Những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa
Ngày đăng: 28/06/2021
Chùa Trường Sa
Giữa trùng dương mênh mông, những tưởng chỉ có sóng gió, bão giông khắc nghiệt, nhưng không, bất cứ ở đâu khi có người dân đất Việt sinh sống thì ở đó có đình chùa, miếu mạo. Những ngôi chùa ở các hòn đảo ngoài quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) là những địa điểm linh thiêng, khẳng định Phật giáo có mặt và đồng hành cùng người dân vùng biển đảo.

Hiện nay Trường Sa có 6 ngôi chùa ở các đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh, Sinh Tồn. Nếu chùa Song Tử Tây tọa lạc trước ngọn hải đăng cao vút, thì ngôi chùa ở Trường Sa tọa lạc ở cạnh đường băng, chùa Sinh Tồn sát bên cụm 7 hộ gia đình dân cư sinh sống. Chùa ở đảo Sơn Ca tọa lạc giữa triền cát trắng, tiếp giáp với ngọn hải đăng, phía đón những tia nắng bình minh đầu tiên mỗi ngày. Chùa ở đảo Nam Yết, Phan Vinh lại nằm ở sát cạnh bờ biển, từ bên trong sân chùa Vinh Phúc nhìn ra sẽ thấy hai cây cột sừng sững, cảnh vật uy nghiêm và mái chùa cong cong in trên nền biển xanh.

Chùa Trường Sa Lớn

Chùa Trường Sa Lớn tọa lạc giữa khu trung tâm thị trấn Trường Sa, trên đảo Trường Sa lớn, khuôn viên chùa khá rộng, vuông vức.

Chùa được xây dựng theo phong cách truyền thống, một gian, hai chái. Bước vào cổng, qua sân là đến vườn chùa. Tòa chính điện xây theo lối truyền thống, mái ngói cong có đầu đao. Nguyên liệu được sử dụng bằng nhiều loại gỗ quý có sức chịu đựng độ mặn của nước biển.

https://nhandan.vn/imgold/images/Anh/2013/05/vh-trsalon4.jpg

Tượng phật ngọc tại chùa Trường Sa Lớn

Phật điện có pho tượng Phật bằng đá quý màu trắng, nguồn gốc là Phật ngọc chùa Vàng ở Myanmar. Cơ duyên Phật ngọc ngự trong chùa đến từ món quà của Liên đoàn Phật giáo Thế giới tặng nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân chuyến thăm Thủ đô Yangon và được nguyênThủ tướng kính tặng lại chùa Trường Sa Lớn. Trong thư gửi, Thủ tướng phát tâm nguyện:

“Mong đức Phật phù hộ độ trì: Cho quân dân huyện đảo Trường Sa bình yên, mạnh khỏe, hạnh phúc, thắng lợi. Cho nước Việt Nam hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cho vùng biển Đông, cho các quốc gia trong khu vực và thế giới sống trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng phát triển, cùng thịnh vượng”.

Chùa Trường Sa Lớn thực sự là điểm tựa tâm linh của cư dân trên đảo và những ngư dân đang đánh cá ngoài khơi xa; là cột mốc chủ quyền thể hiện tâm nguyện về cuộc sống yêu hòa bình, hướng thiện, bình yên.

Chùa Song Tử Tây

https://nhandan.vn/imgold/images/Anh/2013/05/vh-songttay2.jpg

Chính điện chùa Song Tử Tây.

Chùa tọa lạc trên đảo Song Tử Tây, hòn đảo xa nhất trong Quần đảo Trường Sa, là ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa.

Chùa Song Tử Tây được xây dựng theo phong cách truyền thống, có tam quan hai tầng tám mái, chính điện ba gian hai chái, hai nhà tả hữu vu, vườn chùa trồng nhiều loại cây đặc sản của Trường Sa như cây phong ba, cây bàng vuông.

Chùa Song Tử Tây, hợp với ngọn Hải đăng và Tượng đài Anh hùng Dân tộc Trần Hưng Đạo, thành một quần thể kiến trúc, văn hóa, dân sinh, tâm linh và lịch sử, tiêu biểu, thuần túy Việt Nam trên biển Đông.

Chùa Sinh Tồn

https://nhandan.vn/imgold/images/Anh/2013/05/vh-sinhton2.jpg

Chùa Sinh Tồn

Chùa Sinh Tồn nhỏ hơn chùa Song Tử Tây, tọa lạc sát cạnh khu dân cư trên đảo Sinh Tồn, có diện tích khoảng 500m2, mang dáng vẻ một ngôi chùa làng điển hình đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, một gian hai chái, tường bao trổ hoa, và vườn chùa xinh xắn, với những cây phong ba, cây bồ đề được trồng trong sân chùa.

