Giới thiệu đạo Cao Đài ở Việt Nam
Ngày đăng: 14/07/20211. Khái quát về đạo Cao Đài
1.1. Quá trình hình thành và phát triển của đạo Cao Đài
Đạo Cao Đài tên gọi đầy đủ là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ, ra đời năm 1926 tại ấp Long Trung, xã Long Thành, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh do một số công chức, tư sản, địa chủ, trí thức sáng lập và phát triển chủ yếu ở các tỉnh, thành phố Nam Bộ.
Đầu thế kỷ XX, tư tưởng Tam giáo đồng nguyên (Phật, Lão, Nho) ở Việt Nam có xu hướng giảm xuống nhưng hoạt động của nhóm Ngũ chi Minh đạo (Minh Sư, Minh Lý, Minh Đường, Minh Tân, Minh Thiện) tăng mạnh đã làm hồi sinh tư tưởng Tam giáo đồng nguyên. Cùng lúc đó, phong trào Thông linh học của phương Tây phát triển mạnh tại Nam Bộ với các hình thức “xây bàn” tương tự như tục cầu hồn của người Việt và cầu cơ của nhóm Ngũ chi Minh đạo đã tạo thành phong trào cầu cơ, chấp bút gọi tắt là “cơ bút”. Trong các đàn cơ này có hai nhóm chính hình thành đạo Cao Đài. Nhóm thứ nhất do ông Ngô Văn Chiêu cầu cơ tại các đền, chùa, phật đường theo truyền thống cơ bút thuộc nhóm Ngũ chi Minh đạo. Nhóm thứ hai gồm các vị: Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Phạm Công Tắc (nhóm Cao - Phạm) tổ chức xây bàn cầu cơ theo kiểu Thông linh học phương Tây. Năm 1926, hai nhóm cơ bút nói trên thống nhất hình thành đạo Cao Đài, ông Ngô Văn Chiêu được thiên phong phẩm vị Giáo tông đầu tiên của đạo Cao Đài.
Ngày 29/9/1926, một số vị chức sắc đứng đầu các đàn cơ và tín đồ đã thống nhất kí tên vào tờ khai đạo gửi chính quyền Pháp. Ngày 19/11/1926, những chức sắc đầu tiên của đạo Cao Đài đã tổ chức lễ khai đạo tại tỉnh Tây Ninh và chính thức ra mắt đạo Cao Đài.
Ông Ngô Văn Chiêu sau khi có công lớn sáng lập đạo Cao Đài đã không nhận chức Giáo tông tại Tây Ninh mà về Cần Thơ thành lập phái Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi, thực hiện đường hướng tu luyện theo pháp môn “vô vi” không phổ độ, không thành lập tổ chức giáo hội.
Sau ngày khai đạo, những chức sắc lãnh đạo giáo hội Cao Đài tiến hành xây dựng Toà thánh Tây Ninh và cơ sở hạ tầng, từng bước hoàn chỉnh hệ thống bộ máy tổ chức hành chính đạo từ Trung ương đến cơ sở. Do một số bất đồng trong điều hành giáo hội, một số chức sắc lãnh đạo giáo hội Cao Đài đã tách ra và về địa phương thành lập các tổ chức Cao Đài mới như: Cao Đài Chơn Lý, Cao Đài Tiên Thiên, Cao Đài Ban Chỉnh đạo,… Tại Tây Ninh, số chức sắc ở lại tiếp tục điều hành hoạt động của đạo Cao Đài. Cao Đài Tây Ninh là tổ chức tôn giáo, có Toà thánh Tây Ninh, có số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ lớn nhất trong các Hội thánh Cao Đài. Một số tổ chức Cao Đài sau khi dời Tòa thánh Tây Ninh về các địa phương thành lập tổ chức Cao Đài mới đã xây dựng đường hướng hành đạo tiến bộ, sớm có tinh thần yêu nước và vận động đông đảo chức sắc, tín đồ tích cực ủng hộ cách mạng, tham gia kháng chiến chống ngoại xâm. Tuy bị chia rẽ thành nhiều tổ chức khác nhau nhưng số lượng tín đồ và cơ sở thờ tự của đạo Cao Đài vẫn phát triển rộng khắp các tỉnh Nam Bộ đồng thời đã tạo ra vị thế mới cho đạo Cao Đài trong xã hội đương thời. Chia rẽ, phân ly là đặc điểm nổi bật của đạo Cao Đài từ năm 1930 đến năm 1975. Thời gian này, đạo Cao Đài chia rẽ thành nhiều tổ chức Cao Đài khác nhau, có lúc lên đến 30 tổ chức. Trong các tổ chức Cao Đài này có khoảng 10 tổ chức là hoạt động theo đúng chân truyền của đạo Cao Đài và tồn tại đến nay.
Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã công nhận tổ chức tôn giáo đối với 10 Hội thánh Cao Đài, 21 tổ chức Cao Đài hoạt động độc lập và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo đối với 01 pháp môn Cao Đài.
1.2. Các Hội thánh, tổ chức Cao Đài
1.2.1. Hội thánh Cao Đài Tây Ninh
Cao Đài Tây Ninh là tổ chức Cao Đài đầu tiên tiếp nhận Tân luật, Pháp Chánh truyền xây dựng Tòa thánh Tây Ninh và kiến trúc hạ tầng, xây dựng hệ thống bộ máy tổ chức hành chính đạo từ Trung ương đến cơ sở. Trong quá trình phát triển, với yếu tố là nơi tổ chức lễ khai đạo thành lập đạo Cao Đài, Cao Đài Tây Ninh luôn giữ đúng theo chân truyền về giáo lý, luật lệ, lễ nghi. Hệ thống tổ chức hành chính đạo đa dạng, chặt chẽ từ Hội thánh đến Họ đạo, có cơ quan giám sát các hoạt động tôn giáo và các cơ quan phục vụ hoạt động thiện nguyện đối với cộng đồng,…
Năm 1997, Cao Đài Tây Ninh được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân thành lập tổ chức giáo hội theo Hiến chương và đường hướng hành đạo mới. Hiện nay, Cao Đài Tây Ninh có hơn 1 triệu tín đồ, phạm vi hoạt động ở 35 tỉnh, thành phố, 28 tỉnh, thành phố có Ban Đại diện Hội thánh, 400 Ban Cai quản Họ đạo, 532 cơ sở tôn giáo với 387 Thánh thất và 145 Điện Thờ Phật Mẫu, hơn 2000 chức sắc nam nữ được Hội thánh bổ nhiệm hành đạo từ Trung ương đến địa phương và trên 15.000 chức việc nam, nữ hành đạo tại cơ sở, hoạt động tôn giáo ngày càng ổn định, nền nếp.
1.2.2. Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo
Cao Đài Ban Chỉnh đạo là tổ chức tôn giáo có số lượng tín đồ đứng thứ hai sau Cao Đài Tây Ninh, có Tòa thánh tại Bến Tre. Năm 1934, hai vị chức sắc cao cấp là Đầu sư Nguyễn Ngọc Tương và Đầu sư Lê Bá Trang cùng một số chức sắc, tín đồ đã dời Toà thánh Tây Ninh về Bến Tre thành lập Cao Đài Ban Chỉnh đạo để thực hiện việc chỉnh đốn nền Đạo theo đúng Tân luật, Pháp Chánh truyền. Với phương châm hành đạo và đường hướng tu hành thuần tuý đạo đức, Cao Đài Ban Chỉnh đạo đã thu hút đông đảo các Họ đạo tham gia. Lập trường tu hành của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương tiến bộ gắn bó với dân tộc, ông đã thể hiện bằng việc ngầm phong chức cho chức sắc, tín đồ của Hội thánh có tư tưởng yêu nước và bãi nhiệm những chức sắc có tư tưởng tiêu cực. Dưới sự lãnh đạo của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, Cao Đài Ban Chỉnh đạo có đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, ủng hộ cách mạng và tích cực tham gia kháng chiến cứu quốc.
Năm 1997, Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo tổ chức Đại hội Đại biểu Nhơn sanh lần thứ nhất, thông qua Hiến chương, bầu cơ quan lãnh đạo Hội thánh là Thượng hội, Ban Thường trực và được Nhà nước công nhân tư cách pháp nhân.
