Đình Sen Hồ - Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia
Ngày đăng: 07/10/2022Nếu có dịp đến với bất cứ làng quê nào của vùng Kinh Bắc nói chung và mảnh đất Việt Yên (Bắc Giang) nói riêng chúng ta đều dễ dàng nhận ra các công trình kiến trúc đình, chùa, đền, miếu, lăng, mộ. Đó là những di tích tín ngưỡng và tôn giáo, là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của dân làng. Ở Việt Yên trước đây có một làng cổ tên gọi Sen Hồ hay còn gọi là Liên Hồ, thuộc tổng Mật Ninh, huyện Yên Dũng, phủ Bắc Hà, trấn Kinh Bắc. Nay làng Sen Hồ thuộc thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên. Nơi đây nổi tiếng có di tích kiến trúc, nghệ thuật đình Sen Hồ được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVII - XVIII). Đình Sen Hồ nằm cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 12 km về phía Tây Nam.
Đình Sen Hồ được khởi dựng vào thời hậu Lê, ban đầu ở địa phận ngõ Nếnh Trần có tên là Vọng Trần đình. Đình Vọng Trần khi đó do Tả đô đốc, Hán quận công Thân Công Tài công đức gỗ để làm đình. Thân Công Tài (1620 - 1683) là người Như Thiết - xã Hồng Thái đã công đức tiền và ruộng để làm nghè Nếnh và được 7 xã tôn thờ làm hậu Thần, thờ cúng ở nghè Nếnh vào năm Đức Nguyên thứ nhất (1674). Từ những diễn biến chứng cứ lịch sử trên, ta có thể đoán định, đình Sen Hồ được xây dựng cùng thời gian nghè Nếnh hoặc trước, hoặc sau năm 1674. Đến năm Bính Thân, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 12 (1716) đình Vọng Trần được di chuyển về khu vực giữa làng, trên địa điểm hiện nay thuộc xóm Thày và đổi tên là Vọng Liên đình.
1. Quy mô kiến trúc
Toàn cảnh di tích nhìn từ trên cao
Trải qua sự thay đổi của thời gian, của lịch sử, đình Sen Hồ đã được tu sửa nhiều lần. Căn cứ vào các kết cấu kiến trúc, các mảng chạm khắc còn lưu giữ ở đình cho biết vào thời Nguyễn, đình Sen Hồ được tu sửa lớn.
Đình Sen Hồ hiện nay toạ lạc trên một thế đất đẹp, cao ráo, thoáng mát, nhìn về hướng Tây Nam. Trước cửa đình có khu ao làng rộng lớn. Đình Sen Hồ hiện nay có quy mô kiến trúc bao gồm toà tiền đình và tòa hậu cung tạo thành bố cục hình chữ Đinh (J). Trên cổng đình có bức đại tự ghi tên và năm đắp 1999 - Vọng Liên đình. Mái đình lợp bằng ngói mũi, nờ nóc tạo hình lưỡng long chầu nguyệt. Các bờ dải được gắn hình hoa chanh đẹp. Đình Sen Hồ được tạo đẹp hơn bởi bốn đao kép ở bốn góc toà tiền đình hình lá cúc lật. Đầu đao uốn cong thanh thoát nhằm làm giảm đi sự thô cứng, nặng nề của di tích mà vẫn không mất đi vẻ uy linh cổ kính.
Mặt trước đình Sen Hồ
Toà tiền đình bao gồm ba gian, hai chái, với bốn vì chính, hai vì chái, mỗi vì 6 hàng chân cột. Kết cấu kiến trúc gồm hai kiểu: Gian giữa kiểu thượng con chồng, giá chiêng, cốn mê, hạ kẻ bẩy. Vì gian bên có kết cấu thượng kèo kìm, độc trụ cánh báng, cốn chồng hạ kẻ bẩy. Trên các kết cấu kiến trúc như kẻ, bẩy, con chồng, đấu kê, cốn… đều được chạm khắc tinh xảo. Toà hậu cung gồm hai gian, bên trong có đặt án thờ, trên án thờ có nhiều đồ thờ như bài vị, mũ, giá văn, long đao… Kết cấu vì của toà hậu cung theo kiểu con chồng, giá chiêng, kẻ bẩy.