Chùa Vinh Phúc

Chùa Vinh Phúc nằm trên đảo Phan Vinh, tọa lạc gần biển, cổng chùa cách bờ biển chỉ vài mét. Xưa kia chùa chỉ là chiếc am nhỏ được nhiều đời ngư dân đi đánh cá dựng lên để cầu cho những chuyến đi biển bình yên, bội thu tôm cá. Về sau chùa được trùng tu khang trang, rộng rãi. Chùa được xây dựng theo phong cách truyền thống một gian, hai chái.

Chùa Vinh Phúc trên đảo Phan Vinh

Ngay trong sân chùa Vinh Phúc có đặt tấm bia ghi danh 64 liệt sĩ đã hi sinh tại đảo Gạc Ma vào ngày 14/3/1988. Đối diện là quả chuông được đúc bằng đồng, các pho tượng trong chùa đều bằng đá thạch anh trông rất uy nghiêm.

Chùa Sơn Linh

http://thainguyen.gov.vn/documents/130158/0/1.Chua+son+linh2.jpg/6a529b9b-3247-4f02-8e1f-8211f87f721a?t=1579953566247

Chùa Sơn Linh trên đảo Sơn Ca

Chùa Sơn Linh nằm trên đảo Sơn Ca giữa triền cát trắng, tiếp giáp với ngọn hải đăng phía Đông đón những tia bình minh đầu tiên mỗi ngày. Chùa Sơn Linh với mái chùa cong vút là nét kiến trúc độc đáo của những ngôi chùa Việt Nam. Theo Đại đức Thích Nguyên Hòa, người đã tình nguyện ra trụ trì các chùa ở Trường Sa chia sẻ: Ở đảo, người dân vẫn giữ nếp truyền thống ngày rằm, đầu tháng là đi chùa lễ Phật, nghe giảng đạo pháp, còn những ngày thường, họ đến phụ quét dọn nhà chùa. Ngư dân mỗi khi có dịp vào đảo cũng dành thời gian vào chùa lễ Phật cầu an. Mỗi khi tụng kinh niệm phật, Đại đức Thích Nguyên Hòa luôn cầu nguyện Đức Phật phù hộ cho cán bộ chiến sĩ trên đảo có sức khỏe dẻo dai, bà con đi biển yên lành, làm ăn thuận buồm xuôi gió bởi sóng gió biển khơi khó lường.

Chùa Sơn Linh là sự linh thiêng, từ cán bộ chiến sĩ và người dân, ngư dân khi vào lễ chùa nơi linh thiêng sẽ thấy lòng thanh tịnh, nhẹ nhàng.

Chùa Nam Huyên

Chùa Nam Huyên nằm trên đảo Nam Yết được xây dựng kiên cố với hàng cột và bậc tam cấp bằng đá nguyên khối. Hoa văn điêu khắc của chùa có hình sóng biển.

http://thainguyen.gov.vn/documents/130158/0/3.2.Chua+Nam+Yet.jpg/d91ef775-fbef-42fb-8268-a28331cbfc1b?t=1580053121724

Chùa Nam Huyên trên đảo Nam Yết

Theo Đại đức Thích Tâm Tri, trụ trì chùa Nam Huyên là một trong những nhà sư thành tâm phát nguyện làm nhiệm vụ phật sự nhiều năm trên đảo, ở đất liền sư trụ trì có đệ tử giúp việc, đỡ đần, còn ở đảo mọi thứ đều phải tự túc, tự lo. Khó khăn nhất là làm thế nào để bảo đảm đủ rau củ quả dùng hàng ngày. Bởi có khi chỉ qua một đêm, toàn bộ vườn rau chăm như chăm trẻ đã bị gió lớn xóa sạch; để gây dựng lại phải mất cả tháng. Đảo tuy ít dân nhưng công việc phật sự vẫn được tiến hành thường xuyên. Ngày rằm và đầu tháng mọi người đều đến chùa thắp hương thực hành lễ Phật.

https://btnmt.onecmscdn.com/2020/04/29/anh-4-.png

Hàng năm có nhiều tăng, ni, phật tử ra thăm đảo

Điểm chung của các chùa trên quần đảo Trường Sa là đều hướng về thủ đô Hà Nội, được xây dựng theo phong cách truyền thống. Những dòng chữ trên các câu đối, hoành phi đều được viết bằng chữ quốc ngữ. Ngoài chức năng thờ Phật, trong khuôn viên các chùa đều có ban thờ anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Những ngôi chùa ở Trường Sa không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của cư dân huyện đảo và ngư dân mà còn là sự thể hiện cụ thể và sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt nơi biển, đảo. Chùa ở Trường Sa thể hiện nét văn hóa với cốt lõi là tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo, đồng thời là những cột mốc tâm linh khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc vùng biển, đảo Trường Sa./.

NN tổng hợp