo: Công giáo, Tin Lành, Phật giáo và bộ phận nhỏ Cao đài với số lượng trên 2 triệu tín đồ, chiếm 36% dân số toàn vùng. Trong đó Công giáo có khoảng 1 triệu người; Tin Lành gần 600 nghìn, trong đó tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95,73% tín đồ Tin Lành toàn vùng ([2]).

Khu vực Tây Nam Bộ: có khoảng 18 triệu dân trong đó có 4 dân tộc chính là: Kinh, Khơ me, Hoa, Chăm. Khu vực này có mặt của hầu hết các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, nhưng là nơi tập trung chủ yếu của các tôn giáo nội sinh. Toàn vùng có trên 6 triệu tín đồ chiếm khoảng 33,6% ([3]). Trong số các dân tộc thiểu số thì tín đồ Phật giáo Nam tông Khơ me chiếm đa số. Ngoài 3 khu vực trên, còn một số tôn giáo gắn với các dân tộc thiểu số khác ở vùng đồng bằng như: Hồi giáo trong vùng đồng bào Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, người Hoa ở Hồ Chí Minh…

Nhìn tổng thể thì sinh hoạt tôn giáo của tín đồ dân tộc thiểu số còn khó khăn hơn so với tín đồ người kinh không chỉ về điều kiện địa lý, điều kiện bảo hộ của chính các tôn giáo mà họ tín theo, mà còn bởi hoàn cảnh khách quan, nhận thức của chính quyền địa phương và đời sống kinh tế chi phối. Sự thiếu điều kiện sinh hoạt tôn giáo như: kinh sách, cơ sở thờ tự, chức sắc, chức việc... cũng luôn là tác nhân gây bất ổn trong sinh hoạt tôn giáo của tín đồ.

2. Hoạt động truyền giáo của một số tôn giáo vùng DTTS

Về số lượng tín đồ, trong 3 khu vực thì Tây Bắc và Tây Nguyên là địa bàn trọng điểm của Tin Lành và Công giáo. Nhưng thời điểm truyền giáo, số lượng tín đồ và xác lập các tổ chức trực thuộc, cơ sở tôn giáo thì Công giáo dẫn đầu, thứ hai là Tin Lành và sau đó là Phật giáo. Nhưng xét về tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành là người dân tộc thiểu số và sự phát triển hoạt động truyền giáo trong vùng dân tộc thiểu số thì Tin Lành lại có tốc độ phát triển nhanh và đông nhất, thứ hai là Công giáo và sau là Phật giáo. Khu vực Tây Nam Bộ thì người dân tộc Khmer đại đa số theo Phật giáo, hoạt động của Phật giáo mạnh hơn so với các tôn giáo khác kể cả Công giáo và Tin Lành là những tôn giáo luôn có chiến lược lâu dài, bền bỉ truyền giáo trong vùng dân tộc thiểu số.

Về mặt tổ chức, Công giáo ổn định hơn, có sự phân vùng truyền giáo theo các giáo phận khác nhau, truyền giáo ở khu vực nào được đặt dưới sự chỉ đạo quản lý của giám mục giáo phận đó, trong khi Tin Lành, Phật giáo ít ổn định hơn vì có sự tham gia của nhiều hệ phái, hội thánh khác nhau cùng truyền giáo trên một địa bàn. Điển hình như Tây Nguyên có sự hiện diện của khoảng 10 tổ chức Tin Lành đã được Nhà nước công nhận; Tây Nam Bộ thì ngoài Phật giáo Nam Tông, còn có các hệ phái Phật giáo khác.

Môi trường truyền giáo, đã và sẽ có “sự cạnh tranh” về môi trường truyền giáo giữa các tổ chức tôn giáo, cũng như giữa các nhóm, phái tôn giáo mới. Công giáo là những người đặt chân và xác lập vị trí sớm nhất ở khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên, Tin Lành đến sau, nhưng chỉ thời gian sau Tin Lành lại là tôn giáo phát triển khá mạnh ở cả hai khu vực này và nhất là trong vùng dân tộc thiểu số. Xu thế tới khu vực dân tộc thiểu số và miền núi sẽ là mảnh đất của sự hội tụ đa dạng tôn giáo, không những thế còn là khu vực xâm nhập của nhiều tổ chức, hệ phái, nhóm phái, các “hiện tượng tôn giáo mới, tà đạo, đạo lạ” đang hoạt động khá phức tạp.

