Các tổ chức tôn giáo đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng đất nước và nhân dân trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19
Ngày đăng: 23/08/2021Thời gian qua, tình hình dịch Covid-19 đã và đang lan nhanh, lan rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội cũng như cuộc sống của hàng triệu gia đình Việt Nam.
Trong bối cảnh đất nước đang phải đương đầu với những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, tất cả các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc và có những đóng góp to lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Những đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân tôn giáo không những giúp Đảng, Nhà nước và Nhân dân có thêm nguồn lực phòng, chống dịch, mà còn là biểu tượng sinh động cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sống“tốt đời đẹp đạo” của các tổ chức tôn giáo đang được lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội, tiếp thêm sức mạnh, động lực và niềm tin chiến thắng đại dịch.
1. Các tổ chức tôn giáo tích cực chung tay, đồng hành với chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao với đất nước, với Nhân dân, góp phần mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh
Trong hơn một năm qua, khi tình hình dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát tại Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ và chính quyền các địa phương về phòng, chống dịch Covid-19, Lãnh đạo các tổ chức tôn giáo đã cam kết và tích cực hướng dẫn cho các tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, tín đồ hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo có đông tín đồ tham dự; tạm dừng tổ chức các hội nghị thường niên, đại hội nhiệm kỳ; hoãn hủy nhiều buổi thuyết giảng, các lễ hội, các khóa tu tập trung đông người; hạn chế việc đón khách hành hương; tuân thủ thực hiện biện pháp 5K, treo biển khuyến cáo tại các cơ sở tôn giáo, … Nhiều tổ chức tôn giáo đã chủ động thực hiện sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo bằng hình thức trực tuyến thông qua các trang website, trang truyền thông của Giáo hội và cầu nguyện online tại gia đình để vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh của tín đồ và người dân, vừa để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Các tổ chức tôn giáo đều ban hành văn bản hướng dẫn chức sắc, chức việc, tín đồ tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; triển khai hướng dẫn tới toàn hệ thống tổ chức, từng tổ chức tôn giáo trực thuộc, từng cơ sở, điểm nhóm tôn giáo nhỏ, lẻ góp phần kiểm soát dịch bệnh, ngăn ngừa không để lây lan trong cộng đồng. Đồng thời tích cực thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng phòng, chống dịch bệnh cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và các tầng lớp Nhân dân để mọi người ý thức rõ tính chất nguy hiểm, diễn biến phức tạp và các tác hại nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19; vận động chức sắc, tín đồ tích cực thực hiện việc khai báo y tế, đăng ký tiêm vắc-xin phòng dịch; cung cấp những thông tin chính xác của người tham gia các hoạt động tôn giáo của tổ chức mình cho chính quyền để kịp thời thông tin và tiến hành các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo sức khỏe của các tín đồ và cộng đồng.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới nên các tổ chức tôn giáo đã hạn chế thực hiện hoạt động quan hệ quốc tế, không mời đón giáo sĩ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là những quốc gia có dịch. Số lượng người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo và các chức sắc, tín đồ Việt Nam ra nước ngoài hoạt động tôn giáo giảm.
Mặc dù việc tạm dừng các sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm linh của bà con tín đồ, nhưng đa số các tổ chức tôn giáo và chức sắc, chức việc, tín đồ đều đồng thuận, nghiêm túc, tự giác chấp hành, đồng hành cùng chính quyền các cấp quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
2. Các tổ chức tôn giáo tích cực ủng hộ, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch, đặc biệt tham gia ủng hộ “Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19” do Chính phủ thành lập
Hội đồng Giám mục Việt Nam ủng hộ 3 tỷ đồng vào Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19
Không chỉ tuyên truyền cho tín đồ, Nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, các tổ chức tôn giáo đã chung tay, tích cực đóng góp cho công tác phòng, chống dịch, đặc biệt tham gia ủng hộ “Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19” do Chính phủ thành lập. Ngay từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát tại Việt Nam, với tinh thần nhân văn bác ái và phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, nhiều tổ chức tôn giáo đã tích cực đóng góp nguồn lực vật chất, tinh thần và cả nguồn lực con người cùng với Nhà nước và Nhân dân tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với một tinh thần và quyết tâm cao nhất. Thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã kịp thời hỗ trợ tiền mặt, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, suất cơm phục vụ các lực lượng tuyến đầu chống dịch, giúp đỡ đồng bào khó khăn trong khu vực cách ly, phong tỏa; tổ chức thu mua nông sản của người dân trong vùng dịch,… Đã có nhiều tấm gương chức sắc, tín đồ tiêu biểu về sự tận tụy đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, đã xuất hiện ngày càng nhiều những cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả của các tổ chức tôn giáo, như: Phong trào “bữa cơm yêu thương” trong vùng tâm dịch; Phong trào “Phụ nữ Chăm may khẩu trang phục vụ cộng đồng”, “siêu thị 0 đồng”, “tủ lạnh cộng đồng”, cây “ATM gạo”, “bếp yêu thương”... đã lan tỏa tinh thần từ bi bác ái, nhân văn của các tôn giáo trong đời sống xã hội.