1.2.3. Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên
Cao Đài Tiên Thiên có tiền đề hình thành từ năm 1920 ở Nam Bộ. Đây là tổ chức Cao Đài có ba đời Giáo tông yêu nước, điều này cho thấy lịch sử hình thành và phát triển của Cao Đài Tiên Thiên đã gắn liền với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc qua hai thời kỳ kháng chiến cứu quốc. Với truyền thống lịch sử đó, Cao Đài Tiên Thiên là Hội thánh đầu tiên được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân năm 1995. Hiện nay, Cao Đài Tiên Thiên có trên 100 nghìn tín đồ, gần 2 ngàn chức sắc và 126 Thánh tịnh ở 16 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở các tỉnh Nam Bộ.
1.2.4. Hội thánh Cao Đài Minh Chơn đạo
Năm 1928, Ngọc Chưởng pháp Trần Đạo Quang dời Tòa thánh Tây Ninh về Cà Mau thành lập Cao Đài Minh Chơn đạo với ý nghĩa làm sáng tỏ chân lý của đạo Cao Đài đã thu hút đông đảo tín đồ chủ yếu là nông dân nghèo ở vùng Cà Mau, Bạc Liêu vào đạo. Với phương châm lấy tu “nhơn đạo” làm nền tảng, xem việc cứu khổ nhơn sanh là công quả cao nhất của người tu hành, xây dựng tình thương yêu đoàn kết, tương trợ giúp đỡ, chăm lo đời sống thiết thực cho nhơn sanh, Cao Đài Minh Chơn đạo đã tập hợp chức sắc, tín đồ tu hành rèn luyện đạo đức con người để xây dựng xã hội đại đồng. Dưới sự lãnh đạo của Ngọc Chưởng pháp Trần Đạo Quang và Thái Chưởng pháp Cao Triều Phát, Cao Đài Minh Chơn đạo đã nêu cao tinh thần yêu nước vận động chức sắc, tín đồ tham gia kháng chiến cứu quốc, góp phần cùng nhân dân giành độc lập, tự do cho đất nước.
Cao Đài Minh Chơn đạo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân năm 1996. Hiện nay, Cao Đài Minh Chơn đạo có gần 1 ngàn chức sắc, hơn 1 ngàn chức việc, trên 30 ngàn tín đồ, 49 Thánh thất ở 4 tỉnh (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang).
1.2.5. Hội thánh Truyền Giáo Cao Đài
Truyền Giáo Cao Đài do các ông: Lê Trí Hiển, Trần Nguyên Chất, Trần Quốc Luyện, Nguyễn Quang Châu,… sáng lập từ những năm 1939 và tổ chức thành lập Hội thánh năm 1956 do ông Trần Văn Quế làm Chủ trưởng, có Tòa thánh Trung Hưng Bửu Toà ở Đà Nẵng. Truyền Giáo Cao Đài có lập trường hành đạo "thuần chơn vô ngã, thuần túy đạo đức", xây dựng tổ chức giáo hội chặt chẽ.
Hội thánh Truyền Giáo Cao Đài thực hiện giáo lý, giáo luật, lễ nghi theo Tân luật, Pháp Chánh truyền. Trong quá trình phát triển, Hội thánh Truyền Giáo Cao Đài tích cực vận động thống nhất các tổ chức Cao Đài như: Cao Đài Liên đoàn (1936), Liên hòa Tổng hội (1937), Cao Đài Duy nhất (1951), Cao Đài Thống Nhất (1952). Năm 1996, Truyền Giáo Cao Đài được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân.
Hiện nay, Truyền Giáo Cao Đài có khoảng 50.000 tín đồ, 63 Thánh thất, cơ sở đạo, phạm vi hoạt động ở 17 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở Trung Bộ.
1.2.6. Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan
Đầu năm 1930, một số người ở miền Trung vào Sài Gòn làm ăn, sinh sống đã nhập môn vào đạo Cao Đài tại Thánh thất Cầu Kho. Sau đó, họ trở về quê hương truyền đạo hình thành những nhóm Cao Đài ở Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên,… Năm 1937, Cao Đài Cầu Kho - Hội thánh Trung Việt Tam Quan chính thức ra đời. Năm 1960, Cao Đài Cầu Kho Tam Quan đã xây dựng tổ chức giáo hội theo Tân luật, Pháp Chánh truyền.
