Hình tượng Bụt trong văn hóa dân gian và liên hệ thực tiễn
Ngày đăng: 10/11/2022
Từ 2.000 năm trước, Phật giáo du nhập, bén rễ, hòa quyện trong đời sống của người Việt Nam. Tư tưởng vô ngã, vị tha, bình đẳng, từ bi… thấm sâu vào tiềm thức của người dân. Những triết lý, giáo lý và giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của Phật giáo phù hợp với văn hóa, đạo đức, lối sống và tinh thần của người Việt.

Trên lĩnh vực văn hóa phi vật thể, Phật giáo có những đóng góp lớn lao cho nền văn hóa dân tộc. Những triết lý cao siêu, bác học, tưởng chừng như khó thâm nhập vào đời sống tín ngưỡng bình dân của người Việt, nhưng lại rất gần gũi, thân thuộc, gắn bó tự nhiên với bao thế hệ, từ tầng lớp quan lại đến người bình dân, từ thành thị đến nông thôn, từ nơi kẻ chợ đến làng quê thanh vắng…Phạm vi bài viết này đề cấp hình tượng Bụt trong văn hóa và đời sống dân gian. Hình tượng này gần gũi, thân thuộc với biết bao lớp người người trong suốt chiều dài lịch sử; nuôi dưỡng tâm hồn, hun đúc nhân cách của hàng ngàn, hàng vạn người. Bên cạnh đó là góc nhìn từ thực tế của đời sống mà hình tượng này mang lại.

1. Bụt trong văn hóa dân dân

Đạo Phật du nhập vào Việt Nam trong thời điểm quốc gia bị các triều đại phong kiến phương Bắc xâm lược. Sự xuất hiện của tôn giáo này trở thành điểm tựa tinh thần cho dân chúng đang lầm than, điêu linh, trở thành nơi gửi gắm niềm tin. Ngoài yếu tố nói trên, nhân dân lao động nói chung trong thời cổ và trung đại là tầng lớp bị áp bức, do đó nhu cầu giải phóng tinh thần là thiết yếu… Với tư cách là thành tố văn hóa tinh thần, Phật giáo hướng đến giá trị con người, xây dựng xã hội an bình, với mục tiêu đem lại hạnh phúc và an lạc cho con người, đề cao lòng từ bi, vô ngã, vị tha, khuyên con người tu thân, tích đức, làm điều thiện tránh điều ác, làm lành tránh dữ, hướng con người tới ứng xử nhân văn, cao đẹp. Đó là những cơ sở xuất hiện hình tượng Bụt trong văn hóa dân gian.

Tìm hiểu cho thấy, Phật-tiếng Phạn là Buddha (âm Hán Việt là Phật Đà, gọi tắt là Phật) nghĩa là bậc giác ngộ viên mãn. Từ tiếng Phạn Buddha, người Việt Nam ngày xưa đọc là Bụt. Từ khi hòa nhập vào tín ngưỡng dân gian và được dân gian hóa thì hình tượng Bụt không còn nguyên vẹn ý nghĩa là bậc giác ngộ như trong giáo lý. Bụt không còn là một đấng uy nghiêm trầm ngự trên bệ cao mà trở thành một đấng bao dung, che chở, nhân ái vô hạn của dân gian và “đời sống” của Bụt là ở trong các truyện cổ tích, ca dao tục ngữ, sau cùng là ngôn ngữ giao tiếp thường nhật…

Hình tượng Bụt trong truyện cổ tích

Tư tưởng dân gian được thể hiện ở nhiều thể loại văn học khác nhau, tuy nhiên cổ tích là một thể loại độc đáo với sức chiếm lĩnh hiện thực khá rộng, cổ tích thể hiện được nhiều dấu ấn đặc trưng về sinh hoạt văn hóa qua nhiều thời đại. Trong các truyện cổ tích, dân gian xem Bụt là người có sức mạnh vô biên, thường xuyên giúp đỡ người hiền lành gặp bất hạnh. Vai trò của Bụt là vai trò của yếu tố thần kỳ, một thủ pháp nghệ thuật quan trọng và quen thuộc để giải quyết số phận nhân vật và sự phát triển của cốt truyện. Bụt xuất hiện để chỉ cho con người một phương pháp hay con đường tìm đến hạnh phúc ngay trong cõi trần, trong chính cuộc đời. Do đó, trong tâm hồn mỗi người Bụt thật hiền từ, nhân hậu thương người, gần gũi. Bụt làm phong phú thế giới cổ tích, tạo nên sự lôi cuốn, đáp ứng nhu cầu sáng tạo trong giải phóng tinh thần của con người.

