Bách khoa thư Hà Nội – Phần Hà Nội mở rộng
Ngày đăng: 09/01/2018
Tập 10: Tín ngưỡng – tôn giáo Tập 10. Tín ngưỡng - Tôn giáo nằm trong bộ Bách khoa thư Hà Nội - Phần Hà Nội mở rộng gồm 14 tập được Thành ủy - Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội giao Sở Khoa học và Công nghệ thành phố chủ trì thực hiện và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2017. Ban biên soạn tập sách do PGS. TS. Nguyễn Hữu Quỳnh làm chủ biên và TS. Nguyễn Văn Dũng làm đồng chủ biên.

Tập sách dày 568 trang gồm 3 phần chính: Phần thứ nhất - Tổng quan; Phần thứ hai - Tín ngưỡng, tôn giáo phần Hà Nội mở rộng; Phần thứ ba - Cơ sở thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo phần Hà Nội mở rộng.

Trong phần Tổng quan đề cập tới các khái niệm tín ngưỡng, tôn giáo và mối tương quan giữa 2 khái niệm này. Cũng trong phần này tập sách trình bày về lịch sử nghiên cứu vấn đề và khái lược về tín ngưỡng, tôn giáo vùng Hà Nội mở rộng.

Trong phần Tín ngưỡng,  tôn giáo phần Hà Nội mở rộng, tập sách đề cập tới 15 loại hình tín ngưỡng truyền thống, Phật giáo, Công giáo, Đạo giáo. Các tín ngưỡng, tôn giáo này đã, đang hiện diện trên địa bàn vùng Hà Nội mở rộng và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống tinh thần của người dân trong vùng.

15 loại hình tín ngưỡng truyền thống phần Hà Nội mở rộng được phân thành 2 thể loại: tín ngưỡng thờ nhiên thần và tín ngưỡng thờ nhân thần. Trong số các tín ngưỡng thờ nhiên thần ở vùng Hà Nội mở rộng, nổi bật nhất là tín ngưỡng thờ Sơn Thần và tín ngưỡng thờ Thủy Thần. Trong số các tín ngưỡng thờ nhân thần ở vùng Hà Nội mở rộng, nổi bật nhất là tín ngưỡng thờ cúng Tổ Tiên, thờ Thành Hoàng làng và thờ Hai Bà Trưng. 15 loại hình tín ngưỡng truyền thống được trình bày trong tập sách theo một thứ tự tương đối từ nhiên thần đến nhân thần, cụ thể như sau: tín ngưỡng thờ Mặt Trời, tín ngưỡng Phồn Thực, tín ngưỡng thờ Sơn Thần, tín ngưỡng thờ Thủy Thần, tín ngưỡng thờ Lúa, tín ngưỡng thờ Cây, tín ngưỡng thờ Đá, tín ngưỡng thờ Tứ Pháp, tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ Hùng Vương, tín ngưỡng thờ Hai Bà Trưng, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, tín ngưỡng thờ cúng Tổ Tiên, tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng, tín ngưỡng thờ Tổ nghề.

Phật giáo được du nhập vào vùng Hà Nội mở rộng từ rất sớm và từ đây được truyền bá rộng rãi ra các vùng khác, đặc biệt là các làng mạc vùng đồng bằng sông Hồng. Tập sách đề cập tới 6 giai đoạn phát triển của Phật giáo vùng Hà Nội mở rộng, bao gồm: Phật giáo từ khi du nhập đến thế kỷ X; Phật giáo thời Lý – Trần (thế kỷ XI – XIV); Phật giáo thời Lê (thế kỷ XV – XVIII); Phật giáo thời Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX); Phật giáo thời Nguyễn (thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX); Phật giáo thời hiện đại (từ 1945 đến nay). Trải qua các triều đại từ Đinh, Tiền Lê, Lý – Trần, Hậu Lê, Nguyễn cho đến hiện nay, Phật giáo vùng Hà Nội mở rộng đã để lại những dấu ấn không phai mờ trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây với tên tuổi của nhiều vị thiền sư, cao tăng và những ngôi chùa nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Phật giáo vùng Hà Nội mở rộng xưa cũng như nay đã và đang có những đóng góp tích cực vào việc giáo dưỡng lòng yêu nước, thương người, hướng thiện, đồng thời góp phần giữ gìn môi trường văn hóa dân tộc lành mạnh trong đời sống cộng đồng dân cư.