Năm 2000, Cao Đài Cầu Kho Tam Quan tổ chức Đại hội Đại biểu Nhơn sanh thông qua Hiến chương, đường hướng hành đạo mới và được Nhà nước công nhận tổ chức tôn giáo. Hiện nay, Cao Đài Cầu Kho Tam Quan có khoảng 9 ngàn tín đồ, hơn 200 chức sắc, 300 chức việc và 28 Thánh thất ở 8 tỉnh, thành phố.
1.2.7. Hội thánh Cao Đài Chiếu Minh Long Châu
Cao Đài Chiếu Minh Long Châu có nguồn gốc hình thành từ năm 1928, khi một số chức sắc dựng nhà đàn đầu tiên bằng lá cây, lấy tên là Chiếu Minh Tự tại xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Hậu Giang). Năm 1947, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến của cách mạng, chức sắc, tín đồ Cao Đài Chiếu Minh Long Châu phá bỏ Chiếu Minh Tự để vừa tu hành, vừa đánh giặc.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Toà thánh Long Châu là cơ sở nuôi giấu, che chở, bảo vệ cán bộ cách mạng. Tại Toà thánh đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh chống sự đàn áp, bắt bớ của Mỹ - Nguỵ. Cao Đài Chiếu Minh Long Châu đã tham gia vào Liên giao I năm 1956 và Liên giao II năm 1972. Hội thánh chủ trương vừa tu phổ độ, vừa tuyển độ phái đạo, được tổ chức theo luật Ngọc đế Chơn truyền, xây dựng Hội thánh lưỡng đài, lưỡng phái, thực hiện đường lối hành đạo là tu hành gắn bó với dân tộc, đoàn kết đấu tranh, phụng đạo yêu nước.
Ngày 1/5/1996, Cao Đài Chiếu Minh Long Châu đã tổ chức Đại hội Đại biểu Nhơn sanh lần thứ nhất thông qua Hiến chương, đường hướng hành đạo mới và bầu ra Ban Thường trực Hội thánh. Hiện nay, Cao Đài Chiếu Minh Long Châu có hơn 100 chức sắc, 200 chức việc, gần 3 ngàn tín đồ với 14 Họ đạo, hoạt động ở 2 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang.
1.2.8. Hội thánh Cao Đài Chơn Lý
Năm 1932, Phối sư Nguyễn Văn Ca dời Tòa thánh Tây Ninh về Mỹ Tho thành lập Cao Đài Chơn Lý với phương châm hành đạo làm sáng tỏ chân lý của nền đạo Cao Đài. Năm 1971, Cao Đài Chơn Lý được chính quyền đương thời công nhận tư cách pháp nhân, có Tòa thánh Định Tường ở Mỹ Tho. Năm 2000, Cao Đài Chơn Lý tổ chức Đại hội Đại biểu Nhơn sanh thông qua Hiến chương, đường hướng hành đạo mới và được Nhà nước công nhận tổ chức tôn giáo (Quyết định số 16/2000/QĐ-TGCP ngày 14/3/2000 của Ban Tôn giáo Chính phủ).
Cao Đài Chơn Lý thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế bằng Thánh tượng Tâm nhãn (con mắt trong trái tim) thay cho thờ Thiên nhãn theo quy định của đạo Cao Đài. Cao Đài Chơn Lý xây dựng hệ thống chức sắc, tổ chức bộ máy khác với Tân luật, Pháp Chánh truyền của đạo Cao Đài. Cao Đài Chơn Lý thực hiện kinh sách theo Đuốc Chơn Lý, Luật Bình quân, Thánh giáo sưu tầm,… Hiện nay, Cao Đài Chơn lý có hơn 6 ngàn tín đồ, gần 2 ngàn chức sắc và 28 Thánh thất ở 11 tỉnh, thành phố.
