Tu bổ, tôn tạo di tích chùa Tứ Ân, tỉnh Bắc Giang
Ngày đăng: 10/06/2021
Ngày 08/6/2021, Bộ VHTTDL có văn bản số 1871/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Bắc Giang về việc thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ, tôn tạo chùa Tứ Ân thuộc di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Tại văn bản, Bộ VHTTDL thỏa thuận Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ, tôn tạo tam quan, gác chuông, sân, đường và tường bao phía trước di tích chùa Tứ Ân thuộc di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà, với nội dung: bổ sung thang gỗ lên tầng 2 và chuông tại gác chuông; xây mới tường bao bằng đất (theo phương pháp xây dựng tường đất hiện có bao gồm các đoạn tường phía trước khu nội tự); tôn tạo đường vào phía trước di tích và sân, vườn di tích (khu A, B, C).

Tuy nhiên, Bộ VHTTDL lưu ý, không xây dựng hạng mục Tam quan (công trình Tam quan chùa Bổ Đà với quy mô mặt bằng 03 gian 02 chái, 02 tầng mái đã được Bộ VHTTDL thỏa thuận tại Công văn số 4401/BVHTTDL-DSVH ngày 31/10/2016, vì vậy, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đề xuất gọi tên công trình là gác chuông và xây dựng bổ sung 1 công trình Tam quan mới là không đúng với căn cứ xây dựng Tam quan đã được Bộ VHTTDL thỏa thuận tại Công văn số 4401/BVHTTDL-DSVH, do vậy, không đủ cơ sở để trong một ngôi chùa cùng có 2 Tam quan).

Đồng thời, điều chỉnh phương án tường bao xây mới theo hướng đấu nối vào 2 bên tường hồi công trình gác chuông hiện có và nghiên cứu phương án thiết kế chiều cao, độ dày tường, cũng như vật liệu xây dựng tường… đảm bảo hài hòa và phân biệt được với hệ thống tường bao hiện có của di tích. Không bố trí tiểu cảnh (các cụm tiểu cảnh ký hiệu TC A-1, TC A-2, TC B-1, TC B-2) và trồng cau ta trong vườn khu A và khu B (vườn bên trái và vườn bên phải).

Điều chỉnh thiết kế lầu vọng cảnh theo hướng công trình có bờ nóc. Nội dung chữ đúc trên chuông cần có sự thống nhất của Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang trước khi thực hiện. Không sử dụng đèn cây có phong cách Châu Âu để chiếu sáng sân, vườn di tích.

Công văn số 1871 của Bộ VHTTDL

Bộ VHTTDL có ý kiến để UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo cơ quan chức năng bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích tại địa phương để tạo sự đồng thuận trước khi triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.

Kế hoạch tu bổ, tôn tạo chùa Tứ Ân nằm trong Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó, tại Quyết định 111/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên, Bắc Giang.

Theo Quyết định, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ các điểm di tích (chùa Tứ Ân, chùa Cao, am Tam Đức, vườn Tháp, ao Miếu, khuôn viên cảnh quan di tích) thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Bổ Đà (Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ) và toàn bộ các thôn Hạ Lát và Thượng Lát liền kề bao quanh khu di tích (khu vực chịu ảnh hưởng và có tác động trực tiếp và gián tiếp đến di tích).

Quần thể di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà. Ảnh: internet

Khu di tích chùa Bổ Đà là một danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa nay. Tương truyền chùa Bổ Đà có từ thời Lý, được tu bổ, tôn tạo và trở thành nổi tiếng vào thời Lê Trung Hưng, khi đó vua Lê Dụ Tông niên hiệu Bảo Thái 1720-1729, có vị quan tên là Phạm Kim Hưng quê ở làng Bình Vọng, huyện Thượng Phúc, Hà Tây (nay thuộc huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội), sau khi từ quan về quê lập nghiệp đã vân du đến vùng đất Bổ Đà này, nghe các cao tăng giảng đạo và khi đắc đạo ông đã đem tất cả bổng lộc có được trong thời kỳ làm quan đem ra để trùng tu, mở mang di tích và chọn đây là nơi đào tạo các tăng đồ của thiền phái Lâm Tế.

Chùa Bổ Đà có tên chữ là Tứ Ân Tự, tên thường gọi là chùa Quan Âm Núi Bổ, dân trong vùng vẫn gọi tắt là chùa Bổ. Trải qua thời gian với những thăng trầm của lịch sử di tích đã nhiều tu bổ tôn tạo song ngôi chùa vẫn giữ được những giá trị lịch sử kiến trúc nghệ thuật đặc sắc và là 1 trong 2 chốn tổ lớn của tỉnh Bắc Giang. Hiện nay khu di tích chùa Bổ Đà gồm nhiều hạng mục lớn nhỏ, trong đó có 4 hạng mục chính là chùa Cao, am Tam Đức, chùa Tứ Ân, vườn Tháp.

Tứ Ân là một trong những hạng mục chính của khu di tích chùa Bổ Đà. Chùa được xây dựng vào thời vua Lê Dụ Tông (thế kỷ 18) và được trùng tu tôn tạo vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX-XX) và những năm gần đây. Chùa có bố cục kiến trúc theo kiểu nội thông ngoại bế, tức nhìn từ ngoài vào chùa được bao bọc bởi hệ thống tường trình bằng đất, bên trong gồm 16 toà ngang dãy dọc với hơn 90 gian liên hoàn thành hình chữ Hoắc. Dấu ấn khác biệt của chùa Tứ Ân so với hệ thống các ngôi chùa cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam chính là thờ Tam Giáo (gồm Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo).

Kho mộc bản kinh Phật ở chùa Tứ Ân. Ảnh: internet

Với chức năng là nơi đào luyện tăng đồ của Thiền phái Lâm Tế, đến nay chùa Tứ Ân còn lưu giữ được gần 2000 mộc bản kinh Phật cổ bằng gỗ thị được san khắc từ năm 1740 và nhiều đời cao tăng sau này. Trên những tấm mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng./.

 

Thúy Hằng t/h