Hiện nay, Công giáo, Phật giáo đã xác lập được vị trí khá vững ở vùng dân tộc thiểu số, nhưng chủ yếu ở khu vực tiếp giáp với dân tộc kinh, chưa truyền sâu vào các thôn bản như Tin Lành. Từ thực tế đó, các tôn giáo sẽ chú trọng đẩy mạnh việc truyền giáo vào đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những dân tộc có ít hoặc chưa có người theo. Với Công giáo đã xác định rất rõ hoạt động truyền giáo trong vùng DTTS theo phương châm cần có một mục vụ truyền giáo tế nhị, trân trọng dành cho cộng đồng những người dân tộc thiểu số, những người không cùng một thói quen suy nghĩ, một lối diễn tả như người kinh: “Phúc âm chính là tặng phẩm cao quý nhất dành cho họ, mà phúc âm khi gieo vào lòng một dân tộc không hề hủy diệt, loại bỏ những gì tốt đẹp đã được gieo trong tâm trí con người, trong các nghi lễ và văn hóa riêng biệt của các dân tộc khác nhau. Không những không được để chúng mai một mà còn cần phải được chữa lành, nâng cao, hoàn chỉnh làm vinh quang Thiên chúa, xấu hổ cho ma quỷ và hạnh phúc cho con người”[4].

Tuy nhiên, việc truyền giáo vào các khu vực này sẽ vấp phải lực cản là tầng văn hoá - tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số và sự có mặt của các nhà truyền giáo đi trước. Do đó, phương thức truyền giáo sẽ đa dạng và linh động hơn, không còn áp dụng phương pháp “bứng” người dân để lập làng mới như Công giáo đã từng làm ở Tây Nguyên trước đây mà biến đổi đức tin trong chính cộng đồng buôn làng bằng việc nghiên cứu kỹ đặc điểm văn hóa các dân tộc và thúc đẩy hội nhập văn hóa giáo. Cải biến nghi lễ tôn giáo cho phù hợp để bên ngoài là mô hình buôn, làng, nhưng bên trong là niềm tin tôn giáo.

Tham gia chính vào kế hoạch này sẽ là tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong đó chú trọng người dân tộc thiểu số, sử dụng tiếng dân tộc để truyền giáo, chức sắc người Kinh đóng vai trò chỉ đạo, hậu thuẫn. Bởi họ sinh ra và lớn lên ở thôn bản, am tường địa hình, thông thạo ngôn ngữ và phong tục tập quán đồng bào. Họ được giáo hội tuyển chọn, vừa đào tạo theo chương trình chung vừa đào tạo phương pháp, kỹ năng hoạt động trong vùng dân tộc thiểu số. Trong cộng đồng dân tộc thiểu số lực lượng truyền giáo này là những người có uy tín, trình độ cơ bản cao hơn so với người dân trong cộng đồng dân tộc. Họ là những người trung thành với đức tin, với giáo hội, là người giúp cho các giáo sỹ truyền giáo thuận lợi hơn. Khi truyền đạo, họ là người dạy giáo lý, nhắc nhở bà con sống đạo cho tốt, là đầu mối liên lạc với các giáo sỹ để thông báo tình hình và nhận nhiệm vụ. Đến với đồng bào, họ thực hiện phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bà con thôn bản”. Thái độ hoà đồng với cư dân nơi đến, làm gương trong công việc và lối sống, khuyên bà con uống thuốc khi có bệnh thay bằng việc cầu cúng, xua đuổi tà ma, hoà giải trong cộng đồng; đồng thời, trực tiếp hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác, tăng năng suất cây trồng và tổ chức cuộc sống ăn ở hợp vệ sinh, là những người tổ chức các sinh hoạt tôn giáo khi được linh mục ủy quyền. Họ chính là cánh tay nối dài của linh mục trong công cuộc tân phúc âm hóa của giáo hội.

