Lệch chuẩn trong hoạt động tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam hiện nay: thực trạng, giải pháp và kiến nghị
Ngày đăng: 06/03/2023
Đề án khoa học cấp ban, Quyết định phê duyệt số 451/QĐ-TGCP ngày 23/4/2021 của Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ. Chủ nhiệm Đề án: CN. Dương Thị Thúy Thịnh - Tổng Biên tập, Tạp chí Công tác Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ. Năm đăng ký: 2020 Năm nghiệm thu: 2022 Thời gian thực hiện: 24 tháng, từ tháng 01/2021 đến tháng 12/2022. Xếp loại: Xuất sắc

1. Mục tiêu của Đề án

Làm rõ cơ sở lý luận và thực trạng về lệch chuẩn trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay và đề xuất giải pháp và kiến nghị góp phần điều chỉnh hành vi lệch chuẩn trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

2. Kết cấu của Đề án

Ngoài phần mở đầu và kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung Báo cáo Tổng quan của Đề án gồm 3 chương sau:

Chương 1. Lý luận chung về lệch chuẩn trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

Chương 2. Thực trạng lệch chuẩn, điều chỉnh hành vi lệch chuẩn trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay và những vấn đề đặt ra

Chương 3. Dự báo xu hướng, giải pháp và kiến nghị trong công tác đối với hành vi lệch chuẩn trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

3. Những nội dung chính của Đề án

3.1. Chương 1, Đề án làm rõ một số khái niệm liên quan đến lệch chuẩn trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Tập trung phân tích một số khái niệm như: “chuẩn mực”, “lệch chuẩn”, “tín ngưỡng và lệch chuẩn trong hoạt động tín ngưỡng”, “tôn giáo và lệch chuẩn trong hoạt động tôn giáo”, “điều chỉnh hành vi lệch chuẩn tín ngưỡng, tôn giáo”; “các yếu tố ảnh hưởng như: yếu tố chính trị, yếu tố kinh tế, yếu tố văn hoá - xã hội”; “chiều hướng lệch chuẩn”; “biểu hiện của lệch chuẩn”; “những hành vi trái với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay”… để nhận diện và chủ động ngăn ngừa những tác hại tiêu cực của lệch chuẩn trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước trong tình hình mới. Đây chính là những cơ sở lý luận quan trọng để đánh giá thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân của lệch chuẩn; từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm tiếp tục phát huy các giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời ngăn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực do lệch chuẩn trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo gây ra.

3.2. Chương 2, Đề án làm rõ thực trạng lệch chuẩn, điều chỉnh hành vi lệch chuẩn trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay và những vấn đề đặt. Từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, trong những năm qua, cộng đồng tôn giáo ở nước ta không ngừng được củng cố, phát triển trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, bên cạnh việc phát huy những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo đối với sự phát triển của đất nước, thì tình trạng lệch chuẩn trong hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo ở Việt Nam hiện nay vẫn đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cá nhân, cộng đồng và xã hội. Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như: công tác truyền thông tôn giáo, thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước còn hạn chế; pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo bộc lộ một số bất cập như chưa hoàn chỉnh, hệ thống, đồng bộ và thống nhất; các thế lực thù địch vẫn cố tình xuyên tạc vấn đề dân tộc, tôn giáo ở nước ta; trình độ nhận thức của một bộ phận tín đồ và người thực hành tín ngưỡng, tôn giáo còn hạn chế. Để ngăn chặn và đẩy lùi những ảnh hưởng tiêu cực do lệch chuẩn trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo gây ra, thì từ phía Nhà nước; từ phía tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng và từ chính những người thực hành tôn giáo, tín ngưỡng cũng đã có những sự điều chỉnh tích cực, nhưng bên cạnh đó quá trình điều chỉnh vẫn còn gặp phải nhiều tồn tại, hạn chế. Thực trạng này đã đặt ra những vấn đề cần thiết phải tiếp tục được làm sáng tỏ và giải quyết kịp thời, đó là: 1. Điều chỉnh những quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; 2. Giải quyết các hiện tượng tôn giáo mới một cách phù hợp; 3. Gia tăng sự giám sát các biểu hiện lệch chuẩn trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay nhưng không can thiệp, cản trở các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo chuẩn mực được Nhà nước cho phép; 4. Nâng cao nhận thức toàn diện, sâu sắc về lệch chuẩn trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay; 5. Đổi mới công tác quản lý tôn giáo là một đòi hỏi cấp thiết. Việc giải quyết có hiệu quả những vấn đề đặt ra nêu trên sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi lệch chuẩn về tín ngưỡng, tôn giáo.

3.3. Chương 3, Đề án chỉ ra một số xu hướng của việc lệch chuẩn trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Biến đổi tôn giáo là một vấn đề mang tính tất yếu, bất kỳ một tôn giáo nào từ khi hình thành đều phải trải qua một quá trình phát triển, biến đổi không ngừng. Nhưng có lẽ, trong bối cảnh thế giới đang biến đổi mạnh mẽ cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, làn sóng toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, cùng hàng loạt vấn đề khác như biến đổi khí hậu, chiến tranh, xung đột, v.v.. thì sự biến đổi của các tôn giáo cũng diễn ra một cách mạnh mẽ hơn. Ở Việt Nam hiện nay, biến đổi tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đang diễn ra theo các xu hướng như: Xu hướng biến đổi niềm tin tôn giáo; Xu hướng biến đổi thực hành tôn giáo; Xu hướng biến đổi cộng đồng tôn giáo; Xu hướng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo; Xu hướng đồng hành cùng dân tộc. Những xu hướng đó có cả những tác động tích cực và có cả những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội nói chung và đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam nói riêng.

Trên cơ sở nghiên cứu đối với vấn đề lệch chuẩn trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay cho thấy không thể có một giải pháp đơn giản, riêng lẻ, biệt lập. Vỉ vậy, việc thực hiện các giải pháp từ phía Nhà nước; giải pháp từ phía tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng; và giải pháp từ những người thực hành tín ngưỡng, tôn giáo đều rất cần thiết. Điều đó khẳng định, trách nhiệm điều chỉnh, ngăn ngừa lệch chuẩn trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay không chỉ là nhiệm vụ riêng của mỗi tôn giáo, mà còn là nhiệm vụ chung của Đảng, của hệ thống chính trị, của Nhân dân và toàn xã hội.

Để nâng cao hiệu quả của việc điều chỉnh, ngăn ngừa lệch chuẩn trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, Đề án xuất một số kiến nghị: Thứ nhất, bảo đảm quyền bình đẳng của các tôn giáo trong thời kỳ đổi mới; Thứ hai, nhìn nhận khách quan về nguồn lực của tổ chức tôn giáo; Thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tôn giáo, tạo cơ sở pháp lý để tôn giáo phát huy nguồn lực trong phát triển đất nước; Thứ tư, tổng kết thực tiễn, nhất là những vấn đề mới, vấn đề khó liên quan đến tôn giáo; Thứ năm, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thân cho vùng có đông quần chúng theo tôn giáo; Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền thông tin về lệch chuẩn trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

 

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2023

Chủ nhiệm Đề án

 

 

Dương Thị Thúy Thịnh