Kết cấu vì nóc tòa Tiền đình |
Kết cấu vì nóc tòa Tiền đình |
Các cấu kiện bên trong đình Sen Hồ đều được làm bằng loại gỗ tứ thiết chắc khỏe. Kết cấu chịu lực tòa tiền đình được tạo bởi 4 vì chính, 2 vì chái, mỗi vì gồm 6 hàng chân cột. Các vì tòa tiền đình được gắn kết theo những kiểu thức không giống nhau: Hai vì gian giữa có kết cấu vì kiểu biến thể giá chiêng tiền bẩy, hạ bẩy. Hai vì gian chái có kết cấu vì nóc kiểu kèo kìm, trụ ván; vì nách kiểu con chồng đấu kê. Hai vì phụ gian chái có kết cấu vì kiểu trụ trốn, kẻ suốt. Giữa các vì được liên kết với nhau bởi hệ thống xà thượng, xà trung và xà hạ cùng hệ thống hoành, dui mè. Kết cấu khác nhau giữa các vì tạo nên sự phong phú về kiến trúc.
Hậu cung đình Sen hồ tạo bởi 2 gian tường xây gạch chỉ, ngoài phủ vữa, mái lợp ngói mũi, bờ nóc xây gạch ngoài phủ vữa gắn dải gạch rỗng hoa chanh. Kết cấu chịu lực bên trong được tạo bởi 3 vì, mỗi vì 2 hàng chân cột. Kết cấu vì nóc theo kiểu con chồng trụ giá chiêng, vì nách kết cấu kiểu kẻ ngồi. Các cấu kiện gỗ được bào trơn đóng bén. Bên trong hậu cung các đồ thờ tự được bày đặt trang trọng trên thượng cung.
2. Chạm khắc, trang trí
Có thể nói giá trị lớn nhất của đình Sen Hồ là nghệ thuật trang trí kiến trúc. Đến nay đã hơn 300 năm trôi qua nhưng các mảng chạm khắc vẫn khá nguyên vẹn như ngày đầu khởi tạo. Tất cả các cốn trước, cốn sau, đầu dư, kẻ, bẩy… đều được nghệ nhân xưa trang trí bằng các mảng chạm lộng, chạm kênh bong, chạm nổi kết hợp với nhau điêu luyện, tinh tế, nhuần nhuyễn vô cùng. Đề tài trang trí ở đây rất phong phú: Long nhả ngọc, tiên nữ cưỡi rồng, sư tử vờn cầu… mang đậm phong cách nghệ thuật chạm khắc thời Lê-Nguyễn.
Nét chạm khắc mang phong cách thời Lê (thế kỷ XVII-XVIII) được thể hiện ở các đầu dư tòa tiền đình. Các đầu dư tòa tiền đình được chạm khắc hình đầu rồng với râu và đao mắt có hình lưỡi mác tù bay ngược ra đằng sau, miệng rộng, mũi sư tử, răng nanh to nhọn, nhìn rất dữ tợn. Hình phượng trên kẻ hiên trước tòa tiền đình, các dải mây lửa hình lưỡi mác tù chạm trên đầu bẩy tòa tiền đình là những mảng chạm mang phong cách đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVIII. Các nghệ nhân dân gian áp dụng phổ biến thủ pháp chạm nổi, chạm kênh bong-là sự kết hợp của hai thủ pháp chạm nổi và chạm lộng, tạo thành nhiều lớp, nhiều không gian, ngay trên một khối gỗ, một đề tài.
