Người Công giáo Lộc Hà tỉnh Hà Tĩnh chung sức xây dựng quê hương
Ngày đăng: 09/01/2018
Những năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, đồng bào Công giáo trên địa bàn huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ người nghèo, giữ gìn an ninh trật tự.

Đồng bào Công giáo Lộc Hà có gần 14 ngàn người, chiếm hơn 16,5% dân số toàn huyện, sinh hoạt 29 khu dân cư của 8 xã. Toàn huyện có 3 xứ, 13 nhà thờ, 13 họ đạo. Tình hình kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của nhân dân nói chung và đồng bào Công giáo nói riêng không ngừng được cải thiện. Khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được cũng cố và phát triển, nền dân chủ được mở rộng, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, các nhân sỹ trí thức, đồng bào các tôn giáo đồng thuận, đoàn kết, tạo sự nhất trí cao về chính trị và tư tưởng. Đại hội Đại biểu người Công giáo Việt Nam huyện Lộc Hà thi đua yêu nước lần thứ III, nhiệm kỳ 2017 – 2022 đã đánh dấu bước phát triển mới của cộng đồng bà con giáo dân Lộc Hà.

Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư mà nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban MTTQ VN phát động  gắn với “ sống tốt đời đẹp đạo” của Uỷ ban ĐKCG việt Nam phát động với 10 nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp cuộc sống đạo, đời của người Công giáo, gắn kết với phong trào chung ở mỗi địa phương, hòa nhập 6 nội dung (nay là 5 nội dung) của cuộc vận động do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động. Toàn huyện có 29 khu dân cư có người Công giáo đang sinh sống luôn là những khu dân cư có phong trào khá trở lên, Ban công tác Mặt trận thôn và các đoàn thể thường xuyên duy trì nề nếp sinh hoạt và có nhiều phong trào tốt, tiêu biểu như các khu dân cư ở họ đạo Kim Đôi, Trung Cự xã Thạch Kim; Vĩnh Thọ, Tân Xuân, Hộ Độ, Vĩnh Luật Đồng Xuân xã Mai Phụ; họ Đông Kỳ xứ Mỹ Lộc…Đã có nhiều hộ gia đình hiến cây, hiến đất, hiến kế mở rộng đường thôn, xóm làm đẹp cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Người Công giáo Lộc Hà đã tích cực tham gia các phong trào xây dựng, nâng cấp, làm mới các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã, kênh mương thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; Tham gia phong trào hiến kế, hiến công, hiến đất làm giao thông nông thôn theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Qua thống kê trong vùng giáo 5 năm qua đã làm mới 16 km đường nhựa và 85 km đường bê tông, 36 km kênh mương bê tông, với trên 40 nghìn ngày công tham gia, giá trị 200 triệu đồng. Tham gia đóng góp vật chất và hàng ngàn ngày công xây dựng các công trình phúc lợi như trường học, trạmY tế, nhà văn hóa thôn và các thiết chế văn hóa, nhiều vùng giáo cơ sở hạ tầng và đời sống dân sinh rất khang trang như các họ đạo xứ Xuân Tình, Trung Nghĩa, họ Đông kỳ, Kim Đôi…

Hưởng ứng Cuộc vận động Quỹ “Vì người nghèo” do Ủy ban Trung ­ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, bà con giáo dân đã tích cực tham gia đóng góp ủng hộ. Trong 5 năm qua cùng với nguồn hỗ trợ của Chính phủ theo quyết định 167/CP, vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách, nguồn tài trợ khác và tiền hỗ trợ từ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, với sự đóng góp giúp đỡ vật liệu, ngày công của cộng đồng dân cư, đã làm mới 62 nhà đại đoàn kết cho bà con giáo dân là hộ nghèo, tổng giá trị trên 5 tỷ đồng.

Phong trào xây dựng làng văn hóa, xứ, họ bình yên được các vị Linh mục và bà con giáo dân tham gia thực hiện và đạt kết quả đáng khích lệ. Những năm qua xuất hiện nhiều vùng giáo là điểm sáng về xây dựng nếp sống văn hóa, làng văn hóa như; Thôn Xuân Hải xã Thạch Bằng; Thôn Long Hải, thôn Liên Tân xã Thạch Kim; Thôn Đồng Xuân xã Hộ Độ…

Hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban  MTTQ các cấp, với truyền thống tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách được thể hiện trong chương trình “nhường cơm, sẽ áo” của đồng bào Công giáo, với truyền thống đoàn kết vốn có của người Việt Nam lại được phát huy, đồng bào Công giáo đều tự nguyện, tự giác đóng góp chia sẽ những nỗi đau mất mát do bão, lũ gây ra. Thực hiện phong trào uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, đồng bào Công giáo toàn huyện đã đóng góp ngày công, tiền của để xây dựng đài tưởng niệm ghi công các anh hùng Liệt Sỹ, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương và tặng sổ tiết kiệm cho đình chính sách, đây là những nét đẹp văn hóa về lòng biết ơn đối với những người có công với nước của người Công giáo.

Phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo đã phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, phấn đấu đưa phong trào yêu nước của người Công giáo tiến lên mạnh mẽ, đều khắp hòa  nhịp với phong trào chung của nhân dân huyện  Lộc Hà, gốp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội, đồng thời góp phần cùng chức sắc, bà con giáo dân Giáo hội Công giáo sống gắn bó, đồng hành với dân tộc trong Thư chung năm 1980”

Qua sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn huyện luôn nhận được sự hướng dẫn, quan tâm giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, đáp ứng kịp thời các nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của bà con giáo dân, một số nhà thờ được chính quyền các cấp quan tâm tạo điều kiện mở rộng diện tích khuôn viên, có 13/13 nhà thờ xứ, họ đều được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các nhà thờ, nhà phòng, nhà dạy học giáo lý đều được xây mới khang trang như­ : nhà thờ họ Vĩnh Thọ, họ Hộ Độ thuộc xứ Xuân Tình; Mở rộng khuôn viên và xây dựng tượng Đức mẹ La Vang ở xứ Trung nghĩa…; việc tuyển chủng sinh vào Đại chủng viện, các lễ trọng của Giáo hội luôn được các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi. Thực tế đã khẳng định rằng chính sách của Đảng, nhà nước về tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo đã đi vào cuộc sống của người Công giáo, tạo niềm tin vào chế độ, vào đường lối đổi mới của Đảng, làm động lực phát huy mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trên cơ sở đó, người Công giáo huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tuyên tuyền sâu rộng về truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị về tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ mới, phát huy lòng yêu quê hương, đất nước bằng những hành động cụ thể trong lao động, sản xuất cũng như trong đời sống tinh thần, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Cuộc vận động của MTTQ và cuộc vận động  do Ủy ban ĐKCG Việt Nam phát động gắn với cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Áp dụng những tiến bộ KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp đồng bào giáo dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống./.

Hoàng Nguyên