1.2.9. Hội thánh Cao Đài Bạch Y
Cao Đài Bạch Y do các ông Tô Bửu Tài, Trương Minh Tòng sáng lập năm 1936, có Thánh tòa Ngọc Kinh ở Kiên Giang. Cao Đài Bạch Y cơ bản hoạt động theo quy định của đạo Cao Đài và hành đạo theo kinh luật Ngọc Đế Chơn truyền Tân Ước Tri nguyên. Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, Cao Đài Bạch Y đã tích cực tham gia hoạt động yêu nước, đấu tranh hợp pháp, bảo vệ các cơ sở cách mạng, vận động tu sĩ không đi lính cho giặc.
Năm 1998, Cao Đài Bạch Y đã tổ chức Đại hội Đại biểu Nhơn sanh thông qua Hiến chương, Luật công cử chức sắc, đường hướng hành đạo mới và được Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang công nhận tư cách pháp nhân. Hiện nay, Cao Đài Bạch Y có khoảng 5.000 tín đồ, hơn 100 chức sắc, 200 chức việc, 14 Thánh thất, phạm vi hoạt động ở 4 tỉnh, thành phố.
1.2.10. Giáo hội Cao Đài Việt Nam (Bình Đức)
Cao Đài Việt Nam (Bình Đức) được hình thành từ năm 1961, có Toà thánh Trung ương đặt tại xã Bình Đức nay là xã Trung An, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Cao Đài Việt Nam (Bình Đức) thực hiện tôn chỉ, mục đích là tôn thờ Thượng đế và các đấng Phật, Tiên, Thánh, Thần nhằm giáo dân vi thiện, bài trừ mê tín dị đoan và xây dựng thuần phong mỹ tục. Giáo lý thực hiện theo giáo lý căn bản của đạo Cao Đài là đem lại tình thương yêu, dìu dắt nhơn sanh xây dựng lại chánh chơn cho nhân loại. Giáo luật dạy tín đồ giữ tròn đạo phận, làm điều lành, điều thiện, trung thực, thật thà, không sát hại sinh vật; chức sắc, tín đồ phải giữ trai giới hoặc trường trai. Cao Đài Việt Nam (Bình Đức) xây dựng tổ chức giáo hội, nghi lễ thờ phụng và hoạt động riêng theo Hiến pháp quy niệm, và Hồng chương Luật sử.
Năm 2011, Cao Đài Việt Nam (Bình Đức) được Nhà nước công nhận tổ chức tôn giáo, thông qua Hiến chương và đường hướng hành đạo mới. Hiện nay, Cao Đài Việt Nam (Bình Đức) có 01 Toà thánh, 09 Thánh thất, 16 trường quy và khoảng 5.000 tín đồ, 400 chức sắc, 300 chức việc hoạt động ở 4 tỉnh, thành phố: Tiền Giang, Bến Tre, Long An và Đồng Tháp.
1.2.11. Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi
Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi do ông Ngô Văn Chiêu, người đệ tử đầu tiên của đạo Cao Đài sáng lập. Năm 1927, ông Ngô Văn Chiêu không nhận phẩm Giáo tông tại Toà thánh Tây Ninh về Cần Thơ tu tịnh và lập cơ tuyển độ Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi.
Thời kỳ đầu của cơ tuyển độ hình thành ở các nhà đàn thuộc Minh Sư đạo, sau đó phát triển ở các đàn tư gia. Cao Đài Chiếu Minh quy định trên 10 đạo hữu được lập nhà đàn. Từ 24 vị đệ tử cấp nhất của ông Ngô Văn Chiêu đã truyền thừa cho hàng ngàn người tu theo Chiếu Minh. Cơ tuyển độ không thành lập tổ chức giáo hội, không có chức sắc hàng giáo phẩm. Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi thực hiện đường hướng hành đạo theo pháp môn tu hành của ông Ngô Văn Chiêu chuyên về tịnh luyện, nội giáo tâm truyền, không phổ độ mà giữ bí pháp chân truyền của đạo Cao Đài. Năm 1999, Thánh Đức Tổ đình tại Cần Thơ được công nhận tổ chức tôn giáo. Năm 2010, Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi được Nhà nước cấp đăng ký hoạt động tôn giáo với 08 nhà đàn trực thuộc và khoảng 3 ngàn người tu hành, hoạt động ở 7 tỉnh, thành phố.