Nói đến Công giáo vùng Hà Nội mở rộng không thể không nói đến Công giáo ở Thăng Long – Hà Nội. Ngoài những lý do về lịch sử truyền giáo và địa lý hành chính, về mặt hành chính đạo của Giáo hội Công giáo, trong tổng số 81 giáo xứ, 413 giáo họ trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay, có tới 54 giáo xứ, 237 giáo họ thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Tập sách đề cập tới 3 giai đoạn phát triển của Công giáo vùng Hà Nội mở rộng bao gồm giáo phận Hà Nội và giáo phận Hưng Hóa: Công giáo thời kỳ du nhập và hình thành (1626 – 1895); Công giáo thời kỳ phát triển (1895 – 1960); Công giáo thời kỳ hiện nay (từ 1960 đến nay). Ngoài ra, tập sách cũng đề cập tới giáo phận Bắc Ninh và Công giáo ở huyện Mê Linh, bởi vì về hành chính đạo, Công giáo ở huyện Mê Linh, huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm và quận Long Biên đều thuộc địa bàn của giáo phận Bắc Ninh.

Đạo giáo vùng Hà Nội mở rộng được trình bày trong tập sách theo 6 giai đoạn, bao gồm: Đạo giáo từ khi du nhập đến thế kỷ X; Đạo giáo thời Lý – Trần (thế kỷ XI – XIV); Đạo giáo thời Lê (thế kỷ XV); Đạo giáo thời Mạc (thế kỷ XVI); Đạo giáo thời Hậu Lê (thế kỷ XVII – XVIII); Đạo giáo thời Nguyễn (thế kỷ XIX – XX). Trong lịch sử, vùng Hà Nội mở rộng là một địa bàn Đạo giáo rất phát triển, nơi đây đã xuất hiện nhiều đạo sĩ và đạo quán nổi tiếng. Trong quá trình tam giáo đồng nguyên, Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo đã hòa quyện vào nhau, các đối tượng thờ của Đạo giáo được phối thờ trong các chùa Phật và ngược lại các đối tượng thờ của Phật giáo được phối thờ trong các đạo quán của Đạo giáo. Đến nay, hầu như các đạo quán ở vùng Hà Nội mở rộng đã gánh thêm chức năng của một ngôi chùa Phật, thậm chí yếu tố Phật còn lấn át yếu tố Đạo trong một số đạo quán. Hiện nay ở vùng Hà Nội nói riêng, ở Việt Nam nói chung hầu như không còn đạo sĩ tụng kinh Đạo giáo nữa, Các đạo quán hầu như đã chuyển hóa thành đình, chùa. Tuy nhiên, ở một vài cơ sở thờ tự của tôn giáo này vẫn còn tồn tại một số tín đồ theo Đạo giáo.

Trong phần Cơ sở thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo phần Hà Nội mở rộng, tập sách trình bày 25 cơ sở thờ tự của tín ngưỡng truyền thống (đình, đền, nhà thờ họ), 17 cơ sở thờ tự của Phật giáo (chùa Phật), 8 cơ sở thờ tự của Công giáo (nhà thờ, đền thánh), 8 cơ sở thờ tự của Đạo giáo (quán đạo).

Tất cả các cơ sở thờ tự của tín ngưỡng tín ngưỡng, tôn giáo vùng Hà Nội mở rộng được trình bày trong tập sách đều là những công trình kiến trúc nghệ thuật văn hóa tín ngưỡng - tôn giáo tiêu biểu và phần lớn trong số đó đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật cấp thành phố, cấp quốc gia hay di tích quốc gia đặc biệt.

Phần Phụ lục trình bày những văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, đó là: Sắc lệnh 234/SL ngày 14 tháng 6 năm 1955 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.

Cuối tập sách là danh mục tài liệu tham khảo gồm 153 tài liệu tham khảo phục vụ cho việc biên soạn tập 10. Tín ngưỡng, tôn giáo, Bách khoa thư Hà Nội – Phần Hà Nội mở rộng.

TT