Xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Đình Hưng Học
Ngày đăng: 01/07/2021
Đình Hưng Học được xếp hạng di tích Quốc gia
Ngày 29/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1985/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đối với đình Hưng Học, phường Nam hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Theo Quyết định này, khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ. Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Đình Hưng Học, nằm ở xóm Đình thôn Hưng Học, sau đổi thành xóm 3 xã Nam Hòa, huyện Yên Hưng, nay là Khu 3, phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Vị trí của đình nằm ở trung tâm khu Hưng Học, phường Nam Hòa; nhân dân lấy tên làng (Hưng Học) đặt tên đình Đình Hưng Học. Làng Hưng Học nhiều lần thay đổi tên gọi: Khi mới được quai đê lấn biển lập làng gọi là làng Huyền Quang, sau kiêng húy đổi thành làng Tả Quan, rồi làng Quan, làng Hương, sau là làng Hưng Học.

Đình Hưng Học được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII. Hiện nay, đình đã trải qua nhiều lần trùng tu. Theo Thần tích – thần sắc xã Hưng Học do Cửu phẩm bá hộ Lý trưởng xã Hưng Học Hoàng Văn Đạm chép năm 1938 viết: Đức Vũ Hoàng Đào là người làng Hưng Học đỗ Giám sinh thời Lê, sau hiển linh hộ nước giúp dân trừ ôn dịch nên được phong làm Thành hoàng phụng thờ”. Ngoài ra, đình Hưng Học còn thờ Huyền Quang tổ sư, tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử làm thành hoàng làng. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, đình làng được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII.

Thuở ban đầu đình được dựng ở gần chùa Hưng Học, cách vị trí đình hiện nay khoảng 500m. Đến đời vua Thiệu Trị năm 1841 mới chuyển về xây dựng ở vị trí hiện nay ở xóm Đình nay là khu 3 phường Nam Hòa. Đến đời vua Tự Đức (1875) dân làng trùng tu lần nữa. Năm Ất Hợi 1935 trùng tu lần cuối. Năm 1994 nhân dân địa phương sửa lại hậu cung đình. Trong suốt chiều dài lịch sử, quá trình bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích đình Hưng Học đến nay vẫn giữ được kiến trúc điêu khắc đình làng truyền thống, được thể hiện trên các cấu kiện gỗ nguyên gốc của đình làng xưa, như: các bức cốn, đầu dư, đầu bẩy được chạm kênh bong, chạm nổi. Các vì kèo gồm hai cột cái, hai cột quân, theo kiểu “thượng thu hạ thách”, trên có câu đầu, giá chiêng bụng lợn, kẻ chuyền với các bức cốn và câu đầu đón mái, họa tiết chạm khắc hoa văn vân mây tiêu biểu cho điêu khắc đình làng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.

Gắn với những nét độc đáo trong kiến trúc đình Hưng Học là các vị thần có công và được tôn làm thành hoàng Vũ Hoàng Đào. Thần là người họ Vũ làng Hưng Học khi chết hiển linh được vua phong sắc làm Bản thổ Thành hoàng, Thông Minh Hình Tướng và là thần trừ ôn dịch giúp dân. Được dân làng suy tôn là đệ tam Thần Hoàng (Tượng thần Vũ Hoàng Đào được thờ ở miếu Chính phủ ven bờ đê sông Rút cách đình Hưng Học khoảng 1.500m về hướng Tây Nam).

Ngoài ra, dân làng Hưng Học còn xin xá lị của Đức Huyền Quang, tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ở chùa Côn Sơn về xây tháp mộ Đức Huyền Quang tại khuôn viên chùa Hưng Học và tạc tượng Đức Huyền Quang để thờ ở đình làng, xin vua phong sắc cho Đức Huyền Quang làm Thành hoàng của làng.

Các nguồn tư liệu đã dẫn cho thấy Tiên công Thành hoàng Vũ Hoàng Đào là danh nhân trong lịch sử, có công đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, giữ gìn biển đào và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đã tạo dựng lên vùng đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh trù phú, phát triển như ngày nay.

Đình Hưng Học có kiến trúc nghệ thuật khá đẹp, trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: Sắc phong, câu đối, nậm rượu bằng sứ men màu lam trang trí hình rồng thời Lê, 6 kiếm gỗ có bao gỗ sơn son thếp vàng, 3 bài vị bằng gỗ sơn son thếp vàng, 2 lộc bình chất liệu bằng đồng chạm nổi hình tứ linh.

Hàng năm, từ ngày 12 đến 15 tháng Giêng âm lịch, nhân dân tổ chức lễ đại kỳ phúc tại đình Hưng Học. Trong lễ hội, có nghi lễ rước tượng thành hoàng từ miếu về đình cúng tế 3 ngày rồi lại rước về miếu.

Văn Cường t/h