2. THỰC TRẠNG ĐẠO CAO ĐÀI HIỆN NAY
2.1. Về số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ, cơ sở tôn giáo của các Hội thánh Cao Đài
- Chức sắc: hơn 13 ngàn
- Chức việc: hơn 26 ngàn
- Tín đồ: hơn 1,24 triệu
- Cơ sở tôn giáo: hơn 1.300
Số liệu thống kê số lượng tín đồ đạo Cao Đài hiện nay có sự chênh lệch giữa chính quyền nhà nước và tổ chức tôn giáo. Theo báo cáo của các Hội thánh Cao Đài năm 2020, tín đồ đạo Cao Đài có hơn 2,6 triệu. Lý do, một bộ phận tín đồ không khai nhận là tín đồ Cao Đài khi chính quyền tổ chức thống kê. Đối với tổ chức tôn giáo ở Hội thánh, Họ đạo đã kê khai số lượng tín đồ nhập môn vào đạo cùng toàn thể gia đình người tín đồ gồm người già và trẻ em chưa đến tuổi nhập môn nên có sự chênh lệch về số liệu thống kê.
2.2. Cơ cấu tổ chức của đạo Cao Đài
2.2.1. Tổ chức giáo hội cấp Trung ương
Tổ chức giáo hội được quy định trong Tân luật, Pháp Chánh truyền của đạo Cao Đài. Ở cấp trung ương Hội thánh có Toà thánh là nơi hoạt động của chức sắc lãnh đạo giáo hội. Về mặt tổ chức cấp Hội thánh có 3 Đài gồm: Bát Quái đài, Cửu Trùng đài và Hiệp Thiên đài. Đặc điểm về tổ chức giáo hội của đạo Cao Đài xây dựng trên cơ sở Trời và Người hợp nhất với nhau để giải quyết việc đạo.
Bát Quái đài của đạo Cao Đài thuộc phần vô hình, do Ngọc Hoàng Thượng Đế làm chưởng quản gồm các Giáo chủ của Tam giáo và Ngũ chi, Tam Trấn Oai Nghiêm được thờ tại Bửu điện nơi Toà thánh. Bát Quái đài có nhiệm vụ là cơ quan lập pháp, điều hành hoạt động của đạo Cao Đài thông qua hình thức cơ bút nơi Hiệp Thiên đài. Thực tế hiện nay, Bát Quái đài không còn chức năng lập pháp và điều hành hoạt động của đạo do đã ngừng sử dụng cơ bút từ năm 1927, đồng thời công việc điều hành hoạt động đạo do hai Đài: Cửu Trùng đài và Hiệp Thiên đài thực hiện.
Hiệp Thiên đài là cơ quan tư pháp của đạo Cao Đài, do chức sắc phẩm Hộ pháp đứng đầu. Hiệp Thiên đài có 2 nhiệm vụ: làm cơ quan trung gian giữa Bát Quái đài và Cửu Trùng đài thông qua cơ bút và làm cơ quan bảo vệ pháp luật của Đạo. Cơ quan Hiệp Thiên đài có 3 Chi: Chi Pháp, Chi Đạo và Chi Thế. Chi Pháp do chức sắc phẩm Hộ pháp phụ trách; Chi Đạo do chức sắc phẩm Thượng phẩm phụ trách; Chi Thế do chức sắc phẩm Thượng sanh phụ trách. Dưới phẩm Hộ pháp, Thượng phẩm, Thượng sanh là chức sắc phẩm Thập nhị Thời quân (12 vị Thời quân), chia ra mỗi Chi 4 vị, như Chi Pháp có 4 vị Thời quân là: Tiếp pháp, Khai pháp, Hiến pháp và Bảo pháp; Chi Đạo có 4 vị Thời quân là Tiếp đạo, Khai đạo, Hiến đạo và Bảo đạo; Chi Thế có 4 vị Thời quan là Tiếp thế, Khai thế, Hiến thế và Bảo thế. Thực tế hiện nay, cơ quan Hiệp Thiên đài chỉ hoạt động với nhiệm vụ là cơ quan bảo vệ pháp luật của đạo Cao Đài, giám sát cơ quan Cửu Trùng đài hoạt động theo pháp luật của đạo. Do việc ngừng sử dụng cơ bút từ năm 1928 nên cơ quan Hiệp Thiên đài không còn nhiệm vụ làm cơ quan trung gian giữa Bát Quát đài và Cửu Trùng đài.