Với tinh thần quốc tế cao cả, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ủng hộ bà con Việt kiều và chư tăng Phật giáo tại Campuchia 500 triệu đồng; ủng hộ bà con Việt kiều và chư tăng Phật giáo tại Lào 500 triệu đồng; trao tặng vật tư y tế ủng hộ Chính phủ và nhân dân Ấn Độ gồm 133 máy thở và 50 máy tạo oxy trị giá gần 14 tỷ đồng; trao tặng 2.000 bộ kít thử Covid-19 cho Chính phủ và nhân dân Nepal, trị giá 600 triệu đồng… Theo thống kê bước đầu, kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam đến nay, các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã tham gia đóng góp, ủng hộ tiền, hiện vật, trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 ước tính hàng nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ “Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19” của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tất cả 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo ở Việt Nam đã tích cực vận động chức sắc, chức việc, tín đồ tham gia ủng hộ với số tiền trên 10 tỷ đồng, điển hình như: Hội đồng Giám mục Việt Nam ủng hộ 3 tỷ đồng; Giáo hội Phật giáo Việt Nam ủng hộ 3,5 tỷ đồng; Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo ủng hộ trên 1,8 tỷ đồng; Tổng Liên hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) ủng hộ 1,1 tỷ đồng; Các Hội thánh Cao Đài, Minh sư, Minh lý ủng hộ 300 triệu đồng; Giáo hội Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam ủng hộ 300 triệu đồng; Hội thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam ủng hộ 100 triệu đồng,... Chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo còn tích cực ủng hộ bằng tin nhắn đến tổng đài 1408. Một số tổ chức tôn giáo đề nghị được đàm phán mua vắc-xin theo các kênh của tôn giáo để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 và giảm bớt áp lực, gánh nặng cho Nhà nước. Phong trào đóng góp, ủng hộ cho “Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19” đã và đang được lan tỏa trong các tôn giáo một lần nữa thắp sáng tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, chung sức, đồng lòng cùng đất nước, cùng Nhân dân quyết tâm vượt qua đại dịch. Các tổ chức tôn giáo cho rằng đây là chủ trương ý nghĩa, đúng đắn và kịp thời của Chính phủ và tiếp tục vận động chức sắc, tín đồ tham gia ủng hộ lâu dài.
3. Đông đảo chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu chống dịch; nhiều cơ sở tôn giáo tình nguyện sử dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, đã có hàng nghìn tình nguyện viên là chức sắc, tín đồ các tôn giáo, như: Công giáo, Phật giáo, Tin Lành… đăng ký tham gia tuyến đầu chống dịch. Lực lượng tình nguyện viên này được lựa chọn, tập huấn, xét nghiệm Covid-19, tiêm ngừa vắc-xin... đảm bảo đủ điều kiện để tham gia tuyến đầu chống dịch. Trong đợt xuất quân đầu tiên vào sáng 22/7/2021, 299 tình nguyện viên các tôn giáo đã được bố trí vào Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19 (214 người), Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 10 (45 người) và Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 (40 người). Trong đợt xuất quân lần 2 vào sáng ngày 11/8/2021, 70 tình nguyện là chức sắc, tu sĩ Công giáo đã được bố trí tham gia hỗ trợ công tác điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 (62 người) và Bệnh viện Nhân dân Gia Định (8 người). Sáng 16/8/2021, 16 tình nguyện viên tôn giáo là tu sĩ Công giáo xuất quân đến Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 01. Tính đến nay, đã có 385 tình nguyện viên của các tôn giáo tham gia hỗ trợ, phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại các địa phương khác như Đồng Nai, đã có trên 300 tình nguyện viên Công giáo tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch, trực tiếp phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Những linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân tham gia tình nguyện viên đều là những người có sức khỏe tốt, có kinh nghiệm, kiến thức về y khoa, đã được khám tầm soát, tiêm vắc xin và được tập huấn để phục vụ. Tại Bình Dương, gần 200 tình nguyện viên là linh mục, tu sĩ và giáo dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19, trực tiếp vào “vùng đỏ” - nơi đang diễn biến phức tạp về tình hình dịch Covid-19 để hỗ trợ ngành y tế truy vết lấy mẫu và các hoạt động khác trong công tác phòng, chống dịch…
Đặc biệt, nhiều tổ chức tôn giáo đã tình nguyện sử dụng cơ sở tôn giáo làm nơi cách ly, bệnh viện dã chiến, làm điểm lấy mẫu xét nghiệm; phát huy tốt vai trò các cơ sở khám, chữa bệnh của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, các phòng thuốc nam, tuệ tĩnh đường... trong việc phối hợp với chính quyền và cơ sở y tế ở địa phương tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, điển hình như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản đề nghị sử dụng một số cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly cho tăng ni, trong đó, khu cách ly tập trung số 3 được đặt tại Trường Trung cấp Pali-Khmer (Trà Vinh) để tiếp nhận cách ly y tế tập trung đối với chức sắc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh; Tòa Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản đề nghị và được Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý sử dụng cơ sở Cộng đoàn Bác ái Cao Thái làm điểm cách ly tập trung cho các tu sĩ Công giáo khi có nhu cầu khẩn cấp và các tu sĩ sau khi hoàn thành đợt công tác tình nguyện tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19; Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam sử dụng trụ sở của Giáo hội làm nơi chữa bệnh và cách ly những người bị nhiễm Covid-19; Một số giáo phận Công giáo (Hà Tĩnh, Vinh) đề nghị chính quyền sử dụng các cơ sở tôn giáo để tổ chức cách ly y tế tập trung cho số tín đồ Công giáo và người lao động tại địa phương trở về từ các vùng dịch...
Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản gửi đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố và các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đề nghị tổ chức lễ cầu siêu cho các bệnh nhân tử vong do Covid-19. Đồng thời đề nghị các chùa, tự viện trong cả nước phối hợp với chính quyền địa phương tình nguyện nhận miễn phí lưu chứa tro cốt của bệnh nhân qua đời vì Covid-19, việc tiếp nhận tro cốt không chỉ dành riêng cho đồng bào theo đạo Phật mà cho tất cả những người dân có nguyện vọng.
Hội đồng Giám mục Việt Nam có “Thư kêu gọi tình liên đới và tương thân để phòng, chống dịch Covid-19” gửi chức sắc, tín đồ Công giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước kêu gọi chức sắc, tu sĩ và giáo dân trong và ngoài nước chung tay góp sức, san sẻ công việc với xã hội và Giáo hội trong công cuộc phòng chống đại dịch, hỗ trợ các trung tâm nghiên cứu y học, cộng tác với các bộ phận chức năng tiếp sức cho các y bác sỹ và bệnh viện, tạo điều kiện vật chất và tinh thần thuận lợi cho mọi người và khu vực cách ly, giúp đỡ gia đình bệnh nhân đang điều trị, tử vong và những người đang khó khăn về kinh tế. Văn phòng Hội đồng Giám mục cũng xây dựng Đề án thực hiện Thư kêu gọi "Thương quá Sài Gòn ơi" và vận động mọi người dân, không phân biệt tôn giáo, tùy theo khả năng của mình đóng góp về Văn phòng Hội đồng Giám mục để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, đồng thời các linh mục cũng đến cử hành nghi thức cuối cùng cho tín hữu Công giáo trước khi hỏa táng.
Trong những ngày này, các tổ chức tôn giáo ở khắp mọi miền Tổ quốc đang tiếp tục ủng hộ, đóng góp hướng về miền Nam ngày càng nhiều, như: Tổng Liên hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) ủng hộ 100 máy cung cấp oxy cho bệnh nhân điều trị Covid-19, 300 suất quà bằng tiền mặt trị giá 150 triệu đồng cho lực lượng công nhân vệ sinh môi trường quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh; Tòa Giám mục Giáo phận Vinh ủng hộ 60 tấn lương thực, thực phẩm, hàng hóa và 2 tỷ đồng tiền mặt cho Thành phố Hồ Chí Minh; tăng ni, Phật tử tỉnh Nghệ An ủng hộ hàng chục tấn nhu yếu phẩm giúp đồng bào miền Nam chống dịch; chùa Giác Ngộ hỗ trợ 153 tấn gạo, 375 tấn nông sản các loại, 05 tấn nhu yếu phẩm, 30.000 suất cơm chay; 30.000 khẩu trang y tế... cho người dân trong khu vực bị phong tỏa, cách ly, các lực lượng chống dịch tại các bệnh viện dã chiến; Ủy ban Caritas các Tổng giáo phận (Hà Nội, Huế) và các giáo phận (Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ban Mê Thuột, Xuân Lộc…) cũng đã có nhiều hoạt động quyên góp, ủng hộ tiền và hiện vật cho công tác phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên (Bến Tre) thành lập tổ nấu nước chanh, mỗi ngày nấu 500 lít nước chanh đậm đặc để pha 1000 lít nước uống hàng ngày chuyển đến khu cách ly, các chốt kiểm dịch và các bệnh viện dã chiến phục vụ cho các chiến sĩ, bệnh nhân trong một số khu cách ly, bệnh viện dã chiến… Và còn rất nhiều, rất nhiều những tổ chức, cá nhân tôn giáo nữa đang ngày đêm âm thầm góp sức cho cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.
Thay lời kết
Đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục là một thách thức đặc biệt không chỉ với riêng với Việt Nam mà đối với toàn nhân loại. Các tổ chức tôn giáo đã có những đóng góp to lớn bằng cả vật chất, tinh thần và nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy tinh thần, trách nhiệm với quê hương, đất nước, vì cộng đồng của các tổ chức, cá nhân tôn giáo; thể hiện sự vững tin vào sự lãnh đạo của các cấp chính quyền; thể hiện sự gắn bó đạo đời và tinh thần đoàn kết của cả dân tộc trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 sẽ còn rất dài và gian nan, sự ủng hộ, đồng hành của các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã và đang tiếp thêm động lực và niềm tin để chúng ta sớm vượt qua và chiến thắng đại dịch, để đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới./.
ThS. Nguyễn Thị Diệu Thúy