Nhà thờ cổ Sapa tại Thị trấn Sapa, Lào Cai

Để thực hiện chiến lược trong hoạt động truyền giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các tôn giáo sẽ tập trung đào tạo đội ngũ truyền giáo chuyên nghiệp và nhân rộng đội ngũ tình nguyện viên người dân tộc thiểu số để sử dụng họ vào công cuộc truyền giáo cho chính đồng bào mình. Điển hình như Công giáo Khu vực Tây Nguyên tính đến năm 2010, có hơn 345 linh mục, cụ thể tại Đắk Lắk là 67 linh mục (8 linh mục dòng), Lâm Đồng có 206 linh mục (trong đó có 98 linh mục dòng và 5 linh mục là người dân tộc thiểu số), Kon Tum có 35 linh mục và 881 chức việc là Giáo phu; Gia Lai có 37 linh mục và nhiều chủng sinh đang theo học. Đến năm 2017, Tây nguyên có 405.632 tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 81% tín đồ người dân tộc thiểu số theo Công giáo trong cả nước và 36% tín đồ Công giáo ở Tây Nguyên[5]. Tại giáo phận Ban Mê Thuột đến năm 2022 có 2 linh mục trẻ là người Xơ Đăng và M’Nông; 20 nữ tu Dòng Nữ vương Hòa Bình là người dân tộc thiểu số đang phục vụ cho bà con các buôn làng.

Khu vực Tây Bắc không có mô hình Giáo phu, nhưng các giáo phận đào tạo đội ngũ Giáo lý viên là người dân tộc để truyền giáo, gia tăng số linh mục làm việc trong vùng đồng bào dân tộc. Năm 2006 giáo phận Hưng Hóa chỉ có 31 linh mục phục vụ 200.000 tín đồ, đến năm 2022 giáo phận đã có 144 linh mục triều và 36 linh mục dòng phục vụ khoảng 265.000 tín đồ, trong đó có tín đồ vùng dân tộc thiểu số[6]. Bên cạnh đó, các giáo phận đã tổ chức các chuyên đề, các hội nghị để thúc đẩy truyền giáo trong khu vực này. Tổ chức các hội thảo trao đổi về mục vụ truyền giáo cho người H’Mông, Người Dao… khu vực miền núi phía Bắc cho các hội đoàn, dòng tu và tín đồ người dân tộc. Tuy nhiên, nếu so với Tin Lành thì đội ngũ truyền giáo người dân tộc thiểu số còn ít, tín đồ Công giáo là người dân tộc thiểu số ở các khu vực chủ yếu tăng cơ học. Chính vì vậy, Giáo hội sẽ thúc đẩy tính liên kết trong truyền giáo mà tiêu biểu là hoạt động hỗ trợ và kết nghĩa. Mỗi giáo xứ ở các giáo phận có tín đồ người dân tộc thiểu số kết nghĩa với 01 buôn, làng người dân tộc thiểu số, vừa làm nhiệm vụ giúp đỡ trong đời sống xã hội, vừa làm nhiệm vụ truyền giáo. Tăng cường đưa giáo sĩ, tu sĩ vào hoạt động trong vùng dân tộc thiểu số, chỉ dạy cho người dân áp dụng kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, khuyên người dân bỏ tập quán du canh, du cư phá rừng làm nương rẫy, từ bỏ các hủ tục lạc hậu cùng với đó là đẩy mạnh công tác từ thiện nhân đạo tạo sự thân thiện và thu hút người dân theo đạo.

3. Vấn đề cần quan tâm trong hoạt động tôn giáo vùng DTTS

Chiến lược truyền giáo của các tôn giáo không chỉ ở vùng dân tộc thiểu số, những địa phương giáp ranh biên giới mà còn lấy khu vực miền núi để thực hiện chiến lược truyền giáo sang các nước Đông Nam Á như: Lào, Campuchia, Thái Lan…. Nhất là quốc gia mà Phật giáo là quốc đạo, vùng ven, vùng biên giới vẫn còn khoảng trống tâm linh thì tôn giáo sẽ tận dụng để thực hiện mục tiêu của mình. Về mặt xã hội, hoạt động này của tôn giáo đặt ra nhiều vấn đề trong đảm bảo quản lý xã hội và an ninh, quốc phòng, vấn đề dân tộc, tôn giáo, biên giới lãnh thổ sẽ rất phức tạp nếu không có định hướng quản lý tốt.