Cửu Trùng đài là cơ quan hành pháp của đạo Cao Đài, thực hiện các nhiệm vụ truyền đạo, hành đạo, tổ chức thực hiện công việc đạo và giáo hóa nhân sinh tu hành. Cơ quan Cửu Trùng đài ở Hội thánh gồm có các cơ quan Cửu viện nam phái, Cửu viện nữ phái và các cơ quan giúp việc cho chức sắc phẩm Giáo tông, Chưởng pháp và Đầu sư. Chức sắc cơ quan Cửu Trùng đài có 9 phẩm, đứng đầu là phẩm Giáo tông, 9 phẩm chức sắc này đối phẩm với Cửu phẩm Thần Tiên nơi Bát Quái đài: 1. Giáo tông đối phẩm với Thiên Tiên (Phật vị); 2. Chưởng pháp đối phẩm với Nhơn Tiên; 3. Đầu sư đối phẩm với Địa Tiên; 4. Chánh Phối sư và Phối sư đối phẩm Thiên Thánh; 5. Giáo sư đối phẩm với Nhơn Thánh; 6. Giáo hữu đối phẩm với Địa Thánh; 7. Lễ sanh đối phẩm với Thiên Thần; 8. Ban Trị sự đối phẩm với Nhơn Thần; 9. Đạo hữu đối phẩm với Địa Thần. Cơ quan Cửu Trùng đài phân ra làm 2 phái: phái nam và phái nữ. Chức sắc mỗi phái có quyền hành riêng biệt. Chức sắc nữ phái có phẩm cao nhất là Đầu sư. Chức sắc bên nam phái được chia làm 3 phái: Thái, Thượng, Ngọc. Cơ quan Cửu viện nam phái dưới quyền phụ trách trực tiếp của các chức sắc phẩm Chánh Phối sư. Chức sắc phẩm Thái Chánh Phối sư phụ trách 3 Viện: Hộ viện, Lương viện, Công viện; chức sắc phẩm Thượng Chánh Phối sư phụ trách 3 Viện: Học viện, Y viện, Nông viện; chức sắc phẩm Ngọc Chánh Phối sư phụ trách 3 Viện: Hòa viện, Lại viện, Lễ viện. Tổ chức hành chính đạo cơ quan Cửu Trùng đài nữ phái cũng có 9 Viện như nam phái, nhưng nữ phái chỉ có một vị Nữ Chánh Phối sư, nên vị này phụ trách tất cả Cửu viện nữ phái.
2.2.2. Tổ chức cấp cơ sở
Trước đây, tổ chức hành chính cấp địa phương của đạo Cao Đài có 4 cấp gồm: Trấn đạo, Châu đạo, Tộc đạo và Hương Đạo. Trấn đạo là khu vực địa lý được giao phụ trách nhiều tỉnh, thành phố có đạo Cao Đài do chức sắc phẩm Giáo sư đảm nhiệm gọi là Khâm Trấn đạo. Châu đạo là địa bàn một tỉnh, thành phố có đạo Cao Đài do chức sắc phẩm Giáo hội đảm nhiệm gọi là Khâm Châu đạo. Tộc đạo là địa bàn một huyện, quận thuộc tỉnh, thành phố do phẩm Lễ sanh đảm nhiệm gọi là Đầu Tộc đạo. Hương đạo là địa bàn hành chính của một xã, phường do phẩm Chánh Trị sự đảm nhiệm được các chức việc Bàn Trị sự Hương đạo bầu lên gọi là Đầu Hương đạo.