Trong văn học dân gian, Bụt gắn với hình ảnh ông lão râu tóc bạc phơ, tay cầm phất trần và thường xuất hiện khi người yếu đuối khóc và hỏi lý do như một cách đi tới sự giải thoát mà trong triết lý Tứ diệu đế của Phật giáo thể hiện. Theo cách dẫn giải của nhà Phật thì nước mắt của con người chính là sự khổ đau, do đó sự giải thoát trong những thời khắc đau buồn là rất thiết thực và nhân văn. Trong tiềm thức dân gian, Bụt gần gũi hơn đức Phật, mặc dù hình tượng này đi ra từ Đức Thích Ca. Đây được xem như sự “khúc xạ” mang tính chất văn học để nhân vật Bụt thân thuộc hơn và đây cũng được coi là vấn đề thế tục hóa của Phật giáo. Hình ảnh đức Phật dân gian khác so đức Phật lịch sử nhưng giá trị của tôn giáo vẫn hướng con người đến điều tốt đẹp. Các truyện cổ tích như Của thiên trả địa, Cây tre trăm đốt, Tấm Cám…ngoài việc xuất hiện hình tượng Bụt còn thể hiện về giáo lý nhân quả như rằng kẻ gây cái ác sẽ gặp quả báo khổ đau. Truyện cổ tích có tính giáo dục người đời là hãy phát khởi thiện tâm trong cuộc sống để đạt sự an vui.

Từ những điều trên, có thể đưa đến nhận định Bụt trong truyện cổ tích luôn là một điểm tựa vững chắc cho số phận bất hạnh, là hiện thân của những ước ao tốt đẹp. Bụt gắn liền với văn hoá của người Việt từ những buổi đầu du nhập, đưa ánh sáng của lòng từ bi, sự giải thoát đến với con người.

Hình tượng Bụt trong tục ngữ, ca dao

Tục ngữ, ca dao là những câu nói hoặc thơ ngắn ngọn có ý nghĩa hàm súc do nhân dân lao động sáng tạo nên và lưu truyền qua năm tháng. Mỗi câu tục ngữ, ca dao thường có 2 lớp nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen là nghĩa gốc, có tính trực tiếp. Nghĩa bóng có yếu tố phái sinh hoặc mang giá trị hình tượng…Qua tìm hiểu cho thấy, nghĩa đen thường gắn với việc thờ cúng Bụt trong tín ngưỡng dân gian. Đồng thời cũng có không ít các câu tục ngữ, ca dao nhắc đến các cơ sở vật chất có liên quan đến tôn giáo như chùa chiền, phong cảnh Bụt, áo cà sa,…. Qua đó người dân thể hiện thái độ tôn kính hay thân mật, gần gũi của mình đối với Bụt, ví như: Chùa làng một điện, năm gian/ Hàng năm giỗ Bụt, cả làng dâng quy. Hay như: Chùa làng hai mõ, bốn chuông/ Có ba tượng Bụt, có ông thần già. “Ba tượng Bụt” là cách gọi của người bình dân khi muốn nhắc đến ba tượng Phật đặt ở ba vị trí quan trọng nhất trong chính điện

Nghĩa bóng của tục ngữ, ca dao có hình tượng Bụt thường dùng để nói các phạm trù đạo đức, lối sống, cách cư xử của con người. Qua hình tựơng Bụt nhân dân thường có ẩn ý khen ngợi những con người tốt bụng, hiền lành, sống nhân nghĩa….Đồng thời cũng ám chỉ phê phán cái ác hay thói hư tật xấu. Bên cạnh đó còn thể hiện sự khuyên răn của người đi trước đối với người đi sau, hãy nghe theo lời Phật mà làm lành tránh dữ. Đơn cử: Con ơi ráng học kẻo thua/ Vu lan lên chùa lạy Bụt, Bụt thương. Hay như: Ai ơi chớ có sai lời/ Bụt kia có mắt, ông trời có tai…

Hình tượng Bụt trong tục ngữ, ca dao thể hiện những quan niệm về các phạm trù luân lý đạo đức trong xã hội. Điều này cho thấy Phật giáo đã xây chắc niềm tin trong đời sống thì dân gian mới gởi gắm vào trong hình tượng Bụt linh thiêng những quan niệm, suy tư của mình về nhân sinh, về quan hệ giữa các cá thể trong cộng đồng bằng tinh thần nhân ái của đức Phật…

 

 

2. Tinh thần Bụt trong đời thực

Bất luận thời nào, ở đâu nảy sinh điều ác, điều phi chính nghĩa hoặc xuất hiện những con người với số phận bi ai thì luôn có người, bao gồm cả cá nhân và tập thể đứng lên đấu tranh, bảo vệ lẽ phải, điều thiện. Họ bỏ quên, thậm chí hy sinh chính bản thân mình. Đó cũng là tinh thần cứu nhân độ thế hay cứu độ chúng sinh của nhà Phật. Từ đó, hình tượng Bụt không chỉ xuất hiện trong đời sống văn hóa dân gian mà hiện hữu ngay trong đời thực. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, xuất hiện không biết bao nhiêu con người như vậy. Có thể họ là những nhà ái quốc với tài năng nguyên thủ hay danh tướng vì nghĩa vong thân, thậm chí là những con người rất đỗi dung dị mà hằng ngày ta vẫn giáp mặt…