Cùng với sự thay đổi phương thức truyền giáo là việc tăng cường đẩy mạnh các hoạt động từ thiện nhân đạo và tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Các hoạt động khám chữa bệnh, phát thuốc, phát nhu yếu phẩm theo đợt hay trợ cấp thường xuyên, xây nhà cho đồng bào nghèo (không phân biệt tôn giáo); khuyên bảo tín đồ áp dụng khoa học trong sản xuất, chăm chỉ làm ăn, phòng tránh các tệ nạn xã hội được giáo hội đầu tư ngày một nhiều. Đây là con đường ngắn nhất và dễ đem lại kết quả nhất trong việc truyền đạo và giữ đạo đối với tín đồ người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các tôn giáo còn hướng đến và thúc đẩy tổ chức các hoạt động an sinh xã hội để hỗ trợ người dân mang tính bền vững bằng việc: mở các cơ sở nội trú cho học sinh người dân tộc; mở trường, trung tâm dạy nghề để đào tạo nghề cho các em, hỗ trợ học phí, điều kiện để các em được đi học vừa góp phần tạo nguồn tín đồ, nguồn truyền giáo trong vùng dân tộc, nhưng cũng giúp cải thiện nguồn nhân lực chất lượng cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Với sự thay đổi phương thức truyền giáo năng động, kết hợp với từ thiện nhân đạo, các tôn giáo tiếp tục mở rộng và xác lập các tổ chức trực thuộc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Với hoạt động trên tôn giáo sẽ góp phần làm chuyển biến đời sống tâm linh của đồng bào theo xu hướng loại bỏ yếu tố mê tín, lạc hậu; tác động tích cực đến nhận thức và hành động của tín đồ người dân tộc trong phát triển kinh tế, xã hội và môi trường tại các buôn làng.

Ngược lại, hoạt động tôn giáo tròng vùng DTTS hiện này cũng đã và sẽ mang đến những yếu tố tiêu cực trong vấn đề dân tộc, tôn giáo nếu không quản lý tốt như: xung đột văn hóa, bản sắc một số dân tộc bị thay thế, mai một, thúc đẩy nhanh sự đứt gãy trong thiết chế buôn, làng truyền thống, thay vào đó là thiết chế hành chính của tôn giáo. Trong quá trình truyền giáo sẽ xuất hiện các hoạt động tôn giáo, hoạt động an sinh xã hội trong lĩnh vực y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo không đúng quy định; mua bán, chuyển nhượng đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự... không đúng pháp luật. Về mặt an ninh xã hội, các phần tử, tổ chức cực đoan trong và ngoài nước sẽ lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc vào mục tiêu gây mất an ninh, trật tự, tác động xấu đến nhận thức của tín đồ về một số chính sách kinh tế, xã hội khu vực miền núi, lợi dụng trình độ, niềm tin của người dân để tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền.

Với sự nỗ lực của toàn dân, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển đất nước, đời sống người dân ngày một nâng cao. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn, khoảng cách giàu – nghèo cả về kinh tế, xã hội và văn hóa trong các vùng miền của đất nước vẫn còn khá cao, thiên tai bão lũ xẩy ra thường xuyên và luôn có diễn biến bất thường ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, cũng như phát triển bền vững đất nước. Với những đóng góp của tôn giáo cả ở lĩnh vực tinh thần và vật chất thì Đảng, Nhà nước rất cần phát huy để cùng với các tổ chức chính trính trị, tổ chức xã hội, các dân tộc thiểu số và người dân xây dựng, phát triển đất nước, nhưng cũng cần hướng dẫn và quản lý các hoạt động tôn giáo tốt hơn. Có như vậy mới có thể tạo lập được các mối quan hệ hài hòa và đồng thuận xã hội, là động lực mạnh mẽ cho việc tập hợp, đoàn kết dân tộc - tôn giáo trong công cuộc phát triển đất nước./.

 

TS. Lê Thị Liên

Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo

 

 

[1] Tổng hợp báo cáo từ Ban Tôn giáo các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

[2] Tổng hợp báo cáo từ Ban Tôn giáo các tỉnh Tây Nguyên.

[3] Tổng hợp báo cáo từ Ban Tôn giáo các tỉnh Tây Nam Bộ.

[4]. Giáo hội Công giáo Việt Nam (2016), Niên giám, trang 456.  

[5]. TS Lê Thị Liên (2018), Ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững ở Tây Nguyên, Luận án Tiến sĩ, trang 62.

[6]. Công giáo và Dân tộc, số 2330, tuần lễ từ 11.2 đến 17.2/2022, trang 13.