Tộc đạo là cấp cơ sở của đạo Cao Đài hay còn gọi là Họ đạo. Mỗi Tộc đạo có một Thánh thất để thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế và quy tụ tín đồ tổ chức sinh hoạt tôn giáo. Về tổ chức hành chính, Tộc đạo có văn phòng giúp việc Đầu Tộc đạo do Đầu Phòng văn đảm nhiệm, nếu không có Đầu Phòng văn thì cử một Thư ký giúp việc Đầu Tộc đạo. Mỗi Tộc đạo hay Thánh thất có Ban Tứ vụ để điều hành việc đạo. Ban Tứ vụ gồm 4 vụ: Hộ vụ phụ trách việc thu chi tài chính; Lễ vụ phụ trách việc nghi lễ và sắp xếp các ban trực thuộc: lễ, nhạc, đồng nhi thực hiện tang sự cho người đạo; Lương vụ phụ trách về lương thực và quản lý nhà bếp; Công vụ phụ trách việc xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự và nhà làm việc của Tộc đạo. Ngoài ra, Lễ vụ còn có các ban chuyên môn trực thuộc gồm: Ban nhạc, Ban lễ sỹ, Ban đồng nhi, Ban kiểm đàn. Ban nhạc do một nhạc sỹ phụ trách. Ban lễ sỹ do một Lễ sỹ phụ trách. Ban đồng nhi do một Giáo nhi phụ trách. Ban kiểm đàn có nhiệm vụ sắp đặt và gìn giữ trật tự trong đàn cúng.
Thực tế hiện nay, tổ chức hành chính của đạo Cao Đài có một số thay đổi. Cấp Trung ương giáo hội tại Toà thánh có cơ quan Thượng hội và Ban Thường trực Hội thánh (hoặc Thường trực, Hội đồng Chưởng quản, Ban Điều hành) cùng cơ quan Cửu viện nam nữ và các cơ quan giúp việc Hội thánh tại Toà thánh. Cấp địa phương không còn Trấn đạo và Hương đạo. Châu đạo được gọi là Ban Đại diện Hội thánh hoạt động trên địa bàn một tỉnh, thành phố có nhiệm vụ hướng dẫn Ban Cai quản các Họ đạo trên địa bàn phụ trách hoạt động theo Hiến chương, luật đạo của Hội thánh. Đứng đầu Ban Đại diện Hội thánh ở tỉnh, thành phố là Trưởng Ban Đại diện. Tộc đạo được gọi là Họ đạo hoạt động trong phạm vi Thánh thất có Ban Cai quản phụ trách. Đứng đầu Ban Cai quản là Cai quản, có Phó Cai quản và Thư ký hoạt động theo nhiệm kỳ 3 năm hoặc 5 năm. Ngoài ra, Họ đạo còn có bộ phận Tứ vụ giúp việc Ban Cai quản và các thành viên Chánh Trị sự, Phó Trị sự, Thông sự cùng Ban Nghi lễ.
Tại các tỉnh, thành phố có đông chức sắc, tín đồ được thành lập Ban Đại diện hoặc Đại diện để giúp Hội thánh ở trung ương hướng dẫn các hoạt động tôn giáo ở cơ sở là Họ đạo. Hiến chương Cao Đài Tây Ninh quy định: “Ở tỉnh, thành phố có nhiều Họ đạo Cao Đài Toà thánh Tây Ninh thì Hội thánh bổ nhiệm Ban Đại diện Hội thánh; Ban Đại diện Hội thánh gồm 01 Trưởng ban và 02 đến 05 Phó Ban, chọn từ hàng Giáo hữu nam, nữ và tương đương trở lên do Hội thánh bổ nhiệm; Ban Đại diện Hội thánh có phận sự truyền đạt và hướng dẫn các Ban Cai quản Họ đạo thông hiểu và tổ chức thực hiện đúng các Đạo lịnh, Thánh lịnh, Huấn lịnh, Thông tri về Đạo sự của Hội thánh tới các Họ đạo,...”. Hiện nay, đạo Cao Đài có 64 Ban Đại diện, 16 Đại diện ở 35/38 tỉnh, thành phố.
Họ đạo là cấp cơ sở của đạo Cao Đài, nơi nào có 500 tín đồ trở lên được lập một Họ đạo có Thánh thất làm nơi thờ tự. Ban Cai quản có nhiệm vụ quản lý công việc tại Thánh thất, phụ trách 4 phòng Công - Lương - Thơ - Lễ. Ban Trị sự gồm các chức việc có nhiệm vụ lo về luật đạo giúp đỡ tín đồ chấp hành tốt và lo việc từ thiện chăm sóc cuộc sống của tín đồ tại địa phận quản lý./.
Vụ Cao Đài