Chùa Tam Bửu - Di tích lịch sử quốc gia tại An Giang
Ngày đăng: 12/10/2022
Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, do Bổn sư Ngô Lợi sáng lập ngày 05/5 năm Đinh Mão 1867 (âm lịch) tại Cù lao Ba, tỉnh An Giang. Sau nhiều biến cố lịch sử, ông đã chọn khu vực Núi Tượng, nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang làm nơi hoằng khai đạo pháp.

Ngoài vai trò là giáo chủ, ông còn được biết đến là một tu sĩ yêu nước, có công khẩn hoang, lập làng ở vùng đất mới, vận động tín đồ lập chùa, miếu… làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, điểm tựa tinh thần cho nhân dân trong vùng. Một trong những ngôi chùa ấy phải kể đến là chùa Tam Bửu (Tam Bửu tự), được xem là công trình trung tâm của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Chùa Tam Bửu nhìn từ Núi Tượng

Chùa Tam Bửu tọa lạc tại đường Liên Hoa Sơn, khóm An Định A, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Chùa được khởi dựng ngày 26/6/1882 bằng cây lá, theo lối kiến trúc “Thượng lầu, hạ hiên”. Nóc chùa được tạc hình quả bầu màu vàng, có ba ngấn tượng trưng cho vũ trụ  và Thiên – Địa – Nhân; trên miệng trái bầu có chữ Vạn, màu vàng, tượng trưng cho vạn pháp quy nguyên. Hình tượng quả bầu ba ngấn với chữ vạn phía trên cũng là biểu tượng của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Chùa Tam Bửu, trung tâm của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Chùa Tam Bửu cổ kính và theo lối hành đạo của Phật giáo Tứ ân Hiếu nghĩa là “Tứ đại trọng ân”, nên chùa có trên 30 bàn thờ cúng từ gian chính điện ra tận ngoài cột phướn. Chùa thờ trên là Hội Đồng Thượng Phật, kế Trung Thiên Giáo Chủ; Thích Ca Mâu Ni;…

Chùa Tam Bửu còn là nơi đặt thờ ngôi Long Đình, một cổ vật do Bổn Sư Ngô Lợi thiết kế và làm bằng gỗ cây Cam Đàn ở Thất Sơn cách đây hơn 115 năm. Ngoài ra, trong chùa hiện trưng bày một số cổ vật từ thế kỷ 19.

Chùa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 10/7/1980. Chùa nằm trong quần thể di tích lịch sử quốc gia “Chùa Tam Bửu – Chùa Phi Lai – Nhà mồ Ba Chúc”. Đặc biệt, tại Nhà mồ Ba Chúc - nơi lưu giữ 1.159/3.157 bộ hài cốt, là chứng tích của vụ thảm sát diệt chủng Pôn Pốt năm 1978 mà phần lớn nạn nhân là tín đồ của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Ngôi Long Đình

Cổ vật trưng bày tại chùa

Chùa Tam Bửu hiện nay ngoài chính điện còn nhiều gian phụ như nhà khách, nhà bếp, phòng nghỉ, đảm bảo cho tín đồ và khách hành hương về tham dự các sự kiện, lễ trọng của đạo.

Hằng năm, chùa có các lễ trọng như: Đại Lễ Tam hợp, mùng 5/5 âm lịch (Ngày Đản sinh Bổn Sư – Ngày Bổn Sư thành đạo – Ngày Khai đạo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa), Lễ Vía Đức Bổn Sư ngày 12,13/10 âm lịch và các lễ Thượng ngươn (Rằm tháng Giêng), Trung ngươn (Rằm tháng Bảy âm lịch), Hạ ngươn (Rằm tháng 10 âm lịch). Ngoài ra, hằng năm vào ngày 16/3 âm lịch, tại chùa và Nhà mồ Ba Chúc tổ chức Lễ giỗ tập thể các nạn nhân vụ thảm sát diệt chủng Pôn Pốt năm 1978.

Hiện nay, chùa Tam Bửu được xem là Tổ đình Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, khuôn viên chùa là nơi đặt Văn Phòng Ban Tri sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Trải qua nhiều thăng trầm, chứng tích của lịch sử, năm 2016, chùa được khởi công trùng tu, xây dựng với 09 hạng mục: Văn phòng, hội trường, chính điện, nhà khách, nhà khói, nhà mộc, cột cờ, thư viện, cổng chùa và hàng rào.

Ngày 02/6/2022, Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa tổ chức Lễ khánh thành công trình di tích chùa Tam Bửu giai đoạn 1. Công trình có ý nghĩa góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của văn hóa địa phương và truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân An Giang, kết nối các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống trong tỉnh.

Cổng chùa Tam Bửu được trùng tu, xây dựng khang trang

Khuôn viên chùa Tam Bửu hiện nay

Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc, có nhiều đóng góp trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tổ đình Tam Bửu được xem là trung tâm của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đồng thời là di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi căn cứ kháng chiến của nghĩa binh trong thời kỳ ấy. Nằm trong quần thể di tích cấp Quốc gia “Chùa Tam Bửu – Chùa Phi Lai – Nhà mồ Ba Chúc”, chùa Tam Bửu là địa điểm tham quan, du lịch không thể bỏ qua khi có dịp đến An Giang./.

 

Tiến Lên