Các mảng chạm khắc đề tài rồng |
Chạm khắc đề tài rồng trên kẻ hiên |
Nét chạm khắc mang phong cách thời Nguyễn (cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX) được thể hiện ở các chi tiết cấu kiện dày đặc hơn và chủ yếu là trong tòa tiền đình. Đó là: Ở hệ thống kẻ hiên (hai vì gian chái), và hệ thống bẩy hiên (ở hai vì gian giữa) phía trước với nét chạm khắc hình vân mây, lá cúc lật, các vân mây xoắn hình chữ S rất tinh xảo. Trên kẻ trước tòa tiền đình có chạm hình chim phượng sải hai cánh rất độc đáo. Trên mỗi đấu kê được chạm khắc tinh xảo, phong phú: đề tài thuyền có khắc chữ Thọ, hình quả đào. Nét chạm khắc to, mập. Nghệ thuật chạm khắc thời Nguyễn (cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX) dày đặc nhất trong đình Sen Hồ phải kể đến đó chính là các mảng chạm ở các bức cốn nách trên các vì của tòa tiền đình. Nét chạm khắc được nghệ nhân dân gian xưa vận dụng các thủ pháp, kỹ thuật chạm truyền thống: Chạm nổi, kênh bong, chạm lộng ...sáng tạo ra những tuyệt tác có giá trị với nhiều đề tài phong phú: hình mây lưỡi mác, mây lửa, hình tượng tứ linh: "long, ly, quy, phượng", "long vân đại hội", "long hóa cúc"... Cùng là đề tài tứ linh: "long, ly, quy, phượng" mỗi mảng cốn lại được thể hiện khác nhau.
Theo quan sát nghệ thuật chạm khắc các bức cốn nách ở tòa tiền đình từ phải sang trái, từ trong ra ngoài ta nhận thấy các chi tiết tập trung chủ yếu ở hai vì gian giữa tòa tiền đình cụ thể như sau:
Vì 1: Mảng cốn mê phía trước, ở mặt phải chạm khắc đề tài vân mây cách điệu với những nét chạm tinh xảo. Ở mặt trái được chạm khắc đề tài tứ linh: "long, ly, quy, phượng" trong đó hình tượng rồng là chủ thể, được chạm to ở trên cùng, rồng có bộ mặt dữ tợn, năm đao, tóc dựng ngược lên và miệng phun nước. Rồng ở đây biểu tượng cho thần quyền nên các con vật linh khác đều nhỏ hơn và ở phía dưới. Hình tượng con ly có năm bờm duỗi, quay đầu nhìn lên rồng; ngang với con ly là chim phượng đang sải cánh rộng trong tư thế múa lượn. Xung quanh bức cốn là hoa văn mây tảng rộng, bờm rồng, bờm ly, cánh phượng đều tỏa ra theo mây. Mảng cốn mê phía sau gần hậu cung chạm khắc mặt hổ phù trông khá dữ tợn với mũi to, mắt lồi, miệng há rộng.
Các mảng chạm khắc với đề tài vân mây và tứ linh |
Các mảng chạm khắc đề tài tứ linh trên bức cốn |
Vì 2: Mảng cốn mê phía trước, ở mặt phải được chạm khắc đề tài giống với mặt trái, phía trước của mảng cốn vì 1. Ở mặt trái được chạm khắc hình rồng những là hình rồng đơn, xung quanh là hình vân mây đuôi và râu rồng trang trí kiểu lá cúc lật. Các vân mây xung quanh rồng biến thể thành lá cúc dây. Rồng ẩn nấp sau các đám mây hệt hình tượng "long vân đại hội". Mảng cốn phía sau gần hậu cung là những trang trí cũng mang đề tài tứ linh, nhưng rồng ở đây lại được thể hiện bằng lá cúc (long hóa cúc). Con rùa được thể hiện rùa ngậm vân mây và mang trên lưng thư và bút, con ly được chạm khắc đang trong tư thế vờn cầu rất sinh động. Chim phượng được thể hiện là lá cúc dây biến thể…
|
|
Chạm khắc đề tài “long vân đại hội” trên bức cốn trong đình
Các đầu dư tòa tiền đình được chạm khắc hình đầu rồng với râu và đao mắt hình lưỡi mác tù bay ngược ra đằng sau, miệng rộng, mũi sư tử, răng nanh to nhọn, nhìn rất dữ tợn. Các nghệ nhân dân gian áp dụng phổ biến thủ pháp chạm kênh bong-là sự kết hợp của hai thủ pháp chạm nổi và chạm lộng, tạo thành nhiều lớp, nhiều không gian, ngay trên một khối gỗ, một đề tài.