Thử hình dung cuối tháng 1 năm 1418, nghĩa quân Lam Sơn do Bình định vương Lê Lợi (thời điểm đó cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chưa giành thắng lợi, Lê Lợi chưa là Hoàng Đế-PV) đứng đầu đang bị vây hãm ở Trịnh Cao, tình thế giữa muôn trùng vây, nguy nan như trứng để đầu đá, nếu Lê Lai không vong thân cứu chúa thì cơn lầm than của nước Việt chưa biết đến hồi nào mới khép lại. Sách Đại Việt thông sử (phần Đệ kỷ đệ nhất) chép:

Cuối tháng 1 năm 1418, Thái Tổ bị thua trận ở Mường Một, chạy thoát về Trịnh Cao quân Minh đuổi theo vây chặt các lối hiểm yếu. Trong tình thế nguy cấp, Thái Tổ họp các tướng lại hỏi: Nay thế trận hiểm nguy, có ai dám làm như Kỷ Tín đời Hán, thân khoác hoàng bào mà hi sinh thay trẫm không? Các tướng đều ngồi yên không ai dám thưa. Lê Lai đứng dậy nói rằng: "Thần nay nguyện được tử trận thay cho chủ công”. Thái Tổ rất thương cảm. Lê Lai lại nói: "Tình hình nguy khổn, nếu ngồi khư khư, quân thần chung mạng, bao công sức đây hãy còn gì. Nếu theo kế này, may ra có thể thoát được. Kẻ trung thần chết vì nước nào có tiếc gì?"

Thái Tổ lại vái trời khấn rằng: "Lê Lai có công đổi áo, nếu sau này khôi phục nghiệp xưa, nếu không nhớ đến công lao ấy, thì xin cho cung điện biến thành rừng núi, ấn triện biến thành cục đồng, gươm thần biến thành dao cùn". Lê Lai vâng mệnh mang 2 voi và 500 quân kéo ra trại quân Minh khiêu chiến. Quân Minh đổ ra đánh. Lê Lai thúc ngựa xông thẳng vào giữa trận hô to: "Ta là chủ Lam Sơn đây!" Quân Minh ngỡ là Thái Tổ nên xúm lại đánh kịch liệt. Lê Lai cầm binh, lựa kế cầm chân giặc, sau thất bại, bị bắt và hành hình.

Đền thờ Lê Lai tại huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa)

Lê Thái Tổ mất ngày 22 tháng 8 âm lịch, năm 1433, trước khi mất có dặn lại đời sau phải làm giỗ Lê Lai trước một ngày, tức là ngày 21 tháng 8. Từ đó dân gian truyền lại câu: Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi.

Trong xã hội hiện đại, những “ông Bụt” có thể là bất kỳ ai, từ người chị lao công, anh tài xế, bà hàng nước cho đến những quân nhân hay các Hiệp sỹ đường phố ở TP.HCM…Từ những tấm lòng chia sẻ với đồng bào miền Trung sau mỗi trận thiên tai đến bát cơm, tấm áo của trẻ vùng cao ngon hơn, ấm hơn khi đến trường của nhiều đồng bào miền xuôi…Những “ông Bụt” hiện hữu hằng ngày, hằng giờ trên khắp nẻo, mọi nơi của đời sống xã hội. Mới đây, sự hy sinh quên mình cứu người của trung tá Bùi Văn Nhiên khiến nhiều người cảm động. Theo đó, khoảng 07 giờ ngày 26.6, khi nghe có tiếng kêu cứu của một người đang bị nước cuốn ra xa bãi biển khu vực Khách sạn Sonasea, Tp Phú Quốc (Kiên Giang), trung tá Nhiên đã không quản hiểm nguy, cùng với 2 người khác bơi ra cứu và đưa nạn nhân vào bờ an toàn. Người được cứu là cháu Nguyễn Nhân Phúc Lâm, sinh năm 2009, quê ở tỉnh Bắc Ninh.

Sau khi đưa được cháu Lâm vào bờ, anh Nhiên bị kiệt sức. Mọi người đã tiến hành sơ cứu cho anh và cháu Lâm, sau đó đưa cả hai đến Bệnh viện Dương Đông. Sau khi được cấp cứu, cháu Nguyễn Nhân Phúc Lâm qua cơn nguy kịch, còn trung tá Nhiên không qua khỏi. Được biết anh Bùi Văn Nhiên là quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên Phòng Chính trị, Nhà máy Z195, thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.

Những giáo lý và giá trị văn hóa Phật giáo phù hợp đạo đức, tính cách của người Việt, qua đó tạo nên sự hòa quện, hình thành nên những giá trị trong cả văn hóa dân gian cũng như đời thực./.

Thanh Hà