Ở phía trước hậu cung có hai mảng cốn khá rực rỡ. Hai mảng cốn là hai con rồng chầu canh giữ trước "cửa cấm". Hình tượng con rồng thật dữ tợn: mũi gồ, miệng bạnh nhìn rõ răng nanh, bờm rồng có 5 dải dựng đều nhau, tai rồng là lá cúc biến thể, đuôi rồng là một dạng đuôi gù gồm 5 dải tỏa ra xoáy ngược chiều kim đồng hồ. Rồng xoáy vòng tròn chia hai nửa thành hai nửa của vòng âm dương. Các vân mây đều biến thành lá cúc lật.
|
|
Cửa võng trước cửa cấm hậu cung cũng rất hài hòa điêu luyện. Nó được gắn liền che kín hết phần thô của kết cấu bộ vì. Phần diềm của cửa võng phía trên là hình: "lưỡng long chầu nhật". Hình tượng con rồng khá mềm mại, chau chuốt bởi hệ thống đao, vân mây...phần diềm xung quanh của võng là hệ thống hoa lá cúc lật.
Trang trí trên cửa võng trước hậu cung
Có thể thấy, thông qua các mảng chạm khắc trong di tích đình Sen Hồ cho ta thấy, đây là một ngôi đình được khởi dựng vào cuối thế kỷ XVII đầu XVIII. Với đề tài tứ linh, tứ quý ở nhiều vị trí khác nhau, nhiều góc nhìn khác nhau, nghệ nhân dựng đình xưa đã để lại một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật hoàn hảo về điêu khắc gỗ thế kỷ XVII-XVIII ở vùng trung du huyện Việt Yên nói riêng, của tỉnh Bắc Giang nói chung. Hiện nay, trong di tích đình Sen Hồ, ngoài những kết cấu kiến trúc, các mảng chạm khắc tinh tế còn lưu giữ được một số hiện vật và đồ thờ tự có giá trị lịch sử, văn hóa như: nguồn di sản Hán Nôm là những bức đại tự, hoành phi, câu đối ca ngợi cảnh đẹp và con người nơi đây. Các hiện vật như: ngai thờ, bài vị, chấp kích, mũ thờ, bát hương gốm...góp phần làm tăng thêm giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật cho di tích.
Bên cạnh giá trị cơ bản về mặt kiến trúc nghệ thuật, đình Sen Hồ còn là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Hằng năm, lễ cúng tế lớn nhất tại đình chính là ngày sinh nhật đức thánh Tam Giang ngày 5 tháng Giêng. Ngoài ra ngày lễ đình còn tổ chức cúng tế vào các ngày: ngày 10 tháng 4 âm lịch (ngày giỗ Đức Thánh): lễ vật gồm hoa quả, hương đăng, cau trầu...; ngày 15 tháng 4 âm lịch (ngày giỗ Thánh Mẫu); ngày 13 tháng 8 âm lịch (cúng cơm mới): lễ vật rượu, xôi, thịt, hoa quả...
Với những giá trị về kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đình Sen Hồ đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 2013 theo quyết định số 670/QĐ-BVHTTDL ngày 07/02/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch./.
ThS. Nguyễn Thị Duyên
|
|